Trường đầu tiên ở Sài Gòn khai giảng
Sáng nay, hơn 800 học sinh THCS Cửu Long bắt đầu năm học ở ngôi trường mới, với hai buổi mỗi ngày.
Học sinh THCS Cửu Long trong lễ khai giảng. Ảnh: Mạnh Tùng.
Sáng 31/8, trường THCS Cửu Long (quận Bình Thạnh, TP HCM) tổ chức lễ khai giảng năm học 2018-2019 cho hơn 800 học sinh, đồng thời khánh thành cơ sở mới khang trang hơn. Đây là trường khai giảng sớm nhất Sài Gòn.
Hiệu trưởng Lê Đình Thảo cho biết, năm trước có hơn 99% học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó hơn một nửa vào trường THPT công lập. Hiện toàn bộ học sinh được học hai buổi mỗi ngày, trường cũng hướng đến tiêu chuẩn giáo dục cấp độ 1.
“Chỉ còn ít phút nữa tiếng trống trường sẽ báo hiệu năm học mới tại ngôi trường mới. Đây là điểm đánh dấu những bước chuyển mình”, ông Thảo nói với học sinh, vẻ xúc động.
Thầy hiệu trưởng cũng nhắn nhủ học trò: “Thầy tin chắc sự bỡ ngỡ ban đầu sẽ thay thế bởi sự năng động, hòa mình của tuổi trẻ để phát huy thế mạnh của một ngôi trường mới. Thầy mong các em tiếp tục hăng say học tập, tích cực trong hoạt động, luôn tự tin, sáng tạo thể hiện bản thân, tôn trọng, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau”.
Học sinh lớp 6 thực hiện nghi thức chào cờ. Ảnh: Mạnh Tùng.
Video đang HOT
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng năm học mới sẽ tổ chức đồng loạt trên cả nước vào sáng 5/9 với chương trình ngắn gọn, hướng đến học sinh, đảm bảo trang nghiêm.
Hôm 20/8 toàn bộ học sinh TP HCM đã tựu trường. Năm nay, thành phố có 1,67 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến THPT và giáo dục thường xuyên (tăng 67.000 em). Trong đó bậc mầm non tăng hơn 20.000 em, tiểu học hơn 26.000. Tổng số giáo viên là gần 80.000 người tại 2.260 trường học.
Thành phố đã đưa 882 phòng học mới vào sử dụng, tuyển hơn 5.000 giáo viên mới thay thế nhân sự nghỉ hưu và bổ sung cho các trường mới thành lập.
Mục tiêu năm học mới của TP HCM là xây dựng các trường học có cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ thiết bị dạy học thiết yếu với nhiều phòng học thông minh, đa năng, nhà thể chất. Hệ thống thông tin, quản lý giáo dục theo mô hình quản trị trường học hiện đại.
Học sinh sẽ từng bước được học và hoạt động cả ngày tại trường, có thể học mọi lúc mọi nơi với các ứng dụng công nghệ thông tin. Thành phố sẽ tiếp tục theo chủ trương học sinh phải được học một trong những bộ sách giáo khoa tốt nhất theo chương trình khung của Bộ Giáo dục, có tính đặc thù địa phương.
Mạnh Tùng
Theo Vnexpress
Thi vào lớp 10, nhiều ý kiến chọn phương án thay đổi... từ từ
Trước 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2019-2020 mà Sở GD-ĐT đưa ra để xin ý kiến góp ý, nhiều phụ huynh và các nhà giáo muốn chọn phương án 1, thay đổi ở mức... từ từ.
Nhiều ý kiến phụ huynh và nhà trường muốn lựa chọn phương án thi ít thay đổi - ẢNH NGỌC THẮNG
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 lâu nay vốn vẫn được đánh giá là căng thẳng hơn cả kỳ thi tuyển sinh ĐH vì lứa tuổi này mọi gia đình vẫn mong muốn con mình được học tiếp lên THPT. Trong khi đó, Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60% số học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập. Do vậy, bất cứ thay đổi nào cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội và mỗi gia đình.
Trên một diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh, quản trị diễn đàn đưa ra 3 phương án mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố để cha mẹ học sinh và những người quan tâm lựa chọn. Tính đến thời điểm này, có gần 370 người chọn phương án 1 (thi tuyển 4 bài độc lập); gần 140 người chọn phương án 2 (thi kết hợp xét như lâu nay) và gần 30 người chọn phương án 3 (3 bài thi, trong đó 2 bài độc lập và 1 bài thi tổ hợp).
