Trung tâm dạy nghề 32 tỷ đồng: Hoành tráng nhưng hoang vắng
Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) được Tổng công ty Lương thực Miền Nam đầu tư khoảng 32 tỷ đồng với mục đích đào tạo nghề cho thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.
Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động, trung tâm luôn nằm trong cảnh vắng học viên, nhà xưởng, phòng học trong tình trạng bụi phủ, nhện giăng.
Dù được đầu tư đến 32 tỷ đồng và rất khang trang nhưng Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng đang bị hoang hóa và không thu hút học viên. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên khoảng 400 em/khóa (ba tháng) và 1.200 em/năm.
Dù được phép đào tạo số lượng học viên rất lớn như vậy nhưng gần ba năm hoạt động, trung tâm đào tạo chưa đầy 1.450 học viên, trong đó số học viên trực tiếp đến trường học nghề chỉ khoảng 400 học viên.
Số lượng học viên nghề năm sau luôn thấp hơn năm trước (năm 2013 đào tạo 606 học viên, năm 2014 đào tạo 552 học viên, năm 2015 đào tạo 294 học viên).
Do ngành nghề không phù hợp?
Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng được đưa vào sử dụng tháng 9/2013, được xem là bề thế nhất trong các trung tâm đào tạo nghề cùng cấp tại tỉnh Quảng Ngãi, có diện tích lên đến gần 11.000 m2, bao gồm: 11 phòng dạy lý thuyết, 4 nhà xưởng thực hành, khu nội trú đảm bảo nơi ở cho khoảng 250 học viên với trang thiết bị đầy đủ.
Ông Trình Công Đường, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp và dạy nghề (TT GDTX-HN&DN) huyện Trà Bồng, phân trần: “Nhiều người lên đây hỏi tại sao ngôi trường hoành tráng như thế lại trống vắng. Thực tế chỉ tiêu sở giao vẫn làm được nhưng phải đưa về tận cơ sở bởi hầu hết là đào tạo trồng trọt, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Những ngành nghề như may, điện, cơ khí phải đưa về trường dạy nhưng học viên lại không có nên chỉ tiêu hoàn thành mà trường vẫn vắng”.
Trung tâm quá rộng lại trong cảnh vắng học viên triền miên nên tháng 5, sau nhiều cuộc họp bàn, chính quyền huyện Trà Bồng và các sở ngành đã chuyển TT GDTX huyện Trà Bồng sáp nhập với Trung tâm dạy nghề thành TT GDTX-HN&DN, cơ quan chủ quản cũng chuyển từ huyện Trà Bồng sang Sở GD&ĐT.
Video đang HOT
Ông Đường cho biết: “Lý do sáp nhập vì thấy Trung tâm dạy nghề cơ sở vật chất rộng rãi và để trường có người học, chứ dạy nghề không thì quá hoang vắng”. Trong năm 2015 ngoài 150 học sinh học chữ, không có học viên nào đến TT GDTX-HN&DN học nghề.
Ghi nhận tại trung tâm, dù là ngày giữa tuần nhưng không một bóng người, vài chiếc xe máy để ở góc trường, nhiều phòng học lâu ngày không sử dụng mối làm ổ lên tận các bức tường, vài cuốn vở để lâu ngày nhũn ra ngay trên bàn.
Theo ông Đường, nguyên nhân không thu hút được học viên khiến trung tâm được đầu tư tiền tỉ phải nằm trong cảnh hoang vắng do nhiều ngành nghề không phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Ở miền núi không thể đưa vào các nghề gò hàn, điện được mà phải áp dụng thực tế là nông nghiệp, lâm nghiệp, dù đào tạo được cũng khó kiếm đầu ra.
“Giờ đại học, cao đẳng ra quá trời, Nhà nước cũng chưa chắc sắp xếp được hết việc làm nói chi đào tạo sơ cấp” – ông Đường giải thích.
Xưởng thực hành may để lâu ngày bụi bám đầy máy móc. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Máy móc hư hỏng thì xin sửa
Ba xưởng thực hành may, điện, cơ khí luôn nằm trong tình trạng đóng cửa. Tại xưởng may, do lâu ngày không sử dụng nên bụi phủ dày trên từng bàn máy, lá cây, nhện giăng tơ khắp phòng. Nhiều chi tiết máy móc để lâu không sử dụng có dấu hiệu hư hỏng.
Ông Đường cho rằng: “Thật ra hư hại hay không hư hại không nói được đâu, nhưng máy móc thì phải hư hại, trong trung tâm có dạy hay không dạy cũng dọn vệ sinh. Nói chung dọn miết cũng mỏi, xung quanh cây cối gió bụi, nhiều lúc anh em vào thấy bụi bặm cứ quét dọn miết, cho dầu cho mỡ miết. Nếu sau này có hư hỏng phải xin sửa thôi”.
