Trường đại học bắt đầu nhận dữ liệu, lọc ảo
Từ ngày 26 đến 28/7, các trường đại học xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia sẽ nhận được dữ liệu thí sinh để xác định điểm chuẩn.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết các điểm tiếp nhận phiếu đăng ký điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh (TS) phải kết thúc việc cập nhật thông tin lên hệ thống. Các trường xét tuyển thẳng công bố danh sách trúng tuyển và danh sách TS đã đến xác nhận nhập học vào cuối chiều 25/7.
Từ ngày 26 đến 28/7, các trường ĐH xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia sẽ nhận được dữ liệu TS đăng ký vào trường mình để phân tích, xây dựng phương án xét tuyển của trường, cũng như xác định điểm chuẩn.
Hiện nay, hệ thống phần mềm hỗ trợ xét tuyển, lọc ảo đã hoàn tất. Các nhóm trường phía Bắc và phía Nam đã có kế hoạch chi tiết phối hợp giữa các trường trong nhóm để thực hiện xét tuyển, lọc ảo.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Anh Tuấn.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết thêm từ ngày 28 đến 30/7, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành lọc ảo cho các trường mỗi ngày hai lần. Theo Thứ trưởng Ga, trong 3 ngày, bộ sẽ lọc ảo 6 lần song song với việc điều chỉnh xét tuyển của các trường/nhóm trường để đạt được chỉ tiêu quy định.
Cụ thể sau mỗi lần lọc ảo, dữ liệu sẽ được gửi lại để các trường điều chỉnh. Sau lần cuối cùng vào ngày 30/7, các trường sẽ có được điểm chuẩn chính xác, cũng như danh sách trúng tuyển để công bố cho thí sinh. Các trường không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.
Theo nhận định của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt một xét tuyển, các trường ĐH tuyển được khoảng 83% chỉ tiêu. Trong đó, 85 trường tuyển được 100%, 66 trường đạt từ 80% đến 99%, có 83 trường đạt từ 40% đến 79% so với chỉ tiêu.
Một số chuyên gia tuyển sinh lo lắng, để tránh ảo, không ít trường sẽ có thể sẽ cố tuyển vượt chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc các trường tốp dưới sẽ thiếu nguồn tuyển, không tuyển được những TS chất lượng, gây thiệt thòi cho cả nhà trường lẫn TS.
Video đang HOT
Trước lo lắng này, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định với phần mềm xét tuyển bộ cung cấp cho các trường, cũng như dữ liệu đăng ký của TS, các trường có thể loại bỏ hoàn toàn ảo trong nội bộ trường (TS đăng ký vào nhiều ngành của trường chỉ có thể trúng tuyển vào một ngành) và dự đoán mức độ ảo do TS đăng ký vào các trường khác.
Cũng theo ông Nghĩa, năm nay, hệ thống xét tuyển có thêm chức năng lọc ảo hoạt động với nguyên tắc các trường đưa danh sách TS trúng tuyển lên hệ thống, phần mềm lọc ảo sẽ đưa ra TS trùng tuyển ở ngành có thứ tự ưu tiên cao nhất trong số các ngành mà TS đã trúng tuyển. Điều này đồng nghĩa với việc sau khi đưa lên hệ thống lọc ảo, các trường sẽ biết được số lượng TS thực sự trúng tuyển vào trường.
Ông Nghĩa cũng cho rằng nếu các trường dự đoán mức độ ảo chưa đúng dẫn tới số TS sau lọc ảo ít hơn hoặc nhiều hơn chỉ tiêu xét tuyển thì trường có thể tính toán lại để đảm bảo kết quả xét tuyển sát với chỉ tiêu đã công bố.
“Với 6 lần lọc ảo bộ cung cấp, các trường hoàn toàn có thể xác định chính xác điểm trúng tuyển vào các ngành. Các trường tham gia nhóm xét tuyển còn có thể được lọc ảo nhiều lần hơn nên càng tăng khả năng tính toán ảo, giúp kết quả xét tuyển tiệm cận với chỉ tiêu công bố”, ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cho rằng trường hợp các trường xác định danh sách trúng tuyển dự kiến không sát với thực tế, dẫn đến tuyển vượt chỉ tiêu đã đăng ký thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Để hạn chế thêm tình trạng ảo do TS vào học các trường công an và quân đội, năm nay, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xét tuyển của các trường khối công an, quân đội.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay Bộ GD&ĐT đã đề nghị Ban Trường học Bộ Công an, Cục Nhà trường Bộ Quốc phòng gửi danh sách TS trúng tuyển về bộ trước ngày 28/7.
Theo ông Ga, các quy định cũng như đề nghị này giúp cho các trường cũng như cho Bộ GD&ĐT lọc ảo được một cách chính xác nhất.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Điểm chuẩn 2017 của nhiều trường đại học ở Sài Gòn sẽ như thế nào?
Sau khi thí sinh kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng đại học, cao đẳng, nhiều trường đưa ra mức điểm chuẩn dự kiến.
Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến và bằng phiếu, các trường đại học ghi nhận sự tăng, giảm số lượng thí sinh và sự dịch chuyển nguyện vọng giữa các trường top cao đến giữa và thấp. Đại diện một số trường nhận định điểm chuẩn năm nay chắc chắn sẽ tăng.
Ông Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng ĐH Giao thông Vận tải TP.HCMthông tin kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng, khoảng 18.171 thí sinh đăng ký vào trường. Số nguyện vọng có thể là trên 20.000, trong khi năm 2017 trường chỉ tuyển sinh 2.570 sinh viên.
"Như vậy, có thể nhận định điểm chuẩn các ngành của trường chắc chắn sẽ tăng và khả năng tăng cao ở các ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh", ông Hướng cho biết.
Năm học 2017-2018, ĐH Giao thông Vận tải TP.HCM tuyển sinh 2.180 chỉ tiêu hệ đại trà và 390 chỉ tiêu hệ chất lượng cao. Điểm chuẩn của trường năm 2016 từ 16-21,5.
Thí sinh sau giờ thi THPT quốc gia 2017. Ảnh: Tiến Tuấn.
Tương tự, đối với ĐH Kinh tế TP.HCM, sau ngày 23/7, hơn 40.000 thí sinh đăng ký vào trường, giảm khoảng 7.000 em so với số lượng đăng ký vào tháng 4.
Ông Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá việc thí sinh rút nguyện vọng là điều dễ hiểu và hoàn toàn hợp lý.
"Sau khi trường đưa ra điểm sàn để nhận hồ sơ khá cao, có ngành lên đến 20 điểm, những thí sinh không đạt mức này buộc phải thay đổi nguyện vọng vào các trường. Đây là điều hoàn toàn bình thường", ông Đương nói.
Năm nay, ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 4.000 chỉ tiêu ở 6 nhóm ngành. Năm 2016, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế TP.HCM từ 18-21, chưa kể các ngành có điểm nhân đôi hệ số môn Toán và tiếng Anh.
Một trường khác cũng có số lượng thí sinh giảm là ĐH Nông lâm TP.HCM. Kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng ngày 23/7, trường có hơn 27.000 lượt thí sinh đăng ký vào các ngành, giảm khoảng 1.100 thí sinh so với số liệu hồi tháng 4.
"ĐH Nông lâm TP.HCM đưa ra điểm sàn xét tuyển từng ngành khá cụ thể, việc thí sinh điều chỉnh nguyện vọng để có cơ hội cao hơn là điều dễ hiểu. Như vậy, dự đoán điểm chuẩn các ngành sẽ nhích lên từ 1-3 điểm so với điểm sàn trường công bố để xét tuyển.
Nhiều khả năng, ở hai phân hiệu Gia Lai và Ninh Thuận, điểm chuẩn sẽ ngang với năm ngoái", tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông Lâm TP.HCM, dự đoán.
Năm nay, ĐH Nông lâm TP.HCM tuyển sinh 4.745 chỉ tiêu cho cả 3 cơ sở đào tạo. Năm 2016, điểm chuẩn của trường dao động từ 15-24.
Khác với các trường hợp trên, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký vào trường tăng so với số liệu hồi tháng 4.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho hay 17.546 thí sinh đăng ký nguyện vọng vào trường, tăng hơn 1.000 thí sinh so với con số 16.400 hồi tháng 4.
Ông Sơn cho biết sở dĩ số lượng đăng ký tăng lên có thể do có 5 ngành mới của trường được đưa vào đào tạo chính thức và thông tin cũng mới cập nhật vào tháng 6.
Theo ông Sơn, đánh giá trên số liệu này, các ngành sẽ có mức điểm chuẩn không tăng nhiều hơn so với năm ngoái.
"Dự báo điểm chuẩn các ngành xét từ kết quả thi THPT sẽ có tăng lên nhưng không nhiều, có thể dao động trong khoảng 0,5-1,5 điểm, tùy theo ngành. Các ngành truyền thống thuộc khối công nghiệp thực phẩm và kinh tế, điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5-1,5.
Với những ngành xét tuyển bằng học bạ, đến nay, vẫn không nhiều hồ sơ, dự đoán các ngành sẽ có mức điểm trúng tuyển bằng năm 2016", thạc sĩ Sơn thông tin thêm.
Năm 2016, điểm trúng tuyển vào các ngành của trường từ 15,5-20,25. Các ngành mới, điểm trúng tuyển từ 15,5-17. Các ngành truyền thống từ 17,5-20,25 điểm.
Theo Zing
Điểm chuẩn nhiều ngành hot sẽ tăng Hàng nghìn thí sinh đã thay đổi nguyện vọng vào những ngày nộp hồ sơ cuối cùng, trong đó nhiều ngành hot có số lượng đăng ký tăng nhanh chóng. Ngày 21/7 là hạn chót để thí sinh (TS) điều chỉnh nguyện vọng (NV) theo hình thức trực tuyến. Với TS chọn hình thức thay đổi NV bằng phiếu (trường hợp tăng số...