Trường công ngại nhận trẻ tự kỷ vì không muốn “tự mua dây buộc mình”?
Theo chương trình phổ cập giáo dục mới, tất cả các trẻ đến tuổi đều được đi học. Tuy nhiên, với những trẻ mắc hội chứng tự kỷ, để xin được đi học lại là điều vô cùng nan giải.
Không phải trường nào cũng “tự mua dây buộc mình”
Trong cuốn sách “Giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý” (Tài liệu dành cho giáo viên tiểu học) đưa ra một số phương pháp giúp cô giáo hiểu hơn về trẻ tự kỷ, biết cách đưa trẻ hòa nhập vào bài giảng tốt hơn. Cùng với đó sách cũng đưa ra các khuyến nghị nên có giáo viên bổ trợ đi kèm.
Tuy nhiên, không phải trường nào cũng lựa chọn phương án này, khi nó chưa phải là một quy định bắt buộc phải thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân khiến ít nhiều phụ huynh có con em bị tự kỷ khi đi xin học luôn bị “từ chối” vì trường không đồng ý để gia đình đưa giáo viên bên ngoài vào trường.
Bà Cao Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng cho biết: “Về vấn đề giáo viên đi kèm, nếu như ở trường dân lập được tạo điều kiện hết sức, nhưng ở trường công lại là một vấn đề. Với trường công như An Hưng, chúng tôi không nhất thiết cho giáo viên chuyên biệt không phải của nhà trường vào hỗ trợ, không tự nhiên mua thêm nguy hiểm cho nhà trường. Đúng theo điều lệ trường tiểu học sẽ có phòng học hòa nhập và giáo viên chuyên biệt, nhưng hầu như các trường công hiện nay chưa có.
Tuy nhiên bản thân tôi nghĩ rằng, muốn các con được phát triển thì bắt buộc phải có giáo viên hỗ trợ từ bên ngoài vào. Đối với trường công, số lượng học sinh đông, một giáo viên sẽ chẳng thể quan tâm được hết tất cả các bạn. Riêng với giáo viên chuyên biệt, các bạn ấy có phương pháp riêng, có thể dạy đi, dạy lại một bạn được, vì thế khi các cô ấy vào thì chất lượng học sinh tiến bộ rõ rệt”.
Ở một số trường công lập có chính sách giáo viên đi kèm nên các bạn là trẻ tự kỷ có sự tiến bộ rõ rệt. (Ảnh minh họa)
Khó từ nhân lực tới cơ sở vật chất
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, điều kiện để trẻ tự kỷ được nhận vào học hòa nhập trong các nhà trường hiện nay đó là: nhà trường đánh giá học sinh đó có đủ khả năng theo học hòa nhập. Yêu cầu đối với nhà trường là có phòng Nguồn dành cho học sinh khuyết tật, đầy đủ trang thiết bị, đồ chơi… và đặc biệt giáo viên và nhân viên phải được tập huấn, phải có kiến thức, phương pháp về dạy trẻ tự kỷ.Thế nhưng đã có bao nhiêu trường trên địa bàn Hà Nội đạt được điều kiện cần và đủ này?
Đã từng đưa học sinh tự kỷ “gõ cửa” một số trường công lập trên địa bàn Hà Nội và nhận lại những cái lắc đầu từ chối, bà Phạm Thị Thơm – Th.s Quản lý giáo dục, Chuyên viên Âm ngữ trị liệu chia sẻ: “Học hòa nhập chính là cánh cửa để con có thêm sự trải nghiệm, cơ hội bầu bạn, cơ hội học tập và tìm kiếm công việc sau này. Tuy nhiên ở nước ta môi trường hòa nhập dường như chưa phổ biến.
Chính vì vậy khi các con đã bước qua ngưỡng cửa can thiệp để vào môi trường công lập học tập với các bạn bình thường gặp nhiều gian nan. Tôi đã từng đưa con em của các bậc phụ huynh gửi gắm tìm trường hòa nhập cho các cháu, nhưng đến trường nào cũng đều lắc đầu không nhận. Cũng dễ hiểu thôi, bởi vì một lí do nào đó, các trường chưa có giải pháp để giúp các bạn này có thể theo kịp chương trình học của các bạn bình thường”.
