Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội: Hướng đến đào tạo đạt trình độ quốc tế
Ngày 16/11, trường Cao đẳng nghề (CĐN) Công nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống nhà trường và Đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huy cho biết, nhà trường đang phấn đấu trở thành trường đào tạo chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Hợp tác sâu rộng với doanh nghiệp
Với bề dày truyền thống đào tạo nghề kỹ thuật 45 năm, đến nay nhà trường đã đạt được những kết quả gì, thưa ông?
- CĐN Công nghiệp Hà Nội là trường của UBND TP Hà Nội. Trong 45 năm qua, trường đã nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư cũng như tạo điều kiện của TP. Bởi vậy, từ một trường Đào tạo Công nhân kỹ thuật Cơ khí – Điện Hà Nội, đến nay đã phát triển thành trường CĐN Công nghiệp Hà Nội.
Phó Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huy (thứ tư, từ trái sang) ký kết hợp tác với DN. Ảnh: Thủy Trúc
Trong đào tạo nghề, hoạt động hợp tác với DN là vô cùng quan trọng để tạo điều kiện cho người học có kỹ năng, việc làm khi tốt nghiệp. Bởi vậy, nhiều năm qua, nhà trường đã đẩy mạnh nội dung này và đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ việc làm và quan hệ với DN với mạng lưới gần 300 công ty. Từ hoạt động phối hợp với DN, đã nâng tỷ lệ HS, SV của trường có việc làm lên tới 80% sau 6 tháng tốt nghiệp. Một số nghề Cơ khí, Cắt gọt kim loại, Cơ điện tử tỷ lệ HS, SV có việc làm đạt 100%, thậm chí không đủ đáp ứng nhu cầu DN.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội đã tận dụng lợi thế này thế nào?
Video đang HOT
- Hiện nay, nhà trường đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình đào tạo từ quản lý hồ sơ của HS, SV, biểu điểm chấm điểm đến các bài giảng điện tử. Đồng thời, trang bị nhiều phòng máy công nghệ cao như CNC, Cơ điện tử mới phục vụ cho đào tạo nghề. Hướng đến đào tạo chất lượng cao đạt trình độ khu vực và quốc tế, chúng tôi đang đào tạo 2 nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN là Điện tử công nghiệp, Cắt gọt kim loại.
Trường cũng thí điểm đào tạo 3 nghề theo chương trình của Đức là Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Cơ điện tử và Công nghệ Ô tô với thiết kế chương trình có tỷ lệ 30% thời lượng học lý thuyết ở trường và 70% thực hành ở DN.
Sau khi hoàn thành chương trình, SV được nhận 2 bằng (1 bằng của Việt Nam và 1 bằng theo chương trình nước ngoài). Do được trang bị kỹ năng tay nghề cao, khả năng ngoại ngữ nên SV có cơ hội việc làm rất tốt ở trong và ngoài nước. Đơn cử, mới đây, nhà trường tổ chức hội thảo với các DN Đức và họ đã đặt hàng tuyển dụng SV các lớp chất lượng cao.
Hướng tới đào tạo nghề chất lượng cao
Đào tạo chất lượng cao và đẩy mạnh hợp tác quốc tế là xu hướng nhà trường sẽ thực hiện trong giai đoạn tới?
- Trong xu thế phát triển, trường CĐN Công nghiệp Hà Nội phải định hướng đào tạo chất lượng cao. Muốn có nguồn nhân lực giá trị trên trường quốc tế, phải trang bị cho HS, SV kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn công nghệ. Qua đó, cũng để HS, SV thể hiện bản thân trước đấu trường quốc tế về đào tạo nghề. Vì thế, nhà trường đã có nhiều HS, SV tham gia cuộc thi tay nghề cấp ASEAN, thế giới đạt giải. Trường cũng là một trong những trung tâm đào tạo và luyện thi tay nghề ASEAN và quốc tế.
