Trường ‘bưng bít’ thông tin xét tuyển, thí sinh thiệt thòi
Đến hết ngày 29/8 trên website của ĐH Lâm nghiệp vẫn không thấy đăng tải thông tin xét tuyển NV2, tương tự ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Kinh doanh và Công Nghệ, ĐH Thành Tây… cũng không hề có chút thông tin nào về xét tuyển.
Theo quy định của Bộ GDĐT, các trường buộc phải công khai cập nhật thông tin xét tuyển nguyện vọng (NV) lên website của trường để thí sinh theo dõi và quyết định gửi, rút hồ sơ. Tuy nhiên nhiều trường vì lo ngại không giữ chân được thí sinh đã “bưng bít” thông tin xét tuyển nguyện vọng.
Thí sinh đến nộp hồ sơ nguyện vọng 2 tại Trường ĐH GTVT.
Tại website của ĐH Mở TP.HCM chỉ đăng “Thông báo xét tuyển NV2″, trong đó có chỉ tiêu, điều kiện, mức phí và một dòng lưu ý “Danh sách thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NV2 sẽ được cập nhật trên website trường từ ngày 26/8 đến 14 giờ ngày 14/9″.
Tuy nhiên, tìm mỏi mắt cũng không thấy thông tin xét tuyển NV2 của trường này đâu. Đặc biệt, do e ngại việc “mất” thí sinh, trong thông báo về điều kiện rút hồ sơ xét NV trường này chỉ cho phép thí sinh rút hồ sơ 1 lần và chỉ giải quyết việc rút hồ sơ xét tuyển trước 16 giờ ngày 8/9.
Một số trường ĐH khác có công bố danh sách thí sinh xét tuyển nhưng hoặc sơ sài, hoặc rối rắm và không được cập nhật liên tục. Điển hình như website của ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, thông tin NV2 rất khó tìm và danh sách được gộp chung các ngành, cập nhật ngày tháng, số điểm cao thấp không theo thứ tự khiến thí sinh phải rất khó khăn mới tìm được thông tin mình cần.
Giải thích vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Qua kiểm tra tôi thấy hầu hết các trường đã thực hiện việc công bố thông tin trên website. Tuy nhiên trong lần đầu thực hiện về phần mềm CNTT một số trường có thể gặp khó khăn hoặc trong một vài ngày đầu lượng hồ sơ chưa nhiều họ chưa cập nhật”.
Video đang HOT
Trong khi các trường “giấu” thông tin xét tuyển thì rất nhiều thí sinh tại các vùng nông thôn không hề biết gì về điểm mới trong xét tuyển. Điều này khiến nhiều em phải thiệt thòi khi phải gửi hồ sơ xét tuyển một cách rất mơ hồ.
Em Nguyễn Hải Triều (Chợ Đồn, Bắc Kạn) cho biết: “Vì xa trung tâm nên em không biết là năm nay được rút hồ sơ xét tuyển. Vừa rồi được anh trai đang học trên Hà Nội điện về cho biết nhưng lên mạng tìm mãi cũng không thấy thông tin NV2 của Trường ĐH Lâm nghiệp để gửi hồ sơ”.
Cũng theo Triều, hầu như các bạn cùng lớp đều mù tịt thông tin về xét tuyển NV2, có bạn biết nhưng khi làm hồ sơ xét tuyển lên mạng cũng chỉ thấy thông tin về chỉ tiêu, mã ngành, mã trường, còn “danh sách công khai thí sinh xét tuyển NV2″ của các trường khi tìm thì chẳng khác nào… mò kim đáy biển.
Theo Zing New
Thí sinh bối rối, nhà trường vất vả vì quy định xét NV2
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm nay thí sinh đăng ký xét tuyển NV2 được phép rút hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, còn các trường phải cập nhật số lượng thí sinh đăng ký trên website vào cuối mỗi buổi.
Quy định này được xem là cách tạo nhiều cơ hội cho thí sinh được vào đại học. Tuy nhiên, trong hai ngày đầu nộp hồ sơ, nhiều thí sinh tỏ vẻ lúng túng, có em còn điền sai nguyện vọng vào tờ đăng kí.
Ông Bùi Đức Hiền, trưởng phòng đào tạo ĐH Điện lực cho biết, trong tờ đơn đăng ký NV2 có hai ô để các em ghi nguyện vọng cho các lần nộp hồ sơ. Tuy nhiên nhiều em đã nhầm lẫn ghi vào cả hai ô dẫn đến việc phải tẩy xóa.
"Chúng tôi cũng không quá coi trọng việc tẩy xóa của thí sinh bởi khi Bộ Giáo dục đã cho các em có quyền được rút hồ sơ thì việc này không quan trọng nữa, miễn là tờ đơn đăng ký của các em vẫn được lưu tại trường", ông Hiền bày tỏ và cho biết, năm nay trường có 250 chỉ tiêu NV2 đại học và 700 NV2 hệ cao đẳng. Trong ngày nhận hồ sơ đầu tiên, trường đã thu được 14 hồ sơ vào đại học và 179 hồ sơ cao đẳng, trong đó có 4 thí sinh nộp sai vùng điểm quy định.
Thí sinh và phụ huynh chăm chú theo dõi thông tin xét tuyển nguyện vọng 2. Ảnh: HD.
