Trường ĐH đánh giá cao dự thảo phương án thi tốt nghiệp
Lãnh đạo nhiều ĐH cho rằng, các phương án đề xuất trong dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia là tối ưu trong điều kiện hiện nay và đáp ứng kịp thời chủ trương đổi mới.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ – Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp: Thí sinh không phải “lều chõng” thi ĐH.
Tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được đại diện các trường ĐH, CĐ, các địa phương thống nhất, lựa chọn và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là sự kế thừa những thành quả của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của năm 2014 và các năm trước.
Phương án mở rộng nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh sẽ giúp tạo nên các địa điểm dự thi gần hơn, giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.
Kỳ thi THPT quốc gia 2015, các cụm thi do trường đại học chủ trì, đảm bảo tính thống nhất và sự nghiêm túc, đồng thời thí sinh (và cả phụ huynh) không phải di chuyển xa và lều chõng để thi đại học như trước nữa.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Đệ.
Video đang HOT
Trước đây, các thí sinh phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt thêm 3 ngày nữa. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và một đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ).
Theo dự thảo quy chế này, các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi, giảm tốn kém cho xã hội và tăng thêm cơ hội cho thí sinh.
Phương án miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT (đối với những trường hợp đủ điều kiện) sẽ góp phần tạo động lực thay đổi cách dạy, học ngoại ngữ ở các trường theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; phù hợp với xu thế học gắn với thực hành và làm việc theo hội nhập.
Để thật sự giúp cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh với ngưỡng đầu vào phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao.
Phương án mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, độ sáng lọc sẽ cao hơn, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ theo hướng thiết thực và nâng cao.
Bên cạnh, một số nội dung chi tiết cần được điều chỉnh thống nhất hơn giữa hai dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, thì các phương án đề xuất trong dự thảo đã công bố là tối ưu trong điều kiện hiện nay và đáp ứng kịp thời chủ trương đổi mới.
TS Bảo Khâm – Hiệu trưởng ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế): Miễn thi ngoại ngữ là hợp lý
Dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia có những điểm đáng chú ý như: Việc lùi thời gian thi, tổ chức cụm thi, miễn thi ngoại ngữ và sử dụng thang điểm 20.
Trước hết, thời gian thi lùi từ tháng 6 về đầu tháng 7, về phương diện các trường ĐH, có những thuận lợi như sau:
Thứ nhất: Thời điểm tháng 6 với các trường ĐH luôn là thời gian bận rộn nhất vì phải xét tốt nghiệp cho sinh viên khóa ra trường. Do đó, nếu thi vào tháng 6 sẽ khá khó khăn.
Thứ hai: Tháng 7 là thời gian các trường vẫn thực hiện công tác tuyển sinh nên công việc không có gì xáo trộn.
TS Bảo Khâm.
Tuy nhiên, nếu thi sớm hơn cũng sẽ có thuận lợi là việc tuyển sinh sẽ bớt cập rập, công tác tuyển sinh có thể kết thúc vào tháng 8, tháng 9, không phải kéo dài đến hết tháng 10 như mọi năm.
Việc miễn thi Ngoại ngữ cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế uy tín để xét công nhận tốt nghiệp vẫn còn một số ý kiến băn khoăn. Tuy nhiên, quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đây là cách làm hợp lý.
Bởi rõ ràng, thí sinh để đạt được những chứng chỉ này phải qua các đề thi đã được xác trị, đảm bảo đo được năng lực người học nên kết quả là tin tưởng được. Đây là cách làm có thể khuyến khích, tạo động lực để thí sinh học ngoại ngữ với cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Dự thảo cũng có nội dung mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20. Đây cũng là cách tốt để phân loại thí sinh. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất đảm bảo phân loại vẫn là ở đề thi.
Về tổ chức cụm thi, tôi cho rằng, các trường ĐH sẽ đảm nhiệm tốt vai trò chủ trì cụm thi. Tuy nhiên, việc điều phối cơ sở vật chất, con người có khó khăn hơn một chút vì chỉ thi một đợt, lượng thí sinh sẽ lớn hơn.
Tôi chỉ băn khoăn về việc phân loại thí sinh thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp và thí sinh có đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ. Sau khi có kết quả thi, các thí sinh trước đây chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp nếu thấy mình đạt điểm thi cao lại đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ thì sao? Đây là điều khiến các trường khá bối rối.
Về phía ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế) luôn sẵn sàng phối hợp tổ chức kỳ thi này theo sự chỉ đạo chung của ĐH Huế. Như mọi năm cứ vào thời điểm cuối tháng 6, các giảng viên của trường đều không được đi công tác xa, để dồn mọi nguồn lực cho công tác tuyển sinh.
Theo Hiếu Nguyễn/Báo Giáo dục thời đại
Thi tốt nghiệp 2015 dự kiến dùng thang điểm 20
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, dự kiến kết quả kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích vừa xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đại học sẽ mở rộng thang điểm 10 sang 20.
Chiều 18/12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức buổi họp báo công bố dự thảo quy chế kỳ thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Một điểm mới đáng lưu ý đó là mở rộng từ thang điểm 10 sang 20.
Theo lý giải của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, kết quả của kỳ thi chung 2015 được sử dụng vào hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp, căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. Để đạt được điều đó, yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (thi tốt nghiệp THPT; tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Vì vậy, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả của thí sinh. Việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Với thay đổi này, Bộ GD-ĐT hy vọng giúp các ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường.
Như vậy, theo quy chế này, kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1-4/7/2015. Các học sinh sẽ phải hoàn thành việc đăng ký dự thi chậm nhất vào ngày 1/4.
Theo Zing
Đăng ký môn thi tốt nghiệp từ tháng 3/2015 Theo tin từ Cục Khảo thí - Bộ GD&ĐT, tháng 3/2015, thí sinh bắt đầu đăng ký môn thi kỳ tốt nghiệp THPT quốc gia và sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ. Thí sinh phải thi 4 môn thi tối thiểu, gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 môn tự chọn trong số các môn:...