Trường đại học tư phát triển thành đại học: Tại sao không?
Những quy định liên quan tới điều kiện thành lập trường đại học, phát triển thành đại học…
nên thay thế, sửa đổi như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Đây là câu hỏi đang thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia.
Vướng mắc quy định tài chính, đất đai
Theo Nghị định 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, một trong những điều kiện để thành lập trường đại học tư thục là có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5 ha và đạt bình quân tối thiểu là 25 m2/sinh viên tại thời điểm trường có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển.
Ngoài ra, đối với trường công lập phải có dự án đầu tư xây dựng trường được cơ quan chủ quản phê duyệt, xác định rõ nguồn vốn để thực hiện theo kế hoạch. Đối với trường tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 1.000 tỷ đồng, không bao gồm giá trị đất xây dựng trường.
Một tiết học của giảng viên và sinh viên Trường Đại học Hòa Bình.
Vốn đầu tư được xác định bằng tiền mặt và tài sản đã chuẩn bị để đầu tư và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học tư thục, giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
Cũng theo nghị định này, các trường đại học muốn mở phân hiệu cần có diện tích đất xây dựng tối thiểu là 2 ha, trường hợp đặc biệt thì Bộ trưởng GDĐT có thể xem xét quyết định.
Phân hiệu của trường đại học tư thục phải có vốn đầu tư với mức tối thiểu là 250 tỷ đồng, không bao gồm giá trị đất xây dựng. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu thì giá trị đầu tư của các trường tư thục phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
Về phía các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, thủ tục về tài chính, đất đai là vướng mắc lớn đối với việc thành lập trường đại học.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Trần Văn Tớp, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trước những quy định trên, nhiều nhà đầu tư lớn có xu hướng mua lại trường cũ thay vì đầu tư thành lập trường đại học. Tuy nhiên, quy định này là cần thiết.
Bởi theo PGS.TS Trần Văn Tớp, trước đây, có thời điểm các trường đại học được thành lập ồ ạt, dễ dàng. Nhiều trường thậm chí còn không có cơ sở vật chất, không có quỹ đất, phải đi thuê ngoài nhưng vẫn được mở trường, tổ chức đào tạo.
Video đang HOT
“Một trường đại học khi thành lập phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, quỹ đất, đội ngũ giảng viên, phục vụ hoạt động đào tạo để các trường đại học có tầm vóc xứng đáng”, PGC.TS Trần Văn Tớp nói.
Trường đại học tư có cần phát triển thành đại học?
Hiện tại, Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo nghị định thay thế cho nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được ban hành trước đó.
Những quy định liên quan tới điều kiện thành lập trường đại học, phát triển trường đại học thành đại học và đại học quốc gia… nên thay thế, sửa đổi như thế nào trong bối cảnh hiện nay? Đây là câu hỏi đang thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ phía các trường, chuyên gia.
Theo các chuyên gia, trường đại học tư thục phát triển thành đại học khi có đủ điều kiện nhưng quy định phải chặt chẽ.
Ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Hòa Bình ủng hộ quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập trường đại học để tránh trường hợp trường học thành lập xong nhưng không hoạt động được.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Bá cho rằng, con số 1.000 tỷ đồng vốn đầu tư ban đầu tưởng là lớn nhưng so với một trường đại học chưa đáng kể. Theo kinh nghiệm của ông, để có một cơ ngơi tổ chức đào tạo có sức vóc thì phải có 3.000 tỷ trở lên.
PGS.TS Trần Văn Tớp cũng cho rằng, điều kiện, quy định thành lập trường đại học cần theo quy mô, lĩnh vực đào tạo chứ không nên chỉ có một quy định chung: diện tích đất xây dựng tối thiểu 5 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Ông Tớp lấy ví dụ, một trường có quy mô đào tạo 6.000 sinh viên sẽ có mức đầu tư khác với một trường có quy mô đào tạo 20.000 sinh viên. Hay với lĩnh vực đào tạo Khoa học kỹ thuật sẽ có vốn đầu tư, quỹ đất cao hơn so với lĩnh vực xã hội. Nghĩa là, quy định cần chặt chẽ, phân loại theo quy mô, lĩnh vực đào tạo của từng trường.
