Trưởng ban Kinh tế trung ương chia sẻ với sinh viên về khái niệm ‘người giàu’
Trong lễ khai khoá năm học mới, hơn 1.000 sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã được chia sẻ câu chuyện đầy cảm hứng về khái niệm “ người giàu”.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế-luật tặng hoa cho ông Nguyễn Văn Bình – KHẢ HOÀ
“Sinh viên là người giàu có nhất”
Sáng nay (10.10), ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức lễ khai khoá năm 2018. Tham dự buổi lễ, ông Nguyễn Văn Bình, Bí thư Trung ương Đảng-Trưởng ban Kinh tế trung ương, đã có buổi nói chuyện với hơn 1.000 sinh viên của ĐH này về chủ đề: “Vai trò của ĐH đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập”.
Phát biểu trước sinh viên, ông Bình chia sẻ: “Sau gần 40 năm rời ghế nhà trường, hôm nay tôi mới được sống lại không khí sinh viên. Tôi xin khẳng định lại, đấy là quảng đời đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người”.
Sau bài phát biểu chính thức, ông Nguyễn Văn Bình đứng ngay trên sân khấu kể câu chuyện truyền cảm hứng tới sinh viên về cách hiểu đúng về khái niệm “người giàu”.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu trước các sinh viên – Ảnh Khả Hoà
Ông Bình cho biết muốn kể câu chuyện để giúp sinh viên định hướng rõ hơn sứ mệnh của mình với TP.HCM nói riêng và đất nước nói chung.
Video đang HOT
Ông Bình bắt đầu câu chuyện của mình khi mới tốt nghiệp ĐH và vinh dự được tham gia đoàn công tác đi Nhật Bản ở tuổi 25. Trong đợt đi này, ông Bình là thành viên duy nhất trong đoàn nhận được lời mời đi ăn của một chủ tịch tập đoàn Nhật Bản.
“Ông chủ tịch tập đoàn tiếp tôi trong ngôi nhà cổ, cả nhà hàng chỉ có 2 người. Nhìn thấy sự hồi hộp của tôi, ông chủ tịch tập đoàn cho biết lý do mời tôi vì nhìn tôi ông nhớ lại 60 năm trước của mình”, ông Bình kể lại.
Chia sẻ thông điệp mình nhận được từ ông chủ tịch tập đoàn ấy, ông Bình kể tiếp l72i ông chủ tập đoàn: “Đến nay sau 60 năm, ở Nhật Bản người ta nói tôi là người giàu nhất nước. Ngày xưa khi 20 tuổi như anh tôi chỉ muốn có 1 chiếc xe hơi để đi đó chỉ là ước mơ. Còn ngày nay người ta nói tôi rất giàu nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy tôi rất nghèo. Còn 60 năm trước khi không có gì tôi lại thấy tôi rất giàu và cảm nhận cả thế giới trong tay tôi. Nay tôi thấy mình rất nhỏ bé trong thế giới rộng lớn này. Thông điệp của tôi là tương lại của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nằm trong tay của anh”.
Từ những dẫn dắt trên, ông Bình nói: “Khi còn trẻ, chúng tôi không hình dung được sứ mệnh của mình. Sau 40 năm rời ghế nhà trường đến giờ, bây giớ tôi thấy rằng sứ mệnh là có thật”.
Từ câu chuyện bản thân mình khi còn ở tuổi 25, ông Bình gửi đến sinh viên thông điệp: “Các bạn bây giờ là người giàu có nhất, là những người vĩ đại nhất. Các bạn có thể mơ đến những vấn đề cực kỳ to lớn, thậm chí mơ đến việc cả thế giới nằm trong tay các bạn”.
So sánh với bản thân, ông Bình tiếp tục: “Còn chúng tôi giờ cũng mơ nhưng giấc mơ chỉ nhỏ nhoi và cụ thể hơn rất nhiều. Chúng tôi mong các bạn có niềm đam mê, có những giấc mơ hoài bão to lớn để mình nỗ lực phấn đấu và biến ước mơ đó thành sự thật”.
Chuyển từ dạy những gì có sẵn sang dạy cái xã hội cần
Ông Nguyễn Văn Bình cho rằng giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 gồm 6 tính năng: đa dạng thời gian và địa điểm học tập, học tập mang tính cá nhân, người học theo tiến trình riêng, học dựa vào dự án, thay đổi đánh giá theo hướng quá trình và dự án cụ thể, giáo viên giúp học sinh sử dụng hiệu quả thông tin có sẵn.
Trong đó, trường ĐH cần thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.
