Trường công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm cao ngất, tin được không?
Trong đề án tuyển sinh 2018, nhiều trường công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm cao ngất ngưởng, đặc biệt các trường tư. Liệu con số này có bị đẩy lên?
Sinh viên tìm hiểu thông tin tại một ngày hội việc làm – Ảnh: MINH GIẢNG
“Có thể các trường đẩy tỉ lệ sinh viên có việc làm lên phục vụ mục đích tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp cách khảo sát của các trường chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy”
Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM
Bộ GD-ĐT quy định các trường đại học phải công bố tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất trong đề án tuyển sinh 2018. Và nhiều trường công bố tỉ lệ này cao ngất ngưởng.
Điểm đáng chú ý: các trường ngoài công lập công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm cao hơn so với các trường công lập.
100% có việc làm
Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM công bố 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm. Tương tự, Trường ĐH Tài chính ngân hàng Hà Nội cũng công bố 100% sinh viên tốt nghiệp hai khóa gần nhất có việc làm.
Còn Trường ĐH Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh) tỉ lệ sinh viên có việc làm là 99,6%, ở Trường ĐH dân lập Phú Xuân (Huế) là 97%.
Ngoài ra, một số trường ĐH ngoài công lập khác cũng công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm rất cao như: ĐH Văn Lang 97%, Công nghệ Sài Gòn 95%, Công nghệ TP.HCM (HUTECH) 95%, Cửu Long 92%, Đại Nam 93%, Quốc tế Bắc Hà 94%, Kinh tế kỹ thuật Bình Dương 91%…
Những trường ĐH công lập lại công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm thấp hơn. Đơn cử ĐH Bách khoa Hà Nội là 90%, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) 91%. Những trường khác như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM, Học viện Ngân hàng tỉ lệ sinh viên có việc làm dao động 94-96%.
Ông Ngô Cao Cường – phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM – cho biết tỉ lệ 100% sinh viên có việc làm căn cứ trên khảo sát toàn bộ sinh viên tốt nghiệp hai khóa gần nhất, không tính sinh viên tiếp tục học lên cao hay du học.
Có phải toàn bộ sinh viên làm đúng chuyên ngành hay làm việc khác? Ông Cường nói: “Rất khó để nói sinh viên làm đúng chuyên ngành hay không. Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh làm văn phòng cho công ty kinh doanh, tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng làm dịch vụ tài chính cũng có thể xem là đúng chuyên ngành”.
Đẩy lên để tuyển sinh?
Video đang HOT
Trong khi đó, phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM cho rằng một trường ĐH tuyển sinh còn trầy trật, đóng ở tỉnh mà tỉ lệ việc làm hơn 95% là điều khó tin.
“Có thể các trường đẩy tỉ lệ sinh viên có việc làm lên phục vụ mục đích tuyển sinh. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp cách khảo sát của các trường chưa chặt chẽ, dẫn đến kết quả cuối cùng không thể hiện đầy đủ thông tin tin cậy.
Chẳng hạn số mẫu khảo sát là bao nhiêu, tỉ lệ làm đúng ngành là bao nhiêu, làm trái ngành, bán thời gian có được gọi là có việc làm hay không? Trường có vài ngàn sinh viên tốt nghiệp nhưng chỉ khảo sát vài trăm người, từ đó đưa ra kết quả cho toàn khóa là chưa chính xác.
Chưa kể nếu trường có ý định gian dối, mẫu khảo sát của họ cũng được chọn lọc chứ không hẳn là ngẫu nhiên. Cách chính xác nhất là khảo sát toàn bộ sinh viên tốt nghiệp” – vị này nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT – cho biết trong điều kiện đẩy mạnh tự chủ ĐH, việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.
“Để từng bước nâng cao tính xác thực của kết quả khảo sát, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh trong hướng dẫn, yêu cầu các trường trong việc triển khai khảo sát, công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp sau 12 tháng kể từ khi có quyết định công nhận tốt nghiệp” – bà Phụng nói.
Bà Phụng cũng cho biết năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kiểm tra tại một số trường về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, trong đó có nội dung khảo sát và công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp, đồng thời công khai kết quả kiểm tra cho người học và xã hội biết.
“Bộ cũng dự kiến tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và thống nhất phương hướng thực hiện việc khảo sát, công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp cho năm nay và những năm tiếp theo” – bà Phụng nói thêm.
Tỉ lệ có đúng thực tế?
