Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ không có ngành nào điểm chuẩn dưới 20
Theo thông tin từ các trường đại học, sau 2 ngày lọc ảo, dự đoán điểm chuẩn các trường như Bách khoa Hà Nội, Đại học Y Hà Nội… tương tự như đã dự đoán trước đó.
Thí sinh tìm hiểu về tuyển sinh tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội – Ảnh Việt Đinh
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội, qua quá trình lọc ảo trong 2 ngày qua cho thấy, nhiều khả năng điểm chuẩn của các ngành thuộc Trường đại học Bách khoa Hà Nội sẽ không khác là bao so với dự đoán điểm chuẩn mà nhà trường đưa ra trước khi thí sinh thay đổi nguyện vọng.
Đặc biệt là với những ngành được dự đoán điểm chuẩn ở mức cao (khoảng 24 điểm trở lên). Không có ngành nào tăng đến 3 điểm so với năm 2018. Nhóm ngành điểm chuẩn tăng cao nhất (công nghệ thông tin) cũng chỉ tăng từ 2 – 2,5 điểm.
Chẳng hạn, nhóm ngành lĩnh vực công nghệ thông tin vẫn sẽ là những ngành có điểm chuẩn cao nhất, với mức điểm chuẩn ngành cao nhất có thể lên tới 27,5 điểm.
Nhưng ở những ngành được dự đoán điểm chuẩn thấp hơn, điểm chuẩn các ngành nhìn chung sẽ nằm ở ngưỡng trên trong khung dự đoán (ví dụ nếu đã được dự đoán ở mức 21 – 22 thì xác suất cao là điểm chuẩn các ngành trong khung này sẽ nằm sát ngưỡng 22). Nhóm ngành khoa học vật liệu, vật lý kỹ thuật… dự kiến khoảng 21 điểm, hoặc hơn 21 điểm.
Đặc biệt, có một số ngành, trường dự đoán điểm chuẩn ở mức 19 – 20 thì nay có thể mạnh dạn khẳng định, sẽ không có ngành nào điểm chuẩn nằm dưới mức 20 điểm. “Cũng sẽ có rất ít ngành điểm chuẩn 20, với lượng chỉ tiêu không đáng kể so với con số 6.600 chỉ tiêu của trường”, PGS Tớp nói.
Video đang HOT
GS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội, cũng cho biết dự đoán điểm chuẩn các ngành bác sĩ của trường sẽ cao hơn đáng kể so với năm ngoái. Chẳng hạn, ngành y khoa học tại Hà Nội sẽ trong khoảng 26,5 – 27 điểm; học tại Thanh Hóa thì thấp hơn mức này 1 – 2 điểm. Nhưng một số ngành cử nhân điểm chuẩn cũng sẽ không cao, chẳng hạn y tế công cộng sẽ chỉ khoảng 18 – 19 điểm.
TS Nguyễn Đào Tùng, Trưởng ban Đào tạo Học viện Tài chính, cho biết dự kiến điểm chuẩn tăng hơn 1 điểm so với năm 2018. Năm 2018 là 19,75 thì năm nay khoảng 20,75 hoặc 21 điểm là ngành thấp nhất.
Cũng theo TS Nguyễn Đào Tùng, năm nay, các trường đại học đều đẩy mạnh phương thức xét tuyển kết hợp như kết quả học tập cộng với chứng chỉ tiếng Anh, nên số thí sinh ảo bằng hình thức xét tuyển này ở học viện tương đối cao. Học viện có khoảng hơn 6.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng học sinh giỏi và trong số này, có 3.700 hồ sơ đạt yêu cầu nhưng chỉ có gần 2.000 thí sinh đến xác nhận nhập học.
“Các trường top trên như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân (cùng hệ thống khối ngành kinh tế) năm nay cũng dành nhiều chỉ tiêu để xét tuyển thẳng kết hợp nên một lượng lớn thí sinh có học lực giỏi, có chứng chỉ tiếng Anh “chảy” về những trường này, dẫn tới tỷ lệ ảo ở Học viện Tài chính năm nay nhiều hơn những năm trước”, TS Nguyễn Đào Tùng nói.
Theo PGS Trần Văn Tớp, năm nay Trường đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục giữ vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm cung cấp hạ tầng và chạy phần mềm lọc ảo giúp nhóm xét tuyển miền Bắc (gồm 53 trường).
“Mỗi buổi trường cho chạy 2 lần. Buổi sáng, lần 1 chạy lúc 7 giờ 30, lần 2 lúc 10 giờ 30, đến 11 giờ 30 thì chuyển lên hệ thống lọc ảo của Bộ GD-ĐT. Buổi chiều, lần 1 lúc 13 giờ 30, lần 2 lúc 15 giờ 30, cuối buổi chiều lại tiếp tục chuyển kết quả lên hệ thống chung. Như vậy, sau 2 ngày thì trên toàn hệ thống chạy lọc ảo được 4 lần. Ngày mai, 8.8, quy trình sẽ tiếp tục như hôm nay, lần cuối cùng nhập lên hệ thống lúc 17 giờ”, PGS Tớp cho biết.
