Trường càng lớn càng “tụt dốc” tuyển sinh sau đại học
Nhiều trường đại học lớn hiện nay, đặc biệt là khối các trường kỹ thuật, việc tuyển sinh sau đại học ngày càng trở nên chật vật.
Thực trạng này được nêu ra trong tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp” do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn tổ chức ngày 23/3.
Các trường lớn liên tiếp không tuyển đủ chỉ tiêu
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, hiện nay nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Tuy nhiên, ở các cơ sở giáo dục đại học, để đạt được tỉ lệ trung bình trong khu vực khoảng 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ, Việt Nam cần ít nhất 6 – 7 năm nữa với khoảng 17.000 tiến sĩ.
Các diễn giả trong tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chính sách học bổng và hợp tác nhà trường – doanh nghiệp”
Thực tế, các trường đại học lớn ngày càng khó tuyển sinh sau đại học. Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cách đây 5 năm, quy mô tuyển sinh thạc sĩ của trường khoảng 2000/năm, nhưng nay đã giảm xuống còn 500 – 600, tức chỉ còn 1/4 so với trước đây và khoảng 80% trong số đó được tốt nghiệp.
Với năng lực đào tạo của trường có gần 800 tiến sĩ trong đội ngũ giảng dạy, hơn 40 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, con số 500 – 600 theo GS Sơn là rất ít (bằng khoảng 1/10 quy mô tuyển sinh đại học). Đối với đào tạo trình độ tiến sĩ, việc tuyển sinh nhiều năm khoảng 100 người mỗi khóa và tốt nghiệp khoảng 60 – 70.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự với Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Theo PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, nhiều năm gần đây, số học viên của trường tham gia học sau đại học giảm đáng kể. Những năm trước đây, số lượng tuyển mỗi năm đạt khoảng 1.300-1.400 học viên, nhưng gần đây giảm chỉ còn 500-600 mỗi khóa.
Người học vừa nghiên cứu vừa… lo “cơm áo”
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, trong số các nguyên nhân, không thể phủ nhận rằng hiện nay đang có một khoảng chênh lệch trong xét tuyển đầu vào giữa các trường.
“Có em thi vào trường tôi tới 6 lần vẫn không đỗ nhưng thi trường khác thì đỗ ngay”, PGS Dũng lấy dẫn chứng.
Video đang HOT
Với tâm lý muốn có tấm bằng nhưng nhiều trường công lập kiên quyết “giữ” chất lượng thì việc lựa chọn những chương trình tại các trường tư lại khiến thu hút người học hơn.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM
Còn theo PGS Hoàng Minh Sơn, nhiều sinh viên hiện nay lựa chọn theo hướng tiếp tục học cao học ở nước ngoài như Đài Loan hay Hàn Quốc bởi họ được hỗ trợ học bổng khá cao.
“Nếu phải lựa chọn học 4,5 năm đại học ra để kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ giúp gia đình hay đầu tư 1,2 năm nữa vừa phải trả học phí, vừa trả chi phí sinh hoạt, thậm chí ở một số nơi phải tự trả chi phí nghiên cứu thì rõ ràng các em không thể lựa chọn môi trường trong nước nếu không có sự hỗ trợ gì.
Trong khi đó, nhiều trường đại học nước ngoài đến mời chào các em, mặc dù có những trường “ranking” thấp hơn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng họ lại có những chính sách hỗ trợ cho học viên. Như vậy, các em sẽ lựa chọn đi học ở nước ngoài vì vừa có trải nghiệm mới lại vừa được trả tiền để đi học”, PGS Sơn nói.
Điều này cũng được PGS Mai Thanh Phong đồng tình, bởi rất nhiều sinh viên giỏi của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sau khi học xong lại lựa chọn ra nước ngoài để học cao học.
“Rõ ràng, chất lượng đào tạo trong và ngoài nước có sự khác biệt. Chúng ta chỉ có một cách là cải thiện môi trường giáo dục trong nước tốt hơn để cạnh tranh với cơ sở đào tạo nước ngoài”.
Trong khi đó, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, nếu vào những trang tuyển dụng lớn có thể thấy rất ít vị trí yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà chủ yếu yêu cầu kĩ sư, cử nhân có nhiều năm kinh nghiệm.
“Sinh viên không có lý do gì khi thấy yêu cầu như vậy lại đi học lên thạc sĩ, tiến sĩ”, ông Bùi Thế Duy nói.
Học lên chỉ thêm một số môn nâng cao so với đại học
Bàn về giải pháp thúc đẩy đào tạo sau đại học, PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho rằng, bản thân các trường phải thay đổi tư duy đào tạo. Tại khá nhiều trường, chương trình còn thiết kế theo kiểu làm nghiên cứu nhưng học rất nhiều; thời gian để người học thực sự được trải nghiệm, nghiên cứu còn ít. Điều này khiến người học sễ bị chán.