Theo đề án tuyển sinh của Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉ lệ sinh viên có việc làm năm 2016 là 92,27%. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc khóa 2016 trường này có 623 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 394 sinh viên có việc làm. Vậy tỉ lệ như trên có đúng thực tế?
Ông Lê Văn Toàn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu – cho biết vì mẫu thống kê của bộ không có nhiều cột để thể hiện chi tiết nên số liệu của trường gây hiểu lầm.
Trong số 623 sinh viên tốt nghiệp, trường khảo sát được hơn 394 sinh viên và hơn 90% sinh viên trong số này có việc làm. Vì cách thể hiện số liệu trong bảng thống kê thiếu chi tiết, dẫn đến việc hiểu lầm chỉ có 394/623 sinh viên tốt nghiệp có việc làm nhưng trường lại công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm hơn 92%.
Theo tuoitre.vn
Tỷ lệ thí sinh chọn sư phạm khả quan dù thắt chặt đầu vào tuyển sinh
Mặc dù năm nay có yêu cầu cao đối với đầu vào các trường sư phạm nhưng thống kê ban đầu về số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này vẫn khả quan - thông tin từ TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).
Ảnh minh họa/internet
- TS có thể cho biết chỉ tiêu tuyển sinh và số thí sinh đăng ký xét tuyển vào sư phạm năm nay?
Năm 2018, chỉ tiêu sư phạm giảm khá nhiều: giảm tới 38% so với chỉ tiêu xác định năm trước và giảm 20% so với số tuyển được của năm trước.
Việc xác định chỉ tiêu sư phạm năm nay căn cứ trên cơ sở thống kê, khảo sát toàn quốc về nhu cầu sử dụng giáo viên trong 5 năm tới, có tính đến số sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm.
Cùng với việc giảm chỉ tiêu, năm nay còn có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với các ngành sư phạm (cả phương án sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và phương án xét học bạ). Mặc dù mong muốn nâng cao chất lượng nhưng chúng tôi cũng không khỏi lo lắng về kết quả thí sinh đăng ký vào sư phạm năm nay sẽ ra sao?
Nhưng nhìn chung, kết quả thí sinh đăng ký vào sư phạm khá khả quan. Mặc dù chỉ tiêu giảm tới 38%, nhưng tổng số nguyện vọng sư phạm chỉ giảm 29% (trong đó số nguyện vọng 1 giảm 27%) so với năm 2017.
Tốc độ giảm nguyện vọng vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu. Như vậy, nếu tính tỷ lệ số nguyện vọng đăng ký trên chỉ tiêu thì số dư còn cao hơn năm trước.
Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu thì tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học vẫn ở mức trung bình trong các khối ngành (thứ 4/7 khối ngành).
Cụ thể, khối ngành 7 (Dịch vụ, An ninh quốc phòng) có tỷ lệ nguyện vọng trên chỉ tiêu cao nhất (7,88%); đứng thứ 2 là khối ngành 3 (Kinh doanh, quản lý) với tỷ lệ 6,87%; khối ngành sức khỏe tỷ lệ 6,86% đứng thứ 3 và giữ vị trí thứ 4 là khối ngành sư phạm (hệ đào tạo đại học) với tỷ lệ 5,64%. Đó là tín hiệu khả quan.
Từ những con số đó có thể thấy vẫn đảm bảo nguồn tuyển chất lượng cho các trường sư phạm. Trong bối cảnh có nhiều điểm mới theo hướng nâng cao chất lượng như năm nay, thí sinh đăng ký vào sư phạm là thực sự yêu nghề và có học lực khá giỏi.
TS Nguyễn Thị Kim Phụng
- TS có nói đến việc thống kê, khảo sát toàn quốc về nhu cầu sư dụng giáo viên. Vậy cụ thể nhu cầu này là như thế nào?
Việc khảo sát đã được Bộ bắt đầu triển khai từ cuối năm 2017. Theo đó, sơ bộ, năm nay cần tuyển để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh thành khoảng 59.000 giáo viên, vừa tuyển mới, vừa thay thế giáo viên đến tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh khảo sát chính thức của Bộ GD&ĐT các tỉnh, chúng tôi đồng thời triển khai một số đề tài nghiên cứu do các trường sư phạm kết hợp với các Sở GD&ĐT thực hiện và thống kê báo cáo khảo sát của các trường về việc làm của sinh viên tốt nghiệp: nghiên cứu, khảo sát về số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm trong 2 năm qua và dự kiến những năm tới; số sinh viên sư phạm chưa có việc làm đúng ngành nghề đã làm nghề khác hay đang chờ có cơ hội làm đúng nghề; tỷ lệ người đã làm nghề khác nhưng nếu có cơ hội vẫn muốn quay lại làm đúng nghề...