Bà Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông: “Biên chế của trường chưa có giáo viên nào được đào tạo chính thống về trẻ tự kỷ, cũng không có phòng tư vấn tâm lý, đội ngũ chuyên gia y tế. Vì thế các cháu đặc biệt tới trường đều qua sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm và cô đoàn đội. Cũng vì lẽ đó, với những cháu ở thể nhẹ, trường luôn tạo điều kiện để con được học hòa nhập. Chỉ duy nhất có những trường hợp các cháu quá tăng động, giáo viên không thể trông chừng 24/24, cực chẳng đã phải từ chối học sinh đó”.
Video đang HOT
Vừa đảm bảo an toàn cho học sinh và an lòng phụ huynh
Khi tiếp nhận một học sinh tự kỷ vào trường, đồng thời nỗi áp lực của trường, của giáo viên lớp đó và đặc biệt của cha mẹ học sinh các bạn trong lớp cũng tăng theo. “Bởi có những bạn tham gia hòa nhập nhằm mục đích tăng cường các kỹ năng khác, không thể tham gia học tập như các bạn khác được. Chẳng hạn như có bạn 5 tuổi, đủ tuổi vào lớp 1, nhưng tư duy chỉ như học sinh 3 tuổi. Vì thế khi vào lớp, rất khó tiếp cận các kiến thức như những học sinh bình thường khác.
Mặt khác, có một số bạn tự kỷ nặng hơn, gặp một số vấn đề về hành vi, tâm lý gây ảnh hưởng tới môi trường lớp học. Vì vậy khó khăn đối với các nhà trường là rất lớn”, cô Nguyễn Thị Quế, Hiệu phó trường Thực nghiệm Victory chia sẻ.
“Có những cháu khi ở trong gia đình dấu hiệu tự kỷ không nổi trội nhưng khi tham gia học trong một lớp 50 cháu thì lúc đó sự khác biệt mới dần bộc lộ. Mặt khác, khi tiếp nhận một cháu đặc biệt vào lớp, không phải tất cả phụ huynh trong lớp đó đều đồng thuận. Bên cạnh đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường cũng tìm cách trao đổi ý kiến, thuyết phục để phụ huynh được an lòng hơn”, bà Nguyễn Thị Đào, Hiệu phó trường Dịch Vọng B chia sẻ.
Tranh dán do các bé tự kỷ làm
Do chính sách của từng trường
Ở một số trường tư thục việc test đầu vào luôn là yêu cầu bắt buộc. Mỗi bài test nhằm đánh giá các chỉ số của con về ngôn ngữ, về các con số, khả năng nhạy bén… Kết quả sau mỗi bài test là “Đạt” hoặc “không Đạt”.
Có một số trường sau khi chấm điểm sẽ cùng ngồi lại với phụ huynh để tìm ra phương pháp, kế hoạch giáo dục cho đứa trẻ đó. Cũng có những trường sau khi gia đình chia sẻ về hoàn cảnh của con thì gửi kết quả về nhà cho phụ huynh mà chẳng một lời giải thích rằng vì sao con “không Đạt”, mạnh hoặc yếu ở đâu như trường hợp chị Vân Anh (Long Biên) trong bài 1 “ Chật vật tìm trường cho trẻ tự kỷ học hòa nhập” mà chúng tôi đã đưa.
Chia sẻ về việc này, bà Nguyễn Thị Quế, Hiệu phó trường Thực nghiệm Victory (Hà Đông) cho biết: “Đối với trẻ em đặc biệt, nhìn chung, các con có những thiệt thòi so với các bạn khác. Đó là lý do vì sao nhà trường tạo điều kiện cho các con được học hòa nhập. Đối với các em đặc biệt, công tác đánh giá cũng cần phải có phương pháp riêng, không thể giống cách đánh giá với học sinh bình thường khác. Từ góc độ nhân đạo, nhà trường tạo điều kiện cho con học hòa nhập, ở những em có khả năng tham gia học”.
