Trường đại học chống đạo văn
Trước nạn đạo văn, một số trường đại học đã chủ động đưa ra biện pháp phòng chống đạo văn trong học đường.
Minh họa: DAD
Nhận điểm 0
Trường ĐH có động thái mới nhất trong việc này là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi ban hành quy định hình thức xử lý đạo văn vào ngày 31.10 vừa qua. Quy định này chính thức ban hành áp dụng cho toàn bộ giảng viên và sinh viên của trường từ đầu tháng 12.2013 và sẽ tập trung vào đối tượng giảng viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh từ năm 2014.
Quan trọng nhất là cần dạy cho người học biết rõ về đạo văn để tránh phạm lỗi, cũng như ý thức trung thực trong hoạt động sáng tạo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng – Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM
Theo đó, lỗi vi phạm đạo văn được Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xác định khá nghiêm ngặt, như: sao chép không dẫn nguồn, dù dẫn nguồn nhưng sao chép quá nhiều, hoặc khi dẫn nguồn mà cung cấp thông tin không chính xác về tác giả và nguồn thông tin… Các lỗi này được trường phát hiện thông qua phần mềm chuyên dụng kiểm tra đạo văn kết hợp với giảng viên. Trong trường hợp lỗi đạo văn được phát hiện trước khi bảo vệ thì hội đồng không cho bảo vệ, được phát hiện trong khi bảo vệ luận văn sẽ bị đình chỉ, sau khi bảo vệ sẽ hủy kết quả để bảo vệ lại. Khi học viên đã nhận bằng mà bị phát hiện, trường sẽ làm thủ tục báo cáo Bộ GD-ĐT hủy và không công nhận bằng theo đúng quy định hiện hành. Đối với sinh viên, trong các bài tập được giảng viên tính điểm trong học phần giảng dạy, tùy mức độ vi phạm sẽ hủy kết quả hoặc bị trừ điểm nếu bị phát hiện vi phạm lỗi sao chép. Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết quy định này ban hành nhằm thực hiện mục tiêu quyết liệt của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung vào sau ĐH.
Trước đó, khi bắt đầu năm học 2013 – 2014, Trường ĐH Hoa Sen cũng chính thức áp dụng quy định phòng chống đạo văn trong trường học. Các hình thức xử lý mà trường đưa ra khá mạnh mẽ. Với bài thi, khi chấm bài phát hiện có đạo văn thì ngay lập tức bị cho điểm 0. Các bài thi giống nhau cùng lỗi vi phạm này sẽ đều bị cho điểm 0 mà không cần phân biệt người sao chép và người bị sao chép. Với tiểu luận, đề tài thực tập và luận văn tốt nghiệp, ngoài việc bị cho điểm 0, sinh viên đạo văn còn bị chuyển hồ sơ về phòng đào tạo nhà trường để lưu lại. Nếu đạo văn từ 2 lần trở lên, trong bất kỳ thời điểm và loại hình bài tập nào, sinh viên đều bị xử lý kỷ luật ở mức thấp nhất là cảnh cáo.
Trung thực trong sáng tạo
Video đang HOT
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường, cho biết quy định này đã chính thức được đưa vào áp dụng từ năm học mới 2013 – 2014. Thực ra, trước đó nhiều năm trường đã quan tâm tới việc này nhưng thực hiện không có nhiều kết quả. Nhưng nay với phần mềm kiểm tra đạo văn được áp dụng, mọi bài thi, bài tập nhỏ đến luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều được đưa vào để kiểm tra dễ dàng. Cũng theo ông Bình: “Khi nhà trường thực hiện nghiêm túc việc này không chỉ giúp đầu ra nghiêm túc, mà còn rèn luyện cho sinh viên đức tính trung thực ngay với bản thân mình. Siết chặt lỗi đạo văn là việc các trường cần phải làm ngay”.
