Trường học đón nhận thay đổi lớn trong lo lắng
Hai ngày sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế một kỳ thi quốc gia đã có không ít băn khoăn về những điểm mới thực thi trong năm 2015.
Năm nay, mỗi thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, theo quy định phiếu đăng ký xét tuyển có ghi rõ đợt xét tuyển, nhưng nhiều trường ĐH băn khoăn không hiểu giấy chứng nhận kết quả thi có ghi rõ đợt xét tuyển bổ sung thứ mấy không hay chỉ là chứng nhận kết quả thi một cách chung chung.
Trưởng phòng đào tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Đặng Văn Tùng cho rằng, nếu ghi rõ thì cơ hội vào từng trường của thí sinh sẽ cao hơn, hồ sơ ảo giảm đi vì mỗi lần các em chỉ được đăng ký ở 1 trường và có 4 ngành để lựa chọn.
Thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2014. (Ảnh: Văn Chung)
Liệu với 20 ngày cho lần nộp, rút và chuyển nguyện vọng có đủ thời gian để học sinh tới trường, rút hồ sơ và chuyển sang trường khác cũng là câu hỏi nhiều học sinh lớp 12 băn khoăn. Những thí sinh ở vùng khó khăn việc tiếp cận thường xuyên với Internet để cập nhật tình hình tuyển sinh cũng không dễ dàng.
Trong khi đó, lãnh đạo một trường ĐH tại Hà Nội lo có thể xảy ra tình trạng học sinh liên tục rút hồ sơ khiến công việc trường tăng lên.
Việc tổ chức cụm thi cho thí sinh chỉ xét tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì theo PGS Văn Như Cương, Trường THPT Lương Thế Vinh cần xem xét lại. Bởi, thi theo hình thức nào cũng có thí sinh đậu và trượt.
Theo PGS Cương, đã là một kỳ thi, chung khâu coi, chấm và đề thi không phân biệt câu nào phần nào dành cho tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì không nên để tồn tại cụm thi do sở GD-ĐT tổ chức.
Miễn thi ngoại ngữ sẽ tiêu cực?
Điểm mới khác của quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh có một trong các chứng chỉ theo quy định của Bộ GD-ĐT được miễn thi môn ngoại ngữ và được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT – theo PGS Cương nên bỏ.
Bởi, một học sinh đủ khả năng thi lấy các văn bằng, chứng chỉ quốc tế đó ít nhất thi tốt nghiệp cũng được 8-9 điểm. Tôi e sẽ xuất hiện chuyện chạy bằng cấp có thể xảy ra nếu không làm chặt.
Video đang HOT
Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Phong Điền cho biết, nhà trường cũng sẽ xem xét và khả năng sẽ không công nhận một số chứng chỉ như bằng B1, B2… và chỉ công nhận bằng do một số chương trình quốc tế cấp.
Bởi theo ông Điền, nếu cho điểm 10 tất thì bằng B1, B2 được công nhận tương đương như thành viên đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế môn Ngoại ngữ hay sao? Chắc chắn nhiều trường sẽ xem xét lại quy định mới này…
75% con số thiếu thực tế?
Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nêu rõ những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Quy định này thể hiện sự thiếu khoa học, không thực tế, thậm chí vi phạm quyền tự chủ về tuyển sinh của các cơ sở đào tạo?
Có ý kiến cho rằng, con số 75% trên thực tế không dựa trên một căn cứ khoa học nào để nói rằng như thế là công bằng. Bởi, nếu một ngành tuyển sinh theo 4 tổ hợp môn thi, trong đó có 3 tổ hợp theo khối thi truyền thống và một tổ hợp mới thì con số này có thể bảo đảm sự công bằng tương đối. Nói là “tương đối” là vì, tỷ lệ này mới chỉ tính đến số tổ hợp môn thi, chưa nói đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi theo từng tổ hợp.
Việc Bộ quy định tỷ lệ “cứng” này khiến các trường không thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình. Nhiều trường xây dựng tổ hợp môn thi mới cho phù hợp với ngành đào tạo, cuối cùng với quy định này của Bộ, cũng sẽ chỉ tuyển được một phần nhỏ thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề.
Lẽ ra, Bộ chỉ nên quy định rằng, các trường ĐH phải dành tỷ lệ thích hợp cho tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống, còn thế nào là thích hợp thì phải để các trường tự quyết, căn cứ trên nhu cầu đào tạo, số tổ hợp môn thi, thậm chí là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng tổ hợp.
Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, nếu không quy định cụ thể về nhiều tổ hợp sẽ xảy ra khiếu nại, gây mất công bằng – trường muốn cho ai đỗ hoàn toàn có thể cho đỗ được do không có quy định chặt chẽ.
Thực tế, mùa tuyển sinh năm 2014 đã có kiện cáo về việc một học sinh đứng đầu danh sách xét tuyển theo khối thi nhưng vẫn trượt. Với lý do đó đã có đề xuất yêu cầu các trường phải công bố công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp.
Dự thảo quy định đưa ra các trường cho rằng, công khai chỉ tiêu cho từng tổ hợp sẽ gò bó cho trường nên trên cơ sở tiếp thu các ý kến, Bộ chốt phương án khá lỏng là không ít hơn 75% để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh thi theo khối truyền thống.
Theo Vietnamnet.vn
Thí sinh lo lắng vì không biết địa điểm thi tốt nghiệp, ĐH
Trong số câu hỏi gửi về buổi giao lưu trực tuyến kỳ thi THPT Quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 trên báo Tuổi trẻ, nhiều thí sinh băn khoăn về địa điểm và cách thức nộp hồ sơ.
Thi ở đâu?
Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 ban hành chiều tối 26/2 có nhiều thay đổi. Trong đó phân thành 2 cụm thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh cho từng đối tượng thí sinh thi chỉ xét tốt nghiệp hay cả đại học, cao đẳng. Điều này khiến nhiều thí sinh lo lắng vì không biết mình thi ở đâu?
Bạn Trần Diệm Văn, 18 tuổi đặt câu hỏi: "Em đang học lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên tại Kiên Giang. Năm nay chỉ đăng ký thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT thì sẽ dự thi ở đâu? Thi tại Kiên Giang hay An Giang?".
Phạm Hữu, 20 tuổi cũng có chung thắc mắc: "Học sinh đang học lớp 12 khóa 2014-2015 thi vào ĐH Cảnh sát nhân dân và các trường quân đội thi ở cụm địa phương hay tại trường?".
Lê Thị Thảo Vi, 18 tuổi: "Cho em hỏi năm nay kỳ thi 2 trong một này sẽ tổ chức cụm thi như thế nào? Ví dụ như ở Đồng Nai và Vũng Tàu thì mình sẽ thi ở đâu và khi nào mình được biết thông tin này?".
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Lê Hiếu.
Trước nhiều câu hỏi về địa điểm thi, PGS.TS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT giải đáp:
"Trong kỳ thi THPT quốc gia, đối với thí sinh thi nhằm hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ thì phải thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì.
Thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp THPT thì có thể được thi tại cụm thi tại tỉnh, do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH-CĐ tổ chức.
Đối với các thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước (thường được gọi là thí sinh tự do) chỉ cần đăng ký thi các môn dùng để xét tuyển vào các ngành của các trường ĐH, CĐ. Hiện phần lớn các trường ĐH chỉ xét tuyển các thí sinh dự thi ở các cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì, do vậy em cần đăng ký thi tại các cụm thi liên tỉnh thuận tiện cho việc dự thi.
Bộ GD-ĐT sẽ thành lập các cụm thi, tạo điều kiện cho các thí sinh đi lại thuận lợi, giảm chi phí. Như vậy, học sinh đang học lớp 12 có nguyện vọng thi vào trường ĐH Cảnh sát nhân dân hay các trường quân đội sẽ dự thi ở cụm thi theo quy định của Bộ GD-ĐT".
PGS.TS Mai Văn Trinh nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố các cụm thi do trường ĐH chủ trì để tổ chức thi cho thí sinh có nguyện vọng lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ. Các em sẽ được cung cấp thông tin đầy đủ, đồng thời được hướng dẫn chi tiết để làm thủ tục đăng ký dự thi.
Việc tổ chức cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia sẽ tạo thuận lợi hơn cho các em dự thi so với những năm trước đây, nhất là với các thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ.
Nộp hồ sơ ở đâu?
Câu hỏi của phụ huynh Tạ Thu Thủy cũng nhận được sự quan tâm của độc giả. Chị Thủy hỏi: "Con gái tôi đang học ở trường PTTH chuyên ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội. Nay do gia đình chuyển vào TP HCM nên muốn cháu học các trường đại học tại đây. Vậy trong trường hợp đó, cháu sẽ nộp hồ sơ đăng ký ở đâu và sẽ thi ở địa điểm thi nào?".
PGS.TS Mai Văn Trinh giải thích: "Cháu sẽ đăng ký dự thi tại cụm thi do Bộ GD-ĐT quy định đối với trường THPT đang theo học. Kết quả thi của cháu sẽ được sử dụng để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo nguyện vọng. Cần lưu ý là khi đăng ký, cháu cần khai báo trong Phiếu đăng ký các môn và mục đích dự thi (trong đó có đăng ký lấy kết quả xét tuyển ĐH, CĐ).
Lê Khoa Anh - một thí sinh tự do tại Long An muốn thi trường ĐH tại TP HCM cũng thắc mắc tương tự: "Em nộp hồ sơ ở đâu và có được dự thi ở cụm do các trường đại học ở TP.HCM chủ trì hay không? Hiện tại em đang sống ở TP.HCM?".
TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP HCM phân tích kỹ:
"Thí sinh tự do đăng ký thi THPT quốc gia tại địa điểm do Sở GD-ĐT quy định. Hồ sơ đăng ký dự thi đối với thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT:
a) 2 Phiếu đăng ký dự thi giống nhau.
b) Bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao).
c) 2 ảnh cỡ 4x6 cm và 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh.
Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải đăng ký dự thi tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì và chỉ cần đăng ký dự thi các môn thi theo quy định của trường ĐH, CĐ đối với ngành đào tạo mà thí sinh có nguyện vọng (tối thiểu 3 môn)".
Theo Zing
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Cân nhắc sử dụng lại thang điểm 10 Phát biểu tại buổi Tọa đàm góp ý dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 diễn ra tại TPHCM ngày 22/1, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: "Có lẽ bộ sẽ tiếp thu và sử dụng lại thang điểm 10 để khỏi có những băn khoăn, lo lắng từ thầy cô, học sinh và phụ huynh về vấn...