Bà Phạm Thị Thơm – Th.s Quản lý giáo dục, Chuyên viên Âm ngữ trị liệu cho biết: “Việc test đầu vào chỉ diễn ra ở các trường tư thục. Kết quả “Đạt” hay “không Đạt” chỉ mang tính chất tương đối, quan trọng là chính sách của trường đó như thế nào, hướng sắp xếp của Ban giám hiệu đối với học sinh đó ra sao, quan điểm của nhà trường đối với học sinh tự kỷ đã cởi mở chưa? Khi quan điểm của nhà trường đã thống nhất từ trên xuống thì bộ phận tuyển sinh cũng chỉ thực hiện theo mà thôi”./.
Dạy trẻ tự kỷ học hòa nhập, giáo viên phải "nắm chặt tay" phụ huynh
Thành phố Hà Nội chưa có trường dành riêng cho trẻ tự kỷ. Hiện những trẻ tự kỷ vẫn đang tham gia học hòa nhập cùng với các học sinh khác trong các trường công lập và khối tư thục, dân lập...
Khuyến khích làm hồ sơ khuyết tật/bệnh án
Từ ngày thành lập đến nay (2016), trường Tiểu học An Hưng (P. Dương Kinh, Hà Đông) luôn tiếp nhận trẻ tự kỷ đúng phân tuyến. Hiện tại, trường An Hưng có 6 trẻ tự kỷ đang theo học hòa nhập, mỗi lớp sĩ số 47 học sinh được bố trí từ 1-2 cháu là trẻ đặc biệt.
Mỗi phụ huynh có con là trẻ đặc biệt khi tới trường, nếu bố mẹ chia sẻ thể trạng của con ngay từ khi nhập học hoặc qua quá trình giảng dạy, giáo viên thấy cháu nào có những biểu hiện khác với các bạn trong lớp thì sẽ gặp gỡ và vận động phụ huynh tìm hướng đi cho các con.
Hiện những trẻ tự kỷ vẫn đang tham gia học hòa nhập cùng với các học sinh khác trong các trường công lập và khối tư thục, dân lập...(Ảnh minh họa)
Bà Cao Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng chia sẻ: "Việc vận động gia đình làm hồ sơ cho con là cả một quá trình khó khăn. Bởi lẽ chúng tôi hiểu tâm lý của người mẹ, ai cũng muốn đứa con của mình chào đời được trọn vẹn nhất. Vì thế khi trao đổi cùng phụ huynh, trên tinh thần cha mẹ học sinh cùng đồng hành với nhà trường, nhìn nhận thực tế vấn đề tìm hướng để giúp đỡ chứ không phải phân biệt hay kì thị các con. Và bộ hồ sơ này chỉ có hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh biết.
Nếu như cha mẹ các con "buông" tay thì đứa đứa trẻ đó sẽ hỏng. Bản thân tôi nghĩ rằng, với một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ, đến một lúc nào đó con vẫn có thể bắt nhịp được, nhưng bắt nhịp theo chính khả năng của bạn ấy chứ không thể so sánh với các bạn bình thường khác".
Tại trường Tiểu học Dịch Vọng A, năm 2019, có 3 bạn có dấu hiệu tự kỷ bị "đúp" lại lớp 1, bởi con không đạt được kết quả học tập của nhà trường đề ra. Bà Ngọc Mai, Phó Hiệu trưởng chia sẻ: "Ở trường chúng tôi, nếu các con học chậm hơn so với các bạn thì sẵn sàng cho học lại lớp.
Với trường hợp 3 cháu này, cha mẹ không chia sẻ với giáo viên rằng con mình gặp khó khăn trong học tập, không nhìn nhận đúng khả năng của con nên kết quả học tập của các con vẫn được đánh giá như những bạn bình thường trong lớp. Khi con không có hồ sơ khuyết tật làm sao chúng tôi đánh giá con theo mức học bình thường được, như vậy sẽ thật thiệt thòi cho con.
Vì thế, có những trường hợp, chúng tôi phải gặp gỡ phụ huynh để trao đổi trực tiếp. Khi con đã được bác sỹ hay các chuyên gia ở trung tâm xác định mắc hội chứng tự tỷ thì nên có hồ sơ cho nhà trường. Đây là việc tốt cho con, phụ huynh cùng nhà trường phối hợp để cùng tìm ra mặt mạnh, yếu của trẻ và đưa ra phương pháp đánh giá phù hợp với từng khả năng của con".
