Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao kỷ nguyên 4.0
Chuyển đổi số được ngành giáo dục xác định là nhiệm vụ quan trọng cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhập và ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của ngành.
Sinh viên ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ học thực hành
Là đơn vị cung cấp nguồn nhân lực chủ đạo cho doanh nghiệp (DN), Trường đại học (ĐH) Nguyễn Tất Thành đã đưa ra chiến lược gì, đáp ứng được yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên 4.0?
Đón đầu các công nghệ chủ chốt trong đào tạo
Không như những cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, là chủ yếu dựa trên nền tảng cơ khí, điện – điện tử, hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công nghệ chủ chốt dựa trên nền tảng chuyển đổi số, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… nên các trường ĐH dễ dàng triển khai, sinh viên (SV) dễ dàng tiếp cận và ứng dụng.
Là trường ĐH có định hướng ứng dụng, đa ngành, đa lĩnh vực, đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu trong và ngoài nước, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0, đạt chuẩn khu vực và quốc tế, do đó, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành luôn vận dụng các công nghệ chủ chốt vào quá trình đào tạo.
Nhà trường đã có nhiều chương trình đào tạo đạt chuẩn trong nước / quốc tế: đạt chuẩn 4 sao của Tổ chức QS Stars Anh quốc và được hệ thống xếp hạng đối sánh chất lượng ĐH Việt Nam và khu vực – University Performance Metrics (UPM) xếp hạng 4 sao.
Các chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng thể hiện tính đa liên (liên kết, liên thông, liên ngành): liên kết doanh nghiệp (DN), DN tham gia giảng dạy, SV học tại DN. Chương trình đào tạo cho phép liên thông trong ngành để nâng cao năng lực và liên kết các ngành để SV mở rộng kiến thức. Tạo điều kiện cho người học tác nghiệp thực tiễn, nâng cao kiến thức ở các bậc học và học được các ngành nghề ngành gần, ngành xa.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng phục vụ đa ngành nghề, đa hệ đào tạo, đa địa điểm (học nhiều nơi, ở trường, ở DN, ở bệnh viện, e-learning), sử dụng các thiết bị đa phương tiện phục vụ đa dạng người học, tạo điều kiện cho người học học được mọi lúc, mọi nơi trên mọi thiết bị.
Video đang HOT
Nhà trường cũng xây dựng học liệu số, triển khai học trực tuyến, học tương tác, học tích hợp công nghệ, nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông và phần mềm phục vụ cơ chế quản lý thông minh. Bên cạnh đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh, quản lý, đào tạo, việc làm.
Với mạng lưới liên kết trên 2.000 DN, tập đoàn cùng tham gia quá trình xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ lắp đặt các phòng thí nghiệm/thực nghiệm công nghệ chủ chốt và trên 1.000 giảng viên doanh nhân, là các chuyên gia của các lĩnh vực cùng tham gia hướng dẫn thực hành, thực tập cho SV, DN, nhà trường đã mở ra cơ hội để SV đi trải nghiệm thực tế, thực hành và thực tập tại các DN ứng dụng các công nghệ chủ chốt.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới (như Tập đoàn Intel, Tập đoàn SIEMENS Đức…) để xây dựng các mạng lưới các phòng thực nghiệm/thí nghiệm 4.0 ứng dụng các công nghệ chủ chốt phục vụ thực hành/thực nghiệm/thí nghiệm.
Nhà trường hợp tác với các hãng công nghệ hàng đầu thế giới xây dựng mạng lưới các phòng thực hành, thí nghiệm – ẢNH: H.T
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên số
Năm 2021, với mục tiêu xây dựng chương trình đào tạo theo hướng liên thông đa chiều, xuyên ngành song ngành, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tiến hành đào tạo các ngành: du lịch số, kinh tế số, công nghệ tài chính, tin sinh học, quản trị công nghệ sinh học. Đây là những ngành học giúp SV cùng lúc 2 bằng ĐH hoặc 1 bằng ĐH được tích hợp các kiến thức có tính liên ngành, liên lĩnh vực từ đó giúp SV ra trường mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển tương lai.
