Trường cao đẳng, trung cấp lo không còn nguồn tuyển
Ngay sau khi hàng loạt đề án tuyển sinh riêng của các trường đại học được Bộ GD-ĐT phê duyệt, trong đó có hình thức xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng, trung cấp như ngồi trên đống lửa.
Sinh viên CĐ cần đào tạo theo hướng thực hành nhiều hơn để có đầu ra tốt – Ảnh: Mỹ Quyên
Thua trên mọi phương diện
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM, nhận định: “Ảnh hưởng lớn nhất của các đề án tuyển sinh riêng năm nay đối với các trường cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC), đó là nhiều trường ĐH ngoài công lập xét tuyển kết quả tốt nghiệp THPT và kết quả học tập năm lớp 12 của thí sinh. Điều đó có nghĩa không cần thi ĐH, thí sinh vẫn có cơ hội học ĐH, dẫn đến các trường CĐ tổ chức thi chung vào đợt 3 có nguy cơ không còn mấy thí sinh, thậm chí lượng thí sinh thi vào còn ít hơn chỉ tiêu”.
Tiến sĩ Nghĩa nhấn mạnh kể cả các trường CĐ có đề án vừa thi, vừa xét, thì khả năng tuyển sinh cũng sẽ thê thảm hơn các năm trước rất nhiều. “Đối với các trường TC tình hình sẽ càng tệ hơn vì CĐ đã không còn nguồn tuyển, thì sẽ lấy đâu ra người học? Trước đây có điểm sàn, thí sinh nào không đạt thì chỉ còn cách là vào học nghề, TC. Bây giờ Bộ sẽ có tiêu chí khác thay thế điểm sàn và các trường tuyển sinh riêng được chủ động xây dựng tiêu chí đầu vào, đảm bảo sẽ lấy hết thí sinh”, tiến sĩ Nghĩa phân tích.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính Hải quan, cũng lo lắng: “Các trường CĐ sẽ lâm vào tình trạng quá khó khăn, bởi cũng với học lực đó không cần thi thí sinh vẫn có thể đậu ĐH thì không đời nào các em chọn CĐ”.
Video đang HOT
Đến thời điểm hiện tại, đã có 62 trường được phê duyệt đề án tuyển sinh riêng. Không kể đến các trường khối văn hóa nghệ thuật đã tuyển sinh riêng từ năm 2013 và các trường ĐH lớn như: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Vinh… các trường còn lại đa số ngoài công lập với hình thức vừa thi tuyển, vừa xét tuyển kết quả thi ĐH theo “3 chung”, vừa xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT và lớp 12. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM, lo ngại: “Nguồn tuyển của các trường ĐH này quá rộng nên các trường CĐ chắc chắn sẽ thua kể cả thi hay không thi”.
Tiếp tục tự “bơi”
Hầu hết đại diện các trường CĐ, TC đều cho rằng trước tình hình này, bản thân các trường phải tự mình tìm kiếm giải pháp chứ không thể trông chờ vào sự thay đổi nào khác từ phía Bộ. Với các trường CĐ mà nhiều năm qua vẫn nhận được số lượng hồ sơ đăng ký dự thi lên tới 15.000 – 20.000 thì hy vọng giữ được một phần thí sinh bằng uy tín và chất lượng đào tạo của mình.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo đề xuất: “Nếu không còn điểm sàn hoặc xét tuyển thì mỗi bậc học vẫn cần phải có các tiêu chí chuẩn để đánh giá, phân tầng. Những thí sinh không đạt chuẩn vào ĐH thì xuống học CĐ, ai không đủ chuẩn CĐ thì đi học TC. Như vậy mới đảm bảo các bậc học đều có đối tượng phù hợp với mình”.
Một giải pháp mà trường nào cũng nghĩ tới nhưng lại không thể tự mình thực hiện: đó là cần phải xóa bỏ tâm lý chuộng bằng cấp, phân luồng hiệu quả ngay từ bậc THCS, nhà tuyển dụng tuyển người theo công việc chứ không theo bằng cấp…
Trường TC Kỹ thuật nghiệp vụ Nguyễn Hữu Cảnh là một trường công lập, trong vài năm trở lại đây, việc tuyển sinh đã quá mệt mỏi, chỉ đạt 50% chỉ tiêu. Ông Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng của trường, tâm tư: “Năm nay trường buộc phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh khác so với những năm trước để không để xảy ra cảnh giáo viên thất nghiệp vì không có người học. Chúng tôi sẽ chỉ đến những khu vực, địa bàn có khả năng tuyển sinh để tư vấn, hướng nghiệp chứ không đi tràn lan nữa. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động đào tạo sao cho chất lượng được nâng cao và quan hệ tốt với doanh nghiệp để đảm bảo các em ra trường có việc làm ngay”. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa chia sẻ: “Khi không thể làm gì khác hơn, tạm thời các trường CĐ, TC phải thay đổi chương trình đào tạo theo hướng thực hành thật nhiều, nâng cao chất lượng, đảm bảo đầu ra cho người học”.
Một nguyên do khác cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc tuyển sinh các trường CĐ, TC, theo tiến sĩ Nghĩa, chính là việc học liên thông quá khó khăn, tốn thời gian khiến thí sinh đương nhiên phải chọn bậc học cao nhất là ĐH. Do đó, việc kiểm soát chất lượng liên thông không phải là đặt ra thời gian 36 tháng và việc thi chung kỳ thi ĐH, mà là kiểm soát chất lượng kỳ thi liên thông tại các trường, chỉ tiêu, chương trình đào tạo…
Theo TNO
Bộ GD đang mang tiếng 'xin - cho'
Trước thực tế nhiều trường cao đẳng, trung cấp sau một vài năm thành lập lại "nhấp nhổm" muốn được nâng cấp, Bộ trưởng GD - ĐT Phạm Vũ Luận đã thẳng thắn phản đối tư tưởng này.
Sáng 11/9, Bộ GD - ĐT đã tổ chức hội nghịtổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg và chương trình hành động của Bộ về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012.
Tại hội nghị, ông Đào Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghệ thuật đã được thành lập cách đây hàng chục năm nhưng vẫn chưa được nâng cấp, gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh. Vì vậy, vị lãnh đạo này đề nghị Bộ GD - ĐT cần xem xét và nâng cấp đối với những cơ sở giáo dục này. Đây là vấn đề được rất nhiều đại biểu khác quan tâm.
Tuy nhiên, kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiên quyết với quan điểm cần giữ sự ổn định trong hệ thống: "Các trường trung cấp, cao đẳng luôn trong tâm trạng thành lập 3-5 năm thì muốn nâng cấp lên cao đẳng, đại học. Việc các trường "đứng núi này trông núi nọ" sẽ khiến cả hệ thống mất ổn định và không mạnh".
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng, nếu thực hiện tràn làn việc nâng cấp sẽ dẫn tới tình trạng các trường trung cấp mạnh lại thành một trường cao đẳng yếu. Trường cao đẳng xây dựng vài năm, đứng được bằng hai chân mình rồi lại nhấp nhổm muốn trở thành trường đại học. Trường ĐH được vài năm cố xin bằng được để đào tạo thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Như vậy, tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn luôn đặt ra và Bộ GD - ĐT luôn luôn đứng trước sức ép.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Không có chuyện mục tiêu cuối cùng là thành lập một trường đại học bắt đầu bằng việc mở trường nghề".
Bày tỏ quan điểm cá nhân, Bộ trưởng cho rằng: "Tôi đã chỉ đạo Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch Tài chính tổng kết lại việc nâng cấp các nhà trường giai đoạn vừa qua. Theo tôi, Bộ sẽ không nhận các hồ sơ nâng cấp trường. Bởi, trường trung cấp, cao đẳng có sứ mạng, vị trí, vai trò, vinh quang và có khó khăn thách thức riêng.
Việc nâng cấp nếu có đặt ra là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách qua bên ngoài và các bộ ngành, địa phương. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục nâng cấp như trước sẽ không giữ được hệ thống ổn định và Bộ GD - ĐT mang tiếng xin - cho mà vấn đề xin- cho là có thật".
Đối với những ý kiến phản ánh về tình trạng các trường cao đẳng hiện nay khó tuyển sinh, theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vấn đề quan trọng nhất là phân luồng, làm sao để đưa thí sinh học nghề, sang học cao đẳng, tạo ra lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau, chứ không phải học nghề rồi thi tiếp lên cao đẳng, đại học.
Bộ trưởng phân tích: "Nếu đào tạo như vậy thì thành ra đây là con đường vòng để vào đại học. Mục đích là tạo cho các cháu học có một nghề ra trường đi làm, khi nào có điều kiện thuận lợi thì đi học tiếp.
Do vậy, các trường cao đẳng không được lấy mục tiêu tuyển sinh khó khăn để kiến nghị thay đổi. Chúng ta phải nhìn sâu hơn không tuyển sinh được vì sao? Nếu học sinh vào trường trung cấp, cao đẳng chỉ để vào học đại học thì các trường này không thực hiện được sứ mệnh và chúng ta tiếp tục mất cân đối giữa thầy và thợ".
Theo Thanhnien
Trường cao đẳng vùng vẫy để tồn tại Tuyển sinh khó khăn, nguôn dư tuyên ngay cang eo uôt, nhiêu trường CĐ, CĐ nghề phải tự thân vận động, vùng vẫy tìm giải pháp để giải quyết bài toán này. Năm 2013 là năm tuyển sinh khó khăn nhất đôi vơi cac trường CĐ, CĐ nghề. Số lượng sinh viên nhập học sụt giảm đáng kể so với năm trước đó....