Trung tâm giáo dục – dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa nỗ lực vì trẻ em mù
Nhiều năm qua, Trung tâm giáo dục – dạy nghề (GD-DN) cho người mù tỉnh Thanh Hóa – đơn vị sự nghiệp duy nhất của Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa đã có những đóng góp quan trọng vào hoạt động giáo dục, đào tạo cho người mù, giúp người mù trong và ngoài tỉnh có môi trường học tập thuận lợi cũng như thực hiện ước mơ, nguyện vọng vừa học chữ, học nghề như những người bình thường khác.
Học sinh của Trung tâm giáo dục – dạy nghề cho người mù tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu trong buổi khai trương phòng đọc sách dành cho người khiếm thị tại Thư viện tỉnh Thanh Hóa.
Hơn 20 năm kể từ khi ra đời và phát triển Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa luôn làm tốt vai trò, nhiệm vụ giáo dục, nuôi dưỡng và dạy nghề cho người mù trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt những năm gần đây, được sự quan tâm, tạo điều kiện của UBND tỉnh, ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các cấp, sự chỉ đạo sát sao của Thường trực tỉnh hội, trung tâm đã có nhiều chuyển biến cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng hoạt động. Hiện trung tâm có 5 phòng học kiên cố với đầy đủ trang thiết bị phục vụ các em học sinh mù học tập, rèn luyện. Hệ thống phòng ăn, ở, ngủ, vệ sinh đáp ứng được nhu cầu bán trú của học sinh. Chế độ ăn uống cho học sinh cũng được trung tâm đặc biệt quan tâm bảo đảm đủ dinh dưỡng cho các em phát triển cả trí lực và thể lực.
Bên cạnh đó trung tâm cũng đã xây dựng được đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, nhiệt huyết, giàu lòng yêu nghề, yêu thương trẻ em mù. Hiện nay trung tâm có 5 giáo viên giảng dạy từ lớp tiền hòa nhập đến lớp 3, lớp 4 theo chương trình giáo dục phổ thông trên giáo trình chữ braille (chữ nổi). Năm học 2021-2022 vừa qua, trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 38 học sinh mù có lứa tuổi từ 7 đến 18. Các em phần lớn xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác như Hòa Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… Điều đặc biệt là các em không chỉ bị khiếm thị mà nhiều em còn mang trên mình những căn bệnh khó chữa như bệnh Down, thần kinh không bình thường… Mặc dù số lượng giáo viên của trung tâm hạn chế và phải dạy những học sinh không như người bình thường, song các thầy, cô giáo luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để vừa trang bị cho các em kiến thức văn hóa, vừa giúp các em về mặt đời sống tinh thần. Cô giáo Nguyễn Thị Thu, giáo viên Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Bằng tình yêu nghề và lòng cảm thương đối với các em học sinh mù, tôi đã gắn bó với Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa hơn 11 năm. Điều tôi muốn giúp các em không phải bằng vật chất mà tôi muốn các em biết đọc, biết viết, biết về thế giới bên ngoài với bao điều thú vị qua những trang sách “không màu mực”. Những trang sách ấy chính là những cuốn sách viết bằng chữ braille”. Không chỉ những giáo viên công tác lâu năm mà những giáo viên mới 2, 3 năm “tuổi nghề” với đồng lương hợp đồng ít ỏi, nhưng với tình yêu nghề và niềm thương cảm vô bờ bến họ vẫn luôn cần mẫn sáng chiều với các em học sinh mù, giúp các em học chữ và tiến bộ về nhận thức.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động về mọi mặt của trung tâm, nhất là hoạt động dạy và học, những năm gần đây ban giám đốc trung tâm đã chủ động triển khai thực hiện nghiêm túc, linh hoạt chương trình kế hoạch giáo dục bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế tại trung tâm. Đặc biệt, bên cạnh việc làm tốt công tác dạy chữ, văn hóa, trung tâm còn mang đến cho trẻ khiếm thị cơ hội được học các ngành nghề đơn giản, phù hợp như tẩm quất, tin học văn phòng, thanh nhạc, làm tăm…, giúp các em có thể tự nuôi sống bản thân, thắp lên niềm hy vọng về tương lai tươi sáng, sống có ích cho gia đình và xã hội. Nhiều em đã phát huy được năng lực của mình qua việc học tập ở trung tâm như em Nguyễn Thế Linh với những đóng góp quan trọng để Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa đạt giải Vàng cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Hội Người mù Việt Nam tổ chức. Hay như em Bùi Quốc Huy – với năng khiếu về đàn piano, em luôn đóng vai trò “chủ công” trong các buổi biểu diễn văn nghệ của trung tâm mà không cần thuê nhạc công bên ngoài. Riêng việc dạy nghề tẩm quất, sau khi học nhiều em đã tự lo cho cuộc sống bản thân không phải phụ thuộc vào gia đình. Em Vũ Quang Kiên (17 tuổi) tâm sự: “Từ ngày vào học ở Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa em xem trung tâm như là ngôi nhà thứ hai của mình. Dự định của em là sau khi học xong chương trình văn hóa phổ thông em sẽ làm nghề tẩm quất. Hơn nữa năm này em vừa học văn hóa, vừa làm nghề này và đã có thu nhập cho riêng mình”.