Để thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong kỷ nguyên 4.0, chương trình đào tạo ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng được xây dựng theo các chuyên ngành phù hợp như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu và thị giác máy tính. Đây là các công nghệ chủ yếu cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, nhà trường cũng mở thêm 2 ngành mới là Kỹ thuật phần mềm, Mạng máy tính và Truyền thông dữ liệu, đây là những ngành học phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số nên được nhiều bạn trẻ năng động lựa chọn.
Sinh viên đi trải nghiệm thực tế, thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ chủ chốt
Năm 2021, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dự kiến tuyển sinh 7.162 chỉ tiêu ở 48 ngành theo 5 phương thức: Xét kết quả kỳ thi THPT; Xét kết quả học bạ THPT; Xét theo kết quả kỳ thi riêng do Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức; Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển các thí sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Phó giáo sư 34 tuổi: 'Chọn nơi làm việc không chỉ vì lương'
Võ Thanh Sang còn bỡ ngỡ với cụm từ "tân phó giáo sư". Kim chỉ nam cho con đường nghiên cứu khoa học của anh là làm ra được sản phẩm giúp ích cho bản thân và cộng đồng.
PGS Võ Thanh Sang chia sẻ anh và gia đình không quá kỳ vọng hay đặt nặng vấn đề chức danh. Mục tiêu giúp anh giữ lửa trong suốt thời gian học tập, giảng dạy, nghiên cứu là tạo ra những sản phẩm có ích.
Với vị phó giáo sư trẻ, công việc nghiên cứu khoa học vất vả những cũng thú vị. Ảnh: NVCC.
Hài lòng với thu nhập từ nghiên cứu
Võ Thanh Sang tốt nghiệp cử nhân Sinh học tại ĐH Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM. Sau đó, anh sang Hàn Quốc học tiếp và tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành Hóa sinh tại ĐH Quốc gia Pukyong. Năm 2014, anh về nước và chọn công tác tại ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho đến nay.
Tính đến thời điểm nộp hồ sơ, PGS Sang đã xuất bản 11 chương sách tham khảo thuộc nhà xuất bản quốc tế có uy tín, công bố 63 bài báo khoa học, trong đó có 54 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc hệ thống ISI/SCOPUS.
Với thành tích trong nghiên cứu khoa học, anh từng được đạt giải thưởng Khoa học Công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng toàn quốc 2017 ở lĩnh vực Công nghệ sinh học, huy hiệu Tuổi trẻ Sáng tạo do Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Dù vậy nhưng mỗi khi nhắc đến công việc của mình với ba mẹ, họ hàng ở quê, anh lại không biết giải thích sao để mọi người hiểu. Mọi người cũng không biết phó giáo sư hay giáo sư là "nghề" gì. Nhưng nghe anh đạt một cột mốc, vị trí mới, họ đều vui mừng và tự hào. Đây cũng là động lực cho anh trong con đường phía trước.
"Trong gia đình tôi, ba mẹ làm nông dân nên không quan tâm nhiều về học hàm, học vị. Tôi thường nói ngắn gọn mình là giảng viên để mọi người dễ hình dung", tân phó giáo sư kể.
PGS chia sẻ anh nhận thấy công việc nghiên cứu rất hợp với mình. Bởi ngay từ nhỏ, anh đã thích tìm tòi, khám phá thiên nhiên. Lúc thi đại học, anh cũng xác định học ngành Sinh học để tìm hiểu nhiều thứ xung quanh chứ không thích công việc lặp lại, nhàm chán.
Với anh, việc nghiên cứu khoa học vất vả nhưng cũng thú vị. Việc phải ở lại phòng thí nghiệm, thức đợi kết quả đến 1, 2h sáng là bình thường, thường xuyên làm việc đến lúc lỡ giờ ăn trưa, ăn tối.
