Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương: Chúng ta phải xem lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn giáo dục
“Chúng ta phải xem lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn chất lượng giáo dục và đào tạo. Vì khi đã khẳng định đủ chuẩn và vượt chuẩn, nhưng chất lượng giáo dục lại không được nâng lên tương xứng thì cái chuẩn có vấn đề, hoặc chuẩn của chúng ta quy định thấp” – ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Nghị quyết 29 nâng cao chất lượng ở tất cả các bậc học
Ngày 6/8, đoàn công tác liên ngành của Trung ương do ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã đến khảo sát kết quả thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (viết tắt là Nghị quyết số 29) tại thành phố Cần Thơ.
Quang cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, ông Trần Việt Trường – Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho biết: Thành phố chú trọng triển khai Nghị quyết 29 phù hợp với đặc điểm, tình hình kinh tế – xã hội, gắn với triển khai có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết. Ngành GD&ĐT thành phố thường xuyên nghiên cứu, từng bước đổi mới công tác quản lý, dạy – học trên tinh thần phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo…
Ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho biết: Hàng năm Thành ủy, UBND rất quan tâm đến ngành GD&ĐT, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện tốt Nghị quyết. Trong 5 năm qua, thành phố quan tâm đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng và thành phố đã dành nguồn lực ưu tiên.
Ông Trần Quốc Trung – Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại buổi làm việc
Cụ thể, tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản trong kế hoạch năm 2014 là 660 tỷ 672 triệu đồng (năm 2013 là 391 tỷ đồng); đến năm 2017 là 681 tỷ 781 triệu đồng. Năm 2017 thành phố công nhận 42 trường đạt chuẩn quốc gia, vượt 5% chỉ tiêu được giao, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 281/460 trường (tỷ lệ 61,08%)…
Theo đánh giá của Thành ủy Cần Thơ, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 đã góp phần quan trọng trong việc phát triển GD&ĐT, nâng cao chất lượng ở tất cả các bậc học.
Video đang HOT
Về đội ngũ, toàn ngành có 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn về chuyên môn; 87,6% trên chuẩn (tăng 4% so với năm 2013); 94,3% được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục (tăng 8% so với năm 2013); 39,3% có trình độ lý luận chính trị (tăng 3% so với năm 2013); đối với giáo viên, có 100% đạt chuẩn về chuyên môn.
Cần Thơ luôn luôn là điểm sáng, điểm dẫn đầu về GD&ĐT của vùng ĐBSCL
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ghi nhận những nỗ lực của TP Cần Thơ trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt là lãnh đạo thành phố có sự quan tâm, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực để ngành GD&ĐT thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng lưu ý TP Cần Thơ quan tâm và thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh; nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, nâng cao tỷ lệ người biết chữ và tạo điều kiện học tập suốt đời.
Bên cạnh đó, Cần Thơ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực với vai trò là thành phố trực thuộc Trung ương, là động lực để vùng phát triển, tiên phong trong đổi mới, nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Võ Văn Thưởng – Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao các kết quả mà TP Cần Thơ đã đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ông Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng lưu ý Cần Thơ trong thời gian tới phải thực hiện các việc: rà soát, hoàn thiện báo cáo, làm rõ kiến nghị chung đối với quá trình thực hiện Nghị số 29 với tinh thần, trách nhiệm cao. Cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ Đảng viên, sự hiểu biết về xã hội và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý trong công tác tuyên truyền Nghị quyết 29.
Người đứng đầu ngành Tuyên giáo cho rằng: “Việc thi, kiểm tra đánh giá công tác GD&ĐT là rất quan trọng. Việc thi, điều mong muốn nhất là làm sao bên cạnh những điều chỉnh, cải cách, phương pháp của Bộ, đối với địa phương từ trước đến giờ chúng ta làm nghiêm túc rồi thì phải cố gắng hơn duy trì được cái này. Vì có thể năm nay nghiêm túc nhưng sang năm không nghiêm túc, đợt này nghiêm túc nhưng đợt sau không nghiêm túc. Mà cái này phải thường xuyên quán triệt. Chỉ cần một chút cái gì đó thôi là niềm tin của xã hội là người ta nghi ngờ chúng ta lắm, bị ảnh hưởng lắm”.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng yêu cầu: “Trong thời gian tới việc đánh giá, kiểm tra chất lượng GD&ĐT ở các cấp độ cần nghiên cứu thực hiện ở địa phương, các cơ sở sao cho tốt. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ đội ngũ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu, đổi mới GD&ĐT”.
Ông Võ Văn Thưởng cho rằng: “Chúng ta phải xem lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn chất lượng giáo dục và đào tạo. Vì khi đã khẳng định đủ chuẩn và vượt chuẩn, nhưng chất lượng giáo dục lại không được nâng lên tương xứng thì cái chuẩn có vấn đề, hoặc chuẩn của chúng ta quy định thấp.”
“Ví dụ, giáo viên tiếng Anh đủ chuẩn, thậm chí vượt chuẩn, nhưng khi dạy học sinh hết phổ thông, vẫn không nói được tiếng Anh (trừ những em có năng khiếu) như vậy thì gay go quá. Cho nên phải tính lại vấn đề chuẩn và vượt chuẩn như thế nào. Tôi cho rằng, đôi khi vượt chuẩn cũng là dấu hiệu của bệnh thành tích. Chỉ cần đủ chuẩn và duy trì đủ chuẩn là đã tốt rồi”, ông Thưởng nói.
