Trường học Anh cấm giáo viên chấm điểm
Hiệu trưởng cho rằng việc chấm điểm sẽ dần hủy hoại sự tự tin của học sinh.
Gary Schlick, hiệu trưởng trường trung học cơ sở Bedminster Down ở Bristol (Anh) cho rằng chấm điểm hay đánh giá có thể tác động tiêu cực thay vì khuyến khích học sinh cải thiện kết quả. Ông đề nghị giáo viên trong trường đổi cách thức chấm điểm truyền thống thành phương pháp khác, theo Telegraph ngày 17/11.
Họ có thể ngồi cùng một đứa trẻ và giải thích chúng đã tiến bộ như thế nào, chọn ra những điều chúng làm rất tốt và chia sẻ với cả lớp. Đây là cách tập trung vào khía cạnh tích cực. Giáo viên cũng nên hỏi học sinh có nắm bắt được các khái niệm mới hay không.
“Khi được trao đổi chi tiết, trẻ sẽ cảm thấy giáo viên dành nhiều thời gian cá nhân cho mình hơn, do đó tăng sự tự tin”, ông Schlick nói.
Thầy hiệu trưởng Gary Schlick.
Các giáo viên trong trường được hỗ trợ học lên thạc sĩ và làm nghiên cứu thực tiễn nhằm cải thiện chất lượng lớp học. Ông Schlick áp dụng chính sách này sau khi nghiên cứu của một giáo viên chỉ ra việc chấm điểm bài tập về nhà không có tác dụng hoặc tác dụng không đáng kể đối với việc học tập.
Video đang HOT
“Nếu bạn chấm điểm lên một tờ bài tập, tất cả những gì học sinh nhìn vào chỉ là con số đó. Hiện tôi đã yêu cầu giáo viên không mang bài tập về nhà để chấm điểm. Họ cần phản hồi ngay trong lớp học”, thầy hiệu trưởng chia sẻ.
Trước đó, nhiều trường học ở Anh cấm giáo viên chấm điểm bằng mực đỏ vì lo ngại màu sắc này có thể khiến học sinh có cảm giác bị hăm dọa.
Theo VNE
Thầy giáo Anh bỏ nghề chỉ sau một học kỳ vì quá căng thẳng
Tuần thứ ba đi dạy, Eddie căng thẳng đến mức liên tục khóc với mẹ, hoang mang không biết nên tiếp tục theo đuổi sự nghiệp hay không.
Eddie Ledsham (Wallasey, Merseyside, Anh) vừa tốt nghiệp sư phạm, đi làm chỉ một học kỳ và quyết định bỏ nghề trong nước mắt, theo Liverpool Echo ngày 5/11.
Trước đó, anh được các giảng viên tại trường đại học cảnh báo rằng năm đầu tiên đi dạy sẽ vô cùng khó khăn. Tìm được công việc dạy học sinh tám tuổi ở Wirral, Eddie nhanh chóng gặp khủng hoảng do số giờ làm việc nhiều không tưởng và những mục tiêu phi thực tế.
Eddie quyết định bỏ nghề giáo chỉ sau một học kỳ đi dạy.
Trường chỉ có một lớp dành cho học sinh độ tuổi này, có nghĩa Eddie phải lên kế hoạch cho mọi bài giảng một mình, không có đồng nghiệp cùng san sẻ công việc trong năm như ở các trường khác. Mặc dù đã học cách chuẩn bị giáo án, Eddie cho rằng kiến thức đó không phục vụ được cho công việc thực tế.
"Tại trường, chúng tôi được dạy rằng mỗi bài học tương ứng với giáo án dài ba trang A4. Tuy nhiên, bạn hãy thử nghĩ đến việc tôi phải soạn nội dung cho bảy bài học mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần. Đó là việc quá sức", Eddie nói.
Thầy giáo trẻ sống cùng bố và thường về nhà lúc 18h30. Dù là người tan làm sau cùng, anh thức dậy lúc 5h30 mỗi sáng để chấm điểm hoặc hoàn thiện giáo án trước khi ngày mới bắt đầu.
Thay vì kết thân với các thầy cô khác trong giờ ăn trưa, Eddie phải ở lại lớp để đuổi kịp công việc. Anh mô tả cảm giác bị cô lập khi đi làm: "Hầu hết giáo viên ở trường chỉ nói chuyện với tôi khi thông báo lỗi sai nào đó, và thường không ai chú ý nếu tôi làm đúng".
Trong suốt tuần thứ ba đi dạy, anh thường đến nhà mẹ, khóc và hoang mang: "Con không biết liệu mình có thể làm được không".
Khối lượng công việc của giáo viên gây khủng hoảng cho chàng trai 22 tuổi.
Được mẹ động viên, Eddie quyết định tiếp tục cố gắng để vượt qua những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, anh cảm thấy khó tìm kiếm sự cân bằng trong cuộc sống.
"Thậm chí lúc trên tàu đến trường hoặc về nhà, tôi cũng cảm thấy tội lỗi vì đang không làm việc. Nếu đi xem bóng đá với bạn bè, tôi phải nhanh chóng ra về khi trận đấu kết thúc vì việc vẫn còn dang dở. Khi gặp bạn gái, tôi ngồi chấm bài của học sinh trong khi cô ấy nấu ăn", Eddie tâm sự.
Chàng trai 22 tuổi yêu trẻ con nhưng áp lực khi nhận thấy những kỳ vọng lớn lao đối với nghề giáo. Eddie nghĩ sinh viên sư phạm cần được trải nghiệm việc giảng dạy nhiều hơn trước khi lấy bằng, bởi anh dường như chưa hề chuẩn bị kỹ tâm lý để đối mặt.
Hiệp hội Giáo dục quốc gia (NEU) vừa tiếp tục kêu gọi tăng lương cho giáo viên nhằm đảm bảo mức sống, khắc phục tình trạng thiếu nhân sự trong ngành giáo dục. Tiến sĩ Mary Bousted, tổng thư ký NEU cho biết khủng hoảng đang lan rộng, với quá ít người tham gia vào đội ngũ giảng dạy và con số bỏ nghề ngày càng gia tăng.
"Chúng tôi biết khối lượng công việc là yếu tố lớn nhất khiến giáo viên muốn bỏ nghề. Chính phủ cần nghiêm túc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng này", bà nói.
Theo VNE
Trường học Anh gây kinh ngạc với 10 học sinh có IQ thiên tài Sau bài kiểm tra IQ, 10 học sinh cùng một trường được kết luận có chỉ số thông minh của thiên tài, thậm chí cao hơn Albert Einstein. Theo Express ngày 9/10, 10 học sinh trường St Bede's Catholic College ở Bristol, Anh vừa biết chỉ số IQ sau khi tham gia kỳ thi của Mensa - tổ chức lớn và lâu đời...