Trung tâm tin học, ngoại ngữ hoạt động bát nháo ra sao trước khi bị Bộ tuýt còi
14 trường Đại học, Cao đẳng và hàng loạt trung tâm phải dừng cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Điều này là thỏa đáng và không có gì oan ức cả.
Nhiều trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ – tin học bị dừng cấp chứng chỉ là thỏa đáng
Trong danh sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố: 50 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học có nhiều cái tên rất quen mặt trên các chợ mua bán chứng chỉ, thi chứng chỉ bát nháo như Đại học Đông Đô, Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, Đại học Quốc tế Bắc Hà, Trung tâm Ngoại ngữ – Tin học Oxford University (Bắc Ninh), Trung tâm ngoại ngữ và tin học thuộc Trường Trung cấp Future Việt Nam (Bắc Ninh)…
Những kỳ thi bát nháo kiểu này cùng với các gói chống trượt, cam kết đỗ đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của đội ngũ công chức, viên chức…và cổ súy cho tình trạng mua bán bằng cấp, chạy đua bằng cấp.Hầu hết các trung tâm ngoại ngữ – tin học và trường Đại học kể trên đều đã từng bị Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chỉ đích danh tình trạng tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ, tin học bát nháo theo hình thức 3 không: không cần học, không cần ôn thi, không lo kết quả.
Điều đáng nói những trung tâm và các trường Đại học, Cao đẳng tiếp tay cho tình trạng này lại là những cơ sở giáo dục đáng lẽ phải đặt tính minh bạch và chất lượng lên hàng đầu.
Bên cạnh đó mặc dù đã từng bị báo chí phản ánh qua nhiều năm nhưng một số trung tâm vẫn theo kiểu “mũ ni che tai”: bị cấm dừng hoạt động một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
Chứng chỉ 3 không đang là cần câu thí sinh tự do (Ảnh: N.D)
Trung tuần tháng 8/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của nhiều giáo viên tại các địa phương về tình trạng một số trung tâm ngoại ngữ, tin học cấp chứng chỉ bát nháo.
Lấy ví dụ trường hợp của chị Kiều thị Hoa, có tham gia một lớp thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Loại chứng chỉ này do Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học trường Trung cấp Future Việt Nam cấp.
Trong chứng chỉ có đóng dấu của Trường Trung cấp Future Việt Nam kèm theo chữ ký của giám đốc trung tâm.
Ngoài ra để tạo sự tin cậy cũng như thu hút thí sinh, trong chứng chỉ có ghi rất rõ: Đạt yêu cầu bài thi ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản tại hội đồng thi – Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học Trường Trung cấp Future Việt Nam (đạt chuẩn theo Thông tư 03/2014/TT-BTTTT).
Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của trường Trung cấp Future Việt Nam (Bắc Ninh) cấp trước khi bị tuýt còi (Ảnh:N.D)
Tuy nhiên căn cứ theo danh sách: 176 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin của Thông tư liên tịch 17/2016/TTLT-BGDĐT-BTTTT không có tên của Trường Trung cấp Future Việt Nam.
Ngoài ra con dấu của chứng chỉ cũng không phải là dấu của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà là dấu của trường Trung cấp Future Việt Nam. Như vậy có thể nói tờ chứng chỉ này chỉ là một tờ giấy lộn.
Bản thân chị Kiều Thị Hoa tâm sự: Khi đem chứng chỉ lên phòng giáo dục và đào tạo huyện nộp thì được trả lại và nói rằng chứng chỉ này không có giá trị.
Video đang HOT
Bức xúc chị Hoa nói:
“Tôi nghe thông tin trường Trung cấp kia được tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Thậm chí tư vấn viên cũng rất nhiệt tình nói rằng chứng chỉ này có hiệu lực.
Tôi cũng phải đóng một số tiền là 1 triệu đồng để thi. Nhưng khi đem chứng chỉ lên phòng giáo dục và đào tạo huyện Thanh Oai để đóng thì cán bộ nói rằng chứng chỉ này không có giá trị.
Tôi rất bức xúc vì người ta lừa mình như thế. Số tiền chúng tôi bỏ ra cũng không hề nhỏ”.
Tình trạng thi và cấp chứng chỉ bát nháo là ung nhọt của ngành giáo dục cần phải xử lý triệt để (Ảnh:N.D)
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên trang mạng xã hội của Trường Trung cấp Future Việt Nam vẫn thường xuyên đăng tải thông tin, mời gọi các thí sinh tự do nộp tiền, nộp hồ sơ để thi chứng chỉ.
Các gói chứng chỉ như vậy cam kết: Thời lượng ôn tập ngắn nhất, tài liệu ôn tập chuẩn nhất, chi phí thấp nhất, kết quả đạt cao nhất, hoàn lại lệ phí nếu không đạt yêu cầu.
Điều này chẳng khác nào trường cam kết đỗ và bao đỗ thí sinh với các gói chống trượt.
