Trường ĐH nói gì khi chỉ xét tuyển học bạ lớp 12?
Nhiều trường ĐH xét tuyển thí sinh vào trường chỉ dựa trên kết quả học bạ lớp 12 thay vì xét điểm 3 năm học THPT như trước đây.
Năm nay, nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia – ĐÀO NGỌC THẠCH
Trường công an cũng xét học bạ
Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT thí điểm cho 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật được tuyển sinh không phải theo kỳ thi 3 chung của Bộ. Đến năm 2014, Bộ chính thức cho phép thêm 62 trường được thực hiện đề án tuyển sinh riêng (không tính 10 trường khối văn hóa, nghệ thuật).
Ở thời điểm này đồng loạt các trường xét tuyển theo phương thức này đều dựa vào điểm học bạ 3 năm THPT (6 học kỳ) hoặc 5 học kỳ (trừ học kỳ 2 lớp 12) và đảm bảo mức điểm tối thiểu điểm trung bình của từng môn học trong tổ hợp xét tuyển không nhỏ hơn 6,0 đối (với bậc ĐH) và 5,5 đối (với bậc CĐ).
Vào năm 2015, nhiều trường bắt đầu chọn hình thức xét tuyển thí sinh chỉ dựa vào điểm học bạ 2 học kỳ năm lớp 12. Năm nay việc này diễn ra ở nhiều trường, kể cả trường ĐH công lập lớn. Ngay cả khối trường công an còn sử dụng điểm học bạ làm một tiêu chí cấu thành điểm xét tuyển. Trường ĐH Đồng Tháp dành 50% chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ lớp 12 các ngành ngoài sư phạm, 30% chỉ tiêu các ngành sư phạm bậc CĐ. Một số trường công lớn khác cũng sử dụng phương thức này gồm: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…
70% chỉ tiêu xét tuyển học bạ
Đáng nói, một số trường còn dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ lớp 12.
Điển hình như Trường ĐH Phan Thiết, theo đề án tuyển sinh trường này công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, tổng chỉ tiêu năm nay là 1.030 thí sinh. Trong đó, chỉ 30% chỉ tiêu dành xét kết quả thi THPT quốc gia và 70% còn lại cho phương thức xét tuyển học bạ.
Đáng nói, trong 3 phương thức xét học bạ thì có tới 2 cách để thí sinh lựa chọn xét tuyển bằng điểm học tập năm lớp 12. Cụ thể: điểm trung bình cả năm lớp 12 hoặc điểm trung bình 3 môn theo tổ hợp xét tuyển của năm học lớp 12.
Xét học bạ dựa vào năm lớp 12 là bình thường?
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên về việc này, đại diện một số trường có sử dụng điểm lớp 12 để xét tuyển bày tỏ các quan điểm khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, lý giải: “Có thể nói năm học lớp 12 là quan trọng vì nội dung kiến thức đề trong kỳ thi THPT quốc gia nằm chủ yếu ở năm học này. Muốn làm tốt bài thi THPT quốc gia, thí sinh cần phải có kiến thức nền từ những năm học trước đó. Việc này không chỉ diễn ra với kỳ thi năm nay mà cả thời kỳ ‘ba chung’ và trước đó nữa”.
“Hơn nữa, đây cũng là năm chuyển tiến kiến thức bậc phổ thông lên ĐH”, ông Quốc Anh nói thêm.
Vì vậy, ông Quốc Anh khẳng định: “Không phủ nhận hình thức xét học bạ 3 năm THPT nhưng không thể nói việc chỉ xét kết quả năm học lớp 12 là chưa đủ chất lượng. Vì tiêu cực xét tuyển có thể xảy ra ở bất kỳ phương thức nào, ngay cả việc tổ chức thi”.
Tương tự, ông P. công tác tại một trường ĐH công lập cũng nhìn nhận: “Có thể xem việc xét học bạ dựa vào năm lớp 12 là bình thường nếu nhìn quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT. Ngay với hình thức xét tuyển học bạ cho các ngành đào tạo giáo viên, quy chế cũng chỉ yêu cầu người học có học lực khá, giỏi ở lớp 12″.
