Trường ĐH Văn Lang: Khai giảng không có bong bóng bay
Trường ĐH Văn Lang (VLU) vừa tổ chức Lễ khai giảng năm học 2019-2020, chào đón sinh viên khóa 25 tại Sân vận động Quân khu 7, TPHCM. Lễ khai giảng năm nay, nhà trường không thả bóng bay như mọi năm.
PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng VLU đánh trống khai giảng năm học mới
Theo PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu – Hiệu trưởng VLU, lễ khai giảng năm học 2019 – 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc 25 năm hình thành, phát triển của nhà trường từ quy mô đến chất lượng đào tạo.
Các thủ khoa tuyển sinh 2019 phát biểu tại buổi lễ
Đợt tuyển sinh vừa qua, nhà trường đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đối với 32 ngành đào tạo bậc đại học chính quy, đón nhận hàng ngàn sinh viên mới trong năm học 2019 – 2020. Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu nhắn gửi đến các tân SV: “Đón nhận các em chỉ với một niềm mong mỏi: xây dựng cho các em một môi trường học tập đủ tốt, để các em cảm nhận được đó như ngôi nhà của mình và khi rời VLU, các em thực sự trở thành những công dân có đủ năng lực hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn mang đậm bản chất văn hóa Văn Lang”.
Tân SV khóa 25 VLU hào hứng với Lễ hội khai giảng đầu khóa
Video đang HOT
Tại Lễ khai giảng, nhà trường đã trao tặng “Học bổng đầu khóa” đến 29 sinh viên thủ khoa đầu vào của các ngành, mỗi suất học bổng trị giá 10 triệu đồng; và 22 học bổng cho sinh viên vượt khó, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng.
Ca sĩ Trúc Nhân khuấy động buổi lễ với loạt bài hit
Cùng với phần lễ trang trọng, chương trình khai giảng còn thu hút sinh viên bởi phần hội hoành tráng, náo nhiệt. Ngoài các gian hàng ẩm thực, nhà trường còn chuẩn bị các tiết mục văn nghệ hoành tráng để chào đón SV mới. Các tân SV được “bùng nổ” với sự góp mặt của ca sĩ Trúc Nhân (cựu sinh viên Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, VLU) với loạt bài hit.
Nhằm lan tỏa thông điệp chung tay bảo vệ môi trường, lễ khai giảng năm 2019 của VLU không thả bóng bay – một nghi thức quen thuộc của ngôi trường này tượng trưng cho ước mơ bay cao bay xa, khởi đầu khóa học thuận lợi. Quyết định này nhận được sự hưởng ứng đồng tình của toàn thể sinh viên.
Công Chương
Theo GDTĐ
Kiểm định chất lượng và những vấn đề căn cốt - Bài 1: Hướng tới chuẩn mực chất lượng
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH, các trường ĐH sẽ được thực hiện quyền tự chủ, gắn với trách nhiệm giải trình trước xã hội.
Một trong những gạch nối quan trọng để các trường thực hiện trách nhiệm của mình và tự tin trước xã hội là thực hiện kiểm định chất lượng GD. Báo Giáo dục & Thời đại thực hiện loạt bài viết xung quanh vấn đề này.
Theo các chuyên gia, đích đến của các trường ĐH phải là chất lượng đào tạo. Vì vậy, kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) nhằm giúp các cơ sở hướng tới đạt được những chuẩn mực chất lượng, đồng thời nhằm giải trình với xã hội về chất lượng đào tạo của trường mình.
KĐCL là dịp để mỗi cơ sở GD có cái nhìn tổng quát về mọi hoạt động của trường mình. Ảnh: T.G
Tác động mạnh mẽ đến toàn hệ thống
Theo ông Mai Văn Trinh, đối với cơ sở GD-ĐT, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là vấn đề hết sức căn cốt. Tất cả những việc này đều gắn với trách nhiệm giải trình và công khai trước xã hội.
