Trường chuyên Trần Đại Nghĩa lý giải việc thu tiền thư viện
Thư viện thông minh được xây dựng dựa trên chương trình kích cầu đầu tư của TP. Mức thu 145.000 đồng/tháng đã nhận được sự đồng ý của Sở GD&ĐT TP.HCM.
Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM,nhiều phụ huynh có con đang học tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1) cho hay năm học này, ngoài các khoản theo quy định, phụ huynh còn phải đóng thêm tiền thư viện 145.000 đồng/tháng. Số tiền này sẽ được đóng trong vòng bảy năm. “Tại sao chúng tôi lại phải đóng khoản tiền trên? Con em chúng tôi sẽ được hưởng lợi gì từ công trình này?” – phụ huynh thắc mắc.
Ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho hay TP.HCM đã phê duyệt để trường đầu tư xây dựng thư viện thông minh theo chương trình kích cầu đầu tư. Đây là chủ trương của TP để có thể huy động xã hội hóa các nguồn lực phát triển giáo dục.
Ông Minh cho biết đối với chương trình kích cầu đầu tư, nhà trường sẽ làm chủ đầu tư, đứng ra vay để thực hiện công trình. TP sẽ là đơn vị hỗ trợ trả lãi suất vay, còn nhà trường trả lãi gốc.
Thư viện thông minh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã đi vào hoạt động từ tháng 8-2019. Ảnh: NM
Công trình đã được nhà trường xây dựng trong năm 2018 với mức kinh phí được TP phê duyệt gần 15 tỉ đồng. Hiện tại thư viện đã đi vào hoạt động.
Video đang HOT
“Với số tiền trên, nhà trường vận động các vị phụ huynh cùng chi trả tiền đầu tư trong vòng bảy năm. Hiện nay mức đề xuất từ phụ huynh là 145.000 đồng/tháng. Phụ huynh sẽ đóng trong vòng chín tháng. Chương trình này chỉ vận động cho học sinh đang theo học ở cơ sở 1, dành cho khối lớp 8, 9, 10, 11, 12″ – ông Minh nói.
Ông Minh lý giải thêm: “Mức thu này đã nhận được sự đồng thuận về chủ trương của Sở GD&ĐT TP.HCM. Hơn nữa, nhà trường chỉ vận động phụ huynh đóng góp trong vòng chín tháng nhưng thư viện sẽ mở cửa để phục vụ học sinh trong suốt 12 tháng”.
Ông Minh khẳng định thêm: “Đây không phải là chương trình tự phát. Nó hoàn toàn nằm trong chương trình kích cầu đầu tư để hướng tới xây dựng TP thông minh. TP thông minh sẽ có trường học thông minh. Và thư viện chính là trung tâm của trường học. Ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM đang chuẩn bị phê duyệt cho 16 đơn vị về chủ trương kích cầu đầu tư. Mặt khác, mục tiêu xây dựng thư viện là phục vụ cho học sinh. Học sinh chính là đối tượng sử dụng tài nguyên của thư viện. Các em sẽ được học trên thư viện, sẽ được sử dụng trang thiết bị, các phần mềm học thuật hiện đại của các nước phát triển, điển hình như Zpace. Đặc biệt, học sinh có thể khai thác tài nguyên thư viện tại nhà bằng việc truy cập vào website bằng một mã tài khoản riêng. Ngoài ra, tài nguyên trong thư viện cũng là điều kiện để giáo viên ứng dụng phương pháp giảng dạy mới và soạn giảng mới để nâng cao chất lượng giáo dục”.
Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, ban giám hiệu đã trao đổi về vấn đề này đối với giáo viên chủ nhiệm và trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của 98 lớp. Hiện tại, trong biên bản họp của các lớp, hầu hết phụ huynh đều đồng ý với mức thu trên.
NGUYỄN QUYÊN
Theo PLO
TP.HCM: Xây dựng mô hình trường học thông minh tại 5 trường THPT
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công nghệ thông tin năm học 2019-2020.
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM. Ảnh: Tuấn Anh
Theo đó, năm học này, ngành GD-ĐT tập trung triển khai các hạng mục mô hình giáo dục thông minh, với dự án xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh tại Sở GD&ĐT;
Xây dựng hệ thống Trường học thông minh tại 5 trường gồm: THPT Chuyên Lê Hồng Phong, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du.
Hướng dẫn cũng ghi rõ, việc triển khai mô hình giáo dục điện tử, trường học điện tử theo mô hình giáo dục giáo dục thông minh đảm bảo nguyên tắc ứng dụng CNTT&TT một cách hiệu quả, thiết thực, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy - học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Các đơn vị cần nghiên cứu và chủ động triển khai mô hình ứng dụng CNTT trong nhà trường phổ thông nhằm từng bước xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử - mô hình giáo dục thông minh theo hướng dẫn của Sở.
Xây dựng hệ thống thông tin Bản đồ số (GIS) lĩnh vực GD.
Sở cũng yêu cầu các phòng GD&ĐT cần chủ động nghiên cứu và chuẩn bị phương án để tổ chức việc tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình thức trực tuyến từ năm học 2020 - 2021.
Bên cạnh đó, các đơn vị trường học cần xử dụng một cách hiệu quả hệ thống chuyentruong.hcm.edu.vn để giải quyết nhanh chóng hồ sơ chuyển trường trực tuyến (đối với khối THPT).
Các trường cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy - học và quản lý nhằm góp phần đổi mới phương pháp dạy - học, đổi mới phương thức quản lý nhà trường.
Xây dựng mô hình trường học tiên tiến, hiện đại gắn với việc ứng dụng CNTT&TT làm nền tảng theo định hướng xây dựng trường học điện tử, trường học thông minh. Khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa.
Tăng cường ứng dụng và sử dụng sổ sách điện tử (sổ điểm, các loại hồ sơ học vụ, sổ liên lạc...) trong hoạt động giáo dục tại các đơn vị trường học theo hướng dẫn của các phòng chuyên môn Sở GD&ĐT.
Thảo Nguyên
Theo giaoducthoidai
Điểm mới tuyển sinh đầu cấp ở Sài Gòn Cấu trúc đề thi vào lớp 10 tiếp tục giữ ổn định, tăng các câu hỏi thực tiễn. Đổi mới đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM Nội dung đề thi sẽ tiếp tục ra theo hướng đổi mới với những câu hỏi nhằm kiểm tra năng lực vận dụng kiến thức đã học của học sinh vào thực tiễn. Năm nay,...