Trường ĐH phải dời nội thành: Lơ mơ điểm đến
Hầu hết các trường ĐH ở Hà Nội trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều xác định “nhà nước bảo đi thì đi”, nhưng đi tới đâu thì chưa trường nào có câu trả lời.
Thí sinh thi vào Trường ĐH Ngoại thương. Đây là một trong 12 trường trong diện sẽ phải di dời.
Chưa biết về đâu
Quyết định di dời một số trường ĐH trong nội thành Hà Nội ra ngoại thành đã có chỉ đạo của Chính phủ.
8 khu “đại học tập trung” mới được các nhà hoạch định chính sách phác thảo trên giấy vì các trường ĐH, CĐ có tên trong danh sách phải di dời chưa biết mình đi…về đâu.
Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội Lê Văn Thanh chia sẻ, khi biết có tên trong danh sách 12 trường ĐH, CĐ phải di dời ra ngoại thành, tập thể cán bộ giáo viên cũng như sinh viên của trường “đều rất phấn khởi. Bởi, mong ước có môi trường dạy và học tập trung với các điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, không phải đi thuê mướn là mong ước của nhà trường 18 năm nay”.
Tuy nhiên, ông Thanh nói, đến nay, vẫn chưa biết điểm đến của trường ở đâu và được cấp bao nhiêu đất. Do đó, nhà trường muốn sớm kết nối được với các bộ ngành chức năng để biết điểm trường dời đến nhằm chuẩn bị cho thiết kế quy hoạch.
Video đang HOT
“Và Viện chỉ có thể đăng ký thời điểm di dời với Bộ GD-ĐT khi bắt chắc chắn được phân đất ở địa điểm nào. Việc di dời chỉ có thể thực hiện được khi đã xây dựng được cơ sở hạ tầng ở vùng đất mới. Nếu được chọn điểm đến, chúng tôi hy vọng được về khu ĐH ở Sóc Sơn” – ông Thanh cho biết.
Cùng có tên trong danh sách, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Răng – Hàm – Mặt Trương Mạnh Dũng đồng thuận với chủ trương “di dời” của Chính phủ. Nhưng việc đăng ký thời điểm di dời thì nhà trường còn đang bàn. Vì điểm trường lựa chọn thì không nằm trong quy hoạch, còn những điểm Bộ GD-ĐT chỉ định phải đến thì rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Do vậy, việc “đi về đâu”, đến nay, nhà trường chưa xác định được – ông Dũng nói. Đây cũng là câu trả lời của các trường: ĐH Văn hóa, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Xây dựng, CĐ Y tế Hà Nội…
Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho hay, hiện Ban Giám hiệu đang họp bàn để có tờ trình các cơ quan chức năng, trong đó xác định: điểm đến của trường ở đâu và thời gian nào sẽ chuyển sinh viên tới?
Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Bá Cần cho biết, sau khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo quy hoạch xây dựng hệ thống các trường ĐH, CĐ vùng Thủ đô Hà Nội và TP HCM; Bộ GD-ĐT làm rõ về nguyên tắc, các tiêu chí và lộ trình thực hiện việc di dời các trường thì khoảng tháng 3, Bộ sẽ xuống các trường lấy ý kiến cho các phương án để chọn phương án tối ưu nhất để việc di dời được hiệu quả.
Trường mong đất sạch
Vẫn theo ông Trương Mạnh Dũng, các trường trong danh sách phải di dời ra ngoại thành đều là trường công của nhà nước.
Do đó, để di dời một trường từ điểm A đến điểm B, Nhà nước phải lo xây dựng cơ sở vật chất rồi bàn giao cho trường. Bởi nhiệm vụ của nhà giáo là đào tạo và giảng dạy, không có chuyên môn “giải phóng mặt bằng” nên giao việc này cho trường là không thực tế.
Ông Dũng đề xuất, thay vì giao nhiệm vụ “giải phóng mặt bằng” cho trường, Nhà nước nên giao cho Bộ Xây dựng giải quyết vấn đề đất sạch, sau đó giao cho trường.
Còn nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho rằng, chủ trương di dời các trường ĐH ra ngoại thành là đúng.
“Tuy nhiên, ngoài vấn đề phải có kinh phí để xây dựng, cần tính đến nhiều yếu tố khác như: điều kiện di dời là bao nhiêu km thì tạo điều kiện thuận lợi cho đi lại; hoặc một khu đô thị ĐH tối đa là bao nhiêu trường, bao nhiêu sinh viên… Mặt khác, giảng viên giỏi chưa chắc đã theo trường di dời đến địa điểm mới nếu không có điều kiện thu hút”, ông Hùng phân tích.
