Trường đại học xuất sắc vẫn khó tuyển sinh
Chiều ngày 8/3, đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại Trường ĐH Việt – Đức nhằm tháo gỡ những vấn đề khó khăn mà trường đại học này gặp phải.
GS Jũrgen Mallon – hiệu trưởng Trường ĐH Việt – Đức cho biết một trong những khó khăn mà trường gặp phải là thu hút người học. Định hướng đến năm 2020 trường sẽ có 29 ngành đào tạo nhưng hiện tại mới chỉ mở được 8 ngành với quy mô 527 sinh viên. Sau 5 năm được thành lập, trường hiện có 262 sinh viên đang theo học bậc ĐH, 250 học viên cao học và 15 nghiên cứu sinh. Số đã tốt nghiệp gồm 24 cử nhân và 40 thạc sĩ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm các lớp học của ĐH Việt – Đức.
Bên cạnh đó, ĐH Việt – Đức còn gặp nhiều vướng mắc về cơ sở vật chất, các cơ sở đào tạo của trường chủ yếu là đi thuê mướn. Cụ thể gồm toà nhà tạm trong khuôn viên ĐH Quốc gia TPHCM, 1 tòa nhà trong khuôn viên ĐH Quốc tế Miền Đông…. Ông Mallon bày tỏ sự lo lắng mặt hạn chế của cơ sở vật chất nên khó triển khai đưa hệ thống thiết bị thí nghiệm phục vụ giảng dạy sớm được. Dịp này, phía nhà trường bày tỏ mong muốn cần có cơ chế đặc thù riêng cho trường để nhanh chóng hoàn thiện và phát triển mô hình trường ĐH xuất sắc.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với đội ngũ giảng viên Đức.
Về việc khó tuyển sinh sinh viên, học viên cao học ngành kỹ thuật, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết thực trạng khó khăn trong nguồn tuyển là thực trạng chung. Tuy nhiên, trong thời gian sắp tới khi những quy định mới về tuyển sinh sau đại học có hiệu lực sẽ giúp cho Trường ĐH Việt – Đức bớt khó khăn hơn. Riêng công tác xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đang cùng với các ban ngành, Ban quản lý dự án xây dựng Trường ĐH Việt Đức đẩy nhanh tiến độ, để sớm hoàn thành mục tiêu có cơ sở vật chất cho trường vào năm 2017.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe và chia sẻ những khó khăn mà Trường ĐH Việt – Đức đang đối mặt. Phó Thủ tướng đề nghị trường cần tìm ra nguyên nhân của những vướng mắc và khó khăn để có hướng giải quyết, đồng thời yêu cầu địa phương cần xúc tiến, chia sẻ với nhà trường. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị trường trong quá trình mở ngành đào tạo cần có dự báo nhu cầu nhân lực của từng ngành nghề, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có ngay việc làm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Trường cần bám sát tiềm năng đào tạo của Đức, tức là những ngành có trình độ cao nhưng vừa phải bám sát nhu cầu nhân lực trên lãnh thổ Việt Nam. “Mình có thể áp một chương trình rất hiện đại nhưng không biết là cần bao nhiêu người, đào tạo ra làm ở đâu là không ổn. Vấn đề này đã được Chính phủ VN chỉ đạo ngành giáo dục từ 5 năm nay, chúng ta đàp tạo theo nhu cầu xã hội. Chúng tôi đề nghị ĐH Việt – Đức nên kết hợp với ĐH Quốc gia TPHCM làm một dự án nhỏ để dự báo nhu cầu nhân lực của ngành mình định mở trong 5 năm tới là ở đâu, rồi mới đưa ra nội dung đào tạo”, Phó thủ tướng yêu cầu. ĐH Việt – Đức phải có tổ công tác để nghiên cứu nhu cầu nhân lực chất lượng cao và cung cấp số liệu hàng năm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong cuộc họp hội đồng trường sắp tới, trường cần thống nhất, họp thật kỹ công tác cơ cấu ngành nghề, nhằm giúp việc tuyển sinh, đào tạo hiệu quả hơn. Riêng về việc tuyển dụng nhân sự, trường không nên quá cầu toàn, cố gắng làm sao để đến cuối năm 2013 không còn khó khăn trong cơ chế phối hợp, cơ bản hoàn thành việc tuyển dụng các vị trí chủ chốt quan trọng để nhà trường sớm đi vào ổn định
Trường ĐH Việt – Đức được thành lập vào năm 2008, là trường công lập tự chủ đầu tiên của Việt Nam. Đến nay trường đã có 8 chương trình đào tạo bậc ĐH và cao học. Trong đó, có 2 ngành bậc ĐH là Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin. 6 chương trình đào tạo bậc cao học gồm: Tính toán kỹ thuật và mô phỏng trên máy tính, Cơ điện tử và Công nghệ cảm biến, Giao thông vận tải, Phát triển đô thị bền vững, Hệ thống thông tin doanh nghiệp và Quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm học 2013, ĐH Việt – Đức dự định mở thêm 2 ngành mới là cử nhân ngành Khoa học máy tính (bậc ĐH), ngành Sản xuất kỹ thuật toàn cầu (cao học). Chỉ tiêu của 3 ngành bậc ĐH của trường là 180 chỉ tiêu, chia đều 60 chỉ tiêu cho 3 ngành: Khoa học máy tính, Kỹ thuật điện và CNTT, Tài chính và Kế toán.