Bên cạnh công tác giáo dục dành cho các học sinh mù, Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh hoạt động xóa mù cho các hội viên từ các huyện hội cơ sở. Theo đó, hằng năm trung tâm đều mở các lớp học chữ braille tại trung tâm, các huyện hội trong tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua thống kê, hơn 20 năm kể từ ngày thành lập, trung tâm đã xóa mù cho trên 3.500 lượt người mù và chống tái mù chữ. Một số cán bộ, hội viên sau khi học thành thạo chữ braille đã trở về huyện hội làm giáo viên dạy cho hội viên khác trong đơn vị.
Từ sự nỗ lực vượt khó và không ngừng cố gắng của cán bộ, giáo viên, Trung tâm GD-DN cho người mù tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Người mù Việt Nam và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Đây vừa vinh dự cũng là động lực để mỗi cán bộ, giáo viên của trung tâm phấn đấu nỗ lực hơn vì trẻ em mù; xây dựng nên một lớp người mù có tri thức, có học vấn, vượt qua mặc cảm sự tự ti, vươn lên trong cuộc sống.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải cập nhật văn bằng lên Trang thông tin tra cứu
Theo Nghị định số 24/2022/N-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ ban hành mới đây, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu không cập nhật văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở mình cấp trên Trang thông tin tra cứu văn bằng giáo dục nghề nghiệp tại địa chỉ http://vanbang.gdnn.gov.vn.
Ảnh minh họa
Chính phủ đưa ra quy định này nhằm tăng cường quản lý giáo dục, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, hạn chế tình trạng gian lận.
Ngoài nội dung trên, Nghị định cũng quy định rõ những trường hợp khác cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể: Vi phạm một trong những trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 20 của Luật Giáo dục nghề nghiệp; tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp được cấp không đúng thẩm quyền; không công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành, nghề đào tạo sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên trang thông tin điện tử của cơ sở mình; không gửi kết quả công khai về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại trụ sở chính thì được đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các trường hợp sau: Bổ sung ngành, nghề, trình độ đào tạo mới; vượt quá 10% tổng quy mô tuyển sinh/năm của các ngành, nghề trong cùng nhóm ngành, nghề tại từng địa điểm được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chia, tách, sáp nhập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp; thành lập phân hiệu có tổ chức hoạt động đào tạo hoặc bổ sung địa điểm đào tạo ngoài địa điểm đào tạo được cấp trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chuyển trụ sở chính hoặc phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo đến nơi khác, mà phân hiệu hoặc địa điểm đào tạo là nơi trực tiếp tổ chức đào tạo; đổi tên doanh nghiệp...
Giáo dục Mường Lát vượt khó Mường Lát là huyện vùng cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa. Vượt lên khó khăn, thiếu thốn, những năm qua học sinh, giáo viên nơi đây đã nỗ lực vượt khó, đưa sự nghiệp trồng người của huyện ngày càng khởi sắc. Thầy và trò Trường Tiểu học Trung Lý 2 trong giờ dạy và học. Gieo chữ ở những bản khó...