Trường học Singapore tiếp tục được dùng Zoom
Sau ba ngày dừng sử dụng Zoom vì lý do bảo mật, ngày 13/4 các trường học tại Singapore được Bộ Giáo dục cho phép tiếp tục dùng ứng dụng này.
Ông Aaron Loh, người quản lý Phòng Công nghệ Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục Singapore, cho biết Bộ đã làm việc với đối tác Mỹ để xây dựng nền tảng bảo mật với ba lớp phòng thủ, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh khi sử dụng Zoom học online.
Các lớp bảo mật được khai thác chủ yếu dựa vào việc trao thêm quyền cho các thầy cô trong vai trò “host” của lớp học. Theo đó, ngoài việc tắt tiếng và xóa người lạ, các “host” có thể vô hiệu hóa việc chia sẻ màn hình, chặn khung chat và kích hoạt chế độ vô hiệu hóa lớp học khi có người lạ đột nhập.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Singapore cũng bổ sung một bước xác nhận danh tính khi đăng nhập Zoom. Chỉ khi xác nhận “chính chủ” và nhập mã xác nhận gửi về email hoặc điện thoại, giáo viên và học sinh mới có thể tham gia lớp học của Zoom. Tài liệu hướng dẫn sử dụng Zoom với các tính năng mới được gửi đến tất cả trường tại Singapore.
Học sinh Singapore dùng Zoom để học online. Ảnh: Wang Hui Fen/Strait Times
Cũng tại cuộc họp sáng 13/4, Bộ Giáo dục Singapore cân nhắc triển khai các phần mềm học online khác như Facebook Live hoặc Cisco WebEx trong trường hợp Zoom vẫn không đảm bảo vấn đề bảo mật.
Ông Loh nói thêm, học sinh cũng phải có ý thức hơn khi sử dụng Zoom, không chia sẻ mật khẩu lớp học cho người khác hoặc thực hiện các hành vi không phù hợp khi tham gia lớp học.
Video đang HOT
Đại diện phía Bộ Giáo dục Singapore khẳng định các phần mềm học trực tuyến là công cụ quan trọng để duy trì chương trình học khi các trường đóng cửa vì Covid-19. “Bộ sẽ tiếp tục làm việc với trường học, giáo viên và phụ huynh để đảm bảo tạo ra môi trường học tập an toàn cho học sinh”, ông Loh nói.
Ngày 10/4, Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu các trường không được sử dụng Zoom để dạy trực tuyến vì phần mềm này vi phạm các vấn đề bảo mật của người dùng. Trước đó 5 ngày, Sở Giáo dục thành phố New York, Mỹ cũng ra thông báo tương tự vì lo ngại các cuộc tấn công vào an ninh và quyền riêng tư cá nhân mang tên “Zoombombing”.
Zoom là phần mềm họp trực tuyến ảo, có thể tạo cuộc gọi nhóm tối đa 100 người. Khi Covid-19 bùng phát, hơn 20 quốc gia với 90.000 trường học sử dụng phần mềm này để giảng dạy trực tuyến.
Thanh Hằng
Từ sự cố bảo mật của Zoom: Phải giáo dục, nâng cao ý thức người dùng
Ứng dụng video trực tuyến Zoom đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam (chỉ riêng khối trường học có ít nhất 158 trường có học trực tuyến thông qua Zoom) đang bị cảnh báo về lỗi bảo mật khiến cho tin tặc có thể xâm nhập vào phá hoại.
Tuy nhiên tới thời điểm này, diễn biến mới về lỗi bảo mật còn thuộc về phía người dùng.
Một nhóm kín trên Facebook chuyên chia sẻ tên truy nhập, mật khẩu... Zoom.
Chia sẻ link để... phá lớp học
Trong khi lỗi bảo mật của Zoom đang được cảnh báo, trên một số nhóm Facebook kín đã xuất hiện tình trạng chia sẻ link về lớp học trên Zoom từ ID (tên truy nhập), mật khẩu, giờ học... để kêu gọi người ngoài vào quấy phá lớp học.
Trên một số group Facebook kín, các thông tin trên đã bị tiết lộ một cách cố tình nhằm kêu gọi người lạ vào phá lớp học. Cụ thể, trong một nhóm Facebook kín có tên "Share Zoom phá lớp***" một tài khoản đã đăng dòng trạng thái "Mai 8h sáng có buổi học, anh em vào xử lý hộ nhé" cùng với các thông tin như đã đề cập ở trên. Thậm chí, thông tin được tiết lộ gồm cả tên một số học sinh trong lớp. Quản trị viên của nhóm Facebook này còn "tư vấn thêm" rằng nên lấy tên những học sinh để được giáo viên dễ dàng cho tham gia vào lớp học.
Tình trạng người lạ không xác định vào quậy phá các lớp học trực tuyến qua ứng dụng Zoom không chỉ xảy ra tại Việt Nam. Mới đây tình trạng này đã xảy ra tại Singapore. Kẻ lạ thậm chí còn "khoe của quý" và quấy rối các nữ sinh bằng cách đòi xem ngực, khiến Bộ Giáo dục Singapore quyết định tạm ngừng sử dụng Zoom.
