Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục: 20 năm không thay giáo án
Theo nhiều chuyên gia, do thiếu ‘bảo hành’ trong đào tạo ngành sư phạm mà năng lực của giáo viên là một rào cản rất lớn với đổi mới giáo dục phổ thông.
Các chuyên gia cho rằng việc Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều chủ trương đúng trong thời gian gần đây nhưng lại bị chính giáo viên (GV) phản ứng, một phần do sự thiếu chuẩn bị từ Bộ nhưng cũng phản ánh trung thực bức tranh chất lượng đội ngũ GV hiện nay.
Ngại cập nhật, hay sao chép
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kể: “Gần đây khi dự giờ giảng của một GV văn có trình độ thạc sĩ, tôi ngạc nhiên bởi mục tiêu bài học mà cô ấy đưa ra giống như hồi tôi được học ở phổ thông cách đây 20 năm. Tôi còn được biết những bài viết về Nguyễn Tuân đăng trên báo mấy năm gần đây cô ấy chưa hề đọc, dù luận văn thạc sĩ của cô là về tác giả này. Với môn toán của tôi cũng gặp tình trạng tương tự, hiện tượng GV đi dạy hàng chục năm mà kiến thức tham khảo chỉ loanh quanh trong mấy cuốn tài liệu có từ hồi học ĐH là thường”.
Tương tự, một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Nhìn vào giáo án của một số GV dạy văn ở trường phổ thông, chúng tôi thấy bài giảng của một số tác phẩm xuất hiện trong chương trình từ đầu những năm 1990 tới nay đã hơn 20 năm nhưng giáo án không có gì mới mẻ về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy”.
Ông Phan Văn Quang (Tổ trưởng Tổ phổ thông, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng cán bộ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết cứ 3 – 4 năm GV sẽ viết lại giáo án một lần. “Trước khi soạn, GV cần khảo sát học sinh để nhận biết trình độ, khả năng tiếp nhận sau đó mới soạn giáo án cho phù hợp. Về quy định thì không được giữ nguyên giáo án các năm nhưng thực tế nhiều GV giữ nguyên năm này qua năm khác”, ông Quang nhìn nhận.
Theo một khảo sát nhỏ trong khoảng 20 GV phổ thông tại TP.HCM, có hơn một nửa thừa nhận việc soạn giáo án rất nhàn. “Chương trình sách giáo khoa triển khai theo nội dung nên kiến thức giữa các năm thay đổi không nhiều nên GV lười đổi mới, cập nhật bài dạy mà không lo sợ sai về kiến thức”, Hoài Thương, một giáo viên ở Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết.
Một học sinh Trường THPT Lê Xoay (tỉnh Vĩnh Phúc) kể: “Chị em đã ra trường được 7 năm. Khi em lên lớp 11 em cũng học lớp thầy L. dạy sử. Em thường sử dụng tập mà chị em để lại để học bài trước và so sánh thì thấy hoàn toàn khớp và không hề khác nhau”.
Video đang HOT
Nhiều GV chọn cách soạn giáo án theo kiểu đóng rời, làm tệp từng bài rồi ráp vào với nhau. Khi bị kiểm tra, GV chỉ cần lên internet lấy về một số bài tập nâng cao tháo tệp ráp lại. Thậm chí có GV hoàn toàn sao chép giáo án trên internet. “Trong lớp học nào cũng có 4 đối tượng học sinh yếu – trung bình – khá – giỏi và mỗi nơi, trình độ học sinh cũng khác nhau. Không thể có mẫu giáo án chung vì mỗi đối tượng học sinh là khác nhau. GV chủ quan áp dụng một mức độ kiến thức nhất định cho tất cả học sinh là không khoa học”, GV dạy toán ở một trường THPT Q.Tân Bình (TP.HCM) cho biết.
