Trường ĐH Luật TPHCM: Nhiều ngành đào tạo tăng chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019
Theo Đề án tuyển sinh năm 2019 của Trường ĐH Luật TPHCM vừa được công bố, sẽ có 3/5 ngành đào tạo bậc ĐH điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học này.
Thí sinh tham gia làm bài kiểm tra năng lực do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức. Ảnh: Nguyễn Nam.
Cụ thể, ngành Luật dự kiến tuyển sinh 1.430 chỉ tiêu, điều chỉnh tăng 130 chỉ tiêu so với thông tin thông báo trước đây, ngành Quản trị kinh doanh với chỉ tiêu tuyển sinh 150, tăng 50 chỉ tiêu và Luật Thương mại quốc tế với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 120, tăng 20 chỉ tiêu. Như vậy, tổng chỉ tiêu tuyển năm 2019 của trường ĐH Luật TPHCM là 2.100 sinh viên.
Năm 2019, trường ĐH Luật TPHCM tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực. Phương thức này gồm 2 bước với 3 tiêu chí: xét điểm học bạ, xét điểm kỳ thi THPT quốc gia và điểm của bài kiểm tra năng lực. Căn cứ kết quả xét tuyển và điểm của bài kiểm tra năng lực, trường sẽ định ra mức điểm chuẩn xét tuyển từng ngành và từng tổ hợp.
Ở bước 2 xét trúng tuyển, chỉ những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ mới được thông báo tham gia làm bài kiểm tra đánh giá năng lực (dự kiến chiếm tỷ trọng 30% điểm trúng tuyển).Cụ thể, bước 1 xét tuyển sơ bộ, căn cứ vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trường sẽ xét điểm trung bình ở 6 học kỳ THPT của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển (dự kiến chiếm tỷ trọng 10% điểm trúng tuyển) và điểm thi THPT quốc gia năm 2019 (dự kiến chiếm tỷ trọng 60% điểm trúng tuyển) để xác định những thí sinh đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ.
Số lượng thí sinh được xét đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ không quá 300% so với chỉ tiêu dự kiến được phân bổ theo ngành và tổ hợp xét tuyển.
Thí sinh trúng tuyển nếu có đủ các điều kiện: đủ điểm của 3 tiêu chí xét tuyển nêu trên; có kết quả điểm của 3 tiêu chí này nằm trong chỉ tiêu được phép tuyển; có điểm của từng môn của 3 tiêu chí không bị điểm liệt theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Năm 2019, nhà trường chỉ sử dụng một cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến để đăng ký xét tuyển, kê khai thông tin cá nhân và nguyện vọng xét tuyển tại địa chỉ: dangkyxettuyen.hcmulaw.edu.vn.
Để hoàn tất quá trình đăng ký xét tuyển, trong thời hạn 3 ngày kể từ khi có kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, thí sinh điền kết quả thi của 3 môn thuộc tổ hợp đã đăng ký xét tuyển.
Video đang HOT
Thí sinh phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin đăng ký xét tuyển. Nhà trường sẽ từ chối tiếp nhận nhập học hoặc buộc thôi học (khi thí sinh đã nhập học) nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin đăng ký xét tuyển với hồ sơ gốc.
Bài kiểm tra năng lực gồm 100 câu thi trong 75 phút làm bài trắc nghiệm trên giấy (thang điểm 30). Nội dung bài thi 4 nhóm kiến thức gồm: Kỹ năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt; kiến thức xã hội tổng hợp (gồm kiến thức phổ quát về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, giới tính, lịch sử, địa lý, nông thôn; quan niệm của thí sinh về công bằng xã hội, quyền con người; đạo đức công dân). Hai nhóm kiến thức còn lại là kiến thức về pháp luật; tư duy logic và khả năng lập luận.
Đáng chú ý, Trường ĐH Luật TPHCM không tổ chức phỏng vấn trực tiếp thí sinh. Để làm bài kiểm tra, thí sinh không cần phải học thêm bất cứ môn học nào, nên sẽ không tạo áp lực gì cho thí sinh. Trường chỉ xét trúng tuyển đối với những thí sinh có tham dự làm bài kiểm tra năng lực và để có mặt trong buổi kiểm tra năng lực, thí sinh phải đăng ký xét tuyển sơ bộ theo đúng thời gian quy định.
Thu Dịu
Theo báo hải quan
Vì sao nặng hơn 60 kg, có hình xăm không được vào đại học?
Thời gian qua, nhiều trường ĐH, học viện xét tuyển có những điều kiện quy định về ngoại hình, chiều cao, cân nặng khiến nhiều người thắc mắc.
Tiến sĩ Lê Hữu Du, Trưởng phòng Đào tạo và khảo thí, Học viện (HV) Tòa án, giải thích vì sao một số trường cần phải đặt ra tiêu chí về ngoại hình.