Giáo viên đi kèm
Tự kỷ có nhiều dạng, có những bạn tiếp thu tốt, đọc được, viết được nhưng không có năng lực làm toán. Hay cũng có những trường hợp làm toán rất giỏi mà đọc viết thì lại không thể. Ở mỗi bạn này có những nét đặc biệt khác nhau. "Ở trường An Hưng có 3 bạn tự kỷ đang có giáo viên đi kèm.
Tôi nhận thấy đây là việc làm cần thiết và tốt cho học sinh. Bởi với một trường công lập, học sinh rất đông, 1 giáo viên chủ nhiệm làm sao có thể quan tâm hết tất cả các bạn được. Hơn nữa, các giáo viên của trường không được đào tạo một cách bài bản về giáo dục đặc biệt nên sẽ không thể có phương pháp dạy riêng như các bạn được đào tạo chuyên biệt. Chính vì thế khi đồng ý với gia đình để giáo viên đi kèm, tôi thấy các con có sự tiến bộ rõ rệt, có những học sinh năm đầu cần cô giáo hỗ trợ, nhưng năm sau lại không cần nữa.
Về phía nhà trường, yêu cầu các cô phải có chuyên ngành về giáo dục đặc biệt và gửi một bộ hồ sơ để có thể quản lý về nhân thân, con người của giáo viên đó. Đồng thời giáo viên hỗ trợ phải thực hiện theo thời gian quy định của trường. Về kinh phí do phụ huynh và giáo viên đó tự thỏa thuận", bà Lan Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học An Hưng cho biết.
Trường Tiểu học Dịch Vọng A cũng tạo điều kiện để giáo viên đi kèm hỗ trợ trẻ tự kỷ. Cô Ngọc Mai, Phó hiệu trưởng chia sẻ: "Việc cho giáo viên đi kèm ở trong trường tương đối nhiều, bởi có những bạn có biểu hiện tăng động bắt buộc phải có người bên cạnh nếu không sẽ khó đảm bảo sự an toàn của chính bạn đó và các bạn khác. Với những gia đình không có điều kiện về kinh tế mà có mong muốn tìm giáo viên hỗ trợ cho con thì chúng tôi ghép 1 cô với 2 bạn, có thể là 1 bạn tăng động và 1 bạn phổ tự kỷ nhẹ. Sau đó chia sẻ với gia đình về phương án này.
Trước đây, trường có sự kết hợp với Trung tâm Sao Sáng, mỗi năm nhận 3 - 4 cháu vào học hòa nhập, có thể hộ khẩu ở nơi khác. Đồng thời gửi giáo viên được đào tạo về giáo dục đặc biệt sang trường để đi kèm cho học sinh một buổi, nhà trường chỉ quản lý về mặt hồ sơ, về lương của giáo viên do phụ huynh tự thỏa thuận. Tuy nhiên 3 năm trở lại đây số học sinh tự kỷ của Phường tăng lên nên nhà trường cũng không nhận nữa".
Quản lý trẻ tự kỷ qua sổ theo dõi
Cũng theo bà Đặng Ngọc Mai, Phó Hiệu trưởng trường Dịch Vọng A, để đảm bảo lượng kiến thức, "ngoài đánh giá theo quy chuẩn hướng dẫn Thông tư 22, 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thì những trẻ tự kỷ sẽ có sổ theo dõi cá nhân và kế hoạch theo dõi cá nhân của năm. Sổ này được xác nhận thông qua nhân viên y tế, của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm và được nhà trường phê duyệt vào. Mỗi một tháng, các cô sẽ ghi nhận xét đánh giá từng phần một về kiến thức, kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm để xem tiến độ hòa nhập của các bạn.
Tự kỷ không phải bạn nào cũng học được. Có những cháu qua 2 năm học mới đọc thông viết thạo được, cũng có những cháu đã đến tuổi ra trường nhưng không đọc được gì. Vì thế phụ huynh cũng cần phải chấp nhận, bởi môi trường hòa nhập cho trẻ là cần thiết, ngoài học kiến thức con sẽ học được cách tự phục vụ bản thân, các kỹ năng cần thiết...Cho nên có những cháu vẫn có học bạ, có điểm số như các bạn khác, nhưng cũng có những bạn chỉ có quyển nhận xét (sổ tay giáo dục)".
