Trường “dự kiến” thu gần 50 triệu cho việc… dọn vệ sinh
Không những lập ra rất nhiều khoản thu vô lý, trong kế hoạch dự kiến thu đầu năm, Trường tiểu học thị trấn Quảng Xương (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) còn “dự kiến” thu gần 50 triệu chỉ để dọn vệ sinh khiến rất nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc.
“Họp để thông báo chứ không phải họp bàn”
Nhiều phụ huynh có con đang theo học tại Trường thị trấn Quảng Xương phản ánh họ vô cùng bức xúc sau khi đi họp phụ huynh cho con về với những khoản thu mà trường này cùng đại diện Hội Cha mẹ học sinh (HS) đưa ra.
Ngay cả cái tên khoản tiền đóng cũng khiến phụ huynh băn khoăn không hiểu đóng để làm gì như khoản hỗ trợ học tập lên tới 415.500đ/HS, hay việc chưa thống nhất học vấn đề học thêm nhưng cũng đã đề ra tạm thu tiền học thêm 500.000đ/HS, xây dựng khuôn viên 373.000đ/HS…
Trường tiểu học thị trấn Quảng Xương (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) – nơi có những khoản thu khiến phụ huynh bức xúc.
Một phụ huynh có con đang theo học tại đây cho biết: “Chúng tôi đi họp phụ huynh thấy cô giáo chủ nhiệm đọc lên những khoản thu để biết về nộp cho con thôi chứ có thấy bàn bạc gì đâu. Chỉ có riêng năm nay phát sinh ra việc dùng sổ liên lạc điện tử thì phụ huynh chúng tôi không thống nhất nên không làm cái này thôi”.
Một phụ huynh khác bức xúc: “Năm nào cũng xây dựng kế hoạch với hàng loạt các khoản thu, dù chúng tôi không đồng ý nhưng cũng không dám ý kiến vì sợ con mình bị trù dập nên đành im lặng. Có năm nào mà sau khi họp phụ huynh xong rồi giảm đi khoản nào đâu nên phụ huynh chúng tôi cứ phải è cổ ra đóng”.
Điều đáng nói là trong dự toán kinh phí xây dựng khuôn viên của trường chỉ hết 138.997.000đ thế nhưng Trường tiểu học thị trấn Quảng Xương huy động 380 HS đang học tại trường, mỗi em đóng 373.000đ, tương đương với 141.740.000đ.
Video đang HOT
Về khoản tiền “hỗ trợ học tập”, cô Lê Thị Vinh – Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Quảng Xương phân trần: “Khoản tiền hỗ trợ học tập trong đó bao gồm tiền đội sao, thập đỏ, quỹ hội phụ huynh, dịch vụ, hồ sơ chuyên môn (phiếu kiểm tra định kỳ, sổ liên lạc điện tử), chúng tôi thu gộp lại. Còn số tiền tạm thu học thêm như phụ huynh phản ánh thì tôi không biết, trường không có đưa ra, phụ huynh phản ánh sai”.
Gần 50 triệu cho việc dọn vệ sinh!
Một khoản thu mà được Trường tiểu học thị trấn Quảng Xương cho rằng đây là đại diện hội cha mẹ học sinh đưa ra đó là thu tiền dọn vệ sinh công cộng với việc dự toán khá chi tiết và tỉ mỉ. Tổng cộng cho công việc dọn vệ sinh này lên đến số tiền “giật mình”: 48.550.000đ/năm.
Trong việc dọn vệ sinh công cộng này được liệt kê thành nhiều mục như quét sân trường và dọn vệ sinh trước và sau các phòng học: 30.388.000đ; trả công chở rác thải về bãi rác của thị trấn: 1.400.000đ; chi dọn khu vệ sinh tự hoại: 12.012.000đ; Chăm sóc bồn hoa cây cảnh: 2000.000đ; Chi mua dụng cụ dọn vệ sinh: 1.200.000đ; thuê dọn vệ sinh công cộng ngoài cổng trường: 1.600.000đ.
Bản “dự kiến” thu gần 50 triệu của học sinh cho việc dọn vệ sinh.
Lý giải cho điều này, cô Lê Thị Vinh cho biết: “Các cháu tiểu học còn nhỏ nên tất cả những việc liên quan đến dọn vệ sinh, chúng tôi đều phải thuê hết vì vậy mà khi đại diện hội cha mẹ đưa ra việc thu như thế này chúng tôi thấy hợp lý nên đã đồng ý cho huy động thu. Đây cũng mới chỉ lập kế hoạch như thế nhưng nếu phụ huynh không đồng ý thì chúng tôi cũng chưa thu”.
Cũng theo cô Vinh thì cuộc họp phụ huynh vừa rồi do phụ huynh không đi đủ nên chưa thống nhất thu khoản gì và trường sẽ tiếp tục cho họp lại. Khoản tiền gần 50 triệu tiền vệ sinh này cũng chỉ là kế hoạch “dự kiến”. Điều này lại trái ngược với những gì phụ huynh phản ánh rằng sau cuộc họp phụ huynh đã được thống nhất tất cả các khoản thu.