"Nhưng khi thấy kết quả mình lại thấy rất thú vị và thỏa mãn. Công việc ở phòng thí nghiệm không có giờ giấc cụ thể. Thí nghiệm diễn ra tới đâu thì mình phải làm đến đó. Nhưng khi đã biết quy trình thì mình có thể sắp xếp để nó diễn ra trong khoảng thời gian hợp lý", anh Sang nói.
Sau 6 năm nghiên cứu, giảng dạy trong nước, PGS Sang vẫn hài lòng với mức thu nhập anh nhận được, với bối cảnh nghiên cứu khoa học trong nước như hiện nay.
Anh cho hay một tiến sĩ mới tốt nghiệp hoặc mới về nước làm hoạt động nghiên cứu trong các đơn vị nhà nước thì mức lương cơ bản cũng chỉ khoảng 3, 4 triệu đồng. Nhưng đây không phải là thu nhập duy nhất của những người làm nghiên cứu khoa học. Mọi người còn có nhiều công việc để có thêm thu nhập như giảng dạy, hoạt động hướng dẫn sinh viên, các dự án...
"Hiện tại, với tôi, mức thu nhập ở trường khiến tôi hài lòng. Nhưng lương không phải điều khiến mình quyết định chọn một nơi làm việc nào đó. Quan trọng là nơi đó cung cấp, hỗ trợ điều kiện cho mình làm việc, nghiên cứu ra sao, từ đó mình làm được cái gì", anh chia sẻ.
Không nhờ đồng nghiệp động viên, rất có thể anh Sang đã không nộp hồ sơ trong đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư năm 2020. Ảnh: NVCC.
Bỡ ngỡ với cụm từ "tân phó giáo sư"
Chia sẻ về quá trình làm hồ sơ xét chức danh phó giáo sư, giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết anh không có ý định làm hồ sơ ở tuổi 34 vì nghĩ tuổi này "chưa chín chắn lắm".
"Ban đầu, quan niệm của tôi là mình phải làm được sản phẩm gì đó có ích thì mới xứng đáng với chức danh phó giáo sư. Ví dụ, hướng nghiên cứu của tôi là hoạt tính kháng viêm dị ứng và kháng đái tháo đường của các hợp chất thiên nhiên từ tảo và thực vật. Đây là những nghiên cứu làm cơ sở khoa học để phát triển các sản phẩm có thể bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tôi cứ nghĩ khi nào nghiên cứu ra sản phẩm thì mới tính đến việc xét chức danh. Hơn nữa, tôi cũng chưa thật tự tin về hồ sơ của mình", tân phó giáo sư kể.
May mắn, anh được nhiều đồng nghiệp đã phân tích, động viên, giúp anh thay đổi suy nghĩ. Sau đó, anh mới mạnh dạn làm hồ sơ.
"Nói thật là tôi cũng không nghĩ gì nhiều, việc học tập và nghiên cứu là một quá trình dài và luôn tiếp diễn. Mình đang đi trên một con đường dài và không được phép dừng lại. Chức danh phó giáo sư vừa là vinh dự nhưng cũng là áp lực, thôi thúc tôi cống hiến nhiều hơn nữa để thật xứng đáng. Đến hôm nay tôi vẫn còn bỡ ngỡ với mấy từ tân phó giáo sư", vị phó giáo sư trẻ chia sẻ.
Nói về hướng nghiên cứu của mình, PGS Sang cho biết các thí nghiệm đều cho kết quả rất khả quan, nhưng để cho ra đời một sản phẩm cụ thể thì vẫn là câu chuyện phía trước. Đây cũng là mục tiêu mà anh phấn đấu.
Bộ trưởng GD&ĐT: Phải giải quyết căn bản tình trạng thiếu giáo viên mầm non Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng nay (29/12), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2021, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, trong đó phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khỏe cho học sinh, sinh viên và cán bộ...