Từ nhiều năm nay, trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà trường đặc biệt hướng tới các mối quan hệ quốc tế. Các đối tác đến từ Australia, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc… đã cùng trường xây dựng những chương trình đào tạo phù hợp, cung cấp những thiết bị công nghệ mới và hỗ trợ rất nhiều trong đào tạo nghề.
Trong hoạt động đào tạo nghề, nguồn tuyển đầu vào đóng vai trò quan trọng nhưng hiện nay nhiều trường đang gặp khó khăn. Trường CĐN Công nghiệp Hà Nội giải bài toán này thế nào?
- Ngoài nguồn HS học hết lớp 12 đi học nghề, chúng tôi còn đối tượng tốt nghiệp THCS. Đặc biệt, hiện nay, thực hiện chủ trương của Nhà nước, HS học hết lớp 9 đi học văn hóa và học nghề đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Tận dụng điều đó, chúng tôi phối hợp với các trung tâm GDNN – GDTX để quảng bá đào tạo nghề. Kết quả cho thấy rất khả quan: 2019 là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh theo mô hình 9 nhưng đã có hơn 200 em đăng ký học. Trong năm học 2019 – 2020 nhà trường đã tuyển sinh đạt 120% chỉ tiêu so với kế hoạch. Năm nay, số lượng HS có điểm cao đỗ đại học nhưng đăng ký học nghề ở trường cũng chiếm rất nhiều.
Với bề dày truyền thống trong đào tạo Cơ khí, Điện – Điện tử, CNTT, trong giai đoạn tới, nhà trường sẽ phát huy điểm mạnh đồng thời tìm thêm phương án, hướng đi mới để hội nhập quốc tế. Hiện chúng tôi đang xây dựng lại các chương trình, trong đó đặc biệt chú ý trang bị kỹ năng mềm và đào tạo ngoại ngữ để HS, SV tiếp cận nhanh nhất với chương trình quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo kinhtedothi
Dễ tìm việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh
Vào đại học đã không còn là con đường duy nhất trong lựa chọn đi đến tương lai, nhất là trong tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay.
Tuy vậy, quan niệm "trọng thầy hơn thợ" của các bậc phụ huynh; tâm lý chỉ lựa chọn học nghề sau khi trượt đại học đã gây khó khăn không nhỏ trong việc tuyển sinh của các trường nghề, dù học nghề khả năng có việc làm cao, thu nhập tốt.
80% học sinh học nghề ra trường đều có việc làm
Trường nghề khó tuyển sinh
Nhiều năm qua, việc tổ chức tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được Trường Cao đẳng Nghề An Giang đa dạng cách thức và mở rộng cho nhiều đối tượng. Ngoài đối tượng học sinh đang theo học tại các trường THPT, THCS, trường còn hướng đến đối tượng học sinh bỏ học khối lớp 10, 11, 12...
Nhờ vậy, phần nào đã làm thay đổi tư duy, hướng chọn nghề cho con em của các bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, Trường Cao đẳng Nghề An Giang còn tổ chức hội thảo hướng nghiệp, nhân rộng mô hình tổ chức "Một ngày làm công nhân" cho học sinh ở các trường THCS trải nghiệm thực tế, tham quan trường để có định hướng lựa chọn nghề nghiệp.
Ngoài ra, nhà trường còn sử dụng website làm kênh thông tin trong tuyển sinh và giới thiệu ngành nghề, đăng ký học nghề qua mạng. Dù vậy, theo thông tin từ Trường Cao đẳng Nghề An Giang, các năm qua, trường tuyển sinh thường không đạt chỉ tiêu, số lượng đăng ký học các ngành nghề không đồng đều, tỷ lệ nhập học so với tỷ lệ nộp hồ sơ dự tuyển khoảng 75% (cao đẳng: 73-77%, trung cấp từ 82-85%).