Ông Võ Văn Thưởng nhận định: “Tiếp tục quan tâm tới việc huy động nguồn lực sử dụng cho vấn đề phát triển giáo dục và đào tạo. Nguồn lực phục vụ cho giáo dục là rất lớn. Nhưng chúng ta phải tính toán làm sao việc sử dụng nguồn lực này làm sao cho thật hiệu quả để người dân yên tâm tin tưởng đầu tư.
Xem lại việc quy hoạch, khuyến khích đào tạo và sử dụng lao động, sự tham gia của các cơ quan, đơn vị sử dụng lao động đối với các cơ sở đào tạo lao động như thế nào. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW phải thường xuyên hơn.”
“Mong rằng, thời gian tới, chúng ta thực hiện mạnh mẽ hơn để làm sao giáo dục của Cần Thơ luôn luôn là điểm sáng, điểm dẫn đầu của vùng ĐBSCL, đồng thời cũng là một trong những địa phương có chất lượng giáo dục đào tạo tốt trên phạm vi cả nước” – ông Thưởng hy vọng.
Phạm Tâm
Theo Dân trí
Dạy thí điểm chương trình đổi mới các môn Lý luận chính trị vào học kỳ hai năm 2018
Ngày 30/7, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức tọa đàm nội dung chương trình, giáo trình các môn Lý luận Chính trị (chuyên và không chuyên) với sự tham gia của đại diện 23 trường đại học, học viện ở khu vực phía Nam.
Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết thực hiện triển khai Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/2014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, Ban Tuyên giáo và Bộ GD-ĐT đã thành lập ra Ban chỉ đạo Biên soạn chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị (chuyên và không chuyên) với 5 Hội đồng biên soạn 5 môn gồm: Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Hội đồng Biên soạn Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, Kinh tế Chính trị Mác - Lênin, Triết học Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại buổi toạ đàm
Qua thời gian làm việc của các Hội đồng, đến nay bản thảo giáo trình các môn học nói trên đã hoàn thành và tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các giảng viên đang giảng dạy trực tiếp các bộ môn nói trên ở các trường ĐH, học viện để tiếp tục hoàn thiện bản thảo trên cơ sở đảm bảo tính liên thông, tính khoa học, tính chính xác, cập nhật trong quá trình đổi mới đất nước.
Theo đó, sau khi hoàn thiện giáo trình các môn Lý luận chính trị (chuyên và không chuyên), dự kiến Bộ sẽ được triển khai thí điểm ở một số trường vào học kỳ 2 năm học 2018-2019. Sau đó, sẽ sơ kết để đúc rút kinh nghiệm tiến tới thực hiện đại trà.
Còn PGS. TS Phạm Văn Linh, Trưởng ban chỉ đạo Biên soạn chương trình, giáo trình, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng, việc đổi mới chương trình, giáo trình các môn Lý luận Chính trị (chuyên và không chuyên) là yêu cầu cần thiết cho việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
"Đây là một công việc khó bởi vì đòi hỏi chất lượng giáo trình và sách giáo khoa, nó không chỉ từ nhận thức trong từng người trong nhà trường mà còn đòi hỏi chất lượng giáo dục trong toàn xã hội. Yêu cầu đổi mới này đòi hỏi sự kết hợp sức mạnh trí tuệ của không chỉ cá nhân các thành viên trong hội đồng, của đội ngũ giáo viên và đòi hỏi mỗi cá nhân luôn có trách nhiệm ở mức cao nhất.
Ông Linh hi vọng các giảng viên sẽ có thời gian thảo luận, làm việc theo các tổ một cách nghiêm túc, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, tích cực đóng góp những ý kiến xác đáng, có tính chuyên môn cao, tính khoa học, tính sư phạm... cho các hội đồng để bản thảo giáo trình được hoàn thiện.
Đại diện 23 trường ĐH, học viện ở khu vực phía Nam sẽ góp ý cho nội dung đổi mới chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị
Dưới góc độ là những người trực tiếp giảng dạy, PGS. TS Phạm Văn Linh cũng lưu ý thêm với các giảng viên có thể góp ý thêm về thời lượng chương trình, số tín chỉ, cấu trúc bài học, chuẩn mực giáo trình, văn phong giáo trình, ...Từ nội dung bản thảo, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học như thế nào?
Theo ông Linh, những nội dung góp ý cũng phải làm sao phù hợp với yêu cầu đổi mới, làm sao phát huy sự sáng tạo cho người học. Từ chỗ chỉ truyền kiến thức thì giờ đây đổi mới theo hướng khuyến khích kỹ năng trong các môn học như thế nào. Bản thân các môn giáo dục tư tưởng chính trị không phải không hấp dẫn, không phải không có tính khoa học thế nhưng tại sao tính hấp dẫn môn học vẫn chưa đạt được như cái vốn có của nó. Tất cả đều nằm ở chất lượng giảng dạy, phương pháp giảng dạy.
Lê Phương
Theo Dân trí
Không cần thiết phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý luận TW, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, không cần thiết phải có Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước với chức năng nhiệm vụ và hoạt động như hiện nay. TS Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Hội đồng Lý...