Trước thềm năm học mới: Bồi dưỡng GV theo hướng nào?
Năm học 2019 – 2020 là tiền đề thực hiện Chương trình, SGK GDPT mới. Các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; trong đó cần chú trọng xây dựng và thiết kế lại chương trình bồi dưỡng theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới.
Cần đổi mới chương trình bồi dưỡng GV theo hướng đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT, SGK mới. Ảnh: Minh Phong
Thiết kế lại chương trình bồi dưỡng
Xuất phát từ thực tế, ông Lê Bá Lộc – Trường Cán bộ quản lý GD TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết kế lại chương trình bồi dưỡng theo định hướng phát triển năng lực của nhà giáo. Cụ thể, bám sát chuẩn của nhà giáo để có nội dung phù hợp, giúp nhà giáo có kiến thức, kĩ năng cần thiết.
Nội dung chương trình quan tâm hướng dẫn người cán bộ quản lí truờng phổ thông cách phân cấp, phân quyền trong nhà trường để mỗi đơn vị, tổ chức hoặc cá nhân được tự chủ, linh hoạt và sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Hiệu trưởng trường phổ thông biết khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để GV, HS phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong dạy và học. Cùng với đó, cần có môi trường làm việc, học tập dân chủ, công bằng, có những chính sách mở để giúp GV phát huy năng lực của mình, cống hiến cho sự nghiệp GD.
Ông Lê Bá Lộc khuyến nghị, cần điều chỉnh và phát triển các chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản trị của người quản lí trường phổ thông. Xây dựng các mô hình học tập về lí thuyết, thực hành. Qua đó rèn luyện và nâng cao các kĩ năng quản lí, kỹ năng xã hội cho đội ngũ nhà giáo. “Những điều này phải được cụ thể hóa trong chương trình đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản trị của người quản lí trường phổ thông phải gắn kết chặt chẽ – với mô hình năng lực quản trị của người quản lí hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển” – ông Lê Bá Lộc nhấn mạnh.
Khi bồi dưỡng GV cần chú ý cụ thể hóa khung năng lực dạy học của họ. Ảnh minh họa/INT
Theo PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý GD, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nói chung và cán bộ quản lý cơ sở GD phổ thông nói riêng là yêu cầu cấp thiết và đòi hỏi phải có các giải pháp hợp lý. Do vậy, cần đổi mới công tác bồi dưỡng GV nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới GD. Theo đó, các cấp quản lý cần quan tâm tạo cơ hội, điều kiện cho mọi người có điều kiện phấn đấu, phát triển bản thân để tạo nguồn cán bộ quản lý. Đồng thời xác định đội ngũ cán bộ có tiềm năng phát triển để bồi dưỡng, giúp họ đáp ứng các tiêu chuẩn quy hoạch và đáp ứng dần các tiêu chí chất lượng.
Cụ thể hóa khung năng lực của GV
Video đang HOT
Theo ông Trần Văn Ba – Sở Nội vụ tỉnh Lạng Sơn, khi bồi dưỡng GV cần chú ý cụ thể hóa khung năng lực dạy học của họ, trong đó, chú trọng đến nhóm năng lực cốt lõi về xây dựng kế hoạch dạy học, được thể hiện thông qua 6 năng lực thành phần và các tiêu chí đánh giá như:
Thứ nhất, năng lực xác định các nguồn lực cần thiết cho việc xây dựng kế hoạch dạy học, bao gồm: Tìm hiểu điều kiện vật chất, kĩ thuật có thể phục vụ dạy học môn học có trong nhà trường; Thu thập thông tin chính xác về nguồn nhân lực; Tận dụng tối đa thế mạnh của các nguồn lực được xác định.
Thứ hai, năng lực xác định mục tiêu dạy học, bao gồm: Có khả năng xác định được mục tiêu của cả môn học về kiến thức, kỹ năng, thái độ; có khả năng xác định mục tiêu của từng chương/phần; có khả năng xác định các hình thức tổ chức dạy học, phương pháp, phương tiện, công cụ dạy học dự kiến cho từng bài học phù hợp với đặc thù môn học, đặc điểm của học sinh và môi trường GD…
Cần đa dạng hóa lộ trình bồi dưỡng cán bộ quản lý trường phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học viên. Đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng. Mặt khác, nâng cao vai trò của các cơ sở bồi dưỡng cán bộ quản lý GD trong cả nước.
Ông Lê Bá Lộc
Thứ ba, năng lực phát triển chương trình môn học và tài liệu, SGK, bao gồm: Phân tích chương trình môn học; Xác định mục tiêu và nội dung kiến thức cơ bản môn học theo hướng tiếp cận năng lực; Có khả năng xác định danh mục SGK, tài liệu tham khảo bắt buộc (nếu cần); Phân tích mối liên kết giữa chương trình môn học cụ thể và các tài liệu tham khảo có liên quan; Lựa chọn các tài liệu học tập môn học; Thiết kế chương trình môn học bảo đảm theo tiếp cận năng lực; Xác định hình thức tổ chức, phương pháp, phương tiện học tập của học sinh ứng với chương trình và điều kiện học sinh.
Thứ tư, năng lực sắp xếp nội dung, thời gian cho kế hoạch dạy học trong từng học kỳ và trong cả năm học, bao gồm: Vận dụng linh hoạt, sáng tạo những lý luận dạy học ở trường THPT, lập được kế hoạch dạy học đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, tường minh, mạch lạc; Có khả năng xác định lịch trình dạy học trong học kì và cả năm học; Lập danh sách những gì có thể sử dụng được trong quá trình dạy học môn học; Lập danh mục những đồ dùng còn thiếu, hỏng, kèm theo đề xuất mua sắm, sửa chữa hoặc tự làm; Huy động được các nguồn lực từ các lực lượng khác ngoài nhà trường phục vụ cho dạy học: từ học sinh, cha mẹ học sinh và địa phương.