Trong khi đó, rất nhiều trường ĐH khác tỏ ra khá bỡ ngỡ khi được hỏi đến việc này. Tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết đến thời điểm này trường chưa có văn bản nào cụ thể hóa về việc phòng chống đạo văn hoặc hình thức xử lý vi phạm này. Theo cách làm trước nay, trường giao trách nhiệm cho các thành viên hội đồng chấm luận văn và giảng viên. Tuy nhiên, các giảng viên không thể kiểm soát hết các thông tin trùng lắp nên đến khi có đơn tố cáo về việc đạo văn nhà trường mới biết. Tuy nhiên tiến sĩ Phước cho rằng, đây sẽ là việc quan trọng trường cần phải nghiên cứu để thực hiện ngay, bởi lẽ đặc thù trường đào tạo các ngành khoa học xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng trăn trở: “Vấn đề quan trọng là cách thức thực hiện quy định này như thế nào cho hiệu quả. Với các văn bản tiếng Anh, trường đã có phần mềm kiểm tra. Nhưng ở Việt Nam hiện chưa có phần mềm nào có thể kiểm tra lỗi đạo văn các sản phẩm bằng tiếng Việt nên hình thức kiểm tra chủ yếu là trực tiếp bằng con người”. Tuy nhiên, tiến sĩ Dũng cũng cho rằng: “Máy móc dù giúp rất lớn trong việc kiểm soát này nhưng chỉ có tính chất tương đối. Quan trọng nhất là cần dạy cho người học biết rõ về đạo văn để tránh phạm lỗi, cũng như ý thức trung thực trong hoạt động sáng tạo”.
Theo TNO
Lật tẩy những ngụy biện của tiến sỹ "đạo văn"
Sau khi công luận phản ánh sự việc ông Hoàng Xuân Quế - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) "đạo luận án", tổ xác minh do Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân thành lập đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia, Thư viện Trường Đại học Kinh tế Quốc dân để sao lưu hai cuốn luận án, tổ chức đối chiếu và làm việc với tác giả luận án bị sao chép là Tiến sỹ Mai Thanh Quế - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng (Học viện Ngân hàng).
Việc "đạo văn" trong luận án Tiến sỹ là đúng
Ngày 24/6/2013, tổ xác minh đã có báo cáo gửi Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Kết quả xác minh cho thấy, việc sao chép luận án của ông Hoàng Xuân Quế là đúng. Ngoài việc sao chép y nguyên gần 30% nội dung luận án của TS Mai Thanh Quế, trong luận án của mình, ông Hoàng Xuân Quế còn thể hiện sự cẩu thả khi trích dẫn không đúng, nhiều nội dung khoa học không đúng do lỗi sao chép theo kiểu "cắt - dán".
Tổng cộng luận án của ông Hoàng Xuân Quế có 2.020 câu, bước đầu phát hiện có 662 câu giống y nguyên luận án của TS Mai Thanh Quế, chiếm tỷ lệ 33,66% dung lượng (theo số câu) của luận án.
Ngoài ra, luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã sử dụng tới 73 tài liệu tham khảo. Theo Quy chế đào tạo sau đại học, NCS cần trích dẫn đầy đủ tài liệu tham khảo theo quy định. Tuy nhiên, trong luận án, ông Hoàng Xuân Quế chỉ có 7 trích dẫn, trong đó có 2 trích dẫn nhầm tài liệu.
Những lời biện minh gian dối
Làm việc với tổ xác minh, TS Mai Thanh Quế, xác nhận: "Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác".
Ngày 11/10/2013, Bộ GD&ĐT có Quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Quế
Qua tìm hiểu, tại bản giải trình trong buổi làm việc lần thứ ba với tổ xác minh vào ngày 1/7/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã không trung thực khi đưa ra lý do là bản luận án do chính ông nộp trên Thư viện Quốc gia và thư viện Trường Đại học Kinh tế quốc dân cách đây 10 năm sau khi bảo vệ xong để hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tiến sỹ là bản nộp nhầm (?).
Lời biện minh gian dối của ông Hoàng Xuân Quế bị lật tẩy khi chúng tôi tìm thấy cuốn sách chuyên khảo "Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay" của ông Hoàng Xuân Quế (Nhà xuất bản Thống kê, năm 2004). Đây là cuốn sách chuyên khảo được ông Hoàng Xuân Quế xuất bản từ nội dung luận án Tiến sỹ của mình bảo vệ năm 2003.
Kết quả so sánh nội dung của cuốn sách và bản Luận án của ông Quế trên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD cho thấy giống nhau gần như hoàn toàn. Kết quả kiểm tra, đối chiếu so sánh luận án tiến sỹ của NCS Hoàng Xuân Quế năm 2003 và Sách chuyên khảo của chính ông xuất bản năm 2004 là dẫn chứng xác minh cho những gian dối, sai phạm trên: Luận án tiến sỹ của PGS. TS Hoàng Xuân Quế có tổng số 2.020 câu, phát hiện có 662 câu giống Luận án của TS Mai Thanh Quế chiếm 33,66% dung lượng (theo số câu) của Luận án.