Học sinh là trẻ tự kỷ sau khi có hồ sơ khuyết tật hoặc bệnh án sẽ được cô giáo nhận xét, đánh giá thông qua Sổ theo dõi giáo dục cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Đào - Phó Hiệu trưởng trường Dịch Vọng B chia sẻ: "Với những cháu "đặc biệt" sẽ được đánh giá ở một mức độ nhất định chứ không thể so sánh với các bạn bình thường. Tuy nhiên tự kỷ có nhiều dạng, có cháu học rất giỏi nhưng giao tiếp không được... Dường như các cháu sẽ bị khuyết một phần nào đó, khả năng hợp tác bị hạn chế. Vì thế trong quá trình học, để các cháu có thể hòa nhập được, cô giáo sẽ hỏi những câu đơn giản để con có thể trả lời được và thông qua các nhận xét đánh giá để gửi phụ huynh xem con đang phát triển tới đâu.
Về cơ bản các con sẽ có những đánh giá riêng. Trên phần mềm, các cháu tự kỷ đã có những đánh dấu riêng, do đó, hệ thống sẽ trừ ra không tích vào. Nếu như vẫn tích vào như thường thì làm sao các con đủ điều kiện lên lớp được.
Có những cháu đến trường là để giải quyết về mặt tâm lý cho bố mẹ nhằm cho con có môi trường hòa nhập thực sự, nhưng không phải cháu nào cũng tiến bộ được. Cũng có trường hợp, con chỉ học nửa ngày ở trường, còn nửa ngày sau can thiệp ở trung tâm. Cái này phụ thuộc vào từng phụ huynh và khả năng riêng của từng cháu mà nhà trường vẫn luôn tạo điều kiện và các con vẫn có học bạ bình thường".
Kiểm tra đầu vào ở trường tư thục
Hầu hết ở trường tư thục, trước khi nhập học, các cháu đều trải qua bài test đánh giá. Thông qua các chỉ số để xem con có khả năng theo được lớp 1 hay không, hay cần nhấn mạnh điểm nào, khó khăn ở đâu để tạo ra kế hoạch giáo dục với cá nhân của bạn đó, nhằm đảm bảo quyền lợi cho con. Tuy nhiên, bài đánh giá cũng chỉ một phần, quan trọng nhất chính là người theo sát, đồng hành cùng con để chia sẻ thẳng thắn với nhà trường tình hình của con.
Bà Nguyễn Thị Quế, Phó Hiệu trưởng trường Thực nghiệm Victory (Hà Đông) cho biết: "Nhà trường luôn quan tâm tới vấn đề làm sao để các con có môi trường học tập tốt, chứ không quá đặt nặng vào mục tiêu giáo dục các con phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng như thế này. Việc quan trọng nhất là giúp các con có thể hòa nhập được với các bạn, như kỹ năng giao tiếp, hợp tác... có sự tiến bộ hơn.
Để giúp đỡ các em, trường có phòng tâm lý học đường. Phòng này hướng tới sự quan tâm cho tất cả học sinh trong toàn trường, đặc biệt những em gặp khó khăn về mặt tâm lý. Cũng do đặc thù nên các em cũng cần người hỗ trợ thêm. Để hỗ trợ 1 học sinh như thế nhà trường cũng cần trao đổi với phụ huynh học sinh, để cha mẹ hiểu rằng con đang gặp khó khăn như thế, cần có sự hỗ trợ của giáo viên trên lớp và giáo viên đi kèm./.
Chật vật tìm trường cho trẻ tự kỷ học hòa nhập Trẻ tự kỷ khi bước qua môi trường can thiệp, được chứng nhận có khả năng theo học hòa nhập thì cũng là lúc bố mẹ lao đao tìm trường cho con... 1 ngày qua 6 ngôi trường... đều bị từ chối Năm 2008, Phạm Phúc Quang chào đời mạnh khỏe như bao đứa trẻ bình thường khác. Tuy nhiên đến khi được...