PGS Tớp cũng cho biết, tuy trường chịu trách nhiệm chạy phần mềm lọc ảo giúp cả nhóm nhưng trường hoàn toàn không biết gì về thông tin của các trường khác, mà chỉ có thông tin và xử lý thông tin của trường mình.
Tuy nhiên, sau 5 giờ chiều mai, nếu trường nào trong nhóm ủy quyền, Bách khoa Hà Nội sẽ giúp trường đó công bố lên hệ thống chung quyết định điểm chuẩn của trường đó, kèm theo là dữ liệu thí sinh nằm trong danh sách trúng tuyển (để giúp thí sinh liên quan tra cứu kết quả xét tuyển).
Theo Thanh niên
Điểm chuẩn đại học 2019: Top trên cao chót vót, trường phía dưới nhiều biến động
Năm nay, điểm chuẩn ở các trường top đầu được dự báo sẽ tăng nhẹ, trong khi đó điểm chuẩn trường top dưới sẽ có những biến động khó lường.
Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Báo Người Lao Động
Trường top trên tăng 1-2 điểm
Theo báo Người Lao Động, nhiều Trường Đại học (ĐH) top trên như Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn dự kiến với mức tăng từ 1-2 điểm so với năm 2018.
Theo PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường tiếp tục chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc. Khoảng 19h ngày 8/8, kết quả lọc ảo của nhóm này sẽ được gửi cho các trường, khoảng 22h ngày 8/8, điểm chuẩn xét tuyển sẽ được thông báo công khai. Hiện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố điểm chuẩn dự kiến của 55 chương trình đào tạo ĐH chính quy. Nhóm ngành dự báo có điểm chuẩn cao nhất lên tới 28 điểm là khoa học máy tính. Theo đó, ở nhóm 1 điểm chuẩn dự kiến từ 27 đến 28 điểm, nhóm 2 điểm chuẩn dự kiến từ 26 đến 27 điểm và nhóm còn lại từ 19 đến 26 điểm.
Ông Bùi Đức Triệu, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho biết ngày 9/8 trường sẽ chính thức công bố điểm chuẩn, song điểm chuẩn của trường dự kiến sẽ tăng ở một số ngành "hot" như kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế, marketing, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quan hệ công chúng... Năm 2018, ngành có điểm chuẩn cao nhất là kinh tế quốc tế với 24,35 điểm. Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao thứ 2 với 24,25. Trong khi đó, một số ngành mới mở điểm chuẩn có thể giảm, chỉ dừng lại ở mức bằng hoặc dưới 20,5 điểm. Theo bà Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển vào trường năm nay có thể cao hơn một chút so với năm 2018.
GS-TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, cho hay trường sẽ công bố điểm chuẩn vào ngày 9/8. Theo GS Tú, do phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái nên dự kiến điểm chuẩn cũng sẽ cao hơn năm trước từ 1 đến 3 điểm, tùy từng ngành. Năm 2018, điểm chuẩn y đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 24,75 điểm, nếu điểm chuẩn tăng từ 1 đến 3 điểm thì ngành có điểm chuẩn cao nhất sẽ ở mức 27 điểm hoặc hơn một chút.
Trong khi đó, theo dự kiến, điểm chuẩn các ngành của Trường ĐH Y Dược TP HCM cũng sẽ tăng từ 1 đến 1,5 điểm so với năm trước.
Điểm chuẩn trường top dưới khó dự đoán
Năm nay, nhiều trường top dưới cạn kiệt nguồn tuyển sinh nên phải để mức điểm sàn dưới trung bình để "vét" thí sinh.
Theo báo Tuổi Trẻ, nguyên nguyên nhân tụt điểm sàn tuyển sinh của khá nhiều trường trong khi đề thi năm nay được nhiều thí sinh cho là dễ thở hơn mọi năm là do chỉ tiêu được xác định lớn, do "khát" về tài chính, do sự cạnh tranh nguồn tuyển sinh, do xu hướng tự chủ thoát khỏi sự kiểm soát của Nhà nước, do hệ thống các trường nghề chưa đủ sức thu hút người học để có thể lập thân lập nghiệp trong tương lai.
Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy trước rằng dù có lấy điểm sàn xét tuyển thấp đến bao nhiêu đi nữa thì chắc chắn những trường có mức xét tuyển thấp cũng khó lòng tuyển đủ chỉ tiêu. Bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm sàn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít.
Theo lẽ thường, điểm sàn thấp dễ dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển cũng thấp. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, nếu số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sau khi điều chỉnh nguyện vọng nhiều lên thì mức điểm chuẩn trúng tuyển chưa chắc đã thấp.
Thanh Tùng
Theo ĐSPL
Xét tuyển sinh ĐH 2019: Hôm nay, bắt đầu lọc ảo Theo kế hoạch, hôm nay, 6/8, Bộ GD&ĐT bắt đầu hỗ trợ các trường ĐH xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2019 lọc thí sinh ảo đến hết ngày 8/8. Dự kiến sớm nhất chiều tối ngày 8/8 các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn. Dù chưa lọc ảo nhưng nhiều thí sinh đã biết mình trúng tuyển ĐH...