Nhìn chung, với quy mô đang đào tạo, số sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc làm ước tính khoảng hơn 40 ngàn. Trong đó, có khoảng 50% vẫn chờ cơ hội làm việc trong ngành sư phạm, hoặc sẵn sàng bỏ việc đang làm để quay trở về làm đúng ngành được đào tạo nếu có cơ hội. Như vậy, nếu có biện pháp thu hút sẽ có khoảng hơn 20 ngàn sẽ quay lại làm đúng nghề.
Do đó, chúng tôi xác định năm 2018 chỉ giao khoảng 35-36 ngàn chỉ tiêu. Số chỉ tiêu này phù hợp với nhu cầu sử dụng đã tổng hợp từ 63 tỉnh thành và thực trạng các sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa có việc sẵn sàng quay lại ngành làm việc.
Trong số 35-36 ngàn chỉ tiêu sư phạm, chúng tôi giao cho các trường trọng điểm khoảng 7-8 ngàn, còn lại giao về cho trường địa phương hoặc địa phương lân cận đào tạo để đáp ứng ngay nhu cầu của địa phương.
- Năm nay chỉ tiêu đào tạo trung cấp sư phạm vẫn khá cao (khoảng 5.000). TS có thể lý giải điều này bởi chúng ta đang hướng tới nâng chuẩn trình độ giáo viên?
Thực sự, nếu so chỉ tiêu 5.000 với nhu cầu địa phương thì tỷ lệ chỉ tiêu trung cấp sư phạm đã giảm rất lớn.
Hiện nay, nhiều địa phương đang thiếu chủ yếu giáo viên mầm non và họ muốn đào tạo trong thời gian ngắn nhất để sử dụng ngay; trong đó,trình độ trung cấp đào tạo 2 năm có thể giải quyết nhu cầu giáo viên ở những nơi cấp thiết nhất.
Khi đi khảo sát, chúng tôi thấy, ở hầu hết các tỉnh thành, nhất là thành phố lớn, giáo viên mầm non đang thiếu rất nhiều. Con số 5.000 là tối thiểu để đáp ứng ngay nhu cầu đó.
Xin thông tin thêm, trong số tổng nhu cầu sử dụng giáo viên gần 59 ngàn, thì riêng nhu cầu cho bậc học mầm non và tiểu học đã là khoảng 40 ngàn.
Còn lộ trình nâng chuẩn giáo viên cũng đã tính tới. Nhưng để đạt được lộ trình đó, dự kiến mất khoảng 5-6 năm nữa. Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng dự kiến đưa ra mốc 2026 hoàn thành lộ trình này. Nên giai đoạn này, chúng ta đang phải giải quyết đồng thời cả 2 mục tiêu: vừa đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên ở những nơi đang thiếu, vừa nâng chuẩn ở những nơi có đủ điều kiện nâng chuẩn.
Tuy nhiên, ngay cả 5000 chỉ tiêu đào tạo trung cấp sư phạm thì năm nay vẫn khác các năm trước là điều kiện tuyển sinh trung cấp sư phạm năm nay như tuyển sinh như CĐ.
Việc quy định ngưỡng xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở cấp THPT cao hơn các năm trước: trình độ cao đẳng, trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên; trung cấp sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất (cao đẳng), sư phạm Thể dục thể thao (trung cấp) xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT có học lực lớp 12 xếp loại trung bình trở lên.
- Xin cảm ơn TS!
"Kỳ tuyển sinh năm nay dù việc xác định chỉ tiêu hoàn toàn giao cho trường nhưng tổng chỉ tiêu chỉ tăng 1,2%. Con số này cho thấy kỳ thi đã tương đối ổn định ngay cả trong điều kiện cơ chế quản lý có sự thay đổi".
TS Nguyễn Thị Kim Phụng
Hiếu Nguyễn
Theo giaoducthoidai.vn
Muốn giáo dục phát triển, đừng làm khó trường tư Có phải vì lo sợ các trường tư hút hết học sinh con em nhà giàu, chất lượng đầu vào tốt nên Sở mới quy định tuyển sinh trong một thời điểm? Theo số liệu thống kê đăng tải trên website của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2016 - 2017 cả nước có 15.052 trường tiểu học thì các...