Một trong số câu hỏi đang thu hút nhiều ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia, trường học hiện nay là: Trường đại học tư có cần phát triển thành đại học, đại học quốc gia? Về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Tớp cũng đặt câu hỏi ngược lại: “Tại sao không khi mà các trường đáp ứng đủ điều kiện, quy định?”.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng e ngại rằng, nếu quy định không chặt chẽ thì việc trường đại học phát triển thành đại học sẽ trở thành trào lưu giống như trước đây các trường cao đẳng có trào lưu thành trường đại học.
Thực chất, đại học là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng hiện nay có hiện tượng trường đại học không phải đào tạo đa ngành nhưng mở thêm lĩnh vực đào tạo mới vì mục đích muốn phát triển thành đại học.
PGS.TS Trần Văn Tớp nêu quan điểm: “Trường đại học phát triển thành đại học sẽ nâng cao quyền cho các đơn vị thành viên, nâng cao đời sống cán bộ, nhóm lại các trường để hoạt động hiệu quả hơn… Song tôi cho rằng, chỉ khi mô hình có lợi về mặt quản trị, tận dụng được các thế mạnh tự chủ thì các trường mới thực hiện lên đại học”.
“Phát triển trường đại học tư thành đại học cần hay không, phụ thuộc vào mô hình của nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư bỏ ra vài chục, vài trăm nghìn tỷ đầu tư thành hệ thống trở thành đại học vùng thì rất tốt.
Trường đại học phát triển thành đại học thì mô hình quản lý sẽ được kiểm sát chặt chẽ, hệ thống hơn. Nếu như vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải có những quy định chặt chẽ tương xứng như: đầu tư như thế nào, cơ sở vật chất, diện tích đất ra sao, bao nhiêu trường thành viên”, ông Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Hòa Bình cho biết.
Những hình ảnh đầu tiên về kỳ thi được nhiều người đánh giá quan trọng hơn cả thi đại học
Hôm nay (18/6), gần 107.000 thí sinh trên địa bàn Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 với môn thi Ngữ văn tại 203 điểm thi.
Theo lịch của Sở GD&ĐT Hà Nội, sáng nay (18/6), các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2022-2023 sẽ làm bài thi môn Ngữ văn, thời gian làm bài 120 phút, hình thức thi tự luận. Buổi chiều, thí sinh tiếp tục làm bài thi môn Ngoại ngữ, thời gian 60 phút, hình thức thi trắc nghiệm. Sáng 19/6, thí sinh dự thi các trường THPT công lập không chuyên làm bài thi Toán - môn thi cuối cùng.
Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua khi trên 106.000 sĩ tử của Hà Nội cạnh tranh, giành khoảng 69.000 suất vào lớp 10 công lập (không chuyên). Kỳ thi được nhiều người đánh giá quan trọng hơn cả thi đại học.
Theo ghi nhận của PV báo Sức khỏe&Đời sống, các hội đồng thi đều đã làm tốt về cơ sở vật chất, công tác y tế, phòng chống dịch bệnh cũng được đặc biệt chú trọng.
Một số hình ảnh trong ngày đầu tiên thí sinh tham dự kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội:
Ngay từ 6h sáng, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất để bắt đầu đón học sinh bước vào môn thi đầu tiên - môn Ngữ văn.
6h15 phút sáng, phụ huynh đã đưa con có mặt tại điểm thi.
Các thí sinh kiểm tra thân nhiệt và rửa tay nước sát khuẩn trước khi vào phòng thi.
8h sáng, thí sinh bắt đầu làm bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tuyển sinh tuyển vào lớp 10 THPT công lập năm 2022.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, số lượng học sinh tuyển vào lớp 10 THPT năm 2022 khoảng gần 107.000 học sinh (tăng 14.000 học sinh so với năm học 2021-2022). Trong đó các trường công lập tuyển khoảng 77.000 học sinh (tăng khoảng 10.000 học sinh so với năm học 2021-2022). Các trường ngoài công lập tuyển khoảng 27.000 học sinh (tăng khoảng 4.000 học sinh so với năm học 2021-2022).
Số thí sinh còn lại, sẽ tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên khoảng 12.900 học sinh (tăng khoảng 3.000 học sinh) và khoảng 12.100 học sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ngưỡng điểm đầu vào ngành y và sư phạm năm 2022 Trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022, Bộ GD&ĐT quy định chi tiết ngưỡng đầu vào các ngành đào tạo sức khỏe và sư phạm. Với những ngành sư phạm và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe đào tạo theo hình thức chính quy, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo từng năm...