Ngoài ra nhà trường cũng cam kết tổ chức thi và cấp chứng chỉ: Chứng chỉ Tin học theo TT03/2014/TT-BTTTT; Chứng chỉ Tiếng Anh trình độ B,C của Bộ Giáo dục; Chứng chỉ Tiếng Anh A2,B1,B2 khung Châu Âu; Chứng chỉ Quốc tế TOEFL, TOEIC, IELTS…
Như vậy có thể thấy danh sách công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo: 50 đơn vị phải dừng tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học rất thỏa đáng.
Tuy nhiên theo khảo sát của phóng viên vẫn còn nhiều trung tâm đang hoạt động bát nháo theo kiểu trên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường kiểm tra và xử lý nhiều trung tâm khác.
Siết chặt quản lý việc thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học
Mặc dù đã âm ỉ hoạt động trong nhiều năm. Tuy nhiên trong năm 2019, tình trạng buôn bán chứng chỉ, tổ chức các lớp thi chứng chỉ 3 không theo kiểu bát nháo bùng nổ.
Cho nên nhu cầu người cần thi chứng chỉ càng nhiều hơn.Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu của học viên. Đặc biệt trong năm nay tại nhiều tỉnh thành phố tổ chức kỳ thi viên chức.
Nắm bắt tâm lý của thí sinh, nhiều trung tâm đứng ra mở các kỳ thi chứng chỉ bát nháo hòng chuộc lợi.
Theo khảo sát một gói chứng chỉ đã bao đỗ có mức giá từ 800.000 đồng -1.5 triệu đồng. Đây là con số không hề nhỏ đặc biệt khi nhân với số thí sinh sẽ ra một lợi nhuận đủ lớn để làm mờ mắt các trung tâm.
Danh sách Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra là rất thỏa đáng. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin góp thêm một vài ý.
Thứ nhất: Việc xử lý các trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ tin học là cần thiết nhưng chưa đủ. Cần phải xử lý các trung tâm trung gian và các đối tượng được gọi là cò chứng chỉ.
Bởi, việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ bát nháo cần sự hợp tác của 2 bên: trung tâm cấp chứng chỉ và trung tâm môi giới.
Những trung tâm môi giới này có nhiệm vụ là tuyển thí sinh, hướng dẫn đăng ký và kết hợp với các trung tâm cấp chứng chỉ mở các kỳ thi bát nháo.
Siết chặt quản lý thi và cấp chứng chỉ để trả lại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục (Ảnh:N.D)
Đây là một đối tượng cần phải xử lý để tránh các trường hợp bắt cóc bỏ đĩa. Như lời chia sẻ của 1 cò chứng chỉ: “Vừa rồi trường Đông Đô bị lên báo. Bên em tổ chức sang trường Bắc Hà. Năm trước Bắc Hà bị dừng thì tổ chức ở Đông Đô”.
Qua lời chia sẻ này có thể thấy các trung tâm rất ranh ma và biết ứng phó với các quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu như tới đây tình trạng thi và cấp chứng chỉ bát nháo vẫn còn tồn tại; trường này bị dừng cấp chứng chỉ sẽ có trường khác lên thay.
Thứ hai: Tại một số trung tâm cấp chứng chỉ do Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép và quản lý.
Việc các trường, trung tâm hoạt động bát nháo không thể không có một phần trách nhiệm quản lý của các Sở. Cho nên Bộ cũng cần xem xét trách nhiệm quản lý của các Sở Giáo dục tỉnh, thành phố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tuýt còi 50 trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ- tin học, dừng cấp chứng chỉ (Ảnh:N.D)
Việc chấn chỉnh và siết chặt việc thi, cấp chứng chỉ là vô cùng cần thiết. Chúng ta mong muốn nâng cao chất lượng của viên chức nên mới yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Tuy nhiên với sự tiếp tay của một số trường Đại học, Cao đẳng, trung tâm tin học ngoại ngữ; nhiều thí sinh chẳng có chuyên môn, năng lực vẫn ung dung đi vào bộ máy nhà nước. Điều đó rất tai hại.
Trong thời gian tới rất mong nhận được thông tin và phản hồi của độc giả phản ánh những trung tâm ngoại ngữ, tin học vẫn còn tình trạng trên.
Báo Điện tử giáo dục Việt Nam sẽ quyết phanh phui những trung tâm này để trả loại sự công bằng, nghiêm minh cho ngành giáo dục nước nhà.
Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra công tác tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tại các cơ sở giáo dục đại học, các sở giáo dục và đào tạo.
Căn cứ kết quả kiểm tra, Cục Quản lý chất lượng công bố danh sách những đơn vị phải dừng việc tổ chức kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin.
7 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin theo thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, có 4 trường Đại học, còn lại là 3 trung tâm do Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh quản lý.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công khai 42 đơn vị phải dừng kiểm tra, sát hạch, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên (chứng chỉ A, B, C).
4 trường Đại học, 6 trường Cao đẳng, còn lại là các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương quản lý.
Trong đó có tới 11 trung tâm ở các huyện do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang quản lý; 2 trung tâm do Sở Giáo dục tỉnh Bắc Ninh quản lý; 1 trung tâm do Hưng Yên quản lý. Riêng tại tỉnh Thanh Hóa có tới 19 đơn vị bị dừng tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ (gồm 11 trung tâm ở các huyện, 7 trường Cao đẳng nghề).
