Trường học “hầm hập” chống nóng
Mới vào hè nhưng cái nóng oi ả ít nhiều khiến phụ huynh, lãnh đạo các trường học khối mầm non và tiểu học ở Hà Nội lo lắng. Chuyện mất điện, trường không có điều hòa hay phải đóng thêm tiền điện, mua điều hòa đã xảy ra.
Điều hòa: nơi có, nơi không
Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các trường mầm non và tiểu học khối công lập hay ngoài công lập đều đã lắp đặt hệ thống điều hòa.
Tại Trường mầm non Đống Đa, quận Đống Đa hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền Tâm cho biết: “16 lớp với hơn 1.000 học sinh của trường đều đã có điều hòa. Mỗi lớp ngoài 2 điều hòa còn có thêm 2 quạt trần và quạt treo tường đặt tại các góc khuất của phòng học”.
Từ năm 2010, toàn bộ số phòng học của Trường mầm non Xuân Đỉnh A, huyện Từ Liêm cũng đã được trang bị 2 điều hòa, 2 quạt trần và quạt treo tường cho mỗi phòng.
Thậm chí, tại Trường Mầm non hoa hồng, quận Cầu Giấy những phòng rộng có từ 6-8 điều hòa phục vụ học sinh, chưa kể số quạt trần từ 4-6 cái mỗi phòng.
Chiều 2/5, điều hòa vẫn đang được lắp thêm tại phòng hành chính của Trường mầm non Trung Tự, quận Đống Đa, Hà Nội
Trong khi đó, tại Trường mầm non Kim Liên, quận Đống Đa, các phòng chỉ được trang bị hệ thống quạt trần. Theo hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Nguyệt: “Khuôn viên trường nhiều cây xanh nên rất mát.
Các phòng có 4 cửa số lớn cao gần 2m, 2 cửa ra vào. Trần nhà có gạch chống nóng nên vẫn đảm bảo sinh hoạt bình thường cho các trò”. Trước đó trong ngày 30/4 trường này đã cho vệ sinh, bôi dầu mỡ cho các quạt trần.
Tại Trường mầm non Trung Tự, quận Đống Đa chiều ngày 2/5, điều hòa vẫn đang được trường lắp thêm vào phòng hành chính. Các phòng học của học sinh đã được trang bị điều hòa trước đó.
Chỗ ung dung, nơi lo lắng
Dẫu vậy, hiệu trưởng Nguyễn Thị Minh Nguyệt không khỏi lo lắng: “3 phòng trên tầng 2 của trường hiện là trần nhựa, trên lợp mái tôn nên chuyện nắng nóng vẫn còn. Trường đã tính tới phương án lắp đặt hệ thống phun nước trên mái tôn để giảm nắng nóng cho các trò. Nếu kinh phí dưới 20 triệu đồng trường có thể tự xoay xở, không cần sự hỗ trợ của phụ huynh”.
Video đang HOT
Ngoài việc đảm bảo điều kiện ánh sáng, thoáng mát cho các lớp, Trường mầm non Kim Liên (quận Đống Đa) cũng quan tâm phòng dịch bệnh mùa hè cho trẻ: bát được sấy khô, khăn được luộc cẩn thận.
Anh Hải, nhà ở phố Xã Đàn, hiện có con đang học lớp 5 tuổi tại trường cho biết: “Bản thân mình mong trường lắp thêm điều hòa. Thời tiết như mấy hôm nay thực sự rất nóng, quạt trần bật vẫn hầm hập. Nếu trường có ý kiến phụ huynh sẵn sàng đóng góp”.
Nhiệt độ ngày hôm nay (3/5) được dự báo sẽ đạt ngưỡng cao nhất trong đợt nắng nóng đang diễn ra, mức phổ biến dao động trong khoảng từ 37-40 độ (cao hơn những ngày trước từ 1-2 độ). Trước đó, ngày 2/5, nhiệt độ lúc 13h tại Hà Nội là 37 độ (nhiệt độ đo trong lều khí tượng, không phải nhiệt độ ngoài đường phố).
Mới những ngày đầu hè nhưng cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy đã tá hỏa vì hệ thống điện cung cấp cho trường gặp trục trặc. Át-tô-mát của trường vừa thay mới những vẫn liên tục nhảy lên, xuống. Một ngày trường mất điện đến vài lần. Đó là chưa kể tòa nhà mới của trường mới được xây xong, chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Gần 10h sáng ngày 3/5, phóng viên phải đứng ngoài cổng trường đợi đến 15 phút. Nguyên nhân là trường mất điện, cổng chính được điều khiển bằng điện không hoạt động. Đến khi bảo vệ dùng tô-vít vặn ốc cổng mới được mở ra.
