Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên): Đổi mới quản trị theo hướng tự chủ
Sáng 31/10, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) trang trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng nhiệm kỳ 2020 – 2025, Khai giảng năm học mới.
PGS.TS Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên trao quyết định công nhận và tặng hoa chúc mừng các thành viên Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng nhà trường
Chương trình có sự tham dự của ông Khamphanh Khamone, Tham tán Văn hóa – Giáo dục Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; bà Maria Fatima Phube, Tham tán toàn quyền Đại sứ quán Mô-dăm-bích tại Việt Nam.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố các quyết định, theo đó Hội đồng trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) nhiệm kỳ 2020 – 2025 gồm 19 thành viên. PGS.TS Hà Trần Phương giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS Mai Xuân Trường giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, PGS.TS Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên đề nghị: Hội đồng trường cần xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường; Quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên; Chú trọng an toàn, an ninh trong trường học; Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lí và dạy học.
PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng nhà trường đánh trống khai giảng năm học
Lễ Khai giảng cũng đã diễn ra với không khí trang trọng và vui tươi, đánh dấu khởi đầu một năm học mới hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc, thành công.
Năm học 2020 – 2021, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đón gần 700 tân sinh viên khóa 55. Nhà trường xác định sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tái cơ cấu bộ máy tổ chức; Đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nhằm đáp ứng đổi mới giáo dục đại học, giáo dục phổ thông và hội nhập quốc tế…
Vai trò then chốt của nhà trường sư phạm trước đổi mới chương trình giáo dục phổ thông
Xung quanh vấn đề đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (triển khai từ năm học 2020 - 2021), phóng viên Báo GD&TĐ có cuộc phỏng vấn PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên).
Video đang HOT
Nhiều thế hệ sinh viên luôn tự hào vì đã được học tập dưới mái trường sư phạm
Theo ông, các trường sư phạm có vai trò như thế nào trước sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông? Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) đã thực hiện vai trò đó như thế nào trong thời gian qua?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Tôi cho rằng các trường sư phạm có vai trò then chốt trước sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông bởi vì đó là nơi đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện sự đổi mới này.
Xác định rõ vai trò đó, chúng tôi đã chủ động để giảng viên được tiếp cận việc xây dựng chương trình mới, tham gia các khóa tập huấn về đổi mới phương pháp, nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá để nắm vững, bổ sung cập nhật vào chương trình đào tạo và biên soạn tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông.
Nhà trường đã xây dựng được hệ thống kết nối với các trường phổ thông để đưa sinh viên đi thực tế môn học, trải nghiệm ở trường phổ thông. Phát triển được cộng đồng học tập, giảng viên của nhà trường đã thường xuyên xuống nghiên cứu thực tế và hỗ trợ giáo viên phổ thông, đồng thời mời giáo viên dạy giỏi về thỉnh giảng các chuyên đề rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên nhằm nâng cao năng lực cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu trước tình hình mới.
Trường Đại học Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) là 1 trong 8 trường sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình ETEP).
PGS.TS Mai Xuân Trường, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm -Đại học Thái Nguyên
Năm 2019, trường đã phối hợp với 8 Sở Giáo dục và Đào tạo khu vực miền núi phía Bắc tổ chức bồi dưỡng cho 3.191 giáo viên phổ thông cốt cán modul 1 về tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm 2020, trường phối hợp thực hiện bồi dưỡng đại trà modul 1 và tiếp tục bồi dường 3 modul về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp kiểm tra - đánh giá, hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cho giáo viên cốt cán.
Ngoài ra, nhà trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc và Lạng Sơn tổ chức bồi dưỡng đại trà modul 1 cho giáo viên phổ thông.
Là đơn vị đào tạo ngành sư phạm, nhà trường đã có những chuẩn bị và thay đổi cụ thể gì để đáp ứng nguồn giáo viên trước yêu cầu mới?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Để chuẩn bị cho những thay đổi đáp ứng nguồn giáo viên, nhà trường đã thực hiện một số nội dung quan trọng.
