Trường công chất lượng cao: Còn quá nhiều khó khăn!
Nằm trong danh sách các trường thí điểm, nâng cấp thành trường chất lượng cao (CLC) từ trường công bình thường, Trường trung học phổ thông (THPT) Lê Lợi (Hà Đông) có lợi thế là một trường mới thành lập, tuy nhiên để thực sự trở thành một trường công CLC là không dễ dàng.
Đào tạo “công dân toàn cầu”
Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 18 trường công lập thí điểm chất lượng cao và theo dự kiến của Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội thì mục tiêu năm 2015 sẽ có khoảng 30 – 35 trường chất lượng cao để phục vụ nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.
Mới đây, Trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) được thành lập theo hoạt động mô hình cung ứng dịch vụ chất lượng cao. Thạc sĩ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với phương châm đào tạo công dân toàn cầu, học sinh sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ, ngày 24/5/2013 Trường THPT Lê Lợi là ngôi trường THPT đầu tiên của thành phố được giao nhiệm vụ đào tạo trường chất lượng cao. Chúng tôi luôn coi trọng chất lượng, đặt tâm huyết của người thầy lên hàng đầu. Vì vậy, chúng tôi muốn khẳng định trường chất lượng cao không chỉ dành cho con nhà giàu, trường đón nhận mọi nguyện vọng”.
Thạc sĩ Lê Xuân Trung – Hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi.
Theo ông Lê Xuân Trung thì điểm ưu việt của trường chất lượng cao so với trường chuyên chính là định hướng đào tạo.
“Mô hình trường chuyên chủ yếu tập trung đào tạo “gà nòi” chuyên về văn hóa, chứ không đào tạo toàn diện, đồng đều. Để có niềm tin ở học sinh, phụ huynh cần trường cần có hoạt động thu chi minh bạch, học phí được thu trên nguyên tắc tự nguyện”, hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi nhấn mạnh.
Vậy, đâu là điểm khác biệt so với các trường công lập bình thường khác, liệu chất lượng đào tạo có xứng đáng với khoản thu học phí đề ra là 3,4 triệu đồng/tháng?
Video đang HOT
Về vấn đề này, Th.S Lê Xuân Trung cho rằng, từ khâu tuyển chọn giáo viên, định hướng đào tạo sản phẩm đầu ra, môi trường học tập sẽ khác để nâng cao chất lượng.
Cụ thể, về việc tuyển chọn giáo viên đạt yêu cầu có 3 năm kinh nghiệm giảng dạy trở lên; có bằng chính quy, đạt giáo viên giỏi hoặc có học sinh giỏi nhất, nhì thành phố hoặc là các tiến sĩ, thạc sĩ… Đối với những thầy cô mới tốt nghiệp phải là thủ khô của các trường đại học, biết sử dụng thành thạo một ngoại ngữ và tin học.
Ông Trung cũng cho biết trường THPT Lê Lợi vừa tuyển chọn 15 giáo viên trên tổng số trên 100 giáo viên tham gia ứng cử, thi tuyển vào trường.
Ngoài ra, cam kết trường ngoài công lập về chất lượng đào tạo là đảm bảo giáo dục toàn diện cho học sinh; có học sinh giỏi cấp thành phố và cấp quốc gia; học lực 90% khá giỏi, không có học sinh yếu kém; 100% học sinh đỗ tốt nghiệp trong tổng số học sinh tham gia kỳ thi; 100% học sinh được tham gia các chương trình kỹ năng sống, hoạt động xã hội…
3 năm phải “tự bơi”
Cho tới khi đủ tiêu chuẩn để được công nhận là trường CLC, Trường Lê Lợi và những trường thực hiện thí điểm khác vẫn là một trường công bình thường, chỉ được thu mức học phí như bình thường 40.000 đồng/tháng. Thành phố sẽ hỗ trợ về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng như lớp học, nhà thi đấu đa năng, phòng học ngoại ngữ, vi tính… trong vòng 3 năm cho tới khi cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng tiêu chí của một trường chất lượng cao. Trách nhiệm của nhà trường là phải đảm bảo chất lượng dạy, học, chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý. Sau 3 năm đạt chất lượng cao, trường mới áp dụng mức học phí theo quy định.
Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi, cho biết dù mức trần Thành phố đưa ra là 3 triệu đồng/tháng (thời điểm hiện tại) nhưng trường cũng xác định là không thể thu tới mức kịch trần.
Việc xây dựng cơ sở vật chất của trường THPT Lê Lợi còn nhiều khó khăn.
Ông Trung cho biết: “Trường sẽ căn cứ vào khu vực học sinh, mức sống của khu vực dân cư được tuyển sinh để xác định mức học phí. Chỉ cách Hà Nội (cũ) một lằn ranh thôi nhưng nếu được phép tuyển sinh trong nội thành Hà Nội thì mức học phí sẽ khác. Lựa chọn học trường công CLC là sự tự nguyện, và mức học phí cũng phải do gia đình tự nguyện đóng góp”.
Dự tính mức học phí CLC của trường THPT Lê Lợi khoảng 1,7 triệu đồng/tháng và bản thân ông Trung cũng xác định là ban đầu sẽ có những lớp chất lượng cao trong trường rồi dần dần sẽ “phủ sóng” chất lượng cao số còn lại.
Sự ra đời của mô hình trường học chất lượng cao công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân dẫu biết rằng là tất yếu đáp ứng nhu cầu phát triển của giáo dục, của người dân…Tuy nhiên, thực tế để hoạt động và đem lại chất lượng đào tạo đặt ra là điều không phải dễ dàng. Ở Hà Nội cách đây 2 năm đã thí điểm trường chất lượng cao ở mầm non, tiểu học cả ở công lập, ngoài công lập. Và việc thí điểm trường THPT công lập chất lượng cao được cho rằng là bài toán khó giải quyết từ “ngọn” chứ không phải gốc và còn nhiều bất cập.