Lãnh đạo nhà trường cho biết đã làm công văn xin được lắp đặt trạm biến áp ngay tại trường tránh tình trạng điện phập phù vì quá tải. Trong khi đợi các biện pháp khắc phục, cô trò nhà trường phải dùng điện hết sức tiết kiệm. Phòng học 2 điều hòa thường chỉ bật 1 cái và tận dụng quạt trần.
Tương tự, Trường mầm non Hoa Hồng gần đó các phòng của lãnh đạo nhà trường dù có điều hòa nhưng đều không bật để ưu tiên điện cho các phòng học.
Theo hiệu phó Doãn Thị Thanh Phương: “Thậm chí trường không dám nhận điều hòa do phụ huynh mua mang tới trường lắp ở phòng đón con do lo lắng lượng điện thất thu nhiều”.
Để đảm bảo cho các bé không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ trong lớp ra bên ngoài điều hòa các phòng sẽ được giảm dần và tắt trước khi trò tan khoảng 30 phút. Buổi trưa, khi các con ngủ ở một số lớp nhỡ sẽ được đặt thêm một chậu nước để điều hòa bật thấp không khiến da bé bị khô.
Trường Hoa Hồng cũng như Kim Liên phải đẩy lịch sinh hoạt ngoài trời của trò lên sớm (trước 9h) hoặc phải dừng hẳn vì nắng nóng.
Thêm khoản đóng góp
Một trong những lý do khiến Trường mầm non Kim Liên chưa có điều hòa, theo lời cô hiệu trưởng: “Quan điểm nhà trường và nhiều phụ huynh không muốn lắp điều hòa vì muốn các con dễ thích ứng với điều kiện tự nhiên, không bị ốm khi nhiệt độ chênh lệch”.
Bà Nguyệt nói thêm: “Mỗi khoản thu dù tự nguyện với nhiều phụ huynh cũng là một gánh nặng”.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền Tâm cho hay: “Trường không thu tiền lắp đặt điều hòa. Đầu năm, phụ huynh có khoản đóng góp tự nguyện, trường sẽ cân đối bù vào chi phí đã bỏ ra”.
Tất cả điều hòa tại Trường mầm non Hoa Hồng theo hiệu phó Thanh Phương đều do phụ huynh tự nguyện đóng góp và ban phụ huynh quản lí. Hiện do tiền điện chạy điều hòa hết nhiều nên trường thu thêm 10.000đ/cháu/tháng để bù vào. Nếu thừa tiền này sẽ được dồn sang tháng sau để bớt gánh nặng đóng góp cho phụ huynh.
Theo tìm hiểu của PV, tại một trường mầm non ngoài công lập mới mở, chỉ nhận hơn 30 cháu/lớp ở huyện Từ Liêm phụ huynh đã được thông báo, mỗi cháu phải đóng thêm hơn 100.000 đồng để mua điều hòa.
Theo VNN
Bỏ hoang phòng học hàng trăm triệu đồng
Đã hơn 2 năm nay, một phòng học kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk được xây lên rồi để bỏ hoang. Trong khi đó, hàng chục HS tại xã này phải học trong những phòng học tạm bợ.
Phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa, xã Ea Kuêh, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk được xây lên để bỏ hoang hơn 2 năm nay.
Người dân địa phương tại buôn Gia Rai - Kroa cho biết phòng học này được xây dựng năm 2009 theo chương trình 135 của Nhà nước. Đây là một trong 6 điểm trường thuộc Trường Mẫu giáo Buôn Win (xã Ea Kuêh, , huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) cách đó 3 km. Sau khi phòng học hoàn tất nhưng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, không điện nên việc học tập tại điểm trường khó khăn.
Điểm trường không điện, thiếu thốn cơ sở vật chất lại xây dựng nơi héo hút nên không thu hút con em địa phương theo học.
Ông Niê Y Kua, trưởng buôn Gia Rai - Kroa, cho hay: "Trường mầm non buôn Gia Rai - Kroa được xây năm 2009 nhưng cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ chơi cho con trẻ không có, không điện nên nhiều gia đình có điều kiện đã gửi con em ra điểm trường chính Buôn Win ở trung tâm xã và buôn Hluk để học vì điều kiện ở đây tốt hơn lại được đi đường thảm nhựa, trong khi phòng học này được xây dựng nơi hẻo lánh đi lại khó khăn". Anh Hoàng Văn Nguyện (40 tuổi, buôn Gia Rai - Kroa) nói thêm: "Bà con chúng tôi mong muốn phòng học có điện, đầu tư thêm cơ sở vật chất, trang thiết bị để con em học hành thuận tiện, chứ phòng học xây lên giờ bỏ hoang lãng phí hàng trăm triệu đồng của Nhà nước".