Thứ năm, năng lực soạn giáo án và chuẩn bị cho giờ lên lớp bao gồm: Có kỹ năng xác định được mục tiêu (kiến thức kỹ năng và thái độ) của bài giảng; Có khả năng mô tả được năng lực cần phát triển của học sinh; Có khả năng xác định nội dung dạy học đúng trọng tâm chính xác, khoa học, bảo đảm mức độ phân hóa phù hợp với khả năng của học sinh; liên hệ thực tiễn, tích hợp các nội dung GD vào nội dung dạy học.
Thứ sáu, năng lực tìm hiểu đặc điểm học sinh, lớp học, bao gồm: Có phương pháp thu thập và xử lí thông tin về nhu cầu và đặc điểm của học sinh THPT, học sinh người dân tộc thiểu số; biết sử dụng các thông tin thu thập được vào dạy học. Có phương pháp thu thập và xử lí thông tin về điều kiện GD trong nhà trường và tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương.
Sỹ Điền
Theo GDTĐ
Trường trọng điểm hay chất lượng cao hãy để người học và xã hội đánh giá
Các trường đại học Mỹ được đánh giá cao là do qua thực tiễn cuộc sống chọn lọc, quy luật đó là tự nhiên. Trong khi nước ta hay dùng ý chí hành chính áp đặt.
Ngày 27/8/2019 tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội II, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Trường đại học Sư phạm Hà Nội II tổ chức Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia với chủ đề các giải pháp ổn định, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới.
Đây là hội thảo được Hiệp hội quyết định tổ chức đột xuất, nhằm hưởng ứng và triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 2 tháng 8/2019.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên trong cả nước.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lo lắng trong việc sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm. Trong đó, nhiều lo ngại xung quanh việc giải thể, sáp nhập... rồi quy hoạch các trường sư phạm theo hướng trọng điểm, không trọng điểm.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh Trinh Phúc).
Liên quan đến các vấn đề trên, phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo trung ương, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng:
"Trong quá trình tổ chức lại đừng để các trường sư phạm tan ra, rồi tản mát mỗi người đi mỗi nơi, cơ sở vật chất và đất đai thu lại làm mục đích khác.
Đừng để tình trạng đó xảy ra".
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu quan điểm, không giải thể các trường sư phạm và ông lý giải quan điểm của mình rằng: Hiện nay, yêu cầu bồi dưỡng giáo viên vẫn còn nhiều. Ngành giáo dục đang tổ chức thay đổi chương trình, thay đổi cách dạy cách học, phát triển công nghiệp 4.0...thì câu chuyện chuẩn bị giáo viên vẫn còn nhiều việc chứ không phải hết việc.
Các đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên và các nhà khoa học, chuyên gia về giáo dục về tham gia hội nghị (ảnh Trinh Phúc).
Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, các trường sư phạm nên theo hướng chuyển đổi sang đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực để tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nòng cốt phải đào tạo sư phạm, đào tạo giáo viên, đào tạo nhà quản lý giáo dục, khoa học giáo dục, tâm lý học là mảng chính.
Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết:
"Nước Mỹ rất nhiều trường trong tổng số 100 trường hàng đầu thế giới. Khi sang Mỹ, tôi hỏi có ai quy định các trường đó hàng đầu không, thì họ trả lời là không có. Cũng không ai quy định các trường đó là trọng điểm, là chất lượng cao hay hàng đầu gì hết.
Kết quả các trường đại học ở Mỹ được đánh giá cao đó là tự nhiên hết, qua thực tiễn cuộc sống chọn lọc, quy luật đó là tự nhiên. Trong khi nước ta hay dùng ý chí hành chính áp vào trường này phải đầu đàn, phải trọng tâm.
Quy luật tự nhiên trong đàn Hải Âu có một con đầu đàn và không ai quy định nó đầu đàn hết. Tự nhiên nó khỏe biết đi thế nào tránh gió bão, đi thế nào đến vùng đất bình an nên tự nó thành đầu đàn.
Ta phải có tư duy đó chứ đừng xét trọng điểm thế này thế khác".
Còn về cơ chế như thế nào để các trường sư phạm hoạt động theo ông cần có thảo luận chuyên đề để thông qua cơ chế, chính sách như chính sách đất đai, tài chính, đào tạo theo đặt hàng...Liên quan đến ý kiến các trường sư phạm nên mở các trường phổ thông thực nghiệm, trường dịch vụ, đa cấp học kể cả mầm non, ngoại ngữ, tin học, phổ biến thông tin khoa học, câu lạc bộ khoa học... Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng cho rằng cần đa dạng, mở rộng ra.
"Tôi cho rằng, chính sách không phân biệt trường địa phương hay trung ương; quốc tế hay trong nước; công lập và ngoài công lập mà phải tạo ra sân chơi chung, bình đẳng" - Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nêu ý kiến.
Cuối cùng tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh: "Cần có cuộc bàn riêng về cơ chế chính sách đến dạy học trong điều kiện mới. Bởi chỉ nói về dạy học sử đã nhiều chuyện lớn phải bàn".
Trinh Phúc
Theo GDTĐ
Các trường sư phạm địa phương: "Lúng túng" vì không biết sẽ đi đâu về đâu? Đại diện nhiều trường Sư phạm bày tỏ băn khoăn, lúng túng trong định hướng phát triển, không biết đang đứng ở đâu trong hệ thống giáo dục quốc dân và sẽ đi về đâu trong giai đoạn tới. Các vấn đề về sắp xếp mạng lưới cơ sở đào tạo sư phạm được thảo luận tập trung tại hội thảo khoa học...