Lê Phương
Theo dân trí
Hà Nội: Cuộc thi khoa học, kỹ thuật thu hút nhiều HS tham gia
Cuối tuần qua, Sở GD-ĐT Hà Nội khai mạc cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học (Intel Isef) thành phố lần thứ 2. So với năm trước, số lượng đề tài lẫn HS tham gia tăng mạnh. Toàn thành phố có 23 trường THPT tham gia với 55 đề tài.
Buổi khai mạc này có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cùng với các ban ngành liên quan. Ban giám khảo cuộc thi là các thầy cô, các nhà khoa học ở địa bàn Hà Nội.
55 đề tài tham dự cuộc thi cấp thành phố là những đề tài tiêu biểu nhất được lựa chọn từ 88 đề tài đã dự thi ở cấp cụm trường. Cuộc thi diễn ra trong hai ngày 22 và 23/2. Những đề tài xuất sắc nhất sẽ được chọn tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3/2013. Các đề tài dự thi của học sinh Hà Nội khá phong phú và có chất lượng hơn so với năm trước. Các đề tài tập trung giải quyết vấn đề nóng của xã hội hiện nay đó là nguồn nước, biến đổi khí hậu, năng lượng mới. Một số HS mạnh dạn đưa ra các đề tài nghiên cứu liên quan đến vấn đề xã hội như bạo lực học đường, giảm căng thẳng khi thi cử...
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại buổi lễ khai mạc cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho HS trung học (Intel Isef) thành phố Hà Nội lần thứ 2.
Trong số 23 trường tham dự thì THPT Chu Văn An và chuyên Nguyễn Huệ dẫn đầu số đề tài tham dự, kế tiếp là Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Kim Liên... Đáng chú ý là một số trường ở ngoại thành Hà Nội cũng mạnh dạn tham dự như THPT Vân Tảo, Thạch Thất...
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "Nghiên cứu khoa học là một hoạt động mới của học sinh Việt Nam bắt đầu từ năm 2009. Mặc dù mới tham dự sân chơi quốc tế nhưng năm 2012 Việt Nam đã dành được giải nhất ở cuộc thi quốc tế".
Ngay sau phần khai mạc, Ban giám khảo đã thị sát để chấm và đánh giá các đề tài tham dự. Điểm đặc biệt ở lần thi thứ 2 này là Hà Nội cố gắng tổ chức toàn bộ các khâu giống như ở kì thi quốc tế thể hiện bằng cách bố trí các gian hàng, người tham quan có thể "chất vấn" chủ nhân các đề tài tại chỗ... Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng tiến hành "vặn" học sinh bằng tiếng Anh để tăng khả năng giao tiếp của các em.
Học sinh thuyết trình đề tài để "thuyết phục" những người tham quan gian hàng.
Ban giám khảo "chất vấn" chủ nhân các đề tài.
Sau khi xem qua các đề tài của HS Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ: "Năm nay các đề tài phong phú hơn, nhiều vấn đề nóng của xã hội đã được các em đặt ra vấn đề giải quyết. Đây là một tín hiệu mừng đối với cấp học phổ thông. Hiện nay đã có 24 Sở GD-ĐT địa phương đăng ký để tham dự kì thi cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3 tới. Qua đây cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học ở phổ thông đã thực sự thu hút được các em".