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, nhiều ý kiến cho rằng, phương án 1 là phương án phù hợp nhất lúc này, vừa khắc phục được nhược điểm của phương án 2 lâu nay, lại không tạo áp lực về số môn thi như phương án 3.
Một phụ huynh cho biết, phương án thi 4 môn độc lập là phương án đã từng áp dụng từ trước năm 2003, chỉ khác là có thêm môn ngoại ngữ là bắt buộc. Tuy nhiên, để an toàn và không gây sốc thì phương án 1 vẫn khá phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ cho biết, sau khi nghiên cứu cặn kẽ cả 3 phương án thì ông đã thay mặt nhà trường gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án phù hợp trong giai đoạn chuyển tiếp.
Theo ông Hà, việc giữ nguyên cách thức tuyển sinh như đã áp dụng hơn chục năm nay đã bộc lộ nhiều bất cập cần thay đổi nhưng việc thay đổi không gây xáo trộn quá lớn thì phương án 1 là phù hợp vì vẫn đảm bảo không học lệch mà học sinh cũng không phải thi quá nhiều môn. Phương án thứ 3 thì học sinh phải thi khá nhiều môn, nếu chưa học tích hợp và làm quen với thi tổ hợp thì các con sẽ khá căng thẳng và mang nặng tâm lý phải luyện thi tất cả các môn để thi.
Còn bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy thì cho hay chưa nghiên cữu kỹ 2 phương án đổi mới và còn phải thảo luận trong hội đồng giáo dục của trường trước khi góp ý chính thức với Sở GD-ĐT. Dù cho rằng phương án nào cũng có những thuận lợi và khó khăn nhưng bà Kim Anh khẳng định vẫn giữ nguyên cách thức thi như hiện nay là không phù hợp nữa và cần thay đổi.
Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Cầu Giấy cũng cho rằng ông ủng hộ phương án 1 vì thay đổi ở mức vừa phải nhưng điều quan trọng là đưa được môn ngoại ngữ vào là môn thi bắt buộc.
Ông Nam cho biết, đã tham khảo sơ bộ bước đầu ý kiến của học sinh lớp 9 năm học này và đa số các em cũng cho rằng nếu thay đổi thì nên chọn phương án 1. Thi môn ngoại ngữ rất cần thiết mà không gây áp lực lớn cho học sinh vì lâu nay các em vẫn học môn học này như một nhu cầu thiết yếu của môn công cụ.
Trong khi đó, ông Lê Hồng Vũ, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tây Hồ thì cho rằng, phương án 3 là phương án tiệm cận được với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông mà chúng ta đang và sắp tiến hành. Chắc chắn việc thi theo cách thức như vậy sẽ tác động rất tích cực với việc dạy và học trong các trường THCS, tránh hiện tượng học lệch như hiện nay.
Ông Đàm Tiến Nam và nhiều ý kiến đều đề nghị Sở GD-ĐT cần công bố phương án tuyển sinh càng sớm càng tốt, đồng thời phải có đề minh họa để các nhà trường căn cứ vào đó hình dung ra cách thức ra đề và có cách thức dạy học phù hợp.
Khẳng định với phóng viên Thanh Niên, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Sở đang tích cực tiếp thu các ý kiến góp ý và trên cơ sở đó sẽ lựa chọn và công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 cho năm học 2019-2020 ngay trong đầu năm học 2018-2019 này.
3 phương án tuyển sinh vào lớp 10
Ngày 13. 8, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục , Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020, cụ thể:
Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư, trong đó bài thi thứ tư thuộc 1 trong các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân. Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là toán, ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: ngoại ngữ, vật lý, lịch sử và giáo dục công dân); hoặc tổ hợp 2 (gồm 4 môn ngoại ngữ, địa lý, hóa học và sinh học). Thời gian làm bài đối với bài thi toán và ngữ văn là 120 phút/bài; đối với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài. Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
Ông Phạm Quốc Toản cũng cho biết, ngoài 3 phương án như trên, các nhà trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt.
Theo thanhnien.vn
Thanh Hóa: Hàng chục giáo viên lo lắng trước ngày trường giải thể Theo kế hoạch, năm học 2018 - 2019, có 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ phải giải thể theo đề án "Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025". Một trong những khó khăn lớn nhất là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường...