Trường cao đẳng tỉnh ‘đại náo’ TP.HCM
Hàng loạt trường cao đẳng khu vực phía Bắc mở điểm đào tạo tại TP.HCM. Nhiều trường đổi tên cho thật kêu để tuyển sinh.
Điểm đào tạo của Trường CĐ Dược Sài Gòn tại địa chỉ 215 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điều đáng nói là địa bàn TP.HCM có nhiều trường cao đẳng (CĐ) với năng lực đào tạo đủ để đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.
Thay tên đổi họ, tiến về Sài Gòn
Cuối tháng 10-2020, trong vai phụ huynh, chúng tôi đến Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch (đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình) tìm hiểu về việc tuyển sinh của trường.
Nhân viên tư vấn cho biết trường tuyển sinh các ngành dược, điều dưỡng phục hồi chức năng và y học cổ truyền. Các lớp đã khai giảng, nếu muốn tôi có thể nộp hồ sơ. Học phí 800.000 đồng/tháng.
Cũng theo nhân viên này, sinh viên đang chủ yếu học các môn đại cương, lý thuyết nên việc nhập học trễ cũng có thể theo kịp. Trường được thành lập năm 2009 với cơ sở chính tại Thanh Trì, Hà Nội. Năm 2019, trường mở 2 điểm đào tạo tại Gò Vấp và Tân Bình, TP.HCM và bắt đầu tuyển sinh từ đó.
Bà Nguyễn Thị Nhàn – phó hiệu trưởng Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch – khẳng định trường được phép mở điểm đào tạo và hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM theo quy định.
Đây không phải là trường duy nhất mở điểm đào tạo tại TP.HCM và các tỉnh thành. Thậm chí có trường mới thành lập chưa lâu nhưng có đến 4-5 điểm đào tạo ở khắp các tỉnh thành từ Bắc vô Nam.
Hầu hết các trường này chỉ tuyển sinh các ngành khối sức khỏe. Không ít trường sau khi mở điểm đào tạo tại TP.HCM dường như đã ngưng hoạt động tại trụ sở chính. Trong đó, Trường CĐ Dược Sài Gòn là một ví dụ.
Ngày 11-2-2010, Bộ LĐ-TB&XH có quyết định thành lập Trường CĐ nghề Tây Sài Gòn. Trường có trụ sở tại ấp 8, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Bẵng đi một thời gian, trường này thay tên đổi họ thành Trường CĐ Dược Sài Gòn có điểm đào tạo tại quận Bình Thạnh và quận 9, TP.HCM.
Trên trang web của trường cũng như thông tin tuyển sinh chính thức trên cổng tuyển sinh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trường này hoàn toàn không còn thông tin nào về hoạt động tại trụ sở chính, chỉ có điểm đào tạo tại TP.HCM.
Cần lưu ý, đây là điểm đào tạo, không phải phân hiệu của trường. Điểm đào tạo này hiện đang tuyển sinh và đào tạo 4 ngành bậc CĐ gồm dược, điều dưỡng, xét nghiệm, kỹ thuật hình ảnh y học.
Tương tự, trên cổng tuyển sinh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Trường CĐ Y dược Sài Gòn có trụ sở chính tại Khánh Hòa nhưng cũng có 2 điểm đào tạo tại TP.HCM: một tại Công viên phần mềm Quang Trung, quận 12 và một tại quận Bình Tân.
Video đang HOT
Theo giới thiệu của trường này, trường được thành lập theo quyết định số 935/QĐ-LĐTBXH ngày 18-7-2008 của Bộ LĐ-TB&XH với nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu nguồn nhân lực y tế.
Thực tế khi thành lập, trường có tên Trường CĐ nghề quốc tế Nam Việt có trụ sở tại Khánh Hòa. Ngày 23-8-2018, bộ cho phép trường đổi tên thành Trường CĐ Y dược Sài Gòn! Trong một bài quảng cáo tuyển sinh vào ngày 28-3-2018, trường giới thiệu có 3 cơ sở, trong đó trụ sở chính tại Nha Trang, hai cơ sở tại TP.HCM.
Điều đáng nói là trường quảng cáo tuyển sinh cho hai cơ sở tại TP.HCM từ ngày 28-3-2018 nhưng mãi đến ngày 31-7-2018 trường mới được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM và giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp vào ngày 23-8-2018 với 5 ngành dược, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học và kỹ thuật phục hồi chức năng.
Hiện nay, trên trang web chính thức của trường hoàn toàn không có thông tin hoạt động, đào tạo nào tại trụ sở chính ở Nha Trang mà chỉ có 2 điểm đào tạo tại TP.HCM.
Một trường CĐ khác cũng hoạt động rầm rộ tại TP.HCM nhiều năm nay là Trường CĐ Y dược Pasteur. Trường có trụ sở chính tại Yên Bái và mở các điểm đào tạo tại Hà Nội và TP.HCM. Thậm chí cơ sở tại TP.HCM còn được đổi thành Trường CĐ Y dược Pasteur TP.HCM với tên miền caodangyduochcm.com.
Không chịu kém cạnh các trường ngoài công lập, Trường CĐ Công thương Việt Nam (thành lập năm 2011, tên lúc đầu là Trường CĐ nghề Công thương Việt Nam, trụ sở chính tại huyện Phú Bình, Thái Nguyên) cũng rầm rộ mở điểm đào tạo tại Hà Nội (2 điểm đào tạo), Đắk Lắk và TP.HCM.
Năm 2019, trường này được bộ cho phép đặt điểm đào tạo tại TP.HCM và Đắk Lắk, sau đó được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại hai địa phương này. Tuy tên là công thương nhưng trường tuyển đến 27 ngành khác nhau, đủ các lĩnh vực từ sức khỏe, kỹ thuật, xã hội, pháp lý, kinh tế, ngôn ngữ…
Trường CĐ Y khoa Phạm Ngọc Thạch có trụ sở chính tại Hà Nội và điểm đào tạo tại quận Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: M.G.
Địa phương bất lực?
TP.HCM có khoảng 40 trường CĐ, nếu tính riêng nhóm ngành sức khỏe cũng có hơn 10 trường đào tạo với chỉ tiêu khá nhiều và được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt. Tuy nhiên, đại diện nhiều trường CĐ cho biết việc tuyển sinh vài năm qua khá khó khăn, không tuyển đủ chỉ tiêu do trường ĐH tuyển sinh dễ, phần vì chịu sự cạnh tranh ngày càng nhiều.
Năng lực các trường tại chỗ khá mạnh, ngành nghề đa dạng, vì sao lại cho phép các trường ở địa phương khác mở hàng loạt điểm đào tạo tại TP.HCM, phá vỡ tính ổn định của hệ thống? Đó là băn khoăn của nhiều trường, đến nỗi đã có hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM phải gửi hồ sơ phản ảnh về một trường CĐ hoạt động không phép ở quận 12 gây ảnh hưởng xấu cho hoạt động của trường mình.
Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Đặng Minh Sự – trưởng Phòng giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM – cho biết việc cấp phép điểm đào tạo thuộc quyền của Bộ LĐ-TB&XH, sở không can thiệp được. Những trường này đều được cho phép hoạt động ở đây.
Cũng theo ông Sự, mặc dù về trình tự, trường muốn mở điểm đào tạo tại TP.HCM phải có ý kiến của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về các điều kiện đảm bảo chất lượng, xem có phù hợp quy hoạch nhưng sở không thể bác yêu cầu của họ vì không có căn cứ.
“Năm 2018, chúng tôi gửi bản quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp TP.HCM theo chuyên ngành nhưng bị trả lại và yêu cầu quy hoạch chung tổng thể. Do đó, TP.HCM chưa có quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên không có căn cứ để bác yêu cầu đặt điểm đào tạo. Năng lực đào tạo của các trường tại TP.HCM rất ổn nhưng mấy năm qua tính chung không tuyển đủ chỉ tiêu” – ông Sự cho biết.
Trụ sở chính ở Bắc Ninh nhưng có tên… Hà Nội
Một trường CĐ ngoài công lập có trụ sở chính tại Bắc Ninh nhưng lại có tên Trường CĐ Dược Hà Nội. Ngoài cơ sở chính tại Bắc Ninh, trường này còn có 2 điểm đào tạo tại Hà Nội và 1 tại Hải Phòng.
Một trường CĐ khác tuy mang tên CĐ dược Hà Nội nhưng trụ sở chính khi thành lập là tỉnh Hưng Yên.
Trên trang web của trường, trường có 2 điểm đào tạo tại Hà Nội và Hưng Yên. Tuy nhiên, trên cổng tuyển sinh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trường này có đến 6 điểm đào tạo tại Hà Nội (2 điểm), Hưng Yên, Thái Nguyên, TP.HCM, Bình Thuận và Đắk Lắk!
“Điểm đào tạo” là gì?
Căn cứ nào để các trường ồ ạt mở điểm đào tạo tràn lan như vậy? Luật giáo dục nghề nghiệp hoàn toàn không có câu từ nào nhắc đến điểm đào tạo. Chỉ có cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu.
Trong khi đó, nghị định 143 năm 2016 quy định điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của Chính phủ (theo đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH), trong phần điều kiện thành lập, cho phép thành lập, chia tách cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ nhắc đến việc thành lập trường và phân hiệu trường trung cấp, CĐ, hoàn toàn không có địa điểm đào tạo.
Theo nghị định này, để thành lập trường CĐ hay phân hiệu, phải có địa điểm xây dựng cơ sở vật chất bảo đảm diện tích đất sử dụng tối thiểu 50.000m2, vốn ít nhất 100 tỉ đồng.
Tuy nhiên, điều 18 của nghị định này, phần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã đưa ra một số trường hợp cần phải đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có các trường hợp: chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác; mở thêm địa điểm đào tạo mới hoặc liên kết với các tổ chức, cá nhân để tổ chức hoạt động đào tạo ngoài trụ sở chính hoặc phân hiệu.
Hoàn toàn không có các điều kiện khác kèm theo. Khái niệm “điểm đào tạo” xuất hiện từ đây.
Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM cho biết so với việc mở phân hiệu, việc mở điểm đào tạo tiện lợi hơn nhiều. Trường đã được đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp chỉ cần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi mở điểm đào tạo mới mà không phải chuẩn bị vốn đầu tư, diện tích đất xây trường tối thiểu như việc thành lập phân hiệu. Do đó, không ít trường lách quy định để mở điểm đào tạo.
“Tôi không hiểu sao luật và nghị định chỉ quy định điều kiện thành lập trường, phân hiệu, hoàn toàn không có điểm đào tạo mà phần đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục lại đưa ra trường hợp mở mới điểm đào tạo? Việc mở điểm đào tạo này căn cứ vào quy định nào?” – ông này nói.
* Ông Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ GD-ĐT): Bất ổn
Về nguyên tắc, trường tự chủ họ có thể đào tạo ở nhiều nơi. Trường có chỉ tiêu nhưng nơi này tuyển sinh không tốt, họ sẽ tìm đến nơi khác có người học nhiều hơn.
Tuy nhiên, việc đào tạo, mở điểm đào tạo khắp nơi như vậy ảnh hưởng rất nhiều thứ từ quy hoạch hệ thống giáo dục nghề nghiệp của địa phương, đảm bảo chất lượng, người học chịu hậu quả nếu các điều kiện thực hành, thực tập không đảm bảo.
Việc thành lập phân hiệu có quy định các điều kiện bắt buộc trong khi thành lập điểm đào tạo như thế thì sao? Có tuân thủ điều kiện như phân hiệu hay không? Một trường ở xa tận phía Bắc, đưa giảng viên vào TP.HCM giảng dạy thế nào hay phải thuê mướn? Ai là người quản lý thi cử, đánh giá?
Tôi cho rằng việc cho mở điểm đào tạo như vậy không ổn, cần phải siết chặt hơn các điều kiện đào tạo ngoài trường. Nếu muốn, trường có thể mở phân hiệu để làm một cách đàng hoàng và nghiêm túc.
* Ông Lâm Văn Quản (chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM): Địa phương cần có ý kiến nếu bất hợp lý
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp không phải là ngăn chặn mà có thể giám sát, kiểm tra. Nếu thấy bất hợp lý thì có ý kiến đề xuất hướng xử lý lên cấp cao hơn nếu vượt thẩm quyền giải quyết của mình. Có những vấn đề vượt thẩm quyền quản lý chuyên ngành nhưng lại có thể quản lý theo lãnh thổ.
Khi còn là trưởng phòng giáo dục nghề nghiệp thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM, chúng tôi quản lý rất chặt việc đặt lớp, liên kết tại TP.HCM của các trường ở các địa phương khác. Điều này không chỉ giúp các cơ sở tại địa phương ổn định hoạt động mà còn phần nào giám sát chất lượng đào tạo, đảm bảo quyền lợi cho người học.
Tuyển sinh ngành sức khỏe bậc cao đẳng: dự kiến điểm sàn 16,5-18
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến áp điểm sàn trong tuyển sinh các ngành cao đẳng khối sức khỏe.
Sinh viên ngành điều dưỡng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: D.H
Theo dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự kiến quy định ngưỡng đầu vào đối với các ngành sức khỏe.
Các ngành nghề trình độ cao đẳng yêu cầu phải đạt ngưỡng đầu bao gồm: y học cổ truyền, dịch vụ y tế, dược học, điều dưỡng, hộ sinh và răng - hàm - mặt.
Cụ thể, đối với các trường sử dụng phương thức xét tuyển (theo điểm kết quả THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc hình thức khác), điểm trung bình cộng tối thiểu từ 6 điểm trở lên. Đối với các trường sử dụng phương thi tuyển hoặc kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển thì điểm trung bình cộng tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên.
Đây là lần đầu tiên Bộ LĐ-TB&XH dự kiến áp điểm sàn tuyển sinh cho một số ngành sức khỏe. Nếu trường tuyển sinh với điểm thi 3 môn, điểm sàn các ngành dao động từ 16,5 đến 18 tuỳ theo phương thức tuyển sinh.
Đối tượng tuyển sinh cao đẳng cũng được mở rộng hơn so với quy chế năm 2017. Đối tượng tuyển sinh cao đẳng gồm:
- Học sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT.
- Người có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
- Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp và có bằng tốt nghiệp THPT hoặc giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.
- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng đã học và có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông hoặc giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp cùng ngành nghề đào tạo.
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng: Nhiều tín hiệu tích cực Sau nhiều năm gặp khó trong công tác tuyển sinh, các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đổi mới và đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác tuyển sinh. Đa dạng loại hình đào tạo Sau hai đợt tuyển sinh, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đã tuyển trên 800 thí sinh ở các loại hình đào...