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đại đa số các cơ sở GDĐH đã hình thành bộ phận tổ chức bảo đảm chất lượng bên trong. Có 251/268 cơ sở GDĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Có 222 cơ sở GDĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tính đến ngày 31/8/2019, có 123 cơ sở GDĐH được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước; 7 cơ sở GDĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế. Ngoài ra, có 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và 76 Chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), thực tế những cơ sở nào chăm lo tạo điều kiện hoạt động cho hệ thống bảo đảm chất lượng, chất lượng đào tạo sẽ tốt. Trong thời gian tới, một trong những nội dung cần tập trung thực hiện là, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Khoản 5 Điều 33 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học và không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng GD (Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam) cho rằng, KĐCLGD tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các cơ sở GD, đặc biệt đến công tác quản trị cơ sở GD.
Theo đó, công tác quản lý cơ sở GD là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên. Cụ thể, các cấp quản lý đã thực sự quan tâm đến tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trong công tác quản lý điều hành nhà trường. Lãnh đạo các cơ sở GDĐH chủ động khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan như: Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, giảng viên, sinh viên... vào công tác quản trị nhà trường, đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của trường và xây dựng chương trình đào tạo.
Ngoài ra, các trường cũng chú trọng hệ thống hóa và chuẩn hóa tài liệu lưu trữ liên quan đến công tác quản lý chương trình. Mặt khác, KĐCLGD còn tác động đến chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo; tác động đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đến người học và tác động đến cơ sở GD.
Nên tham gia KĐCL quốc tế
Các cơ sở GDĐH cần sẵn sàng tham gia KĐCL. Ảnh: T.G
Khẳng định KĐCLGD là cần thiết, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho rằng, đây là dịp để mỗi cơ sở GD có cái nhìn tổng quát về mọi hoạt động của trường mình. Từ đó nhận diện những điểm yếu trong công tác tổ chức, làm cơ sở để có giải pháp khắc phục hợp lý và kịp thời. Quá trình thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài còn giúp cán bộ, giảng viên, nhân viên ý thức rõ rằng, mỗi việc làm cần triển khai theo các bước: Xây dựng kế hoạch - Triển khai thực hiện - Kiểm tra đánh giá - Cải tiến và áp dụng cho những lần sau. Điều này giúp mỗi đơn vị chủ động tìm kiếm giải pháp khả thi để cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị mình.
Ở góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - Ủy viên Hội đồng quản trị (Trường ĐH Hòa Bình) bày tỏ, kiểm định chương trình đào tạo là tất yếu. Cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống trong KĐCL cơ sở GD đã phát huy tác dụng tốt ở giai đoạn đầu triển khai KĐCL và có hiệu quả rộng hơn so với KĐCL chương trình đào tạo.
Sau khi khởi động thành công, thông qua KĐCL cơ sở GD, tới đây cách tiếp cận cần được linh hoạt, chuyển sang tác động từ dưới cơ sở lên mức cao hơn. Tức là, cần có hệ thống các biện pháp, chính sách khuyến khích KĐCL, tạo động lực thúc đẩy sự chủ động tham gia bảo đảm chất lượng của các giảng viên và cán bộ quản lý ở cấp khoa. Và KĐCL chương trình đào tạo sẽ thực hiện trách nhiệm đó. Ngoài ra, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng ở các khoa thông qua tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, xây dựng mạng lưới diễn đàn chung để trao đổi ý kiến và học tập lẫn nhau.
GS Đặng Ứng Vận khuyến nghị , các trường nên tham gia KĐCL quốc tế cấp chương trình với những chương trình có thế mạnh. Đối với những chương trình chưa đủ mạnh để KĐCL quốc tế, nên sử dụng bộ tiêu chuẩn KĐCL chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành. "Với những áp lực ngày càng gia tăng về nghĩa vụ giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, việc chuẩn bị để sẵn sàng tham gia KĐCL ở cấp chương trình dù theo chuẩn quốc gia hay chuẩn quốc tế đều mang tính quan trọng sống còn đối với các trường trong thời gian tới" - GS Đặng Ứng Vận trao đổi.
Minh Phong
Theo GDTĐ
Điểm chuẩn ĐH Văn Lang cao nhất là 21 Chiều 8/8, ĐH Văn Lang công bố điểm chuẩn các ngành đào tạo của phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 Theo đó, mức điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường dao động từ 15 đến 21. Ngành có điểm chuẩn cao nhất là Thanh nhạc. Trong số 32 ngành đào tạo, 17 ngành...