“Ví dụ như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thiết kế chương trình kỹ sư theo mô hình của châu Âu là 5 năm. Chúng tôi tin rằng sau khi tốt nghiệp, các em sẽ có kỹ năng và cơ hội việc làm rất tốt.
Tuy nhiên, kỹ sư không phải theo định hướng nghiên cứu. Các em thấy rằng nếu học lên sau đại học chỉ thêm một số môn nâng cao, giá trị gia tăng sẽ mang lại sẽ không lớn. Do vậy chính các trường cũng phải thay đổi chương trình.
Đồng quan điểm, theo PGS.TS Mai Thanh Phong, bản thân các trường cần nhìn nhận lại chính mình đã đào tạo đáp ứng yêu cầu không. “Trên thực tế, chương trình đào tạo của chúng ta vẫn theo lối mòn từ bậc đại học nâng lên thành sau đại; bậc đại học có gì sau đại học sẽ có cái đó. Chúng ta chưa thiết kế chương trình linh động theo nhu cầu biến đổi của thị trường và xã hội”, ông Phong nhìn nhận.
Còn theo ông Đỗ Văn Dũng tại các nước như Anh hay Úc, việc đào tạo đại học chỉ diễn ra từ 3 – 3,5 năm và học những kiến thức chung. Kiến thức sau đại học là học những chuyên ngành hẹp, ví dụ ngành Kỹ thuật ô tô ở Úc sẽ không được tìm thấy trong chương trình đào tạo đại học. Trong khi ở Việt Nam, khi học đại học ra các em có đủ kiến thức hẹp nên không có nhu cầu học sâu thêm. Đó cũng là một nguyên nhân.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Tên gọi trường đại học phải bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ
Cơ sở giáo dục đại học không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác đã thành lập hoặc đăng ký.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Nghị định này quy định chi tiết về tổ chức và quản lý của cơ sở giáo dục đại học; hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và một số hoạt động khác của cơ sở giáo dục đại học. Văn bản cũng áp dụng với trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
Việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học được quy định chi tiết. Tên cơ sơ giáo dục đại học gồm: cụm từ xác định loại cơ sở (đại học, trường đại học, học viện); cụm từ xác định lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần); tên riêng bao gồm tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức.
Nguyên tắc đặt tên là không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ. Việc đặt tên không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Tên của cơ sở giáo dục đại học phải bằng tiếng Việt, kèm tên giao dịch quốc tế được xác định trong quyết định thành lập hoặc quyết định đổi tên. Việc đổi tên của cơ sở giáo dục đại học được thực hiện trong trường hợp cần thiết, đồng thời phải bảo đảm các quy tắc trên.
Trước đó, nguyên tắc đặt tên trường đại học được quy định tại Điều lệ trường đại học ban hành kèm theo Quyết định 70 năm 2014 của Thủ tướng. Ngoài cụm từ xác định loại trường, ngành nghề lĩnh vực, tên riêng còn có cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu thấy cần thiết.
Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM với trụ sở chính và các trường thành viên. Ảnh: Quỳnh Trần.
Dự thảo nghị định trên cũng hướng dẫn cụ thể các thủ tục chuyển trường đại học thành đại học với các điều kiện cần thiết gồm: trường đại học đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng; ít nhất năm trường thuộc trường đại học được thành lập đúng quy định; có nghị quyết của hội đồng trường.
Ngoài ra, sự chuyển đổi này cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục; văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của trường.
Tương tự, điều kiện để liên kết các trường đại học thành đại học gồm: có ít nhất ba trường đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học tham gia liên kết; các trường phải cùng loại hình, trừ trường hợp trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục không vì lợi nhuận.
Dự thảo cũng có điều khoản chi tiết về cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu. Tiêu chí cho loại hình này gồm:
- Tỷ lệ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không dưới 50% tổng số chương trình đào tạo cấp bằng; quy mô người học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không ít hơn 25% tổng quy mô đào tạo và cấp tối thiểu 20 bằng tiến sĩ/năm;
- Tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 25% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học.
- Công bố tối thiểu 100 bài báo ISI/Scopus/năm trong toàn cơ sở giáo dục đại học và đạt tỷ lệ trung bình 0,3 bài/năm/giảng viên trong ba năm gần nhất.
- Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học .
Dự thảo cũng quy định trình độ đào tạo chuyên sâu đặc thù, khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc đã tốt nghiệp chương trình đào tạo định hướng nghề nghiệp đối với người đã có bằng cử nhân.
Mạnh Tùng
Theo VNE
"Khát" nhân lực chất lượng cao ngành Lâm nghiệp Hội thảo "Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp" do Trường ĐH Lâm nghiệp tổ chức ngày 19/3 với sự góp mặt của những chuyên gia đầu ngành lâm nghiệp, các bộ ngành, viện, trường, doanh nghiệp đã cùng bàn về thời cơ, thách thức và giải...