Trường ĐH thiếu hàng ngàn chỉ tiêu, vì sao?
Sau đợt 1 tuyển sinh, nhiều trường ĐH công bố xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu. Nhưng đến nay có trường không tuyển được thí sinh nào.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Mở TP.HCM – ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cạn nguồn bổ sung
Ngày 16.8, Bộ GD-ĐT đã công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh danh sách các trường ĐH, CĐ và TC có đào tạo ngành giáo viên còn thiếu chỉ tiêu và công bố xét tuyển bổ sung trong phạm vi cả nước. Theo đó, ĐH Huế cần tuyển hơn 3.400 chỉ tiêu, trong đó nhiều nhất là Trường ĐH Nông Lâm hơn 1.200, Trường ĐH Khoa học hơn 1.000, Trường ĐH Sư phạm hơn 700… ĐH Thái Nguyên cần tuyển gần 4.300 chỉ tiêu.
Một số trường ĐH sư phạm cũng phải tuyển thêm với số lượng lớn dù trước đó đã áp dụng cả 2 phương thức tuyển sinh theo kết quả thi và đề án riêng. Cụ thể gồm: Sư phạm Hà Nội 2 cũng phải tuyển bổ sung 440 chỉ tiêu, Sư phạm kỹ thuật Vinh 891 chỉ tiêu, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên 900 chỉ tiêu… Một số trường tuyển hàng ngàn chỉ tiêu như: Trà Vinh hơn 3.700 chỉ tiêu, Quảng Bình hơn 1.000 chỉ tiêu, Cửu Long 1.000, Bình Dương hơn 1.700, Tây Đô hơn 1.600…
Ghi nhận từ các trường cho thấy số lượng thí sinh (TS) nộp hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung không đáng kể. Đặc biệt có trường không tuyển được TS nào trong đợt bổ sung lần 1. Cụ thể, Trường ĐH Mở TP.HCM số TS nộp hồ sơ ở đợt xét tuyển bổ sung rất ít. Trường xét 450 chỉ tiêu nhưng hiện rất ít hồ sơ nộp về. Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường TP.HCM cũng vừa ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 3 hàng loạt ngành. Trường ĐH Tây Nguyên vừa thông báo tuyển bổ sung đợt 2 với 31 ngành trong tổng số 37 ngành đào tạo. Trong đó, nhiều ngành nhận hồ sơ chỉ mức 13 điểm…
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự. Đại diện nhà trường cho hay các ngành bậc ĐH hệ đại trà dù thông báo tuyển 30 chỉ tiêu mỗi ngành nhưng không tuyển được TS nào, dù đã kết thúc ngày nhận hồ sơ (18.8). Để đảm bảo tiến độ đào tạo chung, trường không tiếp tục xét bổ sung đợt 2 các ngành này. Các ngành ĐH hệ chất lượng cao, trường phải gia hạn thời gian nhận hồ sơ bổ sung đến hết ngày 25.8 (thay vì 21.8 như thông báo trước đó).
Trường ĐH Quốc tế TP.HCM dù xét tuyển bằng 6 phương thức nhưng vẫn phải thông báo tuyển bổ sung đợt 1 cho 7 ngành do trường tự cấp bằng và các ngành thuộc chương trình liên kết. Dù trước đó trường này đã tự tiến hành tổ chức bài thi kiểm tra năng lực để xét tuyển trực tiếp TS vào trường mình với chỉ tiêu tối đa 65% mỗi ngành (chỉ dùng 15% chỉ tiêu xét từ kết quả thi THPT quốc gia). Nhưng đến cuối tháng 7, trường này công bố tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi từ 15% lên 40% do số TS nhập học bằng các phương thức khác không đủ chỉ tiêu đề ra.
Có trường ĐH dùng “chiêu” ?
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018 cả nước có 688.641 TS đăng ký xét tuyển ĐH (tăng 7,5% so với năm ngoái). Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH là 455.174 (tăng 1,2% so với năm 2017). Như vậy, nguồn tuyển so với chỉ tiêu xét tuyển của các trường dôi dư 1,51 lần.
Video đang HOT
Tuy nhiên, thực tế nhiều trường với điểm chuẩn đợt 1 đã xác định, số TS trường gọi nhập học dôi dư nhiều so với chỉ tiêu nhưng vẫn không đủ số người nhập học. Có những trường, một ngành có 300 TS trúng tuyển nguyện vọng 1 với điểm chuẩn 15 nhưng sau lọc ảo chỉ còn 90 TS trúng tuyển. TS đi đâu là câu hỏi được đặt ra với đại diện nhiều trường trong năm nay.
Lý giải điều này, trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại TP.HCM cho rằng có những trường đã dùng “chiêu” trong quá trình xét trúng tuyển TS. “Năm nay đề khó, điểm thi thấp nên TS lo sợ tìm cách trúng tuyển bằng học bạ rất nhiều. Dù đã quy định trường tuyển bằng phương thức khác phải nhập danh sách TS trúng tuyển lên hệ thống nhưng thực tế không biết việc này thực hiện thế nào nhưng dữ liệu vẫn ảo lớn do TS trúng tuyển bằng phương thức khác trước đó. Chưa kể, trước ngày bấm nút lọc ảo lần cuối cùng để cho ra điểm chuẩn, dù Bộ GD-ĐT đã nhắc hiệu trưởng các trường không được gọi vượt nhưng điều này vẫn xảy ra”.