“Người dạy phải chuyển từ vai trò truyền thụ kiến thức theo cách truyền thống sang vai trò xúc tác và điều phối, hướng dẫn người học, phải quan tâm đến từng học sinh về đặc điểm tâm sinh lý, nhu cầu, năng lực sở trường, hoàn cảnh riêng. Nhà giáo phải giúp người học điều chỉnh định hướng về chất lượng và ý nghĩa của nguồn thông tin, phải là nhà giáo có đầu óc sáng tạo, biết phê phán, tư duy độc lập, năng lực hợp tác tích cực và hỗ trợ có hiệu quả giữa người học với những gì họ muốn biết, là người cung cấp cách hiểu mới cho người học”, ông Bình nhấn mạnh.
Cũng trong buổi sáng, ông Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác Ban Kinh tế trung ương còn có buổi làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của ĐH Quốc gia TP.HCM tại Trường ĐH Kinh tế-luật.
Theo thanhnien
GS Trương Nguyện Thành: Sáng tạo hay là chết?
Nhắc đến sáng tạo chúng ta thường đề cập đến sản phẩm cụ thể, vậy với một trường ĐH thì sản phẩm là gì?...
GS Trương Nguyện Thành tại buổi nói chuyện - HOA NỮ
Chiều 9.10, GS Trương Nguyện Thành đã có những chia sẻ thú vị về vấn đề sáng tạo trong phát triển giáo dục đại học trong buổi nói chuyện "Sáng tạo hay là chết?" tại Trường ĐH Hoa Sen TP.HCM.
Trường đại học bán gì?
Mở đầu buổi nói chuyện, GS Trương Nguyện Thành dẫn dắt, khi nói đến sáng tạo thì đa số sẽ nói đến sản phẩm. Ở Việt Nam có một vấn đề lạ là khi có một người sáng tạo ra sản phẩm này sẽ có nhiều người khác làm theo giống y như vậy và bắt đầu hạ giá rồi giết nhau chết hết. Cho nên đòi hỏi người nghĩ ra sản phẩm phải đánh giá được là sản phẩm của mình khác biệt trên thị trường như thế nào.
"Vậy đối với trường ĐH thì sản phẩm là cái gì?", GS Trương Nguyện Thành đặt câu hỏi. Rồi ông chỉ ra: "Đấy chính là đầu ra của sinh viên. Vậy anh đi bán cái gì?"
Theo GS Thành rất nhiều trường ĐH nhận định sai lầm về sản phẩm của mình, vì thường sẽ nghĩ là chương trình đào tạo. Và tại sao mỗi trường ĐH phải nhận định được sản phẩm của mình, bởi vì anh làm cái gì phải để ý sản phẩm của anh là tốt nhất. Bên cạnh đó, phải hình dung được sản phẩm của mình là gì? Khi diễn tả được sản phẩm của mình thì mới có những quy trình phù hợp để phát triển sản phẩm đó, còn nếu không thì trường nào cũng sẽ như nhau, và sản phẩm sẽ không có gì khác biệt. Nếu như vậy thì tại sao phụ huynh phải trả bao nhiêu tiền để cho con em học, vì thế phải nói được giá trị của sản phẩm mình tạo ra. Và phải tạo được sự khác biệt thì mới bán được sản phẩm.
Không những thế, mỗi trường ĐH còn phải xác định được người dùng sản phẩm đó là ai? Là thị trường lao động nhưng là phân khúc nào? Khi anh nhận định được sản phẩm là vấn đề thứ nhất của sáng tạo.
Thứ 2 là mô hình kinh doanh. Và theo GS Thành có rất nhiều sáng tạo trong mô hình kinh doanh mà nhà trường không để ý đến. Chẳng hạn như tại sao chúng ta không liên kết với một công ty nào đó, người ta trả tiền cho mình và mình đào tạo cho họ nguồn nhân lực như theo đặt cọc và sinh viên không cần phải trả tiền, miễn sao sinh viên ra trường sẽ đáp ứng được những yêu cầu của công ty đó.
"Từ đây quay lại câu chuyện sản phẩm của mình là sinh viên đầu ra? Vậy thì mình đi bán cái gì? Sản phẩm các trường đào tạo ra thì các công ty sử dụng nhưng mình lại đi tuyển sinh và sinh viên đóng tiền học phí. Vậy các trường đại học bán gì? Là bán cho sinh viên tương lai của họ. Là mình nhận đào tạo 4, 5 năm sau là sẽ bán cho sinh viên tương lai của họ. Chính vì thế buộc tổ chức đào tạo phải có đạo đức. Vì sinh viên đưa tiền vào và 5 năm sau họ không biết sản phẩm của họ như thế nào mà phải đóng tiền trước. Chính vì thế ở đây cần nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức của tổ chức đào tạo", GS Thành chia sẻ.