Tính đặc thù của nghề nghiệp, mục tiêu phục vụ cho ngành
Tiến sĩ Lê Hữu Du nói: "Cũng như Trường ĐH Kiểm sát Hà Nội, HV Tòa án được thành lập trong bối cảnh Chính phủ có chủ trương hạn chế thành trường ĐH. Hai cơ sở đào tạo này đều nói rõ mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, khác với mục tiêu đào tạo cho xã hội của phần lớn các cơ sở đào tạo khác. Vì phục vụ cho ngành mà chúng tôi tuyển sinh rất ít, căn cứ vào nhu cầu cán bộ của ngành nên các tiêu chí tuyển sinh được đưa ra cũng là để phục vụ đòi hỏi các yêu cầu về nhân lực của ngành".
Nữ sinh viên Học viện Tòa án - Ảnh: Học viện tòa án
Được biết, trong tiêu chí sơ tuyển, HV Tòa án đưa ra yêu cầu nam cao từ 1 m 60 trở lên, nặng từ 48 - 80 kg; nữ cao từ 1 m 55 trở lên, nặng từ 45 - 60 kg. Ông có thể lý giải về các yêu cầu này?
Việc đưa ra các tiêu chí về sức khỏe, hình thể không phải vì HV có quan điểm phân biệt ngoại hình của người học mà vì tính đặc thù của nghề nghiệp. Hiện nay có 4 khối cơ quan yêu cầu về sức khỏe, thể lực ngay từ khâu tuyển sinh để đào tạo, gồm: quân đội, công an, kiểm sát, tòa án. Với quân đội thì rõ rồi, ai cũng thấy yêu cầu về sức khỏe, thể lực là đương nhiên. Ngoài ra, công an, kiểm sát, tòa án là các khối cơ quan tham gia vào hoạt động tư pháp, gắn liền với các hoạt động phòng chống tội phạm, nên có tính đặc thù trong tuyển sinh và tuyển dụng. Việc các đơn vị đào tạo của các khối ngành này đưa ra tiêu chuẩn về sức khỏe, hình thể để tuyển sinh là để đáp ứng yếu tố đặc thù đó.
Không những yêu cầu về sức khỏe, thể lực, các trường trong 3 khối trên đều yêu cầu sơ tuyển, kèm theo các tiêu chuẩn để căn cứ vào đó mà sơ tuyển. Như HV Tòa án chẳng hạn, chúng tôi đưa ra điều kiện chỉ xét thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 và 2. Vì công việc có tính đặc thù nên yêu cầu số một của chúng tôi là phải chọn được người phù hợp hơn, giúp sinh viên khi ra trường được tuyển dụng vào nghề thì làm việc có đam mê, tâm huyết, đóng góp được cho xã hội nhiều hơn, hoàn thành trách nhiệm được tốt hơn. Có những người dưới ngưỡng tiêu chuẩn mà mình đưa ra trong sơ tuyển, không phải do người ta không có khả năng để theo học, mà phù hợp với những nghề khác hơn.
Chúng tôi đào tạo một thẩm phán tương lai, khi họ ra trường, họ làm nghề xét xử. Quyết định của các lãnh đạo cấp cao cũng không phải là quyết định nhân danh nhà nước CHXHCN VN nhưng phán quyết của thẩm phán là nhân danh nhà nước. Khi một cán bộ đứng dậy để nhân danh nhà nước đưa ra phán quyết thì phải hình dung ngôn ngữ, giọng nói, thần thái... đều biểu thị cho quyền lực của nhà nước. Do đó, phải có sự lựa chọn phù hợp, giúp cán bộ thẩm phán tương lai làm nhiệm vụ tốt hơn.
Ngành tòa án là ngành rất áp lực, ngoài đòi hỏi kiến thức chuyên môn còn yêu cầu người học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, tiêu chuẩn về mặt trạng thái sức khỏe thể lực thì mới đáp ứng được tốt công việc. Làm án, liên quan tới việc định đoạt sinh mạng chính trị của bao nhiêu con người, nhiều thứ mệt mỏi, không có sức khỏe tốt (với những tiêu chuẩn cụ thể) thì khó hoàn thành nhiệm vụ. Do tuyển phục vụ cho ngành với lượng chỉ tiêu rất ít, mà mình không sàng lọc, lựa chọn kỹ, dẫn tới các em không đam mê, tha thiết với nghề, vào rồi lại bỏ, vừa lãng phí tiền của nhà nước, tiền của ngành, lại vừa ảnh hưởng không tốt cho xã hội. Thà rằng dành suất đó cho các em khác thực sự yêu thích nghề, vào học sẽ tốt hơn rất nhiều.
Các tiêu chuẩn sơ tuyển HV Tòa án đã đặt ra từ 3 - 4 năm nay, kể từ lúc HV được thành lập, không hiểu sao năm nay lại gây chú ý cho dư luận xã hội như thế!
Không khuyến khích người không có ý định làm việc cho ngành dự thi
Vậy khi trúng tuyển và nhập học là sinh viên đã được tuyển dụng vào ngành, hay khi ra trường vẫn phải cạnh tranh để xin việc?