Trước đó tình trạng này cũng xảy ra tại một số trường học thuộc bang Connecticut (Mỹ) và đường link tham gia lớp học đã được cảnh sát xác định là do nội bộ học sinh trong lớp phát tán ra bên ngoài. Chính vì thế, trong một cảnh báo của FBI Boston đã khuyến cáo không được chia sẻ đường link các lớp học, cuộc họp trực tuyến qua ứng dụng Zoom ra các website, nhóm Facebook để tin tặc, đối tượng lạ từ bên ngoài vào phá hoại.
Chống "tin tặc trong ý thức" người dùng
Anh Toàn Thắng - cán bộ phụ trách mảng thiết bị dùng cho các giải pháp hội nghị video của một công ty công nghệ nước ngoài tại TPHCM - cho biết: "Tình trạng chia sẻ đường link các lớp học cho người ngoài vào quậy phá xảy ra gần đây là do những học sinh trong nội bộ lớp học tiết lộ ra. Trong trường hợp người lạ xâm nhập, nếu giáo viên (cũng đồng thời là quản trị viên lớp học - host) phát hiện ra thì có thể dùng quyền quản trị viên (host) mời đối tượng ra khỏi lớp học".
Với những trường hợp người lạ bên ngoài "đội tên" học sinh trong lớp, giáo viên vẫn có thể kiểm tra thông qua âm thanh (trao đổi) hay hình ảnh (hiển thị qua video). Trong trường hợp nhằm ngăn chặn kẻ xấu lẻn vào và bất ngờ tung ra các nội dung, hình ảnh phá hoại, khiêu dâm, bạo lực v.v..., anh Thắng cho rằng, giáo viên nên cài đặt sẵn chế độ Webinar theo đó chỉ có host mới có quyền quản lý về âm thanh (audio) và hình ảnh (video), học viên chỉ được phát biểu khi giơ tay và được giáo viên đồng ý.
Ở góc nhìn chuyên gia bảo mật, ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - cho rằng, một khi học sinh đã cố tình chia sẻ thông tin tài khoản lớp học Zoom (gồm ID, mật khẩu, tên) của mình hoặc lấy cắp từ bạn học phát tán ra cho người ngoài vào phá hoại thì vấn đề nằm ở ý thức. Hay nói cách khác, trong trường hợp này phải chống "tin tặc trong ý thức" người dùng.
"Chỉ có giáo dục, huấn luyện nâng cao ý thức để học sinh không chỉ biết bảo mật cho chính tài khoản của mình mà còn bảo vệ lớp học chung, không tiết lộ thông tin lớp học ra ngoài cho kẻ phá hoại. Nếu không, chẳng có giải pháp kỹ thuật nào có thể ngăn chặn triệt để được cả", ông Thắng nói. Song song đó, theo ông Thắng, các lớp học cần dần nâng cao biện pháp xác thực như bảo mật 2 lớp, xác thực qua vân tay...
TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc ứng dụng phần mềm Zoom được ưa chuộng là do chúng ta hay chạy theo thói quen, giáo viên thường chia sẻ kinh nghiệm cho nhau và cứ thế sử dụng.
Ở khía cạnh khác, ở Việt Nam, chưa có đơn vị nào có được hạ tầng để đáp ứng nổi số lượng người truy cập quá lớn, đường truyền như Zoom. Trong bối cảnh đó, giáo viên đành phải lựa chọn Zoom để giải quyết vấn đề tình thế.
"Tôi cho rằng không phải lúc nào cũng cần tương tác tức thời, hay dạy học đồng bộ. Nghĩa là không nhất thiết sử dụng Zoom hay ứng dụng nào có chức năng tương đương. Để có thể học được mọi lúc thì bài giảng phải luôn sẵn có trên mạng, để học sinh học bất cứ lúc nào cũng được", ông Ngọc chia sẻ. Theo ông Ngọc, giáo viên có thể chọn phương án tương tác không đồng bộ với học sinh, tốt nhất là qua nhóm email của từng lớp, từng giáo viên, hay qua facebook, qua nhóm chat... để trả lời thắc mắc, kiểm tra kiến thức học sinh qua các câu hỏi trực tiếp hay trắc nghiệm.
Với cách làm như trên thì không lo mạng bị nghẽn, không lo phải chờ đủ học sinh thì giáo viên mới giảng bài được và học sinh thậm chí không cần webcam (để chat video với giáo viên) mà vẫn học bài được.
"Điều quan trọng nhất là bài giảng tốt có thể đến với nhiều học sinh khác và giáo viên có thể cập nhật để nâng cao bài giảng trong kỳ tiếp theo. Đó là tính bền vững của giải pháp học trực tuyến" - TS Quách Tuấn Ngọc nhấn mạnh. - Huyên Nguyễn
THẾ LÂM
Lo ngại tính bảo mật, an toàn cho học sinh khi dạy học online Người lạ xâm nhập gửi hình nhạy cảm, gây ồn ào, nhắn tin quấy rối... là những điều mà không ít lớp học trực tuyến trong đợt nghỉ tránh dịch COVID-19 đang phải đối mặt. Và điều giáo viên, học sinh mong mỏi nhất là cơ quan chức năng có giải pháp để thầy và trò có những tiết học online hiệu quả,...