Nghịch cảnh ở chỗ, trong khi phòng học kiên cố hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Kroa bỏ trống thì cách đó khoảng 10 km tại buôn Xê Đăng cũng thuộc xã Ea Kuêh này hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng "đánh vật" ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng. Điểm học tạm bợ tại buôn Xê-Đăng được xây dựng cách nay khoảng 8 năm bằng gỗ, không có ô cửa, lợp tạm bằng mái tôn. Điểm trường có 3 phòng học với 65 HS là con em người đồng bào dân tộc thiểu số Xê Đăng, Dao có tất cả 6 lớp học chia làm 2 ca sáng, chiều gồm: lớp 1A49 HS 2A­­­­­­4 9 HS 3A4 8 HS 4A­4 6 HS và 5A­4 có 4 HS và một lớp mầm non 20 HS.
Điểm học này vô cùng khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn bộn bề, việc học hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. "Những ngày nắng nóng mái tôn trần nhà hừng hực phát hỏa thì thầy trò mồ hôi ướt đẫm. Mỗi lần gió lên, bụi đất đỏ bên ngoài cứ thế thổi vào phòng khiến thầy trò đỏ mắt cả buổi vì hứng phải bụi. Mưa đến thì hầu như lớp học không thể dạy được vì nước mưa tạt phăng ướt cả phòng, con em lại nhà xa..." - thầy Phạm Duy Hùng (30 tuổi) GV giảng dạy tại điểm trường buôn Xê Đăng cho biết.
Cô Phạm Thị Thủy, hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Buôn Win, giãi bày: "Trường Mầm non Buôn Win có 6 điểm trường, sau khi xây dựng xong điểm trường tại buôn Gia Rai - Kroa, nhà trường cho GV vào giảng dạy nhưng do thiếu HS nên không thể duy trì lớp học...".
Đáng nói, Trường mầm non Buôn Win có 6 điểm trường nhưng thiếu đến 2 phòng học ở Buôn Xê-Đăng và Buôn Triết, trong khi ở buôn Gia Rai - Kroa thì phòng học bỏ hoang.
Cũng tại xã Ea Kuêh, hàng chục HS của điểm Trường Tiểu học Lý Tự Trọng "đánh vật" ở buôn Xê Đăng ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng.
Phòng học tạm bợ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Đinh Văn Liên, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cư M'gar, cho hay: "Sở dĩ phòng học này bỏ trống do kế hoạch xây dựng từ đầu của UBND xã này không khả thi. Ban đầu người ta dự tính di dời các hộ dân từ buôn Xê-Đăng cách đó 10 km ra buôn Gia Rai - Kroa để thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội, dân sinh nên xây dựng tại buôn Gia Rai - Kroa 2 phòng học năm 2009 khoảng 230 triệu đồng, một của Gia Rai - Kroa, một của Xê Đăng nhưng sau đó người dân ở buôn Xê Đăng không di cư ra sinh sống dư dự tính. Thành ra để trống một phòng học cho con em buôn Xê Đăng còn một phòng phục vụ việc học tập cho con em tại buôn Gia Rai - Kroa nhưng HS ở buôn này thích ra điểm trường chính cách đó hơn 2 km mặc dù xa hơn nhưng đường sá đi lại thuận lợi hơn, có đủ cơ sở vật chất".
Theo ông Liên, để khắc phục tình trạng này cần đầu tư cơ sở vật chất, đồ chơi học tập để mở 1 lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi, 1 lớp nhà trẻ 1 - 3 tuổi.
Được biết, xã Ea Kuêh là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Cư M'gar, thành lập năm 2004, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 66%, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 24%.
Viết Hảo
Theo dân trí
Đắk Lắk: Nhọc nhằn gùi chữ trên đèo Đắk Nuê Lọt thỏm như một ốc đảo dưới chân đèo Đắk Nuê hiểm trở, xung quanh núi rừng trập trùng bát ngát, một lớp học tranh tre nứa lá được dựng lên tại buôn Đắk Sar (xã Đắk Nuê, huyện Lắk, Đắk Lắk) để con em trong bản học cái chữ với biết bao nhọc nhằn, gian khó. Lớp học "đặc biệt" tại buôn...