Trường đầu tiên thuộc Đại học Huế thực hiện đánh giá ngoài
Sáng 30/9, Đại học Nông lâm Huế tổ chức đợt khảo sát chính thức phục vụ hoạt động đánh giá ngoài.
Đây là trường thành viên đầu tiên thuộc Đại học Huế tổ chức đánh giá ngoài, do Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện.
Đợt khảo sát đánh giá ngoài về chất lượng giáo dục tại Đại học Nông lâm Huế diễn ra từ ngày 30/9 đến 4/10. Theo TS Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Giáo dục – Đại học Nông lâm Huế, đánh giá và kiểm định chất lượng lần này giúp nhà trường xây dựng văn hóa chất lượng bên trong; đồng thời, rà soát xem xét, đánh giá thực trạng để nhận biết điểm mạnh, điểm tồn tại.
Qua đó, thể hiện tính tự chủ và tính tự chịu trách nhiệm trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ xã hội.
Đại học Nông lâm là trường thành viên đầu tiên thuộc Đại học Huế tổ chức khảo sát đánh giá ngoài. Ảnh: Ngọc Văn/Tiền Phong.
Được biết, trong thời gian tổ chức khảo sát đánh giá chất lượng, đoàn công tác đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành nghiên cứu hồ sơ minh chứng, làm việc trực tiếp với cán bộ phụ trách các mảng trong trường Đại học Nông lâm Huế; thảo luận, phỏng vấn nhóm lãnh đạo, nhóm giảng viên, nhóm quản lý chuyên môn, các nhóm nghiên cứu sinh, nhóm sinh viên, cựu sinh viên; thăm, quan sát các phòng ban, cơ sở vật chất của trường.
Kết thúc đợt khảo sát đánh giá, Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có báo cáo kết quả chính thức.
Từ đợt khảo sát đánh giá ngoài này, Đại học Nông lâm Huế đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2020: Ổn định quy mô đào tạo 10.000 người học (sau đại học chiếm ít nhất là 30%), có ít nhất 3 chương trình đào tạo chất lượng cao; bảo đảm trên 50% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ; 100% cán bộ quản lý và cán bộ phục vụ được đào tạo chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ; 100% giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học; 100% các khoa có chương trình hợp tác quốc tế; 40% giảng viên có tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế…
Video đang HOT
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Đại học Huế, sau Đại học Nông lâm, cuối năm nay, các trường thành viên khác thuộc Đại học Huế cũng sẽ tiến hành khảo sát đánh giá ngoài, bảo đảm đến tháng 5/2017, Đại học Huế có tất cả 8/8 trường thành viên hoàn thành hoạt động đánh giá ngoài.
Theo Ngọc Văn / Tiền Phong
Có giấy báo nhập học, đến ngày nhập học thì bị... rớt
Dù nhận được giấy báo nhập học đậu đại học, nhưng khi đến ngày nhập học, lên nộp hồ sơ tại trường thì cán bộ nói thí sinh bị... rớt. Thí sinh này cũng hết luôn cơ hội nộp nguyện vọng bổ sung đợt 1 vì đã quá hạn.
Đến ngày nhập học mới được thông báo... rớt!
Đó là trường hợp của thí sinh Nguyễn Vũ Trâm (SN 1997, thường trú huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, học trường THPT Nguyễn Dục cùng huyện). Trong giấy báo nhập học của em Trâm do Giám đốc ĐH Huế cấp thì em Trâm đã trúng tuyển vào trường ĐH Y Dược - ĐH Huế, ngành Răng - Hàm - Mặt với tổng điểm thi 3 môn 24,25 (Toán: 8,25; Hóa: 8,75; Sinh: 7,25). Cộng thêm điểm ưu tiên KV 2NT là 1 điểm cùng đối tượng ưu tiên 6 là 1 điểm thì em Trâm có tổng điểm là 26,25, đủ điều kiện đậu vì điểm trúng tuyển NV1 ngành Răng - Hàm - Mặt là 25,75.
Em Trâm lên kiểm tra danh sách trúng tuyến NV1 ngành Răng - Hàm - Mặt thì có tên. Sau khi nhận giấy báo nhập học do Giám đốc ĐH Huế ký ngày 26/8 hẹn đến sáng 10/9 tới trường ĐH Y Dược - ĐH Huế làm thủ tục nhập học. Sáng 10/9, sau khi em nộp hồ sơ, nộp tiền xong xuôi tại trường thì được thông báo là em đã... rớt ĐH.
Không tin vào tai mình, Trâm và mẹ em òa khóc. Đi bộ hết cả một buổi sáng từ ĐH Y Dược qua ĐH Huế, thì vẫn được thông báo là bị rớt. Trong cơn tuyệt vọng, thất vọng lẫn bức xúc, hai mẹ con em đã tìm tới các báo để xin được giúp đỡ trong đôi mắt đẫm lệ.