Sản phẩm thiếu “bảo hành”
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, người sáng lập Cổng giáo dục trực tuyến Giapschool, GV hiện là những người có thế giới quan rất đóng. Lăng kính nhận thức của GV gắn chặt với những điều được rót từ trên xuống, thường rất bảo thủ và giáo điều. Vì thế, GV thường chậm nhịp so với sự phát triển của học sinh và nhận thức xã hội. Ông Dương nhận xét: “Nếu chỉ nhìn 2 lĩnh vực mà nhà nhà đều quan tâm là kinh tế và giáo dục thì rõ ràng giáo dục đã tụt hậu quá xa so với kinh tế. Trong khi kinh tế đã được tự do hóa một phần lớn và hội nhập sâu rộng với thế giới qua các hiệp định thương mại, thì tư duy của giáo dục chủ yếu vẫn dừng ở thời kỳ trước đổi mới với cơ chế tập trung, quan liêu đóng vai trò chi phối. Với chất lượng GV như thế, khi tiến hành đổi mới giáo dục tổng thể lần này, phần đông trong số họ sẽ không theo kịp và trở thành lực cản. Đổi mới giáo dục chỉ thành công khi đổi mới người thầy”.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cho rằng khiếm khuyết lớn nhất trong đào tạo sư phạm hiện nay là thiếu cơ chế “bảo hành” với chính sản phẩm của mình. “Tốt nghiệp rồi là gần như sinh viên bị cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với trường, trong đó bao gồm những kiến thức hoặc quan điểm giáo dục mới. Tư duy này cần phải thay đổi. Các trường sư phạm cũng nên có một chính sách “bảo hành” riêng với những GV mà mình đã từng đào tạo”, bà Thơ đề xuất.
Còn theo tiến sĩ Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục ĐH và nghề nghiệp, Viện Khoa học giáo dục VN, vấn đề tự chủ và tính trách nhiệm của GV hiện còn mờ nhạt, vì vậy không tạo được động lực giúp GV vươn lên hoàn thiện mình, trong đó có năng lực dạy học.
Đào tạo hướng tới năng lực thay vì kiến thức
Nhiều chuyên gia cho rằng để giúp GV nâng cao năng lực, việc đào tạo lại hoặc bồi dưỡng GV đồng loạt trong dăm ba ngày như thời gian qua sẽ không có hiệu quả. “Cập nhật kiến thức cho GV phổ thông cần phải làm theo cả 2 cách: GV tiến hành tự học, tự nghiên cứu; các trường sư phạm tổ chức các chương trình bồi dưỡng theo chuyên đề cho các GV phổ thông có nhu cầu”, tiến sĩ Lê Đông Phương đề xuất. Cũng theo ông Phương, chất lượng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông sắp tới phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ GV hiện tại vì số GV đào tạo mới sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong những năm đầu thực hiện.
Tiến sĩ Vũ Hoài An, Hiệu trưởng Trường CĐ Hải Dương, cho rằng nếu chương trình đào tạo trường sư phạm hướng tới đào tạo năng lực cho SV thì khi ra trường, họ sẽ biết bổ sung kiến thức thường xuyên để đáp ứng với yêu cầu công việc theo từng giai đoạn. Nếu trường đào tạo chỉ quan tâm mục tiêu cung cấp kiến thức cho người học thì không chóng thì chầy, GV sẽ trở nên lạc hậu khi những kiến thức đó không còn được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông. Nếu được đào tạo năng lực, GV sẽ biết tự bổ sung, cập nhật kiến thức sư phạm cho bản thân để có thể tự tin đứng lớp với bất cứ chương trình nào. “Với những các thầy cô đang đứng lớp, Bộ nên giao cho những đơn vị đánh giá độc lập tổ chức những kỳ thi đánh giá năng lực GV. Nếu không đạt, GV phải tự bỏ tiền ra đi học để thi cho đến bao giờ đạt thì mới được tiếp tục đứng lớp”, ông Hoài An chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Vương, nghiên cứu sinh ngành giáo dục lịch sử, Trường ĐH Kanazawa (Nhật Bản), để có được những GV có năng lực tự đào tạo lại chính mình, trường sư phạm cần thiết kế chương trình đào tạo làm sao để giúp giáo sinh mở rộng thế giới quan. “Cái dở trong đào tạo sư phạm của mình là quá chú trọng vào kỹ thuật dạy học mà ít chú ý đến yêu cầu sinh viên học cách nghiên cứu nội dung học tập, lựa chọn tài liệu sử dụng trong dạy học, sách giáo khoa”, ông Vương nhận xét.