Tiếp đến Sách chuyên khảo của chính ông có tổng số 1.772 câu, phát hiện có 1.647 câu giống hoàn toàn với Luận án ông làm năm 2003, chiếm 92,95% dung lượng (theo số câu) của Sách chuyên khảo; phát hiện có 98 câu, chiếm 5,5% dung lượng của Sách chuyên khảo chỉ khác 1, 2 từ, hoặc thêm bớt 1 vài từ, hay vài từ sao chép bị sai lỗi chính tả, nhưng không làm thay đổi nội dung, ý nghĩa của câu.
Không những thế, trong danh mục tài liệu tham khảo luận án tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế không nhắc gì đến Luận án của TS Mai Thanh Quế. Tuy vậy, đến khi xuất bản Sách chuyên khảo trên, ông lại đưa luận án tiến sỹ của TS Mai Thanh Quế vào mục Tài liệu tham khảo, mặc dù chưa có sự đồng ý của tác giả!?
Điều này cho thấy, việc "biện minh" nộp nhầm bản thảo luận án lên Thư viện Quốc gia và Thư viện Trường Đại học KTQD của ông Hoàng Xuân Quế là không đúng sự thật. Từ bản luận án Tiến sỹ sao chép của TS Mai Thanh Quế, ông Hoàng Xuân Quế còn in và xuất bản thành sách chuyên khảo năm 2004 với số lượng lên đến 1.000 cuốn. Cuốn sách chuyên khảo "đạo văn" này cũng đã được ông Hoàng Xuân Quế nộp trong hồ sơ xét công nhận học hàm Phó Giáo sư năm 2009. Trang bìa của sách chuyên khảo này còn in quảng cáo của hai ngân hàng và một công ty chứng khoán, điều này vi phạm Luật Xuất bản.
Xử lý chiểu theo luật định
Ông Hoàng Xuân Quế đã vi phạm khoản 2 Điều 58 của Luật Giáo dục đại học quy định về những điều giảng viên không được làm: "Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học"; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm khoản 6 Điều 19 của Luật Viên chức về những điều viên chức không được làm, thể hiện sự gian lận và thiếu trung thực của nhà giáo, làm ảnh hưởng đến uy tín của Trường Đại học Kinh tế quốc dân và của ngành Giáo dục Việt Nam.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế (năm 2003), hành vi vi phạm của ông Hoàng Xuân Quế có tính chất và mức độ rất nghiêm trọng phải bị xử lý kỷ luật theo Luật viên chức theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Nghị định 97/1998/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/11/1998, Điều 41 của Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD&ĐT.
Căn cứ vào Điều 12 của Quy định quản lý văn bằng chứng chỉ, giáo dục phổ thông, giáo dục trung học chuyên nghiệp, giáo dục đại học và sau đại học ban hành kèm theo Quyết định số 52/2002/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2002, văn bằng Tiến sỹ của ông Hoàng Xuân Quế phải xem xét thu hồi theo đúng quy định.
Đồng thời, căn cứ vào Điều 18 của Quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư ban hành kèm theo Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, học hàm PGS của ông Hoàng Xuân Quế phải xem xét hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Làm việc với tổ xác minh, TS Mai Thanh Quế, xác nhận: "Tôi xin đảm bảo rằng cá nhân tôi thực hiện nghiên cứu và không có sự tham gia của bất kỳ người nào khác ngoài giáo viên hướng dẫn. Những cá nhân có luận án Tiến sỹ sao chép một phần của tôi là không có sự cho phép của cá nhân tôi và chưa từng tham gia với tôi ở các công trình nghiên cứu khác".
Theo Lao động Thủ Đô
Cựu Ngoại trưởng Đức bị tố đạo văn Cựu Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hiện đối mặt với cáo buộc đạo văn trong một luận án tiến sĩ cách đây hơn 20 năm. Cựu ngoai trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier Tuần tin Focus trích lời Giáo sư kinh tế học Uwe Kamenz ở vùng North Rhine-Westphalia cho biết ông phát hiện nhiều phần "giống nhau" đáng ngờ khi so sánh luận án...