Ông Hiền cho rằng, những em nộp hồ sơ mấy ngày đầu thường là biết ít thông tin và kém nhanh nhạy. Khi Bộ Giáo dục cho phép rút hồ sơ và yêu cầu các trường công bố số lượng nộp trên mạng, nếu các em cẩn thận sẽ chờ một vài ngày để theo dõi tình hình các trường, các khối. Như vậy sẽ có quyết định đúng đắn.
Hiệu phó ĐH Kinh doanh và công nghệ Vũ Văn Hóa thì cho rằng, quy định của Bộ về việc cập nhật thông tin lên mạng hàng ngày là chưa chuẩn xác. Ông cho rằng việc này khiến trường tốn rất nhiều công sức. "Những đại học chỉ có vài chục thí sinh đăng ký thì làm rất dễ dàng, nhưng trường tôi có hàng nghìn em thì việc cập nhật sẽ rất khó khăn", ông Hóa nói.
Trao đổi với Vnexpress.net, Trưởng phòng đào tạo ĐH Văn Lang cho rằng quy định mới của Bộ về việc rút hồ sơ NV2 năm nay có thể sẽ dẫn đến tình trạng hoang mang trong phụ huynh, học sinh.
"Khi phụ huynh, học sinh xem thông tin về lượng hồ sơ của từng ngành vào trường. Rất có thể xảy ra tình trạng thấy những ngành có nhiều hồ sơ nộp quá sẽ thôi không nộp nữa hoặc rút chuyển sang ngành hoặc trường khác. Trong khi thực tế vẫn xảy ra tình trạng hồ sơ ảo. Vì vậy phụ huynh, học sinh cần phải cân nhắc kỹ trước quyết định đăng ký", ông Tuấn nói.
Phó phòng đào tạo ĐH Hoa Sen Ngô Thị Mỹ Lan cho biết, vì mới là ngày thứ 2 tiếp nhận hồ sơ nguyện vọng 2 nên chưa có thí sinh nào rút. Tuy nhiên ban tuyển sinh cũng phải tiến hành tư vấn rất kỹ cho từng thí sinh, phụ huynh để tránh tình trạng rút ra, nộp vào.
"Không giới hạn số lần rút hồ sơ cũng là tạo quyền lợi cho thí sinh. Nhưng cũng không tránh khỏi do tâm lý đắn đo, không biết chọn trường nào cho đến ngày cuối thí sinh mới ồ ạt nộp thì chúng tôi xử lý không kịp", bà Lan nói và cho hay, ĐH Hoa Sen đã khuyến cáo thí sinh không nên rút hồ sơ nhiều lần, vì mỗi phiếu đăng ký chỉ đủ kê khai thông tin cho 2 lần nộp. Nhưng nếu thí sinh rút ra tới 3 lần thì sẽ phải dùng biện pháp gạch bỏ hoặc tẩy xóa thông tin đăng ký vào những trường trước đó như vậy phiếu đăng ký sẽ rất lem nhem.
Cũng chung quan điểm này, Trưởng phòng giáo dục đào tạo ĐH Sài Gòn Mị Giang Sơn cho rằng, Bộ nên giới hạn việc rút hồ sơ cho thí sinh là một lần và thí điểm một năm. Nếu tốt thì năm sau áp dụng tiếp để tránh tình trạng "rối loạn" có thể xảy ra trong giai đoạn nước rút.
"Việc phải cập nhật thông tin hồ sơ, thí sinh hàng ngày lên website của trường cũng khá vất vả và phức tạp. Đội ngũ tuyển sinh của trường đã phải làm việc cật lực trong cả hôm qua và hôm nay. Thậm chí chúng tôi phải làm đến 21h đêm mới có đầy đủ thông tin, số liệu, nhưng vì quyền lợi của thí sinh nên chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện", Ông Sơn chia sẻ.
Cho đến trưa nay lượng hồ sơ ĐH Sài Gòn nhận được đã lên đến hơn 3.000 bộ. Trong khi đó tổng chỉ tiêu của trường là 2.070 chỉ tiêu, trong đó hệ đại học chỉ có 170 chỉ tiêu.
Theo Bộ GD&ĐT, trong thời hạn nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2011, hàng ngày các trường phải cập nhật thông tin về hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh. Thông tin này được lưu vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2011 và công bố trên website của trường.
Trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt đăng ký xét tuyển được quy định, thí sinh được rút hồ sơ đã nộp.Thí sinh có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến trường để rút hồ sơ đăng ký xét tuyển đã nộp. Nếu ủy quyền, thí sinh phải viết giấy và người được ủy quyền khi đến rút hồ sơ phải mang theo giấy ủy quyền kèm chứng minh nhân dân của bản thân.
Thời gian nộp hồ sơ đăng ký NV2 từ 25/8 đến 15/9.
Theo VNE
ĐH dân lập muốn hạ điểm sàn, Bộ "không chiều" Hiệp hội các trường ĐH ngoài công lập gửi kiến nghị lên Bộ GD&ĐT mong muốn được hạ mức điểm sàn, tuy nhiên lãnh đạo Bộ khẳng định không thể chiều theo ý các trường để thay đổi điểm sàn. Nguy cơ tan rã Ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây nêu lên thực trạng nếu năm nay nhiều trường...