Theo TNO
Trường học, giáo viên đi sau đổi mới giáo dục
Theo kế hoạch, bắt đầu từ năm học 2018 - 2019 sẽ chính thức áp dụng chương trình - sách giáo khoa mới. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều trường sư phạm vẫn chưa xác định sẽ đổi mới như thế nào.
Giáo sinh không có thông tin còn giáo viên dường như đứng ngoài với những đổi mới đang diễn ra.
Trường địa phương tự... bơi
Từ nhiều năm nay, các trường CĐ sư phạm (SP) địa phương hoạt động khá chật vật khi nguồn tuyển ngày càng cạn. Vì thế các trường thu hẹp chỉ tiêu tuyển mới, trọng tâm cho hoạt động chuyên môn được chuyển dần sang đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay các trường chưa biết đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên (GV) những gì khi nội dung chương trình mới còn chưa rõ. Hầu hết các trường vẫn sử dụng các tài liệu cũ để đào tạo sinh viên cũng như bồi dưỡng GV.
Vì thế các trường SP địa phương vẫn đang chờ. Trường tôi cũng chỉ đạo GV tự tìm hiểu trên mạng, nhưng anh em nói là vẫn mông lung lắm". Còn PGS-TS Cao Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), cho biết: "Với trình độ CĐ, chúng tôi vẫn duy trì việc đào tạo theo chuyên môn kép như trước đây, chẳng hạn SP văn - sử, hoặc hóa - sinh, toán - lý, lý - hóa...".Ông Vũ Văn Dương, Hiệu trưởng Trường CĐSP Cao Bằng, chia sẻ: "Bộ GD-ĐT nói các trường chủ động thay đổi chương trình đào tạo để GV ra trường là thích ứng được với chương trình mới nhưng chúng tôi thấy chưa có cơ sở để làm điều này. Chí ít chúng tôi phải thấy được nội dung chương trình mới thì mới làm được, nếu không thì Bộ cũng nên có một định hướng rõ hơn.
Lãnh đạo Trường ĐH Thủ đô (tiền thân là Trường CĐSP Hà Nội) cho biết cái khó là Bộ vẫn tập trung quan tâm tới những trường trọng điểm, còn với các trường SP địa phương thì Bộ có quan điểm là triển khai ở phần sau - tức bồi dưỡng GV. "Tuy nhiên, chúng tôi đã tìm cách tận dụng các mối quan hệ của mình để "đẩy" cán bộ, giảng viên tham gia tích cực vào việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa của Bộ", TS Đỗ Hồng Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô, thông tin. Đây cũng là một trong số rất ít trường SP địa phương thực hiện được chương trình đào tạo mới cho SV mới vào trường từ khóa 2015 - 2016 nhưng lại phải thực hiện trong cái vỏ cũ. "Chẳng hạn sẽ phải cấp bằng cử nhân SP vật lý trong khi chuẩn đầu ra là những sinh viên được trang bị khối kiến thức trong lĩnh vực khoa học tự nhiên", ông Cường nói.
Giáo sinh chưa được chuẩn bị kỹ
Trong khi đó, giáo sinh dường như luôn nằm ngoài những chủ trương, dự án dạy học mới. "Những buổi hội thảo triển khai chương trình - sách giáo khoa, đổi mới giáo dục được tổ chức ở trường nhưng thường mang tầm vĩ mô dành cho nhiều quan chức, các thầy cô chứ hầu như sinh viên, những giáo viên tương lai không được tham gia để hiểu, chuẩn bị những kiến thức về chương trình mới", D.L (sinh viên tốt nghiệp năm 2015 Trường ĐH SP TP.HCM) cho biết. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về chương trình sách giáo khoa mới, tích hợp, L. còn lơ mơ hơn và nói: "Em nghĩ tích hợp là trộn các môn học lại với nhau".