Trong khi đó, ông T, lãnh đạo tuyển sinh một trường ĐH công lập tại TP.HCM, nói: “Với tình trạng hiện nay thì kết quả học bạ là không đáng tin cậy. Những năm trước, tôi đã gặp trường hợp thí sinh nộp hồ sơ, lớp 10 chỉ đạt 6.0 nhưng lớp 12 lên đến 8,5. Từ đó, theo tôi nếu chỉ xét tuyển dựa vào kết quả lớp 12 thì khó có chất lượng”.
“Việc sử dụng kết quả học bạ chẳng qua là cứu cánh trong trường hợp không đủ chỉ tiêu”, ông T. nói thêm.
Trong một góc nhìn khác, ông K., cán bộ tuyển sinh một trường ngoài công lập tại TP.HCM từng thừa nhận, việc một số trường phổ thông đánh giá điểm học bạ thiếu chính xác khiến các trường không thể chọn lựa đúng thí sinh vì “điểm ảo”. “Năm nay việc xét công nhận tốt nghiệp chỉ có 30% điểm học bạ, 70% căn cứ vào điểm thi THPT quốc gia thì sẽ có nhiều ‘điểm ảo’ hơn, khi mà các thầy cô THPT ưu ái cho học sinh”, người này lo ngại.
Theo Thanh niên
Tại sao phụ huynh "mua điểm" bằng mọi giá vào trường công an, quân đội?
Vào trường công an, quân đội, sinh viên được nuôi ăn ở, ra trường lại có việc làm ngay, dễ thăng tiến nếu là con ông cháu cha, chưa kể có cơ hội để trở nên... giàu có.
Trong 108 thí sinh Hòa Bình và Sơn La được nâng điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, có 64 em (chiếm 59%) trúng tuyển vào trường công an, quân đội. Trong đó, có 53 thí sinh trúng tuyển vào các trường công an như Học viện An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy. Có 11 thí sinh trúng tuyển vào các học viện, trường sĩ quan trong quân đội.
Đến nay, những thí sinh này đã bị các trường công an, quân đội trả về địa phương, trừ trường hợp có một em được tiếp tục học ở Học viện Khoa học quân sự vì điểm chấm thẩm định đủ trúng tuyển và được Cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khẳng định "chưa có căn cứ xác định sai phạm". Một số thí sinh khác chủ động nghỉ học hoặc không nhập học.
Tại sao rất nhiều phụ huynh mong muốn con vào được trường thuộc khối công an, quân đội thậm chí tìm cách "mua điểm" bằng mọi giá để con được vào những trường này...?
Công an tỉnh Sơn La canh giữ cẩn mật Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La tối ngày 19/7/2018, khi đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đến làm việc về phản ánh gian lận thi cử. Ảnh: Đoàn Bổng
Học miễn phí, ra trường được bố trí việc làm
Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng các trường quân đội, công an được ưa chuộng là do trong môi trường này, người học được rèn luyện, học tập có tổ chức, kỷ luật chặt chẽ.
"Có nhiều người nói ví von trong môi trường quân đội, công an là "kỷ luật sắt" góp phần hình thành nên nhân cách tốt đẹp: sống có nền nếp, có tổ chức, có kỷ luật"- ông Ngai nói.
Cũng theo ông Ngai, khác với các trường khác thí sinh học quân đội, công an ra trường có việc làm ngay, mang tính ổn định, với mức lương cao so với công chức viên chức có trình độ, thâm niên công tác tương đươg làm việc ở các ngành, nghề khác.
"Hiện nay, ngành quân đội, công an có vị trí quan trọng trong xã hội nên gia đình thường có niềm tự hào khi người thân làm ở đây. Một số người đã hoặc đang công tác trong ngành muốn con, em tiếp nối sự nghiệp của mình"- ông cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Ngai, lý do đặc biệt hơn là "trong thời gian học, học viên được cấp trang phục, ăn ở miễn phí, không phải đóng học phí, có khi còn được hưởng phụ cấp. Khi ra trường lại có việc làm ngay, mang tính ổn định, lương cao, làm việc trong giai đoạn đất nước không có chiến tranh và còn có thể có những thu nhập ngoài lương".
Độ an toàn cao, tương lai đảm bảo
Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) thì nhìn nhận quân đội, công an là ngành "nóng" đối với thí sinh các tỉnh miền núi, chứ với phụ huynh Sài Gòn thì không phải là "tâm điểm".
Thầy Du cho rằng phụ huynh tìm mọi cách, kể cả "mua điểm" là do các khối ngành này có độ an toàn cao.