Sau gần hai ngày làm việc căng thẳng, chiều 23/2, Sở GD-ĐT đã tổng kết đánh giá và trao giải cho các đội xuất sắc. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: "Dù có kết quả như thế nào thì cuộc thi cũng đã tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các em HS thủ đô. Thông qua cuộc thi các em có thể giao lưu, học hỏi, bổ sung kiến thức cho nhau. Bên cạnh đó, các em ý thức được hơn đối với các vấn đề nóng của xã hội hiện nay như khí hậu, môi trường, xử lý rác thải...".
Sở GD-ĐT cũng cho hay, ngoài các đề tài do nhóm HS nghiên cứu thì có những đề tài chỉ có một em đảm nhiệm. Qua đó cho thấy sự tự tin và khả năng nghiên cứu độc lập của HS thủ đô.
Trong 55 đề tài dự thi Ban giám khoa đã quyết định chọn ra 6 giải Nhất ứng với 6 lĩnh vực theo tiêu chí cuộc thi. Bên cạnh đó Ban giám khảo cũng đánh giá chọn ra các đề tài xuất sắc toàn cuộc thể trao giải.
6 giải Nhất ứng với 6 lĩnh vực bao gồm: Đề tài phân lập, nghiên cứu nấm có khả năng sinh enzyme ngoại bào laccase từ gỗ và rơm mục để loại mẫu thuốc nhuộm và tiền xử lý phụ phế liệu nông nghiệp của nhóm HS Trường THPT Việt Đức (lĩnh vực Vật liệu và Công nghệ sinh học); Đề tài nghiên cứu khả năng xua đuổi côn trùng từ tinh dầu và dịch chiết cây chổi xể của nhóm HS Trường THPT Nguyễn Huệ (lĩnh vực Sinh học); Đề tài nghiên cứu hiệu quả của tấm ghép da nguyên bào sợi và ống dẫn lưu dịch trong điều trị vết loét bàn chân bệnh đái tháo đường (lĩnh vực Y học và khoa học sức khỏe) và đề tài nghiên cứu sản xuất Isoflavone Aglycone từ đậu tương bằng công nghệ vi sinh (lĩnh vực Vật liệu và Công nghệ sinh học) của hai nhóm HS đến từ Trường THPT Chu Văn An; Đề tài nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà của nhóm HS Trường THPT Hà Nội - Amsterdam (lĩnh vực khoa học môi trường); Đề tài Bạo lực học đường - Thực trạng và giải pháp của nhóm HS Trường THPT Kim Liên (lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi).
Giải toàn cuộc (đánh giá chung toàn diện về đề tài) Ban giám khảo đã chọn ra 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Giải Nhất duy nhất toàn cuộc dành cho đề tài phân lập, nghiên cứu nấm có khả năng sinh enzyme ngoại bào laccase từ gỗ và rơm mục để loại mẫu thuốc nhuộm và tiền xử lý phụ phế liệu nông nghiệp của nhóm HS Trường THPT Việt Đức.
Nhóm HS Trường THPT Việt Đức giành giải Nhất toàn cuộc.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT thì mỗi Sở GD-ĐT chỉ có 6 đề tài tham dự ở kì thi toàn quốc. Theo nhiên theo ông Vũ Đình Chuẩn - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học thì Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc đề số lượng đề tài của Hà Nội và TPHCM cao hơn so với quy định.
Sở GD-ĐT Hà Nội dự định, nếu được Bộ GD-ĐT đồng tình thì 14 đề tài đạt ở giải toàn cuộc (từ Khuyến khích đến giải Nhất) sẽ tham gia cuộc thi toàn quốc. Nếu tuân thủ theo quy định của Bộ GD-ĐT đề ra trước đó thì chỉ có 6 giải Nhất ứng với 6 lĩnh vực được tham dự kì thi quốc gia.
S.H
Theo dân trí
Cơ hội vàng đổi mới giáo dục Việc thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá là cơ hội vàng tạo cơ chế, thu hút trí tuệ tham gia vào đề án này và triển khai ngay từ đầu năm 2013. Quan trọng nhất là sự...