Trường học hạnh phúc là khi học sinh được an toàn, vui vẻ
Đối với cô Đỗ Huyền Trang – GV Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội), khái niệm trường học hạnh phúc rất đơn giản.
Đó là khi GV hứng khởi với công việc, mỗi HS đều vui vẻ và an toàn khi tới lớp.
Cô giáo Đỗ Huyền Trang bên các học trò. (Ảnh tư liệu)
Chung tay xây dựng ngôi trường hạnh phúc
Thực tế, để có trường học hạnh phúc, trước hết, Ban Giám hiệu nhà trường phải luôn lắng nghe những chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của GV, , chung sức vì niềm vui của học trò.
Cô giáo Đỗ Huyền Trang chia sẻ: Trong mỗi lớp học, giáo viên thường xuyên trang trí bảng lớp theo chủ đề mỗi tháng tạo nên cảnh quan lớp học vô cùng sinh động và hấp dẫn. Ngay trong từng lớp học, các thầy cô giáo chúng tôi đã tạo được một góc thiên nhiên, giúp giáo viên và học sinh đều cảm giác thoải mái, thư giãn và đầy hứng khởi.
Thầy cô luôn nỗ lực để các em học sinh được học những tiết học hạnh phúc trong những lớp học hạnh phúc. Những giờ học Toán không còn khô khan toàn con số, những tiết Khoa học không còn mang nặng tính lý thuyết thay vào đó các em được trải nghiệm, được sáng tạo.
Ngoài ra, các em còn được tham gia vào các giờ hoạt động trải nghiệm đầy lý thú và bổ ích. Được nghe, được chơi, được thực hành và trải nghiệm cùng bạn bè, thầy cô là những gì mà các em được nhận lấy khi học tập và sinh hoạt tại trường.
Hơn cả những giờ học, các em còn cảm nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, tình yêu bao la từ trái tim người thầy thông qua hòm thư “Điều em muốn nói” – những tâm tư, tình cảm của các em được thầy cô chia sẻ, định hướng nhằm giúp các em được phát triển toàn diện.
“Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các trường học phải chuyển sang dạy học trực tuyến, nhưng tập thể CB,GV,NV trong nhà trường luôn phối hợp chặt chẽ với PH hướng dẫn tỉ mỉ, quan tâm đến từng cá nhân HS trong lớp để kịp thời tháo gỡ khó khăn đảm bảo phương châm “Tạm dừng đến trường – Không ngừng học”.
Nhà trường cùng giáo viên các lớp đã phát động ủng hộ phong trào “Máy tính cho em” để kịp thời gửi tặng những chiếc máy tính bảng hỗ trợ học sinh HCKK có đủ phương tiện tham gia học tập trực tuyến, tặng quà cho HS hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Video đang HOT
Chính những việc làm ấy đã gắn kết tập thể CB, GV, NV trong nhà trường như những thành viên trong đại gia đình lớn mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc mỗi khi nhớ về nhau” – cô Trang cho hay.
Trường học hạnh phúc là khi GV hứng khởi với công việc, mỗi HS đều vui vẻ và an toàn khi tới lớp. (Ảnh tư liệu)
Nỗ lực vì niềm vui và an toàn của học sinh
Chia sẻ kinh nghiệm khi gặp phải những tình huống giáo dục phức tạp, có thể dẫn tới sự nóng giận, không kiềm chế được hành động lời nói, cô Trang cho hay:
Tôi rất thích câu nói: “Nếu người thầy thực sự tôn trọng, thương yêu học sinh thì chắc sẽ ít nóng giận hơn và nếu có nóng giận cũng ít có hành động không hay hơn! Đó mới là gốc rễ của vấn đề!”.
Chính vì vậy, trong những lúc dạy học, bản thân tôi cũng gặp những tình huống làm mình nóng giận và điều đầu tiên tôi làm đó là tự nói với bản thân phải bình tĩnh, quay lại hít thở thật sâu và nghĩ đây là trách nhiệm của mình. Sau khi bình tĩnh tôi phải đi tìm cách giải quyết những tình huống đó để chính tôi và những em học sinh đó hiểu nhau hơn.
