Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Tiêm vaccine cho trẻ để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới
Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhằm đánh giá kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, cũng như đưa ra khuyến cáo khi triển khai trong thời gian tới.
Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em. Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Liên quan đến vấn đề này, Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam nhằm đánh giá kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em cũng như đưa ra khuyến cáo khi triển khai trong thời gian tới.
Bộ Y tế chính thức cho phép tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi, trước mắt sẽ tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi. Ông có nhận xét gì về quyết định này?
Trước khi khuyến cáo tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, Bộ Y tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiêm chủng cho người lớn là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt đối với nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền. Điều này phù hợp với khuyến nghị của WHO.
Trong bối cảnh nguồn cung vaccine phòng COVID-19 còn hạn chế, WHO khuyến nghị sử dụng vaccine một cách có chiến lược và từng bước mở rộng nhóm tiêm chủng. Cụ thể: Bước 1 sẽ tiêm chủng có mục tiêu cho tất cả nhân viên y tế, người cao tuổi và các nhóm nguy cơ cao ở mọi lứa tuổi ở mọi quốc gia. Bước 2 tiêm chủng rộng rãi cho toàn bộ nhóm tuổi trưởng thành ở mọi quốc gia. Bước 3, tiêm chủng rộng rãi cho trẻ từ 12 tuổi trở lên để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới bằng cách giảm lây truyền virus.
Video đang HOT
Cho đến nay, ngoài vaccine Pfizer/BioNTech, những loại vaccine nào được Nhóm Tư vấn Chiến lược của WHO về Tiêm chủng (SAGE) khuyến nghị và được phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO cho trẻ từ 12-18 tuổi? Khuyến cáo của ông về việc tiêm chủng COVID-19 cho trẻ em?
Hiện nay, WHO đã phê duyệt vaccine phòng COVID-19 Pfizer/BioNTech vào Danh sách sử dụng Khẩn cấp (EUL) để sử dụng cho thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi).
WHO đang kêu gọi các nhà sản xuất gửi dữ liệu hoàn chỉnh về vaccine phòng COVID-19 cho WHO đánh giá nhằm tăng cường nguồn cung vaccine cho trẻ em và thanh thiếu niên. Vì thanh thiếu niên và trẻ em mắc bệnh nền cũng có nguy cơ mắc COVID-19 nặng cao hơn, nên nhóm này có thể được đề nghị tiêm chủng.
Tuy nhiên, tôi muốn nhắc lại rằng, tất cả mọi người cần tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K cũng như các biện pháp y tế công cộng khác để đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, trẻ em cần được hướng dẫn cách thông báo cho cha mẹ hoặc người chăm sóc nếu cảm thấy ốm hoặc mệt. Ngoài ra, các biện pháp phòng bệnh hoặc vệ sinh cá nhân của người lớn cũng rất quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa sự lây truyền virus từ chính các thành viên trong gia đình.
Xin ông cho biết nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em cũng như sự cần thiết phải tiêm phòng cho trẻ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay?
Các nghiên cứu đang được tiến hành về tần suất và nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Chúng ta biết rằng, trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm và truyền virus. Tuy nhiên, bằng chứng đang phát triển cho thấy trẻ nhỏ hơn thì ít có khả năng bị mắc hơn và trẻ em nói chung ít bị bệnh nặng, ít tử vong sau khi mắc COVID-19 hơn so với các nhóm tuổi khác.
Chiến lược Tiêm chủng Toàn cầu được công bố gần đây có nêu, thanh thiếu niên (trẻ em trên 12 tuổi) cũng là nhóm chính để đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 70%. Do đó, một khi tất cả các nhóm nguy cơ cao được tiêm chủng đầy đủ thì có thể thực hiện tiêm chủng cho trẻ vị thành niên (từ 12 tuổi trở lên) để giảm gánh nặng bệnh tật và nguy cơ xuất hiện biến thể mới.
Xin cảm ơn Tiến sỹ.
Năm 2022, đại dịch sẽ kết thúc?
Theo các chuyên gia y tế, đại dịch khó có thể kết thúc vào 6 tháng tới. Vậy đến thời điểm nào, thế giới có thể "coi như" đại dịch đã kết thúc?
Theo Tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Văn phòng Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe của WHO, tiêm chủng vaccine vẫn là yếu tố tiên quyết giúp thế giới kiểm soát đại dịch COVID-19. Đợt bùng phát COVID-19 hiện tại có thể được kiểm soát khi phần lớn dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, đạt miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm bệnh.
Tiến sĩ Maria Neira khẳng định, hai năm là khoảng thời gian đặt ra để kiểm soát đại dịch, tức vào khoảng tháng 3/2022, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, đây được coi là một dấu mốc hợp lý.
Bên cạnh đó, Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota ở Minneapolis đánh giá, nếu thế giới bắt đầu tiêm chủng với tốc độ như hiện nay, chúng ta thậm chí có thể thoát đại dịch sớm hơn.
Jagpreet Chhatwal, nhà khoa học tại Viện Đánh giá Công nghệ thuộc bệnh viện đa khoa Massachusetts cho biết, nếu chúng ta có thể giảm số ca tử vong xuống một mức nào đó và trở lại cuộc sống bình thường, thì có thể coi như đại dịch đã kết thúc.
Chuyên gia Osterholm chỉ ra, các nước đạt tỷ lệ tiêm chủng lớn như Mỹ, Canada và nhiều quốc gia châu Âu có thể đã đạt được miễn dịch cộng đồng nếu họ chỉ đối mặt với virus SARS-CoV-2 chủng gốc.
Nhưng việc chậm trễ trong triển khai tiêm vaccine diện rộng, cho tất cả người dân trên toàn thế giới, đã kéo theo hàng loạt biến chủng mới xuất hiện, trong đó có biến thể Delta đã ngăn cản miễn dịch cộng đồng ở các quốc gia này, họ lại phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh kéo dài.
Trước đó, theo Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nếu các quốc gia đảm bảo vaccine phòng COVID-19 được phân phối công bằng cho các nước nghèo hơn, thực hiện giãn cách xã hội và tài trợ đầy đủ cho các bệnh viện, thì đại dịch có thể sẽ kết thúc sớm.
Hiện nay, Mỹ và một vài quốc gia vẫn đang tăng cường nguồn viện trợ vaccine COVID-19 cho các nước nghèo, kém phát triển thông qua cơ chế COVAX. Ngoài ra, giới khoa học toàn cầu đang nhanh chóng triển khai phê duyệt đầy đủ các loại vaccine, thay vì cho phép sử dụng khẩn cấp, xem xét tiêm chủng cho trẻ vị thành niên và trẻ em dưới 12 tuổi, cũng như thúc đẩy nghiên cứu các loại thuốc chữa COVID-19.
Theo thống kê của Our World in Data, khoảng 5,76 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với 42,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều. Điều đó có nghĩa là gần 4 tỷ người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm bất cứ liều vaccine nào. Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu đều trên 60%, nhưng tỷ lệ người dân ở nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi còn chưa đạt 1,9%.
Phụ huynh muốn biết loại vắc xin tiêm cho trẻ, có những 'ứng viên' nào? Đó là tâm lý chung của các phụ huynh sau khi nhiều địa phương thông báo kế hoạch chuẩn bị tiêm chủng cho trẻ 12 - 17 tuổi. Theo đề xuất của Sở Y tế TP.HCM đến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM ngày 15-10, loại vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ từ 12 - 17 tuổi là vắc xin được...