Theo TNO
Cơ hội vào lớp 10 công lập
Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của TP.HCM năm học 2014 - 2015 là 61.982 học sinh, tăng 1.560 chỉ tiêu so với năm học trước.
Học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6) trong giờ học môn văn - tiếng Việt - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Tăng sức cạnh tranh
Điểm mới của tuyển sinh lớp 10 năm nay tại TP.HCM là học sinh (HS) 24 quận, huyện đều tham gia thi tuyển. Điểm tuyển là tổng điểm 3 bài thi với hệ số quy định (ngữ văn và toán hệ số 2, môn thứ 3 hệ số 1) và tổng điểm cộng thêm (nếu có) theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Theo phân tích của các hiệu trưởng, năm học tới tuy tăng chỉ tiêu nhưng số lượng thí sinh lớp 9 sinh năm 1999 (năm Kỷ Mão) cũng tăng so với năm học trước hơn 15.000. Trong khi đó, năm học 2013 - 2014 số lượng HS lớp 9 thi tuyển và xét tuyển lên lớp 10 ở mỗi quận huyện đều giảm khoảng 500 - 1.000 so với những năm học trước, do năm này hầu hết HS sinh năm 1998 (năm Mậu Dần), năm mà dân gian thường có quan niệm tránh sinh con.
Theo thống kê của các quận, trong kỳ tuyển sinh lớp 10 sắp tới Q.9 có 2.684 HS (tăng 643 người), Q.Bình Thạnh 3.979 HS (tăng 644), quận 5 có 3.285 (tăng 511), Q.Gò Vấp 5.546 (tăng 822)... Thế nên, theo nhiều hiệu trưởng, dù chỉ tiêu có tăng nhưng số lượng HS lớp 9 lên lớp 10 cũng tăng mạnh vì vậy cánh cửa vào lớp 10 chưa chắc dễ dàng.
Hiệu trưởng các trường THCS cho biết, sự thay đổi này sẽ làm tăng sức cạnh tranh vào trường công. Ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), nhận định: "Khi mà tất cả các trường THPT đều tổ chức thi tuyển thì HS giỏi sẽ dự thi vào trường có tiếng trong nội thành, tức là những trường thuộc tốp đầu sẽ tăng số lượng hồ sơ. Như vậy, đồng nghĩa với việc điểm chuẩn có thể sẽ tăng. Ngược lại, chỉ còn HS trung bình thi sẽ dẫn đến điểm chuẩn các trường khu vực ngoại thành giảm, đặc biệt là những trường trước đây thuộc 9 quận huyện xét tuyển".
Dù chỉ tiêu tăng hơn nhưng theo đánh giá của lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn) thì cơ hội dành cho đa số HS giỏi. Vị lãnh đạo này giải thích: "Xét về mặt bằng ở khu vực Q.12, H.Hóc Môn thì Trường Nguyễn Hữu Cầu dẫn đầu. Trong thời gian xét tuyển nhiều HS giỏi của Q.12 muốn qua trường học mà không được. Vì vậy khi tổ chức thi tuyển, các em có thể tự do lựa chọn trường phù hợp với khả năng của mình".
Nhìn nhận kỹ càng
Theo tính toán, sẽ có gần 15.000 HS không đỗ vào lớp 10 công lập buộc phải lựa chọn các trường ngoài công lập, trung tâm GDTX, TCCN...
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Bình Thạnh tư vấn cho việc lựa chọn nguyện vọng đăng ký dự thi để nhiều khả năng vào trường công lập. Theo đó, ở khu vực gần cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức), HS có thể đăng ký dự thi vào các trường của Q.Bình Thạnh như THPT Trần Văn Giàu, Thanh Đa - những trường có sức cạnh tranh không lớn. HS ở Q.9 cũng sát với Q.Bình Thạnh nhưng có học lực thực sự giỏi nên đăng ký dự thi ở Trường THPT Gia Định.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4) mới khánh thành nhưng chưa sử dụng hết công suất cũng là lựa chọn không chỉ đối với HS trong quận mà còn là cơ hội cho HS giáp ranh là Q.1, Q.7, Q.8...
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh công tác phân luồng, năm nay chỉ tiêu vào các trung tâm GDTX, các trường TCCN đều tăng hơn so với năm trước. Cụ thể Trung tâm GDTX Gia Định tuyển 8 lớp (tăng 4 lớp) so với năm trước hay Trung tâm GDTX Q.10 cũng tăng khoảng 2 lớp...
Cũng theo Sở GD-ĐT TP, HS đã tốt nghiệp THCS có thể đăng ký xét tuyển vào học tại các trường CĐ, TCCN của thành phố có tuyển đối tượng này. Căn cứ để xét tuyển là điểm tốt nghiệp THCS, điểm tổng kết các môn học 4 năm THCS, điểm tổng kết các môn học năm cuối cấp THCS.
Theo VNE
'Chất lượng cao' trong trường công - Kỳ 5: Đi ngược nguyên tắc cơ bản của giáo dục Loạt bài Mô hình 'chất lượng cao' bóp méo trường công nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của độc giả. Thanh Niênxin giới thiệu tới độc giả bài viết của nhà giáo Vũ Thế Khôi, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nga Trường ĐH Hà Nội. Các bài báo của loạt bài này khởi đăng từ 7 đến 10.10...