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Hàng loạt Trung tâm ngoại ngữ - tin học bị đình chỉ hoạt động
Liên tiếp trong nhiều năm qua, phong trào dạy và học ngoại ngữ, tin học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc phát triển rầm rộ. Nhiều con đường, khu phố giăng biển tìm học viên học ngoại ngữ, tin học. Song, trên thực tế không ít Trung tâm chưa đáp ứng đủ các điều kiện, yêu cầu tổ chức đào tạo theo quy định.
Buổi học ngoại ngữ của các em học sinh nhỏ tuổi tại Trung tâm ngoại ngữ Quốc tế OCEAN. Ảnh: baovinhphuc.com.vn
Để đưa hoạt động giáo dục đi vào nền nếp, hiệu quả; đồng thời chấn chỉnh công tác hoạt động của các Trung tâm dạy ngoại ngữ, tin học, Vĩnh Phúc đã công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học dừng hoạt động và bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tỉnh cũng ban hành Quyết định yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý dạy thêm học thêm.
Cụ thể, Vĩnh Phúc có 11 trung tâm ngoại ngữ đã dừng hoạt động, gồm: Trung tâm ngoại ngữ - tin học Hoàng Ngân (Phúc Yên); Trung tâm ngoại ngữ E-Sky, Trung tâm Anh ngữ Kata, Trung tâm ngoại ngữ Hello (Yên Lạc); Trung tâm ngoại ngữ Smartcom, Trung tâm ngoại ngữ Green Home, Trung tâm ngoại ngữ Edu Future cơ sở 2, Trung tâm ngoại ngữ Olympic, Trung tâm ngoại ngữ Uceco, Trung tâm ngoại ngữ IEC (thành phố Vĩnh Yên); Trung tâm ngoại ngữ Duta (huyện Bình Xuyên).
Bên cạnh đó, có nhiều Trung tâm bị đình chỉ hoạt động có thời hạn. Cụ thể, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 989-QĐ-SGDĐT ngày 6/6/2019 đình chỉ hoạt động giáo dục của Trung tâm ngoại ngữ Tokyo Vĩnh Phúc do vi phạm các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục ở mức độ phải đình chỉ. Đây là đơn vị trực thuộc Công ty THPT Trung tâm ngoại ngữ Tokyo, số 16 đường Lạc Long Quân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên; thời gian đình chỉ là 3 tháng kể từ ngày ký quyết định. Hết thời gian đình chỉ Trung tâm ngoại ngữ Tokyo Vĩnh Phúc không khắc phục được nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ, không đảm bảo đủ điều kiện về thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc yêu cầu Công ty THPT Trung tâm ngoại ngữ Tokyo phải giải thể Trung tâm. Đồng thời, người đại diện pháp luật của Công ty chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi của giáo viên, người học sau khi Trung tâm ngoại ngữ Tokyo Vĩnh Phúc bị đình chỉ hoạt động: Trả lại toàn bộ số tiền đã thu trái quy định của các học viên và giải quyết các vấn đề liên quan đến sử dụng 3 giáo viên giảng dạy không đảm bảo đủ tiêu chuẩn quy định.
Tháng 4/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đình chỉ hoạt động giáo dục của Trung tâm ngoại ngữ Thiên Tường trực thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Trường Kids Hà Nội - chi nhánh Vĩnh Phúc (Thôn Nam, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) do vi phạm các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động của trung tâm ngoại ngữ; cơ sở vật chất chưa đảm bảo; giáo viên chưa đạt chuẩn theo quy định; hoạt động liên kết đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trái các quy định hiện hành...
Cùng tháng 4/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cũng có Quyết định đình chỉ hoạt động giáo dục của Trung tâm ngoại ngữ EDU FUTURE (Cơ sở 2) tại đường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Vĩnh Yên, do vi phạm các quy định về quản lý, tổ chức, hoạt động, sử dụng giáo viên không đạt chuẩn, không trung thực...
Tháng 8/2018, Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc cùng có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với ba Trung tâm ngoại ngữ hoạt động trái phép trên địa bàn tỉnh; tổng số tiền phạt đối với các trung tâm này là 40 triệu đồng....
Để tăng cường quản lý công tác dạy thêm, học thêm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Quyết định số 29/2019/QĐ-UBND ngày 16/7/2019, chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục... trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý dạy thêm học thêm. Tiến hành kiểm tra, rà soát việc tổ chức dạy thêm của cán bộ, giáo viên trong và ngoài nhà trường, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tổ chức, cá nhân dạy thêm trái với quy định hiện hành nếu có.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT: Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, giáo viên cha mẹ học sinh...
Nguyễn Trọng Lịch
Theo TTXVN
Hà Giang: Thi cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT phải do nhu cầu tự nguyện Theo Sở GD&ĐT Hà Giang, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ công chức, viên chức của các các đơn vị đã có chứng chỉ tin học A, B, C nhưng vẫn phải tham gia thi cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản. Không ép cán bộ công chức, viên chức...