L. cũng thẳng thắn: "Đó là những gì em nghe lỏm trong lúc làm tiếp tân cho những hội thảo ở trường chứ chưa từng chính thức được nghe giới thiệu hay phổ biến. Nghe nói 3 năm nữa sẽ dạy chương trình - sách giáo khoa mới nhưng ở trường chúng em chưa từng một lần được nghe giới thiệu hay học một chút gì liên quan".
Nguyên phó hiệu trưởng một trường THPT công lập tại Q.10, TP.HCM cho biết, theo dõi sát việc thực tập của giáo sinh sư phạm thấy vẫn còn nhiều điều lo lắng, giáo sinh tiếp thu tốt, có năng lực nhưng kỹ năng ứng xử, kỹ năng SP còn thiếu nhiều. "Một sinh viên học khoa quản lý giáo dục, khi tôi hỏi học ngành này ra trường làm gì, các em bảo ra làm giám thị!", vị này nói. Ông Trần Hữu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), cũng cho biết hiện nay các trường phổ thông đang chuẩn bị đổi mới toàn diện vào năm 2018, phương pháp dạy học thay đổi nhiều nhưng hình như sinh viên các trường ĐH, CĐ SP chưa được chuẩn bị kỹ lắm. "Nếu chỉ yêu cầu các em cầm cục phấn, đào tạo kỹ năng SP thì lại đi vào lối mòn của chúng tôi. Các em hiện nay đạo đức tốt, kiến thức giỏi, nhiệt tình, tham gia hoạt động tốt hơn ngày xưa. Được chuẩn bị tốt cho sự đổi mới, các em mới đáp ứng được nhu cầu của thời buổi này", ông Hòa nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị, Trường ĐH SP Đà Nẵng, cho biết: "Nói đúng ra là những năm gần đây các trường đào tạo SP có chuyển biến. Một số trường còn có hoạt động rèn luyện thường xuyên cho sinh viên, giúp đa số giáo sinh có sự tự tin, sử dụng hợp lý phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, điểm vênh nhau giữa trường SP và trường phổ thông vẫn còn nhiều. Nhất là những đổi mới trong giảng dạy thì phần lớn giáo sinh phải về trường mới được tiếp xúc.
Riêng chương trình tích hợp, vừa qua 7 trường SP trọng điểm đều đã có chương trình cứng để giảng dạy, với 70% nội dung do Trường ĐH SP Hà Nội cung cấp, 30% do các trường chủ động. Tuy nhiên, sinh viên có thành thạo điều này hay không phải chờ kết quả trong thời gian tới". (Còn tiếp)
Sinh viên chưa được học nhiều về nghiệp vụ sư phạm
Kết quả khảo sát về chương trình thực tập SP do thạc sĩ Nguyễn Thị Hương, Khoa Giáo dục - Chính trị Trường ĐH SP Đà Nẵng, công bố tại một cuộc hội thảo giáo dục vào tháng 8.2015 cho thấy có những bất cập: Trong 130 - 135 tín chỉ mà sinh viên SP phải tích lũy, học phần nghiệp vụ SP chỉ có khoảng từ 23 - 27 tín chỉ.
Thời gian bố trí kế hoạch chương trình thực tập chưa phù hợp. Đáng lẽ phải thực tập từ năm thứ hai thay vì ở năm thứ ba như hiện nay. Kiến thức được học trong trường ĐH và thực tế ở trường phổ thông có khoảng cách, sự phối hợp giữa trường ĐH và trường phổ thông còn thiếu chặt chẽ, việc đánh giá thực tập SP của giáo sinh còn gặp nhiều điều bất cập, hệ thống cơ sở vật chất ở các trường THPT vẫn còn hạn chế...
Theo TNO
Đời sống giáo viên tại TP HCM không tệ Theo ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, một bộ phận giáo viên có điều kiện tăng thu nhập rất cao từ hoạt động giảng dạy. - Thưa ông, thời gian qua có nhiều đổi mới trong ngành GD&ĐT, việc đổi mới không tránh khỏi những vướng mắc, vậy ngành GD&ĐT TP có nắm bắt tâm tư của giáo...