Đôi khi tôi viết ra giấy những điều tôi muốn nói với em học sinh để khi về nhà các em có thể tự đọc hoặc nhờ người nhà đọc cho em.
Hay có thể giải tỏa sự nóng giận của mình bằng cách tổ chức cho HS tham gia múa hát, tập thể dục hoặc chơi trò chơi để tôi có thể thật sự bình tĩnh hơn. Khi giảm dần được những sự nóng giận thì cô trò chúng tôi sẽ có được những tiết học, ngày học thật hạnh phúc. Kiếm chế nóng giận không dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được.
Với cô Trang, trường học hạnh phúc cũng bao hàm ở đó học sinh được an toàn về thân thể, tinh thần. Cụ thể như vấn đề hạn chế và kiểm soát bạo lực học đường, cô Trang nêu ví dụ: Với học sinh Tiểu học còn nhỏ tuổi khi bị bạo lực học đường sẽ cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, tâm lý lo lắng và ám ảnh. Có học sinh trở nên nhút nhát, không dám ra ngoài chơi, đến trường, không thể tập trung học tập.
Ngay cả những học sinh bị chứng kiến hành vi bạo lực học đường cũng bị ảnh hưởng tâm lý. Các em sẽ cảm thấy sợ hãi và cũng có thể hùa theo, ủng hộ hành vi này. Thậm chí nhiều khả năng các em có hành vi bạo lực trong tương lai.
Không chỉ ảnh hưởng đến học sinh mà còn ảnh hưởng đến chính gia đình các em. Khi thấy các em lo lắng và sợ hãi thì không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng.
Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của GV sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.
“Muốn có trường học hạnh phúc thật sự, thầy cô phải là chỗ dựa tinh thần tin cậy cho học trò, luôn tạo cho các em sự thân thiện, cởi mở để có thể giãi bày mọi khúc mắc. Các em vui vẻ và an toàn, luôn mong múon tới trường. Đó là minh chứng của việc chúng ta đã xây dựng trường học hạnh phúc thành công” – cô Trang nhận định.
Lan tỏa mô hình trường học hạnh phúc
Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của Unesco, mô hình Trường học hạnh phúc đã được triển khai và lan tỏa tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Học sinh Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hạnh phúc đến trường
Mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui
Cô Trịnh Linh Chi- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Định Công (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, nhà trường đã, đang và luôn phấn đấu xây dựng trường học hạnh phúc bằng nhiều biện pháp khác nhau. Trường học hạnh phúc có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh.
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường đều nhận được một niềm hạnh phúc, là nơi thể hiện rõ truyền thống tôn sư trọng đạo và yêu thương học sinh như con em mình của người Việt Nam.
Từ nền tảng của phong trào xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực, trường Tiểu học Định Công đã từng bước xây dựng "Trường học hạnh phúc" theo từng tiêu chí cụ thể như: Chú trọng đến môi trường sống xung quanh giáo viên và học sinh, luôn nỗ lực để tập thể nhà trường được hưởng một bầu không khí trong lành, môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp.
Nhà trường luôn duy trì đoàn kết nội bộ, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tạo nên môi trường làm việc thân thiện; mọi thành viên đều được tôn trọng. Hằng năm, nhà trường đều có chính sách tặng quà cho giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn, giảm học phí cho học sinh nghèo để con đường đến trường bớt một phần gánh nặng, thêm nhiều phần niềm vui.
Cùng với đó luôn động viên, khuyến khích giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng phương pháp dạy học tương tác, gợi mở giúp học sinh chủ động tìm hiểu và chiếm lĩnh tri thức mới; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào tiết dạy; mạnh dạn áp dụng những phương pháp dạy học mới, lấy học sinh làm trung tâm để tiếp cận bài học. Các tiết hội giảng, chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học luôn được ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo sát sao và yêu cầu giáo viên nghiêm túc thực hiện.
Để nâng cao tay nghề cho giáo viên, nhiều năm nay, nhà trường luôn tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp học nghiệp vụ ứng xử sư phạm, tiến tới khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhà giáo vi phạm đạo đức; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và học sinh. Do đó, trường Tiểu học Định Công luôn được phụ huynh tin tưởng, sĩ số nhà trường tăng nhanh qua từng năm học.
