“Trường Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập”
Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập chứ không phải để các em phải sang nước khác học tập.
Ngày 24/8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cùng các sở, ngành liên quan đã có buổi làm việc với lãnh đạo Đại học Đà Nẵng và các trường thành viên.
Chưa có sự liên kết ba nhà: Nhà trường – doanh nghiệp – nhà quản lý
Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết, quy mô đào tạo của Đại học Đà Nẵng hiện nay là 55.413 sinh viên, trung bình hàng năm tuyển sinh 11.000 chỉ tiêu cho bậc Đại học và 1.500 chỉ tiêu trình độ Cao đẳng.
Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Ảnh: AN
“Đại học Đà Nẵng phấn đấu trở thành Đại học đẳng cấp quốc tế, phát triển theo hướng đại học nghiên cứu, là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực.
Đến năm 2025, một số trường Đại học thành viên trở thành đại học nghiên cứu và Đại học Đà Nẵng nằm trong nhóm 5 Đại học hàng đầu Việt Nam đẳng cấp khu vực và quốc tế, thuộc nhóm 200 đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á và nhóm 500 Đại học hàng đầu khu vực châu Á”, ông Vũ cho hay.
Góp ý cho sự phát triển của nhà trường, ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các trường đại học trong khu vực và ngay cả giữa các trường ở Đà Nẵng. Vai trò dẫn dắt của Đại học vùng Đà Nẵng đang có “nguy cơ bị đe dọa”.
Ông Dũng cho biết, vừa rồi thành phố làm việc với các doanh nghiệp Công nghệ thông tin và Du lịch đều kêu thiếu nhân lực trầm trọng nhưng nhà trường lại không đáp ứng đủ.
“Chúng ta chưa có sự hợp tác tốt giữa ba nhà là: Nhà trường – nhà sử dụng lao động (doanh nghiệp) – nhà quản lý.
Bởi chúng ta đào tạo nhưng thả nổi cho thị trường quyết định, không có dự báo nguồn nhân lực.
Để rồi hậu quả là nhà trường đào tạo ra những ngành nghề không phù hợp, sinh viên thất nghiệp trong khi ngành mà doanh nghiệp cần tuyển thì không”.
Ông Dũng nói thêm, Đà Nẵng từng kỳ vọng vào chương trình đào tạo ngoại ngữ sẽ giúp địa phương này có được một nguồn nhân lực phục vụ du lịch phong phú.
Nhưng cách đào tạo không đúng khiến học sinh chỉ biết đọc thông, viết thạo nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài thì lúng túng, không nói chuyện được.
Do đó, ông Dũng đề nghị nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, cho “ra lò” những lứa sinh viên năng động, không thụ động.
“Trong làn sóng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ thì nhà trường phải đào tạo ra những sinh viên biết tự tạo công ăn việc làm cho mình và người khác. Chứ không phải là những sinh viên ra trường rồi cắp cặp đi xin việc”, ông Dũng nói.
“Lôi kéo con em mình ở lại học tập”
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ ấn tượng với con số 70% sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng của Đại học Đà Nẵng.
“Các trường từ phổ thông đến Đại học phải có khả năng lôi kéo con em mình ở lại học tập. Nếu có chương trình đào tạo chất lượng cao, môi trường học tập tốt thì không việc gì các em phải đến nơi khác học.Ông Nghĩa khẳng định, hướng phát triển của thành phố là bên cạnh dịch vụ du lịch, y tế thì giáo dục thuộc nhóm ưu tiên kêu gọi đầu tư.
Đà Nẵng đang tìm kiếm các đối tác để đầu tư và làm việc đó. Thành phố kỳ vọng sẽ xây dựng thành một trung tâm đào tạo đẳng cấp”.
Do đó, Bí thư Nghĩa đề nghị Đại học Đà Nẵng phải chuyển đổi mạnh mẽ, khẩn trương hoàn thiện và chuyển về Làng Đại học (tại phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn). Nếu chậm trễ, làng đại học này có thể sẽ bị chia 5 sẻ 7 và lúc đó các nhà đầu tư khác sẽ nhảy vào.
Ngoài ra, về hướng đào tạo của trường phải hướng đến các ngành nghề mà thành phố đang khát nguồn nhân lực. Đó là ngoại ngữ, công nghệ thông tin và du lịch.
Ông Nghĩa cũng dẫn ra câu chuyện về các khu công nghệ cao Đà Nẵng, đó là hướng đầu tư mà nhà trường nên hướng đến.
Các trường cần tập trung đào tạo những ngành mà mà Khu công nghệ cao này cần đến. Ngoài ra, Bí thư Đà Nẵng yêu cầu nhà trường tổ chức ngày khai giảng là một ngày vì học sinh, sinh viên.
Đó phải thực sự là ngày hội của thầy trò chứ không phải là ngày hội “của các bác muốn lên tivi”. Ông Nghĩa nói nhà trường nên tổ chức một cách khoa học, tạo ra những niềm vui trong ngày đầu tiên các em đến trường.