Lý giải những khó khăn gặp phải trong công tác tuyển sinh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề An Giang Nguyễn Hùng Cường cho biết, hiện nay, công tác tuyển sinh đại học khá dễ dàng do đó thu hút phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT vào học đại học, các em ít nghĩ đến chuyện học nghề. Việc chọn nghề chủ yếu do cha mẹ chọn (nhất là đối tượng tốt nghiệp THCS).
Do đó, việc chọn nghề không theo sở thích năng lực bản thân các em, không theo nhu cầu thực tế thị trường lao động mà chọn nghề một phần do xu hướng tâm lý đám đông. Tình trạng chán học, bỏ học giữa chừng, phần nhiều do chọn nghề không đúng theo sở thích, năng lực. Bên cạnh đó, một số nghề có nhu cầu lao động địa phương, tỷ lệ ra trường có việc làm là 100% (hàn, cắt gọt kim loại, lắp đặt thiết bị cơ khí), tuy nhiên số lượng đăng ký quá ít, không mở lớp được... Các trường nghề hầu như thiếu thông tin nhu cầu lao động từng ngành nghề ở địa phương, từng doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng.
Tự đổi mới mình
Trong bối cảnh tuyển sinh nghề khó khăn như hiện nay, Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang vẫn tuyển sinh vượt chỉ tiêu đề ra. Năm 2019, tổng tuyển sinh toàn trường là 1.540 học viên/1250 chỉ tiêu, đạt 123%, với đa dạng các ngành: gia công thiết kế sản phẩm mộc, xây dựng, hàn, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện công nghiệp, may và thiết kế thời trang, quản trị mạng máy tính. Bên cạnh đó, đa số các em học tập và sau tốt nghiệp ở trường đều được nhận 2 bằng: tốt nghiệp trung cấp nghề và tốt nghiệp THPT. Đáng phấn khởi hơn là trên 80% các em ra trường đều đi làm và có việc làm ổn định; một số em tiếp tục liên thông hoặc học đại học tại các trường trong và ngoài tỉnh.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ An Giang Ngô Hữu Lễ cho biết, năm nay, công tác tuyển sinh cũng giống như các năm trước, tập trung vào đối tượng tuyển sinh là các học sinh đã tốt nghiệp THCS nhưng không vào được lớp 10 THPT (phân luồng THCS đi học nghề).
Tuy nhiên, năm nay nhà trường bắt đầu chuyển hướng mở rộng mục tiêu đào tạo khi liên kết đào tạo với đơn vị trong và ngoài tỉnh những ngành nghề mà đơn vị không có khả năng giảng dạy để đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp hoặc theo đơn đặt hàng. Cụ thể, nhà trường liên kết với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ tuyển sinh trình độ Trung cấp Thủy lợi Tổng hợp theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi An Giang với 40 học viên.
"Ngoài chế độ chính sách theo quy định chung của nhà nước như: miễn 100% học phí học nghề, được vay vốn học tập, được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự... nhà trường còn thực hiện cam kết hỗ trợ và giới thiệu việc làm cho học sinh khi ra trường; phối hợp doanh nghiệp trong việc thực tập nghề nghiệp; khuyến khích bằng các suất học bổng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập" - thầy Lễ chia sẻ. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhà trường tập trung nâng cao chuyên môn của cán bộ giáo viên, học viên bằng cách tham gia nhiều hội thi như: hội thi thiết bị dạy nghề toàn quốc, đạt rất nhiều giải cao.
ÁNH NGUYÊN
Theo baoangiang
Khai giảng lớp cao đẳng chất lượng cao ngành công nghệ ô tô chuẩn CHLB Đức Ngày 1/11, tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã diễn ra lễ khai giảng lớp cao đẳng chất lượng cao ngành công nghệ ô tô theo chuẩn CHLB Đức. Quang cảnh lễ khai giảng Dự Lễ khai giảng, có Thầy Nguyễn Văn Huy - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; đại diện đối tác từ CHLB Đức; lãnh đạo phòng đào...