Trong khi nhiều trường lo lắng phải di dời đến địa điểm quá xa sẽ không kéo được đội ngũ giáo viên giỏi thì Viện trưởng Viện ĐH mở Hà Nội Lê Văn Thanh cho rằng, “đây không phải là vấn đề”. Điều mong nhất là được giao đất sạch. Còn chuyện di chuyển hàng ngày của giáo viên, nhà trường sẽ bố trí một đội ngũ xe đưa đón cán bộ công nhân viên đi về trong ngày.
Vì đã 3 lần nhận đất rồi lại ngậm ngùi trả lại nên ông Thanh tin tưởng, lần di dời này sẽ thành hiện thực.
Ngoài việc chuẩn bị tư tưởng, trường đã có sẵn một số kênh sẵn sàng đầu tư để trường quy hoạch và xây dựng trên “vùng đất mới”.
“Đây là lần thứ 4 sau 18 năm thành lập, Viện được giao đất nên tin tưởng việc di dời đến địa điểm mới sẽ là tương lai không xa” – ông Thanh hy vọng.
Đồng thời, địa điểm cũ với diện tích 1.620m2, trường muốn được giữ lại để duy trì loại hình đào tạo từ xa (chiếm gần 2/3 chỉ tiêu). Nếu di chuyển sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng tiền đầu tư công nghệ cho các studio ghi hình, sản xuất các băng hình, băng tiếng…phục vụ đào tạo từ xa.
Vấn đề các trường ĐH di dời ra ngoại thành thì cơ sở cũ được dùng vào mục đích gì đang là băn khoăn của số đông các nhà quản lý các trường ĐH.
Viện ĐH Mở từng 3 lần nhận đất hụt Lần thứ nhất, vào năm 1995, trường được giao đất ở Cổ Nhuế. Nhưng không có tiền trả cho xây dựng hạ tầng địa phương nên khi quá hạn, đất được chuyển đổi mục đích. Năm 2000, Viện được giao 7ha ở Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình. Lần 2 này thì Hà Nội thay đổi lại quy hoạch, không cho xây ở đó (mà xây dựng Khu Liên hợp thể thao Mỹ Đình hiện nay) nên trường lại phải chờ. Sau đó, trường được tham gia dự án cùng 7 trường ĐH khác có tên trong khu đô thị ĐH Tây Nam (300 ha) ở Hà Tây. Dự án cũng phá sản khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội.
Theo Vietnamnet
Sẽ xây dựng khu ĐH tập trung theo "ba chung"?
Tương lai, ngoại thành Hà Nội sẽ có 8 khu ĐH tập trung ở Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Chúc Sơn. Những khu ĐH tập trung sẽ được xây dựng theo mô hình nào đang là mối quan tâm của lãnh đạo các trường ĐH.
Ba mô hình
"Mỗi một trường ĐH theo bố trí cơ cấu hiện đại bao giờ cũng phải tuân theo sự phân khu chức năng chặt chẽ gồm các khu chức năng: Học tập, các trung tâm (hiệu bộ, hành chính, văn hoá, thông tin, thư viện) khu ở, dịch vụ, nghiên cứu khoa học, thể dục thể thao, nghỉ ngơi".
Hơn 30 làm nghiên cứu thiết kế trường học - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thiết kế trường học (Bộ GD và ĐT) kiến trúc sư, tiến sĩ Trần Thanh Bình đúc rút.
Các khu chức năng tuỳ theo quy mô và mô hình tổ chức có các sơ đồ phân khu chức năng của ĐH đơn ngành, ĐH đa ngành, ĐH vùng và ĐH quốc gia.
Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội nằm trên phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) có diện tích khá chật hẹp. Ảnh: Lê Anh Dũng
Do đó, về lý thuyết và thực tiễn ứng dụng, khu ĐH tập trung bao gồm 3 mô hình sau:
Thứ nhất là tập hợp các trường độc lập được xếp cạnh nhau trong cùng một khu đất, đóng vai trò là một khu chức năng chuyên ngành của thành phố.
Mô hình này chú trọng việc ưu tiên các liên hệ nội tạng của từng trường, có đề ra hướng đảm bảo sự độc lập tối đa cho từng trường. Do đó, khu ĐH trong trường hợp này chỉ dừng ở phạm vi là một đơn vị đô thị bình thường có những trung tâm dịch vụ và văn hoá phục vụ cho những đơn vị đô thị nhất định. Chính vì vậy mà những ưu việt của tính chất khu không được phát huy.
Mô hình thứ hai là xây dựng một ĐH có quy mô lớn bao gồm các trường, khoa thành viên, có một sự quản lý nội tại chặt chẽ như một đơn vị đô thị độc lập với thành phố.
Mô hình này chú trọng tới việc tổ chức các khu chức năng chung, nhằm sử dụng đến tối đa các công trình của tất cả các khu chức năng. Và mô hình này chỉ thật sự chứng minh được tính ưu việt của nó khi con số sinh viên và tính chất cũng như số lượng trường thành viên trong khu có giới hạn.