Theo giaoduc.net.vn
Nghệ An: Gia đình quá khốn khó, nữ sinh trúng tuyển vào ĐH Y dược có nguy cơ phải từ bỏ ước mơ
Chưa đầy một tuần nữa là tới ngày Nguyệt sẽ phải vào Trường ĐH Y dược Thái Bình nhập học. 12 năm học với quyết tâm, ước mơ cháy bỏng được học tiếp đại học, trở thành người thầy thuốc chữa bệnh cứu người giờ đây có nguy cơ khép lại vì hoàn cảnh gia đình quá khốn khó khi người mẹ nghèo mắc nhiều bệnh tật đau đớn.
Người mẹ nghèo đa bệnh tật
Mẹ con em Nguyệt tá túc trong căn nhà tạm bợ, cũ nát của người cậu ở thôn 12 (xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Con đường tìm về thôn 12, xã nghèo Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) những ngày này càng khó đi vì đang là mùa mưa lụt. Căn nhà hai gian tuềnh toàng mà mẹ con chị Hoàng trú ngụ bị mưa dột tứ bề. Nền nhà lênh láng nước, một mùi ẩm mốc lâu ngày bốc lên ngàn ngạt.
Trong câu chuyện với chúng tôi, người phụ nữ gầy gò, ốm yếu không giấu được vẻ mệt mỏi chất chồng. Chị là Hồ Thị Hoàng - mẹ em Nguyệt - sinh năm 1968, là con thứ 4 trong gia đình có tới 9 người con. Vốn là một người hiền lành, chất phác, tuổi mười tám đôi mươi chị đem lòng yêu một người đàn ông cùng xã. Hai người nên duyên vợ chồng nhưng hạnh phúc chẳng tày gang thì hôn nhân đổ vỡ. Chị Hoàng trở về tá túc trong căn nhà tạm bợ, cũ nát của người em trai. Ngày ngày chị cặm cụi bươi đất nhặt cỏ, cuốc mướn làm thuê kiếm chút tiền đắp đổi cân gạo, mớ rau sống lay lắt qua ngày.
Thời gan thấm thoát thoi đưa, chị Hoàng thấy mình ngày mỗi héo mòn mà vẫn lẻ loi đơn chiếc. Sau bao lời khuyên nhủ, chị liều mình kiếm lấy mụn con, những mong làm nơi nương tựa khi về già. Năm 1995, chị hạ sinh cô con gái đầu Hồ Thị Hoa. 5 năm sau, con gái thứ Hồ Thị Nguyệt cất tiếng khóc chào đời. Từ ngày có con trẻ, căn nhà nhỏ ven cánh đồng bớt đìu hiu, cô quạnh. Nhưng gánh nặng gia đình đè oằn lên đôi vai chị Hoàng.
Năm 2008, căn nhà cũ bị xuống cấp trầm trọng, mỗi lần trời mưa mái ngói lại chùng xuống như mắc võng. Chị Hoàng nơm nớm lo sợ, không biết nhà sẽ sập đổ lúc nào. Có con bò là tài sản đáng giá duy nhất, chị cũng đành nhắm mắt bán đi (được 10 triệu đồng). Rồi anh em họ hàng mỗi người một tay xúm lại giúp mẹ con chị dựng lại mái nhà.
Vì gia cảnh khó khăn nên Hoa (chị gái Nguyệt) chỉ học hết lớp 9 đã phải nghỉ học đi làm, phụ mẹ nuôi em đi học. Nhưng chẳng được bao lâu, Hoa cũng cất bước theo chồng. Cuộc sống quê nghèo khó khăn, vợ chồng trẻ dắt díu nhau vào Nam bươn chải. Quanh năm đầu tắt mặt tối vậy mà năm nào đủ ăn là may, nói gì đến dư giả.
Cầm trên tay giấy báo nhập học mà lòng hai mẹ con chị Hoàng đau như cắt. Thành quả sau bao năm lo toan, vất vả của mẹ, nghị lực tuyệt vời của con gái, tất cả giờ có nguy cơ trở thành công cốc.
Chị Hoàng lại một mình một bóng tất tả gánh gồng nuôi con. Cực chẳng đã khi cơ thể gầy gò, ốm yếu của chị còn phải gánh chịu những cơn đau hành hạ.
Năm 2011, căn bệnh u vú tiến triển buộc chị phải nhập viện phẫu thuật gấp.
Năm 2013, căn bệnh bướu tuyến giáp giày vò khiến chị phải vào bệnh viện Ung bướu Nghệ An phẫu thuật.
Mẹ con chị Hoàng chia sẻ về hoàn cảnh của mình.
"Cứ định kỳ 3 tháng 1 lần chị vào viện tái khám, mất 200 ngàn đồng tiền thuốc, 100 ngàn tiền xe. Nhiều lúc đau, khó nuốt, khó thở, không ăn uống được chi, nhưng chị cũng chỉ biết trông vô mấy viên thuốc bảo hiểm thôi. Mới đây đi khám bác sĩ nói bệnh bướu tuyến giáp của chị lan tỏa rồi, không phẫu thuật được nữa", chị Hoàng giơ cánh tay gạt ngang dòng nước mắt mặn chát đang chực trào ra trên khóe mắt.
Người mẹ nghèo, thường xuyên đau ốm đành bất lực trước ước mơ hoài bão của con gái.
Tưởng rằng bất hạnh như thế đã là quá đủ với một kiếp người. Vậy mà một ngày tháng 5 năm 2016, chị Hoàng đang cuốc bộ trên đường thì bị chiếc xe máy đi cùng chiều tông phải. Cú va chạm mạnh khiến chị bị hất bay một đoạn chừng 3 mét, đầu đập vào tảng đá ven đường ngất lịm.
Sau đó, người gây ra tai nạn lặn mất tăm. Chị Hoàng vẫn nằm thiêm thiếp cho tới khi có người đi đường phát hiện, hô hoán người ứng cứu. Chị Hoàng lập tức được đưa vào bệnh viện đa khoa huyện cấp cứu. May mắn thoát chết nhưng di chứng nặng nề của vụ tai nạn, khiến chị thường xuyên bị mất ngủ và lên cơn đau đầu mỗi khi trái gió trở trời, cứ nhớ nhớ quên quên như người bị lẫn.
Chính quyền địa phương xác nhận, gia đình chị Hoàng là hộ nghèo liên tục trong nhiều năm qua.
Chứng kiến mẹ vật vã đau bệnh, Nguyệt khát khao trở thành thầy thuốc chữa bệnh cứu người
Nghĩ về mẹ, về gia cảnh éo le của mình, em Hồ Thị Nguyệt đã cố gắng học, học thật giỏi để mẹ vui lòng. Và minh chứng là 12 năm học, Nguyệt luôn giành được danh hiệu học sinh giỏi. Trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện (THCS) và học sinh giỏi cấp trường (THPT) em đều đạt giải.
Thành tích học tập của Nguyệt rất đáng khâm phục.
Đặc biệt trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyệt đã đỗ vào trường Đại học Y dược Thái Bình (ngành Dược) với số điểm 21,3 khối A (Toán 6,8; Lý 7,25 và Hóa 7,25 điểm - chưa cộng điểm ưu tiên, trong khi điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 là 21,55).
Không thể nhập học vì nghèo, Nguyệt phải ở nhà phụ giúp mẹ để chuẩn bị vào nam làm thuê.
Ngày cầm giấy báo trúng tuyển trên tay, Nguyệt tuôn rơi nước mắt. Em khóc vì hạnh phúc, vì cuối cùng em đã làm được, mọi nỗ lực mà em phấn đấu trong suốt 12 năm qua đã được đền đáp. Thế nhưng niềm vui ấy cứ chùng xuống không sao cất cánh lên được.
"Đêm nằm nghe con rưng rức. Chị thương con, chỉ biết khóc theo nó...", chị Hoàng nghẹn ngào.
Tiễn chúng tôi trở về trên con đường lấm lem bùn đất, đôi mắt Nguyệt chất đầy một nỗi buồn sâu thẳm: "Em cũng đã nghĩ đến khoản tiền vay hỗ trợ sinh viên nghèo và xin giúp đỡ từ anh em họ hàng, nhưng ngay cả mảnh đất ngôi nhà em đang ở cũng không phải nhà em thì ai sẽ cho mình vay mượn đây?".
Những lần chứng kiến mẹ vật vã trong cơn đau, từ sâu trong tâm khảm, Nguyệt khát khao trở thành một người thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Nhưng vì gia cảnh bần hàn, cơ cực, rất có thể em sẽ phải gác lại giấc mơ của mình...
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Hồ Thị Nguyệt, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại của em: 0167 692 5251, số tài khoản: 100868064725, chủ tài khoản: Hồ Thị Nguyệt, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh huyện Quỳnh Lưu- Nghệ An. Trân trọng!
Nguyễn Tú - Nguyễn Hòe
Theo Dân trí
Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm đối với em Hồ Thị Nguyệt, xin vui lòng liên hệ theo số điện thoại của em: 0167 692 5251, số tài khoản: 100868064725, chủ tài khoản: Hồ Thị Nguyệt, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh huyện Quỳnh Lưu- Nghệ An. Trân trọng!
ACT ra mắt trang cộng đồng trực tuyến mới dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam ACT Club giúp học sinh chuẩn bị hành trang cho hành trình vào đại học tại Mỹ và các nước trên thế giới. Ngày 21.8, ACT cùng với đối tác độc quyền tại Việt Nam EMG Education đã ra mắt trang web ACT Club Việt Nam. Đây là cộng đồng trực tuyến miễn phí giúp học sinh tiếp cận các nguồn tài liệu...