Người này nhấn mạnh: “Sau tất cả những vấn đề kỹ thuật thì nguyên nhân căn cơ nhất là nhu cầu thị trường. Hiện các trường địa phương, dân lập quá nhiều, cung lớn hơn cầu dẫn đến tình trạng có những trường phải dùng “chiêu” để giành TS”.
Cạnh tranh với chương trình liên kết
Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng các trường ĐH ngoài công lập gần như tuyển đủ hoặc phần lớn chỉ tiêu nhờ xét học bạ. Chỉ các trường ĐH công lập bị sự cạnh tranh khá lớn do TS đi du học và học các chương trình liên kết quốc tế. Điều này đặc biệt diễn ra trong năm nay khi điểm thi không cao dẫn đến tâm lý “chắc ăn” với cơ hội học ĐH bằng việc tìm đến các chương trình liên kết hoặc trường ngoài công lập bằng học bạ. Đáng lưu ý, chương trình liên kết do nước ngoài cấp bằng thường không có chỉ tiêu chính quy chung của trường.
Theo thanhnien.vn
Điểm chuẩn 13, mỗi môn 4 điểm là đỗ đại học
Nhiều trường có mức điểm chuẩn thấp, chỉ từ 13 điểm. Nếu được cộng cả điểm ưu tiên, thì chỉ cần 4 điểm mỗi môn là có thể đỗ đại học.
Thí sinh thi THPT Quốc gia. (Ảnh minh họa: Hải Nguyễn)
Trong số đó, nhiều đại học vùng có điểm trúng tuyển thấp nhất như ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên, ĐH Quảng Nam...
4 điểm mỗi môn là đỗ đại học
Tại trường ĐH Tây Nguyên, ngoại trừ các ngành Sư phạm và Y khoa lấy điểm chuẩn từ 17-21 còn 21 ngành khác thuộc lĩnh vực kinh tế, công nghệ lấy điểm trúng tuyển chỉ 13 điểm.
Trường Đại học Kinh tế Huế có 11 ngành lấy 13 điểm. Nhiều trường thành viên khác của Đại học Huế cũng có mức điểm chuẩn tương tự - 13 điểm.
Tại ĐH Nông lâm, 21/24 ngành có điểm chuẩn là 13. Trường ĐH Kinh tế cũng có 11/22 ngành lấy điểm trúng tuyển là 13 điểm.
Điểm chuẩn nhiều ngành của Đại học Huế chỉ 13 điểm.
Trường ĐH Quảng Nam cũng có 7 ngành lấy điểm trúng tuyển là 13 điểm. Các ngành đào tạo sư phạm lấy điểm chuẩn cao hơn ở mức 17 điểm. Riêng ngành Giáo dục Tiểu học điểm trúng tuyển 18 điểm.
Tại ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 12/18 ngành và phân hiệu tại Thanh Hóa đều có mức trúng tuyển là 13.
12/18 ngành chỉ lấy điểm chuẩn 13.
Với Trường ĐH Tiền Giang, trong tổng số 18 ngành đào tạo thì có tới 14 ngành lấy điểm chuẩn là 13. Có 3 ngành lấy điểm trúng tuyển là 14.
Trường ĐH Xây dựng miền Trung, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2018 theo kết quả thi THPT quốc gia ở tất cả các ngành đều từ 13 điểm trở lên.
Tại ĐH Tiền Giang, ngành Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15 điểm, các ngành còn lại 13 điểm.
Điểm chuẩn thấp vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu
Dù điểm chuẩn thấp nhưng nhiều trường vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu và phải ra thông báo tuyển thêm nguyện vọng bổ sung.
Chẳng hạn, trường ĐH Quảng Nam ra thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung hơn 570 chỉ tiêu hệ ĐH. Điểm sàn xét tuyển của 5 ngành chỉ là 12 điểm như ngành Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, Lịch sử...
Nhiều ngành của Đại học Quảng Nam xét chỉ tiêu tuyển sinh bổ sung ở mức điểm 12.
ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM thông báo xét tuyển bổ sung 500 chỉ tiêu vào chương trình liên kết đào tạo quốc tế các ngành: Quản trị kinh doanh, Điện - điện tử, Kế toán và quản trị tài chính, Cơ điện tử, Kĩ thuật cơ khí, Công nghệ thông tin, Xây dựng.
Với hình thức xét tuyển theo học bạ lớp 12, thí sinh phải có tổng điểm các môn khối A, A01, B và D01 từ 18 điểm trở lên. Nếu xét tuyển theo điểm thi THPT Quốc gia, thí sinh phải đạt từ 12 điểm trở lên các tổ hợp.
N.H
Theo laodong.vn
Kết thúc xét tuyển ĐH 2018: Phân hóa rõ chất lượng từng trường qua điểm đầu vào Mùa tuyển sinh 2018 sắp kết thúc, về cơ bản, công tác xét tuyển ĐH đợt 1 năm nay đã đảm bảo được các tiêu chí an toàn, hiệu quả. Điểm trúng tuyển cũng đã phản ánh được chất lượng đầu vào và thể hiện được sự phân hóa chất lượng giữa các thí sinh, giữa các nhóm trường... Đến thời điểm này,...