Tuy mục tiêu là đào tạo nguồn lực cho ngành, nhưng khác với bên công an, quân đội, việc tuyển dụng vào các ngành kiểm sát, tòa án phải theo luật Viên chức. Nghĩa là nếu sau khi tốt nghiệp HV Tòa án, các em sẽ được ưu tiên tuyển dụng vào ngành, nhưng không có nghĩa các em được đương nhiên trở thành cán bộ của ngành mà vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng. Nhưng các em sẽ có lợi thế về chuyên môn nghiệp vụ nếu được đào tạo ở HV Tòa án, nơi cung cấp kiến thức chuyên ngành từ rất sớm và bài bản.
Với những thí sinh thi vào HV Tòa án nhưng ra trường muốn phục vụ cho xã hội thì không nhất thiết phải đáp ứng các tiêu chuẩn về sức khỏe, hình thể của ngành tòa án?
Như tôi vừa chia sẻ, trong chỉ thị của Bộ Chính trị về việc thành lập HV nói rất rõ, HV Tòa án đào tạo để phục vụ nhu cầu nhân lực cho ngành. Chi phí đào tạo có phần do nhà nước chi trả chứ không chỉ do người học đóng góp, nên HV không khuyến khích những em không định làm việc ở ngành tòa án thi vào HV Tòa án.
HV đặt ra yêu cầu cao về sức khỏe, hẳn là trong chương trình đào tạo cũng có cấu phần rèn luyện thể chất, thưa ông?
Hiện tại, giáo dục thể chất của HV thực hiện giống như các trường ĐH khác, là chương trình bắt buộc. Tuy nhiên, chúng tôi đang có dự định thiết kế để trong chương trình có đào tạo võ thuật. Thẩm phán khi xử những phiên tòa phức tạp, thậm chí có những vụ việc khi xử, gia đình đương sự vác cả gậy gộc đến dồn tòa chạy tán loạn, cho nên phải nghĩ đến những phương án để giúp các thẩm phán trong tương lai có khả năng tự vệ. Đây là nghề gắn với tội phạm, đấu tranh với tội phạm, cho nên nhiều áp lực, rủi ro.
Tiêu chuẩn thể hình mà HV đặt ra căn cứ vào đâu, thưa ông?
Chúng tôi cân đối trên cơ sở tiêu chí ở mức độ trung bình thấp về chiều cao, cân nặng để đảm bảo cân đối. Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra tiêu chí thấp hơn. Tòa án tiếp thu các tiêu chí bên Viện kiểm sát để đưa ra tiêu chí.
Những ồn ào xung quanh quy định về ngoại hình
Kỳ tuyển sinh 2019 chưa bắt đầu nhưng những quy định ngoại hình trong tuyển sinh đầu vào của một số trường đã khá ồn ào.
Đầu tháng 2 vừa qua, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố chỉ tiêu và tổ hợp xét tuyển dự kiến năm 2019, trong đó có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1 m 55 trở lên và nữ cao từ 1 m 50 trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1 m 65 và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1 m 55 chiều cao và nặng 45 kg trở lên. Ngay sau khi được đăng tải đầu tiên trên Báo Thanh Niên ngày 12.2, quy định này đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội. Chỉ 2 ngày sau đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã phải gỡ tiêu chí chiều cao với thí sinh xét tuyển vào ngành sư phạm khỏi đề án tuyển sinh dự kiến.
Ngày 14.3 vừa qua, Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cũng thông tin những điểm mới trong tuyển sinh các trường ĐH, CĐ thuộc khối này. Đáng chú ý về tiêu chuẩn chính trị, đạo đức đưa ra quy định mới, thí sinh không được có hình xăm, chữ xăm trên cơ thể. So với trước đây, quy định này khắt khe hơn khi trước đây chỉ quy định thí sinh không có hình xăm mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động, bạo lực gây phản cảm.
Điều kiện sơ tuyển của HV Tòa án bắt buộc thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào trường với thí sinh nữ chỉ giới hạn cân nặng từ mức 45 - 60 kg. Ngoài tiêu chuẩn cân nặng, thí sinh nữ cũng phải đạt chiều cao từ 1 m 55 trở lên. Riêng với thí sinh nam, tiêu chuẩn chiều cao từ 1 m 60 và cân nặng trong giới hạn 48 - 80 kg.
Theo thanh niên
ĐHQG HCM tổ chức 2 đợt thi đánh giá năng lực năm 2019 Năm 2019, ĐHQG-HCM tiếp tục tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) phục vụ cho công tác tuyển sinh với hai đợt thi vào tháng 3/2019 và tháng 7/2019. Việc đăng ký dự thi hoàn toàn tự nguyện, thí sinh có thể đãng ký dự thi 1 đợt hoặc cả 2 đợt. Nếu thí sinh dự thi nhiều hơn một đợt...