Hai mẹ con thí sinh Nguyễn Vũ Trâm mắt đẫm lệ gặp PV.
"Tôi và con không biết gì hết. Đã nhận được giấy báo nhập học, có tên trong danh sách trúng tuyển nhưng lại bị rớt là sao? Giờ cũng đã hết thời gian đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Cháu không biết phải đi đâu về đâu? Với số điểm cao như vậy, giờ gia đình và cháu thực sự mất hết hy vọng..." - chị Võ Thị Tâm, mẹ em Trâm nói.
Cũng theo em Trâm, khi nộp và kiểm tra tại trường mình là THPT Nguyễn Dục (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), giáo viên đã xác nhận là hồ sơ đúng toàn bộ không có gì sai, kể cả đối tượng và khu vực của em.
Mẹ con thí sinh Nguyễn Vũ Trâm khóc kể với PV
ĐH Huế: Trường không kiểm tra được hồ sơ thí sinh
Ngày 11/9, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Đỗ Văn Phòng, Phó trưởng Ban Công tác học sinh sinh viên - ĐH Huế về trường hợp thí sinh Nguyễn Vũ Trâm. Ông Phòng xác nhận, em Trâm rớt vì do thí sinh đã khai nhầm ở ở đối tượng ưu tiên 6 trong hồ sơ.
"Theo đối chiếu hôm qua, em Trâm chỉ là con của đối tượng bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp với tỷ lệ thương tật 32% nên không thuộc đối tượng ưu tiên 6 là con của thương binh, bệnh binh, hoạt động kháng chiến, hoạt động cách mạng... Vì vậy em không được cộng 1 điểm ưu tiên ở đối tượng ưu tiên 6. Do đó, tổng điểm em là 25,25, không đủ điểm đậu" - ông Phòng nói.
Giấy báo nhập học của em Trâm
PV đặt câu hỏi, vì sao ĐH Huế lại không kiểm tra hồ sơ của thí sinh kỹ mà lại cấp giấy nhập học? Ông Phòng cho biết, các năm trước khi chưa có kiểu tuyển sinh mới như năm nay thì ĐH Huế nhận hồ sơ thí sinh nên kiểm tra được tính xác thực của hồ sơ. Do năm nay, ĐH Huế cũng như tất cả các trường trên cả nước khi xét tuyển chỉ nhận 1 lá đơn và phiếu xét tuyển từ thí sinh. Khi xét thấy điểm đủ điều kiện trúng tuyển thì ĐH Huế sẽ cấp giấy báo nhập học. Còn lại bản sao hồ sơ (gồm có các minh chứng để được hưởng chế độ ưu tiên) thì trường chỉ được kiểm tra trong ngày thí sinh nhập học nên đã xảy ra tình trạng trên.
Theo ông Phòng, do các trường không có quyền trong việc kiểm tra hồ sơ theo quy định mới của kỳ tuyển sinh 2015-2016 của Bộ GD-ĐT, nên đã dẫn đến ngày nhập học đã có thí sinh từ đậu thành rớt.
Hiện tại ở ĐH Huế đã phát hiện ra 27 trường hợp sai với em Trâm như trên. Nguyên nhân là do các em kiểm tra không kỹ hay đối chiếu nhầm đối tượng ưu tiên, khu vực, cũng có thể do các em cố tình sai để được lợi thế ưu tiên. Nhưng ở khâu kiểm tra là cấp trường, cấp Sở đã không chặt chẽ, dẫn tới hồ sơ bị sai. Bên cạnh đó, phần mềm của Bộ GD-ĐT cũng đang bị sai ở phần nhập ưu tiên khu vực. ĐH Huế sẽ kiến nghị lên Bộ.
Cũng theo ông Phòng, khi nộp hồ sơ theo quy chế tuyển sinh năm nay có 1 điểm mới đáng chú ý là ở điểm d mục 2 điều 13 có quy định "Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi. Các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ ĐKXT và hồ sơ đăng ký dự thi với hồ sơ gốc". Cho nên, trách nhiệm thí sinh và người nhà phải biết việc này và chịu trách nhiệm khi nộp hồ sơ.
Ông Đỗ Văn Phòng, Phó trưởng Ban Công tác học sinh- sinh viên - ĐH Huế làm việc với PV.
"Hướng giải quyết của ĐH Huế, đối với các trường hợp sai đối tượng ưu tiên như em Trâm, theo nguyên tắc là thí sinh sai, nhưng có thể làm đơn trình lên ĐH Huế để hội đồng tuyển sinh ĐH Huế xem xét. Còn đối với trường hợp sai về khu vực ưu tiên, điều này do phần mềm của Bộ GD-ĐT sai thì phải chờ ý kiến của Bộ GD-ĐT giải quyết" - ông Phòng cho ý kiến.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc các diễn biến của sự việc này.
Đại Dương
Theo Dantri