Trung tâm tiếng Anh tự phát: tồn tại được do đâu?
Những ngày gần đây, cư dân mạng dậy sóng với clip cô giáo Lena, xưng “mày – tao”, gọi học viên là vô học ngay tại Trung tâm tiếng Anh của mình.
Đa số đều phản đối cách cô trả lời học viên, cũng như cách làm việc của cô. Nhưng như một nghịch lý, điều kiện giảng dạy hạn chế, không đảm bảo an toàn, cô giáo chửi mắng học sinh… nhưng vẫn thu hút đông đảo học viên đến học mỗi năm.Đã đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc và thay đổi cách giáo dục sau vấn nạn này?
Từ một câu chuyện
Đoạn video cùng câu chuyện của một bạn gái có tên là Bùi Yến, được xem là cựu học viên của Trung tâm Anh ngữ Lena được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Trước đó, Yến đã đăng ký và đặt cọc 1 khóa học tại đây nhưng ngày khai giảng bị đẩy lùi 1 tháng và địa điểm học cũng bị thay đổi không như thỏa thuận ban đầu lúc đăng ký. Yến và một số học viên có vấn đề tương tự đến gặp cô Lena, người đứng đầu trung tâm để khiếu nại. Tuy nhiên cuộc tranh luận trở nên căng thẳng hơn khi không nhận được sự hợp tác, mà lại xảy ra cãi cọ. Người đứng đầu trung tâm không ngần ngại xưng mày – tao với học viên, lớn tiếng cho rằng các bạn là “đồ vô học”. Thêm vào đó là lời đe dọa sẽ đến tận trường Học viện Bưu chính viễn thông để “gặp hiệu trưởng”, đuổi học các học viên này…
Video đang HOT
Chỉ cần search (tìm kiếm) trên Google từ khóa “dạy Tiếng Anh cô/thầy…” sẽ thấy hàng chục nghìn kết quả của các lớp luyện thi Tiếng Anh dạng tự phát. Cũng như các trung tâm tiếng Anh mang thương hiệu cá nhân khác như cô Lena, cô Hoa Toeic, cô Đỗ Dung… những lớp học này có vẻ mở ra khá dễ dàng và chủ yếu dựa trên uy tín của 1 cá nhân sau đó được mở rộng thêm nhiều chi nhánh. Vậy vấn đề đặt ra với cơ quan chức năng ở đây là mô hình hoạt động, tính chuyên nghiệp của các Trung tâm tiếng Anh tự phát, cũng như việc tuân thủ qui định của nhà nước về thuế, về an ninh, về PCCC… liệu có được đảm bảo?
Một lớp học tại trung tâm tiếng Anh lúc nào cũng đông nghịt và liệu học sinh tiếp thu được gì từ một lớp học đông đúc, chật chội như thế này?
Kiếm bội tiền từ trung tâm tự phát
Vốn nổi tiếng chủ yếu nhờ những lời rỉ tai nhau trên mạng, đặc biệt là từ các diễn đàn với những lời xác nhận, mời chào theo học từ chính những cựu học viên, Trung tâm Tiếng Anh Lena mở rộng lên đến 4 cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Mặc dù phải cạnh tranh với nhiều trung tâm luyện thi IELTS, nhưng trung tâm Lena vẫn giữ nguyên phong cách kiểu “cơm mắng cháo chửi”, giảng dạy giống như các trung tâm luyện thi đại học đầu những năm 2000, học viên phải đến sớm nếu không muốn hết chỗ ngồi, ai đến muộn có thể sẽ phải đứng học, trong giờ thầy cô cứ giảng, học sinh miệt mài chép bài, nếu không chép kịp hoặc không nghe rõ sẽ bỏ sót thông tin hoặc không bắt kịp bài học. Mỗi lớp học của trung tâm, theo tìm hiểu thì có tới khoảng ít nhất 200 học viên. Học phí cho mỗi khóa cũng không hề rẻ, trung bình khoảng 8-8,5 triệu/1 học viên. Như vậy tính sơ sơ mỗi lớp học cũng mang lại nguồn thu 1,6 tỷ nhân lên với 4 cơ sở và số lượng lớp mới khai giảng hàng tháng thì thật sự đây là một con số không hề nhỏ. Hơn thế nữa, với mô hình quản lý “siêu gọn nhẹ”, giáo viên trực tiếp giảng dạy trên lớp, quản lý học viên, thu tiền thì có vẻ nghề dạy Tiếng Anh đang là một hoạt động siêu lợi nhuận, làm tất ăn cả. Trong khi các ngành nghề khác, hay giới showbiz thường phải đóng một khoản thuế thu nhập cá nhân khá lớn.
Theo quy định của pháp luật đối về điều kiện để mở trung tâm Tiếng Anh, khu phòng học phải đảm bảo diện tích sử dụng một phòng học đạt 1,5m2/học viên (tương đương 300m2 với quy mô 200 học viên/ca học), độ ánh sáng lớn hơn 300 Lux, có đầy đủ các điều kiện theo quy định về phòng cháy, nổ, vệ sinh môi trường, y tế và an ninh của trung tâm. Tuy nhiên, nếu rà soát quy định này với các trung tâm tự phát hiện tại, liệu có mấy nơi đảm bảo yêu cầu. Chẳng may trong quá trình học xảy ra các sự cố cháy nổ, 200 con người chen nhau chạy thoát hiểm trong một không gian chật hẹp chỉ với 1 cửa ra vào duy nhất thật không biết hậu quả sẽ đến đâu.
Lối cửa vào của một trung tâm tiếng Anh
Đã tăng cường nhưng vẫn cần tăng cường hơn
Mới đây, Bộ Giáo dục Đào tạo đã có hẳn một công văn gửi các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cả nước về việc “Tăng cường quản lý đối với Trung tâm ngoại ngữ, tin học”. Theo đó đã chỉ ra rằng, dù việc quản lý các trung tâm đã đi vao nên nêp, nhưng việc thực hiện các quy định về tổ chức đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học ứng dụng tại môt sô trung tâm, cơ sở ngoại ngữ, tin học vẫn còn nhiều lỗ hổng. Vậy nên, chỉ đến khi có sự cố, người ta mới giật mình vì hóa ra đang tồn tại những trung tâm như vậy.
Ngay sau sự việc đáng tiếc xảy ra, Sở GD-ĐT Hà Nội, phòng GD-ĐT quận Đống Đa và an ninh quận Đống Đa đã tới làm việc với Trung tâm tiếng Anh của cô Lena về những nội dung thành lập, giấy phép hoạt động của trung tâm… Được biết, cơ quan thuế cũng sẽ có đợt rà soát hoạt động của các Trung tâm tiếng Anh nói trên.
Theo mothegioi