Giảng viên làm gì trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo?
Vấn đề thứ 3 mà GS Thành nhắc đến là sáng tạo trong ứng dụng công nghệ. Theo GS hiện nay trong kỷ nguyên công nghệ đang thay đổi quá nhanh chóng, chúng ta sẽ không ngờ rằng trong tương lai trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi rất lớn trong giáo dục. Chỉ cần mua một cái hộp để trên đầu giường và dạy cho chúng ta tất cả mọi thứ, vì chúng sẽ giỏi hơn con người rất nhiều vì nhớ tất cả được mọi thứ. Vậy những giảng viên sẽ làm gì?
"Giáo dục sẽ có thay đổi rất lớn, không còn đơn giản sinh viên lên giảng đường và nghe giảng viên nói. Nếu như bây giờ mà giảng viên cứ ngồi đấy và cứ đem những bài giảng từ cả 20 năm nay xào đi xào lại thì như thế là các anh chị đang tự đào thải chính bản thân mình", GS Thành nhấn mạnh.
Khi đề cập đến chuyện thay đổi, GS khuyên mỗi giảng viên nên thay đổi từ từ. "Giảng viên cần có những lớp đào tạo để làm quen, gặp gỡ và học hỏi từ những người đã từng có kinh nghiệm giảng dạy sáng tạo dựa trên công nghệ. Bởi giảng viên cần có cơ hội để nâng cao, thay đổi khả năng giảng dạy vì thế hệ trẻ bây giờ rất nhạy công nghệ. Bên cạnh đó, nên ứng dụng thêm mô hình cho sinh viên tự học, đưa cho sinh viên những bài tập để sinh viên lên thế giới mạng nghiên cứu tìm câu trả lời. Và cần có những lớp học mẫu, vì nếu để cho tất cả giảng viên đồng loạt làm thì họ sẽ không biết phải làm thế nào. Nên có những lớp mẫu để tạo cơ hội cho những giảng viên đã có kinh nghiệm làm và từ đó sẽ lan rộng mô hình ra", GS khuyên.
Vấn đề thứ 4 theo GS Thành là sáng tạo trong vận hành. "Thường các doanh nghiệp khởi nghiệp hay các trường đại học quen những thói quen là bắt đầu từ những nhóm nhỏ rồi phát triển lên. Từ lúc đầu chỉ có 10 người, nhân lên 50 người, 100 người,... Nhưng khi lớn mạnh lên lại đem những quy trình vận hành lúc chỉ có 10 người áp dụng cho mô hình cả 200 người thì không ổn chút nào".
Giáo sư dẫn dụ trong mô hình của Trường ĐH Hoa Sen, lúc đầu khi GS mới về trường, ông ngạc nhiên vì có khoa đào tạo chuyên nghiệp mà GS không thể biết được khoa đào tạo chuyên nghiệp là gì và đào những bộ môn gì? Khi hỏi ra thì biết được là trong đó có bộ môn thiết kế đồ họa, GS lại tiếp tục đặt câu hỏi sao bộ môn này lại nằm trong khoa đào tạo chuyên nghiệp.
Giải thích cho câu chuyện này, GS kết luận là tại vì trường này được hình thành từ trường cao đẳng và phát triển lên. Nhưng khi lên đại học lại chưa thay đổi tổ chức, nên hoạt động không hiệu quả vì không phù hợp. Chính vì thế GS Thành nhấn mạnh: "Sáng tạo trong vận hành mà chạy hiệu quả thì con người có nhiều thời gian để làm những việc khác tốt hơn, hiệu quả hơn"
Sáng tạo cuối cùng mà theo GS là phải sáng tạo trong tổ chức. Vì một doanh nghiệp khởi nghiệp lớn lên từ từ, mà hệ thống hành chính không thay đổi thì tổ chức đó sẽ trì trệ. Và trong hệ thống hành chính, trong cơ cấu tổ chức này có cả lãnh đạo, chính vì thế lãnh đạo cũng cần thay đổi và sáng tạo trong phong cách lãnh đạo.
Theo thanhnien
Hơn 400 sinh viên bị buộc thôi học vì không nộp bằng tốt nghiệp THPT Hơn 400 sinh viên một trường ĐH tại TP.HCM có thể bị buộc thôi học do không nộp bằng tốt nghiệp THPT. Thông báo về danh sách buộc thôi học được đăng tải trên website trường - HÀ ÁNH Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM vừa có thông báo danh sách dự kiến buộc thôi học với 438 sinh viên khóa 2016...