Cho rằng kế hoạch thu khoản tiền này là do đại diện hội cha mẹ học sinh xây dựng để thu nhưng khi được hỏi về biên bản họp bàn giữa cha mẹ HS và Ban giám hiệu nhà trường về khoản thu này thì cô Vinh không cung cấp được với lý do “biên bản đó phụ huynh giữ chứ chúng tôi không giữ”.
Nguyễn Thùy
Theo dân trí
Vụ hỗn chiến trên sông Yên: Kẻ cầm đầu vẫn nhởn nhơ?
Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên ngày 7.7 khiến 3 người chết, nhiều hộ dân thôn Điền, thôn Thanh, thôn Hòa và thôn Đông (xã Quảng Nham, Quảng Xương) đã gửi đơn đến PV kêu cứu. Theo đơn kêu cứu, lãnh đạo xã này đã bao che tội phạm.
Chủ tịch xã bao che
Trong đơn, người dân viết: "Từ ngày ông Đoàn Văn Sâm lên làm Chủ tịch UBND xã Quảng Nham, một số người đã ngang nhiên thả luồng, phao ngăn sông cấm chợ. Trong số đó có ông Đoàn Văn Cương là em trai ông Chủ tịch xã".
Ông Đoàn Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Quảng Nham - cho rằng: "Thông tin như bà con nêu là không đúng sự thật". Ông cho hay, mọi việc liên quan đến đơn từ của người dân đã được xã giải quyết rốt ráo. Trong danh sách 18 hộ cắm cọc đăng đáy trái phép không có tên ông Đoàn Văn Cương. Ông Sâm khẳng định: "Em tôi không cắm cọc ngăn sông trái phép".
Giá trị của con ngao đã khơi nguồn dẫn tới cuộc ẩu đả diễn ra sáng 7.7.2013 trên sông Yên làm 3 người mất tích
Tuy nhiên, ông Lê Công Toan (thôn Điền) khẳng định: "Cả xã này đều biết, không chỉ ông Cương mà em ông ta là Nhung cũng dựa bóng ông anh làm chủ tịch xã mà cắm cọc ngăn sông". Ông Toan cho rằng, việc ông Cương không có trong danh sách 18 người vi phạm chứng tỏ ông Sâm đã bao che cho em mình.
Có bỏ lọt tội phạm?
Sau vụ hỗn chiến trên sông Yên, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam 11 người là dân Quảng Nham. Theo điều tra riêng của PV, 11 người này đều là ngư dân hiền lành. Việc họ bị bắt đã gây nhiều khó khăn cho gia đình bởi tất cả đều là lao động chính.
Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Điền) có con trai là Phạm Văn Thành. Hôm xảy ra vụ việc, Thành nhảy xuống sông tránh dao búa đối phương nhưng cũng đã bị bắt giam. Chị Nguyễn Thị Như có chồng là Trần Quốc Hùng mới đi cào ngao ngày đầu đã bị bắt, giờ chị không biết xoay xở ra sao với 2 đứa con nhỏ và cái bụng bầu 5 tháng.
Ông Lê Công Toan - người trông coi bến thuyền thôn Điền - khẳng định, trước và trong khi xảy ra vụ việc, ngư dân Quảng Nham không hề có sự chuẩn bị tổ chức đánh nhau. Khi ngư dân đang khai thác ngao thì thuyền của các đối tượng phía huyện Tĩnh Gia bất ngờ ập đến dùng hung khí tấn công.
Một số phải nhảy xuống nước thoát thân, một số khác có phản ứng tự vệ. Trong quá trình truy đuổi, thuyền phía Tĩnh Gia đâm phải bè của họ khiến 3 người đều là dân "đâm thuê chém mướn" nơi khác đến, không biết bơi nên bị chết đuối.
Theo bà Nguyễn Thị Tình và nhiều người khác, ông Phạm Văn Long (Long bồ) đã uy hiếp ngư dân, bắt họ phải bán hải sản cho ông ta với giá rẻ, ông ta bán lại cho đại lý, mỗi ngày kiếm lãi hàng chục triệu đồng. Bà Tình (đại lý mua lại ngao của ông Long) cho hay, ông Long là người đã thuê côn đồ và đứng sau vụ hỗn chiến ngày 7.7.
Chị Nguyễn Thị Hương bức xúc: "Sao con tôi bị bắt mà kẻ gây ra tội ác vẫn nhởn nhơ?". Trả lời PV về việc trên, cả ông Chủ tịch xã Đoàn Văn Sâm và Trưởng CA xã Phạm Hồng Thái đều cho rằng không có cơ sở để khép tội ông Phạm Văn Long (Long bồ).
Ngư dân xã Quảng Nham đang trông chờ cơ quan bảo vệ pháp luật sớm xử lý công minh vụ việc.
Theo Lao động
Khởi tố 6 đối tượng làm giả 184 bộ hồ sơ để hưởng chế độ chính sách Liên quan đến vụ làm giả hồ sơ, bệnh án tại nhiều bệnh viện cho hàng trăm đối tượng để hưởng chế độ chính sách, mới đây, cơ quan an ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã khởi tố 6 bị can. Các đối tượng gồm: Phạm Xuân Trường (SN 1947, ở xã Quảng Thịnh, huyện Quảng Xương), Nguyễn Xuân Hảo...