"Thí sinh ở hai ngành này ra trường lại đảm bảo có việc làm ngay, môi trường làm việc không cạnh tranh. Hơn nữa, họ sẽ rất dễ thăng tiến nếu là con ông cháu cha" - thầy Du nhìn nhận.
Còn ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay sở dĩ phụ huynh mong muốn con vào được trường công an, quân đội vì họ biết khi ra trường chắc chắn được làm việc trong các cơ quan công quyền.
"Người dân thường quan niệm đi làm Nhà nước mới an tâm. Ngoài việc chắc chắn có việc làm thì cơ hội được thể hiện quyền lực và có thể nâng cao thu nhập" - ông Sơn nói
Ông Sơn cho rằng phụ huynh có "mua điểm" cũng xuất phát từ quan niệm như sự đầu tư cho tương lai con em.
Hướng nghiệp bất lực vì bố mẹ có chức quyền
Là người có kinh nghiệm hơn 15 năm làm tư vấn tuyển sinh, ông Sơn nhìn nhận học sinh ở các lớp giỏi sẽ có sự tìm hiểu, tự chủ tốt hơn. Còn các em học lực kém hơn thường theo ý kiến cha mẹ. "Và cha mẹ của các em thì nhìn thấy một thực tế là ở các ngành công an, quân đội thường giàu hơn nên các em cũng có xu hướng muốn vào đấy".
Ông Hoàng Đức Bình, chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh nhiều năm, nhìn nhận nhiều phụ huynh xác định đây là "nghề vua". "Khi cha mẹ học sinh là những người có chức quyền, sẽ rất khó hướng nghiệp cho các em".
Còn ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), cho rằng sở dĩ nhiều phụ huynh bất chấp mua điểm để vào trường công an, quân đội là do hiện nay công tác hướng nghiệp ở trường phổ thông dù tổ chức dưới nhiều hình thức nhưng trên thực tế chưa giúp học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
"Nhiều gia đình có suy nghĩ muốn con em theo nghề nghiệp của cha mẹ do họ cảm thấy hài lòng với sự nghiệp của mình, đặc biệt có thể là chỗ dựa cho con cái kiếm việc sau khi tốt nghiệp nhờ có mối quan hệ hàng chục năm công tác trong ngành. Với niềm tin như vậy họ sẽ bất chấp khả năng của con em mình để chạy chọt vào đại học và để có được mảnh bằng tốt nghiệp"- ông Vinh nói.
Ông Vinh khẳng định, việc phụ huynh hướng nghiệp cho con không phải vì sở thích hay mong muốn, mà bằng mọi giá để vào trường công an, quân đội sẽ dễ làm hỏng con mình. "Các cháu muốn vào trường công an hãy để các cháu lựa chọn và bằng chính sức học và nguyện vọng của mình sẽ tốt hơn"- ông Vinh nhắn gửi.
Hiện nay, sau 4-5 năm đào tạo, một sĩ quan công an, quân đội vừa ra trường nếu thiếu úy sẽ có hệ số lương là 4,2; Hệ số lương của trung úy là 4,6. Ngoài lương các sĩ quan công an, quân đội sẽ còn được nhận thêm phụ cấp chức vụ, phụ cấp khu vực, thâm niên, công vụ...
Theo tài liệu nghiên cứu văn kiện Hội nghị Trung ương 7 của Ban Tuyên giáo Trung ương công bố năm 2018 khi nghiên cứu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan công tác ở địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh La Châu (là xã đặc biệt khó khăn được áp dụng phụ cấp đặc biệt 100%, phụ cấp thu hút 70% và phụ cấp khu vực 0,7), thì thiếu úy (tốt nghiệp đại học) được hưởng 17.017.000 đồng/tháng; trung tá được hưởng 27.937.000 đồng/tháng (hưởng phụ cấp thâm niên nghề 20%).
Lê Huyền
Theo vietnamnet
ĐBQH nói thế nào về đề xuất nâng trình độ chuẩn nhà giáo? "Nâng cao trình độ người thầy là điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, từ thực trạng hiện nay cần tính toán lại tính khả thi và các tác động tiêu cực của quy định này, thậm chí dễ bị lạm dụng". Đó là đề nghị của Đại biểu Quốc hội (ĐB) khi Quốc hội thảo luận tại hội trường...