Cô Chi chia sẻ: Xây dựng trường học hạnh phúc là một chặng đường dài. Với tinh thần, thái độ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Định Công sẽ tiếp tục vun đắp ngôi trường hạnh phúc của mình, để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.
Học sinh Trường tiểu học Định Công được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa
Đề cao sự chia sẻ yêu thương
Bà Tạ Thị Minh Tâm - Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Mô hình "Trường học hạnh phúc" bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều cơ sở giáo dục, trong đó có các trường học quận Hoàng Mai nhằm lan tỏa những giá trị yêu thương, an toàn và tôn trọng trong các nhà trường.
Năm học 2021-2022, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các nhà trường trên địa bàn quận vẫn quan tâm triển khai thực hiện. Để xây dựng thành công mô hình này, các nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng bên cạnh xây dựng nền tảng tri thức, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương.
Để mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh cảm nhận được hạnh phúc khi đến trường rất cần sự thay đổi. Đó là thay đổi trong cách quản lý, quản trị trường học, điều hành lợp học, điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân.
Với mỗi cán bộ quản lý, thay cho việc kiểm soát, săm soi khuyết điểm của mỗi nhân viên, giáo viên thì cần hỏi họ có khó khăn gì không, khó khăn như thế nào và cần gì để giúp đỡ. Với mỗi giáo viên, thay cho việc chỉ tập trung vào bài dạy thì hãy làm mọi cách để bản thân hạnh phúc để lan tỏa hạnh phúc đến cho học sinh trong mỗi giờ học, bài học.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Việt Nam biểu dương ngành GD&ĐT quận Hoàng Mai đã mạnh dạn đi đầu, quyết liệt trong việc thực hiện chủ trương xây dựng trường học hạnh phúc. Các thầy cô của các nhà trường trên địa bàn quận đang làm rất tốt trong công cuộc xây dựng mô hình "Trường học hạnh phúc", mang lại nhiều cảm xúc cho nhiều cán bộ giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Để có được ngôi trường hạnh phúc người giáo viên cần phải có nhận thức, kỹ năng, để làm cho quá trình dạy và học không căng thẳng mang lại kết quả cao, trong đó quan trọng nhất là người hiệu trưởng. Hiệu trưởng phải là người thay đổi, là người thiết kế, tổ chức duy trì trường học hạnh phúc.
Bên cạnh đó, các thầy cô tổng phụ trách, chủ tịch công đoàn... cần nêu cao những phẩm chất cao quý vốn có đó là phẩm chất đạo đức, lòng yêu nghề, yêu trò, sự mẫu mực trong lối sống. Các thầy cô luôn yêu thương học trò bằng cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình, lan tỏa cho các con niềm tin và tình yêu vào cuộc sống, vào tương lai bằng chính những ứng xử đầy tính nhân văn của mình.
Bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội cho hay, thời gian qua Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai đã chỉ đạo phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" rất bài bản, chất lượng, hiệu quả. Từ đó chất lượng giáo dục của toàn quận đạt kết quả cao so với các quận huyện khác trên địa bàn thành phố.
Mô hình xây dựng trường học hạnh phúc của một số nhà trường trên địa bàn quận cần được tuyên truyền, nhân rộng. Ngoài những cách làm hay, thành công thì những khó khăn trong quá trình thực hiện cũng rất cần các thầy cô giáo mạnh dạn chia sẻ để các trường trên địa bàn thành phố học hỏi, rút kinh nghiệm.
Cầu Giấy sẵn sàng đón học sinh mầm non trở lại trường Dù đang trong ngày nghỉ lễ, song nhiều trường mầm non trên địa bàn quận Cầu Giấy, công tác chuẩn bị để đón trẻ quay trở lại trường học trực tiếp vẫn được gấp rút hoàn thành. Giáo viên trường Mầm non Ánh Sao làm vệ sinh khu vui chơi tại trường. Ngày 11/4, ngày cuối cùng trong dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ...