Trường đại học nào sẽ phát triển thành đại học?
Cả nước hiện chỉ có 2 ĐH quốc gia (ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội) và 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế).
Nhưng theo luật giáo dục ĐH mới, dự kiến sẽ có thêm các ĐH mới được phát triển từ trường ĐH như trường hợp của Trường ĐH Y Dược TP.HCM.
Dự kiến, khoảng 3 – 4 năm nữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ phát triển thành một ĐH – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trên cơ sở pháp lý của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), nhiều trường ĐH đã có chủ trương phát triển, nâng cấp thành mô hình ĐH trong thời gian tới.
3 – 4 năm nữa có thể Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đổi tên
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết trường ĐH này đã có chủ trương phát triển thành ĐH. Chủ trương này có từ trước đó, ngay thời điểm nhà nước bàn về việc sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục ĐH (năm 2017).
Theo GS-TS Phong, hiện luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐHđã có hiệu lực từ ngày 1.7 là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện chủ trương này. Trường vẫn đang chờ Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật được ban hành mới bàn tới việc xây dựng đề án.
“Trường sẵn sàng cho việc này nhưng sẽ thực hiện các bước theo lộ trình và đúng quy định. Dự kiến, ít nhất cần từ 3 – 4 năm nữa để Trường ĐH Kinh tế TP.HCM phát triển thành một ĐH”, GS-TS Phong nói.
Theo GS-TS Phong, để làm được việc này thì trước hết các khoa hiện tại cần phát triển thành 3 – 4 trường ĐH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nói về mô hình ĐH trong tương lai so với hiện tại, theo GS-TS Phong, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ có nhiều thay đổi. Thậm chí có thể phải đổi cả tên trường để không phải là ĐH về một lĩnh vực.
Video đang HOT
Tuy nhiên, ông Phong khẳng định: “Dù có phát triển thành mô hình ĐH thì trường này vẫn giữ ổn định quy mô đào tạo như hiện nay, với khoảng 30.000 người học. Thay vì tăng quy mô, trường sẽ tập trung vào phát triển chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh không chỉ trong nước mà cả quốc tế”.
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM sẽ có trường thành viên ?
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cũng đã vạch ra định hướng chiến lược phát triển lâu dài theo các giai đoạn khác nhau. Theo đó, đến năm 2020, bộ máy tổ chức của trường dự kiến được sắp xếp theo 3 cấp: trường ĐH, college (trường) và bộ môn. Định hướng đến năm 2030, trường ĐH này sẽ trở thành ĐH với 4 trường thành viên gồm: Trường Nông nghiệp (College of Agriculture), Trường Công nghệ (College of Technology), Trường Kinh tế và phát triển (College of Economics and Development), Trường Khoa học (College of Science). Ngoài ra còn có Viện Sau ĐH, Trung tâm đào tạo quốc tế và nghiên cứu công nghệ cao.
PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt thay vì từng khoa riêng lẻ, trường có định hướng tích hợp các khoa cùng đào tạo một nhóm ngành thành các trường (college). Việc này nhằm mục tiêu sử dụng chung nguồn lực, tăng hiệu quả và chất lượng trong nghiên cứu và đào tạo.
Lập thêm trường thuộc trường ĐH
Chưa tính tới chủ trương phát triển thành ĐH nhưng từ luật mới này, nhiều trường cho biết sẽ thành lập thêm các trường trong trường ĐH để phát triển mạnh hơn một số lĩnh vực ngành nghề trong thời gian tới.
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục – Khả Hòa
Điển hình là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM với đề án thành lập 2 trường trực thuộc: Trường Ngoại ngữ và Trường Giáo dục. Việc này đã được ĐH Quốc gia TP.HCM đồng ý về mặt chủ trương. Theo đó, Trường Ngoại ngữ sẽ tập trung vào mục tiêu đào tạo các ngành liên quan đến ngoại ngữ, còn Trường Giáo dục sẽ hướng tới các ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước mắt 2 trường này sẽ thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM theo đúng tinh thần của luật. Sau này, tùy điều kiện thực tế các trường có thể được điều chỉnh hướng phát triển cho phù hợp hơn. Theo PGS-TS Phương Lan, mục tiêu của việc thành lập các trường là tăng cơ hội phát triển cho các khối ngành này và thêm cơ hội cho cả người học.
Trường ĐH tư thục cũng có thể thành ĐH
Theo luật Giáo dục ĐH (2012), cơ sở giáo dục ĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: trường CĐ; trường ĐH, học viện; ĐH vùng, ĐH quốc gia (gọi chung là ĐH); Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo trình độ tiến sĩ. ĐH chỉ gồm ĐH vùng và ĐH quốc gia.
Còn theo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH (2018), ĐH là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực. Cơ sở giáo dục ĐH có tư cách pháp nhân bao gồm: ĐH, trường ĐH và cơ sở giáo dục ĐH có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật. Trong đó, ĐH quốc gia và ĐH vùng là ĐH thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Ở luật mới này, khái niệm ĐH đã được mở rộng hơn. Và kèm theo luật, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này cho phép các trường ĐH nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH.
Nhìn vào các quy định mới này, tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, nói: “Theo dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này thì trường ĐH tư cũng có thể nâng cấp hoặc liên kết để trở thành ĐH”. Nhưng theo ông Tùng, Trường ĐH FPT không có chủ trương này vì hiện nay không thấy lợi ích gì khi chuyển đổi.
Tương tự, dù cùng một hệ thống nhưng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM cũng chưa có chủ trương đi theo hướng này.
Theo Thanh niên
Vét thí sinh bằng điểm sàn thấp, các trường ĐH sẽ duy trì số lượng được bao lâu?
Các trường ĐH trên cả nước bắt đầu công bố điểm sàn xét tuyển và điểm trúng tuyển. Với kết quả thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá là cao hơn năm 2018, phổ điểm đẹp hơn, có tính phân loại thí sinh tốt, các trường top đầu và top giữa tương đối dễ sàng lọc đầu vào. Nhưng các trường top sau lại đang vất vả chọn người học. Nhiều trường đã xác định mức sàn xét tuyển thấp bất ngờ.
Các trường lấy điểm bằng sàn "cũ"
Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH được tự xác định điểm sàn. Bộ chỉ đặt ra quy định ngưỡng điểm đầu vào đối với ngành sư phạm và y. Theo công bố của một số trường, điểm sàn xét tuyển năm nay do nhà trường tự xác định khá thấp. Từ mức 13 đến 15 điểm, tức là ở mức bằng điểm sàn các năm trước năm 2017. Thậm chí có trường còn lấy thấp hơn.
Trường ĐH Kinh tế và quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) vừa công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển ĐH chính quy đợt 1 năm 2019. Cụ thể, các ngành: Kế toán, Quản trị kinh doanh, Quản lý công, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng điểm xét tuyển THPT quốc gia là 14,0 điểm. Ngành học: Tài chính ngân hàng, Luật kinh tế, Kinh tế, Kinh tế đầu tư, Kinh tế phát triển, Marketing, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, điểm xét tuyển THPT quốc gia là 13,5 điểm. Các ngành đều lấy điểm xét tuyển học bạ THPT là 15,0 điểm.
Trường ĐH Nội vụ Hà Nội công bố điểm sàn của trường dao động 12-17. Mức sàn thấp dành cho các ngành đào tạo tại phân hiệu của trường ở TP HCM và Quảng Nam, với hầu hết các ngành mức điểm 12; 12,5; 13 và hai ngành 14 điểm.
Một số trường ĐH khu vực phía Nam, điểm sàn xét tuyển chỉ ở mức 12 điểm đối với tổ hợp 3 môn thi. Điểm sàn nêu trên cũng đã bao gồm điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Nếu ở khu vực 1 (cộng 0,75 điểm) và nhóm ưu tiên (cộng 2 điểm), thí sinh sẽ được cộng tối đa 2,75 điểm. Như vậy chỉ cần điểm thi 9,25 điểm (hơn 3 điểm/môn), thí sinh đã đủ điều kiện xét tuyển ĐH. Đây là mức sàn thấp nhất đối với các trường ĐH trên cả nước trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Trước tình trạng nhiều trường ĐH, phân hiệu trường ĐH trên cả nước công bố mức sàn thấp, dưới 14 điểm khiến Bộ GD&ĐT phải ra khuyến cáo. Và một loạt ĐH cũng điều chỉnh mức điểm xét tuyển tăng lên như ĐH Tây Bắc, ĐH Đà Nẵng, ĐH Phú Yên...
ĐH Đà Nẵng vừa thông báo điều chỉnh điểm nhận đăng ký xét tuyển vào phân hiệu tại Kon Tum theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 là 14 điểm đối với tất cả các ngành (trừ các ngành sư phạm) so với điểm sàn trước đây là 12,5.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, năm nay đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông. Phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt. Nếu căn cứ vào tỷ lệ thí sinh đạt từng ngưỡng điểm thì năm nay trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm 2018.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo các trường, không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp đánh đổi chất lượng lấy số lượng. Ảnh: Khánh Huy
Cố bám số lượng sẽ duy trì được bao lâu?
Thực tế việc các trường top sau khó tuyển đã là tình trạng nhiều năm, do nhiều lý do, trong đó lí do quan trọng nhất là uy tín, chất lượng và đầu ra của trường chưa khiến người học yên tâm lựa chọn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, nguồn tuyển chỉ là một trong những tiêu chí để tham khảo xác định điểm sàn. Trường nào có nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký xét tuyển có thể nâng điểm sàn lên mức cao hơn. Nhưng không được phép căn cứ vào nguồn tuyển để hạ điểm sàn. Không vì tuyển đủ chỉ tiêu mà hạ điểm sàn quá thấp, nói cách khác không nên đánh đổi chất lượng lấy số lượng.
Chỉ riêng có những nhóm ngành đặc thù thì điểm sàn thấp không phản ánh hoàn toàn chất lượng. Ví dụ năm 2018, toàn hệ thống có khoảng hơn 30 trường có ngành lấy điểm sàn đến 13, chủ yếu là các trường tư thục, trường thuộc một số tỉnh ở địa bàn khó khăn và trường đào tạo khối ngành nông lâm, thủy lợi... Những nhóm ngành này sinh viên ra trường có việc làm sớm, làm đúng ngành đào tạo, thậm chí có ngành thiếu nhân lực, nhưng do không được thí sinh ưa thích, lựa chọn nên phải xác định điểm sàn thấp. Nhưng những trường ở địa bàn không thuận lợi vẫn không đủ nguồn tuyển.
Còn lại, việc nâng cao chất lượng đầu vào sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dạy và học, đến chất lượng đầu ra, từ đó có tác động tích cực trong việc tăng cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Qua đó tạo sức cạnh tranh cho lao động trình độ cao của Việt Nam trong thị trường lao động hiện nay.
Nhiều chuyên gia không ủng hộ chủ trương xác định điểm sàn thấp để vét đủ chỉ tiêu đào tạo hiện nay của các trường ĐH. Về phía Bộ GD&ĐT, do các trường ĐH đã được tự chủ, Bộ cũng chỉ khuyến cáo các trường cần nâng cao chất lượng đầu vào để đảm bảo chất lượng đầu ra. Thực tế là điểm sàn, điểm chuẩn hiện nay vẫn là căn cứ xác định chất lượng ĐH. Nếu vét thí sinh để duy trì số lượng một năm, nhưng chất lượng đào tạo không tăng lên thì các năm sau nữa, trường có điểm sàn thấp đến đâu cũng khó tuyển sinh hơn mà thôi.
Phan Thủy
Theo PLXH
Đại học và trường đại học khác nhau thế nào? Theo quy định của luật giáo dục sửa đổi 2018, "đại học" là nhóm các "trường đại học" chứ không phải một trường. Trong buổi khai giảng tại Trường Đại học Y Dược TP.HCM chiều 16/9, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu: " Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường Đại học...