Vấn đề của mô hình này là giới hạn số sinh viên trong Khu ĐH (trong thực tế, mô hình này thích hợp với các Đại học vùng, Đại học quốc gia).
Mô hình thứ ba là liên hợp các trường ĐH, CĐ độc lập về cơ sở đào tạo nhưng lại có cơ sở, trung tâm dùng chung khác (thư viên - thông tin thư viện, hội nghị hội thảo, thể dục thể thao, khu ở và dịch vụ).
Ông Bình phân tích, mô hình này thực tế đã xuất phát từ cơ cấu chức năng của từng trường thành viên, trong đó giữ lại cho từng trường tính đặc thù được thể hiện rõ nhất trong khu chức năng cơ bản khu học tập. Còn lại, các khu chức năng khác ít nhiều mang những nhiệm vụ giống nhau nên có khả năng tạo thành những khu chức năng chung.
Đây chính là mô hình liên kết sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật, tạo tiền đề cho các mô hình liên thông trong đào tạo và sử dụng chuyên gia, đội ngũ giáo sư, xây dựng hệ thống kỹ thuật hạ tầng đồng bộ, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai và công trình, nhằm phát huy hiệu quả cơ sở đào tạo và nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực trong khu vực.
Đặc biệt, việc sử dụng liên thông giữa các trường trong khu cho phép tiết kiệm khoảng gần 30% diện tích đất.
Như vậy nếu được lựa chọn, khu ĐH tập trung được tổ chức như một Đô thị đặc thù (tính chất cư dân, quan hệ xã hội, cơ cấu chức năng, mật độ xây dựng...) là một tổ hợp kiến trúc đa chức năng (học tập, nghiên cứu, sản xuất, thực hành, sinh hoạt, nghỉ ngơi, dịch vụ, văn hoá, thể dục thể thao).
Chọn mô hình "ba chung"?
Ông Bình nêu trên kinh nghiệm thực tiễn, các nước đều hướng đến xây dựng khu ĐH tập trung theo mô hình thứ ba để làm sao khai thác được 3 nguồn tài nguyên quan trọng nhất của trường Đại học : đất đai, cơ sở vật chất - hạ tầng kỹ thuật và con người.
Tức là "anh" phải tận dụng, đảm bảo xu hướng quốc tế - trường ĐH được thiết kế theo xu hướng mở để các trường có điều kiện giao lưu. Khi nhiều trường tập trung trên một khu đất thì tiêu chuẩn/ đầu sinh viên cũng hạ xuống.
Khi đã các trường đã cụm hoá lại được thì người thầy giỏi đi từ trường này sang trường khác có thể tận dụng được rất nhiều...
Về cơ bản, khu ĐH tập trung hạn chế việc chia đất phân lô cho từng trường xây khép kín mà hình thành các tổ hợp các trường ĐH, CĐ của 2, 3 hoặc nhiều trường, bao gồm những trường ĐH, CĐ thành lập mới các trường di dời toàn bộ hoặc di dời một phần từ nội thành ra
Theo đó, khu ĐH tập trung dự kiến sẽ được quy hoạch theo hướng "ba chung": Khu sử dụng chung bao gồm các công trình phục vụ cho hoạt động đào tạo -nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của các trường trong khu ĐH (trung tâm điều hành trung tâm thư viện, thông tin lưu trữ, phòng thí nghiệm trọng điểm...). Mỗi trường sẽ có khu học tập riêng.
Khu thể dục thể thao phục vụ cho các trường trong khu ĐH gồm sân vận động, nhà thi đấu bể bơi...Và các khu nội trú sinh viên, nhà công vụ, dịch vụ công cộng... của khu ĐH tập trung sẽ được đưa vào dùng chung.
Ba năm trở lại đây, đã có những đề xuất thể nghiệm các mô hình khu ĐH tập trung bao gồm nhiều trường ĐH hoặc CĐ, trong đó có tổ chức những phần tử chung đa phương và song phương bên cạnh những phần tử riêng có quy mô khác nhau.
Đó là các khu ĐH đã triển khai quy hoạch và bắt đầu xây dụng ở quy mô nhỏ như Sài Gòn - Long An (180 ha) Kinh Bắc (gần 200 ha), chủ yếu dành cho các ĐH ngoài công lập Khu ĐH Phố Hiến (Hưng Yên) quy mô 1.000 ha mới được phê duyệt chủ trương...ông Bình cho biết.
Theo phapluattp.vn
Ban tư vấn tuyển sinh đến với học sinh Củ Chi, Hóc Môn Gần 3000 học sinh của 7 trường THPT Củ Chi, Hóc Môn và quận 12 đã đến tham gia buổi tư vấn hướng nghiệp năm 2011 do báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với VNG tổ chức. Gần 3000 học sinh các trường Củ Chi, Hóc Môn, Quận 12 đến tham gia buổi tư vấn Theo như tin đã đưa trước đó,...