Trước tiên, hãy dạy làm người
Sự việc 5 nữ sinh lớp 9A trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) ngang nhiên lột quần áo và đánh dã man một nữ sinh cùng lớp ngay trong lớp học, quay video rồi tung lên mạng, thực sự gây bất bình và chấn động trong dư luận.
Ảnh minh họa
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều đã có ý kiến chỉ đạo. Sáng qua 31/3, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo Vụ Học sinh Sinh viên đã về Hưng Yên chủ trì cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phóng. Bộ trưởng Nhạ nhận định, đây là “vụ rất nghiêm trọng, vượt qua phạm vi thông thường của bạo lực học đường, có nguyên nhân ý thức thực thi công vụ của các cấp, đặc biệt là nhà trường chưa làm hết trách nhiệm”. Ông Nhạ đề nghị lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xử nghiêm và ngay lập tức, đồng thời đề nghị các Chủ tịch tỉnh trên toàn quốc cũng phải vào cuộc, bởi bạo lực học đường không chỉ xảy ra riêng ở Hưng Yên.
Ngay tại buổi làm việc, ông Phóng đã yêu cầu UBND huyện Ân Thi “xem xét làm quy trình cách chức đối với Chi ủy, Ban giám hiệu nhà trường, tổng phụ trách đội; xem xét kỷ luật hội đồng kỷ luật nhà trường vì bao che, nương nhẹ”. Giáo viên chủ nhiệm cần bị xử lý nặng hơn “vì không nắm được tâm tư của học sinh”. “Công an sẽ xem xét sai phạm của các học sinh này”, ông Phóng nói.
Dư luận không những bất bình mà còn ngỡ ngàng, bởi mới chỉ ở độ tuổi 15 mà không hiểu sao các nữ sinh này lại có thể hành hung và làm nhục bạn cùng lớp theo cách dã man và vô nhân tính đến vậy! Đáng buồn và đáng lo hơn, hành động đó xảy ra ngay trước mắt các bạn học sinh khác nhưng tuyệt nhiên không thấy ai can ngăn hay có hành động phản kháng.
Câu hỏi đặt ra, những học sinh đánh bạn và cả những học sinh thản nhiên đứng xem rồi quay clip này, các em đã được dạy và học những gì trong suốt 9 năm ngồi trên ghế nhà trường phổ thông? Vì sao, mới ở lứa tuổi thiếu nữ, lẽ ra phải trong trắng và rất đẹp kia, các em lại có thể hung hãn, độc ác và vô cảm với đồng loại đến vậy?
Rõ ràng, vấn nạn bạo lực học đường đã đến hồi báo động, không thể xem thường. Vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống của học sinh trong các trường học trên toàn quốc cần phải được đặc biệt chú trọng. Lâu nay, liệu có phải chúng ta đã quá thiên về dạy chữ mà có phần xem nhẹ việc dạy làm NGƯỜI, dạy học sinh để trở thành công dân tốt, có ứng xử văn minh, trách nhiệm trong xã hội?
Video đang HOT
Liệu vai trò và vị trí của môn Giáo dục công dân trong các bậc học phổ thông đã được nhìn nhận một cách đúng tầm như lẽ ra nó phải có? Liệu đội ngũ hiệu trưởng các trường phổ thông, giáo viên chủ nhiệm và đặc biệt là giáo viên dạy môn Giáo dục công dân trên toàn quốc đã thực sự đảm bảo chất lượng tương xứng với yêu cầu chuyên môn và đòi hỏi của xã hội?
Vẫn biết, “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”, nhà trường không thể là một “ốc đảo”, không thể không chịu ảnh hưởng từ những tiêu cực ngoài xã hội. Tuy nhiên, trước nguy cơ về sự xuống cấp của đạo đức xã hội hiện nay, cần khẩn cấp coi trọng và đề cao sứ mạng dạy làm NGƯỜI trong ngành giáo dục bằng những chính sách, nội dung thật cụ thể, ngay lập tức, ở mọi cấp học.
VIỆT HÙNG
Theo Tiền phong
Những lời "khẩn cầu" sau vụ nữ sinh bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng
Những lời khẩn cầu gửi đến Bộ trưởng, đến ngành Giáo dục, đến phụ huynh và đến các giáo viên sau sự việc nữ sinh lớp 9 ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, Hưng Yên) bị bạn lột quần áo, đánh hội đồng thương tâm ngay tại trường học.