Trước hết, nhà trường đã tiến hành đổi mới chương trình đào tạo và chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực giáo viên trong bối cảnh mới. Phát triển một số chương trình đào tạo trọng điểm theo định hướng chất lượng cao, chương trình đào tạo giáo viên giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, mở mới một số chương trình đào tạo: Khoa học tự nhiên, Tâm lý học trường học và tiến tới là Lịch sử - Địa lý (đây là một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018);
Đồng thời, chúng tôi tập trung nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thông qua việc tham gia Chương trình ETEP; Kiểm định các chương trình đào tạo giáo viên, trong đó lựa chọn một số chương trình đào tạo trọng điểm tham gia kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế; Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt và giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt thông qua các hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng ở trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhà trường còn thúc đẩy nghiên cứu khoa học giáo dục ứng dụng phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông như nghiên cứu phát triển chương trình giáo dục STEM, phát triển chương trình giáo dục địa phương, nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra - đánh giá năng lực học sinh,...
Từ góc độ của một người quản lý, ông đánh giá thế nào về sự đón nhận của các giảng viên khi nhà trường thực hiện đổi mới trong đào tạo?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Giảng viên nhà trường chủ động nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức các hội thảo, seminar về tìm hiểu chương trình giáo dục phổ thông với các trường phổ thông của tỉnh Thái Nguyên.
Họ cũng chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế tại các trường phổ thông để trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu về đổi mới chương trình giáo dục, xây dựng các bài giảng minh họa...
Sinh viên Quốc tế đang theo học tại trường ĐH Sư phạm
Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi cũng như những trở ngại của nhà trường trong quá trình đổi mới đào tạo?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Chúng tôi có thuận lợi với sự quyết tâm, đoàn kết trong đội ngũ cán bộ quản lý nhà trường. Nguồn lực đội ngũ giảng viên của nhà trường có trình độ cao (trên 52% giảng viên có trình độ tiến sĩ), trong đó có 95 giảng viên sư phạm chủ chốt và 12 giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt.
Ngoài ra, nhà trường được tham gia Chương trình ETEP của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Đồng thời, nhà trường cũng có mối quan hệ gắn kết với hệ thống các trường phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong đổi mới chương trình đào tạo của nhà trường.
Tuy vậy, chúng tôi cũng gặp những khó khăn nhất định: Ngân sách chi đầu tư phát triển các nguồn lực của nhà trường còn hạn chế do nguồn tuyển sinh giảm; kinh nghiệm thực tiễn về giáo dục phổ thông của một số giảng viên còn hạn chế; năng lực hội nhập quốc tế của giảng viên chưa cao.
Trong thời gian tiếp theo, nhà trường sẽ có kế hoạch và cách làm như thế nào để phát huy thế mạnh, khắc phục khó khăn, thực hiện hiệu quả công tác đổi mới trong đào tạo sư phạm?
PGS.TS Mai Xuân Trường: Chúng tôi xác định nhiệm vụ quan trọng là đổi mới quản trị nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhà trường sẽ tiếp tục phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo liên kết quốc tế; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục, gắn kết nghiên cứu khoa học và chuyển giao kết quả nghiên cứu trong đổi mới giáo dục phổ thông; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và nghiên cứu khoa học; phát triển các chương trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, hướng tới phục vụ tốt nhu cầu của thị trường lao động và cộng đồng.
Mong muốn của nhà trường là nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên sư phạm, hình thành đội ngũ các chuyên gia giáo dục hàng đầu của đất nước.
Trân trọng cảm ơn ông với cuộc trao đổi!
Thái Nguyên nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng an ninh Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh, ĐH Thái Nguyên luôn coi trọng đổi mới tổ chức, phương pháp giảng dạy, kết hợp chặt chẽ giữa học tập chính khoá với hoạt động ngoại khoá, xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh. Trung tâm Giáo dục Quốc phòng an ninh Đại học Thái Nguyên có quy mô lớn của khu...