Trường học không bài tập về nhà ở Hong Kong
Hiệu trưởng một trường công lập ở Hong Kong (Trung Quốc) quyết định từ chối các bài kiểm tra năng lực, giảm giờ học lý thuyết và bài tập để tăng hoạt động thực hành.
Đó là một buổi chiều đầy nắng tại trường Tiểu học Baptist Rainbow, Hong Kong, Trung Quốc.
Sau bữa trưa thịnh soạn, học sinh chuẩn bị cho bài học kế tiếp. Tuy nhiên, thay vì trở lại lớp, các em hướng về phía ngoài trời để thực hiện một số dự án như dựng nhà bằng tre hoặc làm ôtô nhỏ bằng gỗ.
Chu Tsz-wing – hiệu trưởng trường tiểu học Baptist Rainbow – giải thích học sinh chỉ ngồi trong lớp vào buổi sáng. Sau giờ ăn trưa, các em sẽ được học cách tạo ra những sản phẩm mang lại lợi ích cho xã hội.
Thay vì học và làm cả đống bài tập, học sinh trong trường tham gia vào các dự án gần gũi với cuộc sống thực tế hơn. Ảnh: SCMP.
Chu thực hiện phương pháp tiếp cận này sau khi ông bỏ việc tại một trong những ngôi trường hàng đầu của thành phố và về làm hiệu trưởng tại Baptist Rainbow vào năm 2013.
“Suốt thời gian đó, xã hội tin rằng một trường học tốt là phải cho học sinh thật nhiều bài về nhà, dạy chúng những chương trình khó, như dạy trẻ lớp 2 chương trình của trẻ lớp 3 hay giao cho chúng nhiều bài tập theo chuẩn Đánh giá Hệ thống toàn Khu vực (TSA) và các bài tập bổ sung”, ông nói.
Điều này khiến ông băn khoăn: “Giáo dục như vậy liệu có tốt?”. Chương trình tiếp cận mới ra đời, gồm việc ngừng TSA. Vị hiệu trưởng giải thích nhà trường áp dụng nó để đưa những kiến thức gần với đời sống hơn cho học sinh.
Video đang HOT
Khi ông tới trường Baptist Rainbow, nơi này chỉ có 6 lớp học và gần như đóng cửa. Tuy nhiên, tình trạng đó tạo điều kiện cho ông có thể áp dụng phương pháp học mới.
Eliah Wong I-shun – học sinh lớp 5 – chuyển tới từ trường Tiểu học Kowloon Tong (ngôi trường hàng đầu trong thành phố) cách đây 3 năm. Em cảm thấy hạnh phúc hơn bởi không phải làm làm bài TSA cũng như có ít bài về nhà.
“Bài học ở trường cũ khá nặng. Con đã phải học chương trình sách lớp 2 khi mới học lớp 1. Khi đó, con còn chưa nắm vững kiến thức cơ bản”, em thông tin.
Dưới sự hướng dẫn của giáo viên cùng vài người bạn trong trường, cậu đang làm một chiếc xe, thứ có thể cung cấp thông tin theo thời gian thực về ô nhiễm không khí bằng cách sử dụng ứng dụng có thể giúp những người đang ốm tránh các khu vực ô nhiễm.
Năm ngoái, trường quyết định từ chối lời mời tham gia chương trình thử nghiệm TSA mới. Sau khi tham khảo ý kiến của phụ huynh và giáo viên, theo hướng dẫn của Văn phòng Giáo dục Hong Kong, trường cho biết phần lớn cha mẹ không muốn con họ tham gia.
Tuy nhiên, Baptist Rainbow sẽ nghiên cứu cách Đánh giá năng lực cơ bản trong năm nay. Ông Chu cho hay là trường công lập, trường phải tuân theo chính sách của Văn phòng Giáo dục. Thực tế, ông Chu khá quan tâm việc đánh giá các học sinh.
“Hàng loạt học sinh lớp 3 không thể làm bất cứ bài tập TSA nào. Nếu chúng không thể đạt mức trung bình, chúng ta có thể tìm cách cải thiện”, ông nói.
Người đàn ông này cho biết sau khi sử dụng công cụ Đánh giá năng lực cơ bản, nếu học sinh trường ông đạt bằng khoảng trung bình của TSA hoặc tốt hơn, điều đó chứng tỏ cách tiếp cận của trường là đúng và thậm chí có thể giúp thay đổi quan điểm của mọi người về giáo dục.
Đề cập một kỷ niệm, ông Chu chia sẻ: “Một người mẹ nói với tôi là con của bà thường kể về những căng thẳng và nghĩ đến chuyện tự sát. Tuy nhiên, sau khi chuyển trường, cậu bé từ bỏ ý định, muốn học để giúp đỡ mọi người”.
Theo Zing
Ngôi trường có 15 học sinh, 20 giáo viên ở Trung Quốc
Một ngôi trường làng ở Trung Quốc hiện chỉ có 15 học trò, đều là con em của những gia đình nghèo nhất.
Theo China Daily, ngôi trường có giáo viên đông hơn cả học trò này nằm ở làng Nhu Gia Đa, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Trước đây, trường có 400 học sinh. Các lớp học đều được xây dựng khang trang để phục vụ giảng dạy.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, số lượng học sinh ngày càng ít, bởi nhiều bậc phụ huynh dẫn con cái rời làng lên thành phố sinh sống. Họ hy vọng con em mình được hưởng điều kiện giáo dục tốt hơn.
Hiệu trưởng Lý Tuyết Bình cho biết những đứa trẻ còn học ở trường đến từ các gia đình nghèo nhất làng. "Có lẽ các em này cũng sẽ lên thành phố học khi cha mẹ có điều kiện kinh tế tốt hơn", bà nói.
"Những người bạn tốt nhất của em đều đi học trên thành phố. Chúng em chỉ có thể gặp và chơi với nhau vào các kỳ nghỉ lễ", nam sinh 11 tuổi Lý Tâm Thanh nói.
Bà Lý Tuyết Bình cũng cho hay giáo viên đông hơn học sinh cũng gây nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Dù rất cố gắng, nhiều "người lái đò" không khỏi buồn bã khi lớp học chỉ lác đác vài học trò.
Động lực học tập của 15 học sinh bị ảnh hưởng bởi thiếu sự cạnh tranh và hỗ trợ lẫn nhau.
Cho con em theo học trong môi trường giáo dục thành phố đang là xu hướng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Khi chưa ổn định về kinh tế, nhiều người đi làm ăn xa để con lại ở quê nhà cho ông bà chăm sóc.
Theo Zing
Khó giảm tải khi chương trình quá nặng Theo tinh thần giảm tải chương trình học ở cấp THCS, giáo viên sẽ được phép rà soát toàn bộ chương trình sách giáo khoa, cắt giảm và cập nhật kiến thức mới hơn. Các trường THCS của Hà Nội đang giảm tải chương trình học tập cho học sinh thông qua Hướng dẫn 791 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)....