Nữ sinh bị lột quần áo, đánh hội đồng ở Hưng Yên (Ảnh: Cắt từ clip)
Khẩn cầu đồng nghiệp vào lớp đừng chỉ chăm chăm giảng bài, kiểm tra
Cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường THPT Đinh Thiện Lý, TPHCM chia sẻ cô run rẩy và nghẹn ngào trước sự việc. Cô lên tiếng với tư cách một công dân sống và làm việc theo pháp luật, một giáo viên đang theo đuổi nghề dạy học và một người mẹ có con đang độ tuổi đến trường.
Cô Nguyễn Minh Ngọc
Cô mong muốn 3 vấn đề: Bộ GD-ĐT, đích thân Bộ trưởng cần đưa ra giải pháp cho vấn nạn học đường ngay lúc này; hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm cần phải nhận hình thức xử lý đúng với sai phạm khi để một học sinh bị dày vò bao lâu mà không hay biết.
Và gia đình của 5 em học sinh đánh bạn, cô Minh Ngọc nhắn nhủ đừng vì con mà tìm cách xử lý có lợi cho con. Hãy hỏi ngược lại, nếu người bị đánh là con quý vị, quý vị sẽ làm gì? Việc đứa trẻ 15 tuổi đầu có thể đánh bạn mình tàn nhẫn là trách nhiệm chính thuộc về các bậc làm cha làm mẹ.
Cô khẩn cầu đến các đồng nghiệp của mình, bước vào lớp học, đừng chăm chăm mỗi chuyện giảng bài, giáo án, kiểm tra... Xin hãy quan sát những đứa trẻ, hãy trò chuyện với chúng, hãy tạo sự tin tưởng cho chúng mách mọi chuyện ở lớp. Biết đâu chừng, vì vậy, một sự việc đau lòng được ngăn chặn kịp thời.
Với các bạn cha mẹ, cô "xin" phụ huynh đừng hỏi con mỗi chuyện điểm số, bài vở. Xin hãy hỏi con chuyện bạn bè ở lớp, nói cùng con về bạo lực học đường, dạy con trân quý cơ thể mình để con biết tôn trọng cơ thể của người khác. Và xin dạy con lên tiếng trước cái ác, trước bất công thay vì chỉ biết cắm mặt vào trang sách.
"Để xảy ra những câu chuyện này, là lỗi của tất cả người lớn chúng ta" - cô Minh Ngọc nói.
"Cứu con bằng cách trao cho con sức mạnh nội lực"
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, người có gần 15 năm theo nghề giáo nhận định: "Bạo lực học đường" đã không còn là vấn nạn, mà đó là tội ác". Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải rời khỏi bàn giấy đọc báo cáo, đừng trao quá nhiều khẩu hiệu trong trường học và cũng không thể ngồi tìm giải pháp. Phải nhìn thẳng vào thực trạng, phải nhanh chóng tìm ra giải pháp và ưu tiên giải quyết vấn đề này một cách nhanh chóng.
Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà
Đối với cha mẹ, nhà văn Việt Hà nhấn mạnh, cha mẹ đừng sống thay, làm thay cho con bất cứ thứ gì! Kể cả tìm cách tháo chạy, chịu lỗi cho con.
Hãy dạy con cách phòng vệ, chống lại cái ác, cái xấu. Hãy để con tự chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Cha mẹ hãy làm bạn với con và thôi áp đặt con theo lối sống của mình.
Hãy để trẻ được nói lên tiếng nói của trẻ và sống cuộc đời của nó. Học giỏi không hẳn trở thành người thành công và hạnh phúc. Con có thể học dốt nhưng kỹ năng sống phải đầy đủ.
Với thầy cô giáo, bà Việt Hà gửi gắm, đồng lương có thể chưa đủ sống nhưng đó là nghề chính các thầy cô đã chọn. Tri thức không phải là tất cả, thầy cô cần dạy trẻ biết làm người. Hãy đối diện với mọi học sinh bằng mọi lòng bao dung, nghiêm khắc, trách nhiệm.
Hoài Nam (ghi)
Theo Dân trí
Những vụ bạo lực học đường gây chấn động dư luận thời gian qua Gần đây, vụ việc nữ sinh lớp 9 bị lột quần áo đánh hội đồng lại gióng lên một hồi chuông cảnh báo rằng bạo lực học đường vẫn còn tồn tại trong nhiều trường học hiện nay. Đâm chết bạn vì 'nhìn đểu', đánh học sinh tím mặt vì viết sai chính tả, hay bị tè vào mặt vì thiếu 5 nghìn...