Trong các phòng thực hành, trung tâm lo lắng nhất là máy móc tại xưởng may vì chi tiết nhiều. Khi hoạt động bình thường đã hư rồi, để lâu khó tránh khỏi hư hỏng. Từ khi đi vào hoạt động, xưởng may chỉ thực hiện đúng công năng của mình là đào tạo hai khóa đầu tiên, sau đó phải đóng cửa vì không có học viên.
Năm nay Sở LĐ-TB&XH có giao chỉ tiêu nghề may nhưng xét thấy tình hình không thực tế nên trung tâm đã xin chuyển đổi sang dạy ngành nghề khác.
“Vừa rồi hai ba công ty may lên đặt hàng trường đào tạo học viên may nhưng trường không đào tạo được bởi mình không có chỉ tiêu. Trước kia cũng từng cho các em sau khi học may xuống làm việc nhưng sau đó bỏ về hết. Ngành điện dân dụng mấy năm nay đào tạo ra không tìm được chỗ làm nên sở không cho chỉ tiêu về trường” – ông Đường thú thật.
Để tìm một phương hướng hoạt động hiệu quả hơn cho trung tâm, ông Nguyễn Xuân Bắc – Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng – cho biết thực tế thời gian qua việc đào tạo nghề tại trường chỉ phần nào đáp ứng phát triển kinh tế tại địa phương, chưa thể đủ trình độ cạnh tranh với sinh viên ra trường khác nên việc tìm đầu ra tại các công ty, xí nghiệp rất khó.
“Đào tạo nghề phải gắn với tìm đầu ra, còn trung tâm hiện tại chỉ đào tạo ngắn hạn, muốn thu hút học viên phải đào tạo dài hạn hơn. Đồng thời phải liên hệ với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và công ty may, điện… rồi liên kết đào tạo, khi học viên ra trường thấy có hiệu quả mới thu hút học viên trở lại trường” – ông Bắc nói.
Tiếp tục chờ… xử lý
Ông Đoàn Dụng, Giám đốc Sở GD&ĐT (chủ quản TT GDTX-HN&DN sau sáp nhập), cho biết: “Trước kia trung tâm thuộc quyền quản lý của huyện Trà Bồng, do không thu hút được học viên nên trường liên tục hoang vắng. Chính vì để lâu quá, tôi thấy lãng phí cơ sở vật chất mấy chục tỷ đồng của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, trong khi học sinh trường THCS Trà Sơn lại không có phòng học vì chung với TT GDTX nên sở mới đề nghị sáp nhập. Về tình trạng để quá lâu các xưởng thực hành, không sử dụng sẽ hư hỏng, sở có phương án để các xưởng hoạt động hiệu quả hơn”.
Ông Dụng nói thêm: “Tôi đã nghe báo cáo tình hình tại trung tâm rồi nhưng vì mới có nghị định 39, đến ngày 15-12 đổi tên các trung tâm đào tạo nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giao cho huyện quản lý, mà thủ tục chuyển đi hay chuyển đổi mục đích sử dụng không dễ bởi đây là tài sản của Nhà nước nên đành phải chờ hai tuần nữa chuyển lại cho huyện xử lý”.
Theo Trần Mai/Tuổi Trẻ
Học bằng lái B2 mà chỉ thực hành ba buổi
Trung tâm cam kết thời hạn ba tháng nhưng kéo dài sáu tháng vẫn chưa tốt nghiệp.
Nhiều học viên của Trung tâm Dạy lái xe Đồng Tiến (trụ sở chính ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) phản ánh việc trung tâm này thu tiền học rồi dạy qua loa và việc thi lấy bằng chính thức cũng bị hẹn lần lữa.
Người học lo sốt vó
Các học viên cho hay họ đăng ký học bằng lái xe tại trung tâm này từ tháng 4-2015 nhưng đến nay chỉ học vỏn vẹn ba buổi lý thuyết và ba buổi thực hành. Sau đó trung tâm cho họ thi thử trên máy và không đưa ra thời gian thi lấy bằng chính thức. Học viên cho rằng thời gian học lý thuyết quá ít ỏi, lại không được đi thực hành đường trường khiến họ không tự tin. Học viên thắc mắc thì trung tâm hẹn tháng này qua tháng nọ, không ấn định thời gian thi lấy bằng cụ thể.
Cá biệt có học viên đã học hơn ba tháng vẫn chưa cầm vô lăng thực hành buổi nào. Ông Lê Bá Minh Trí kể: "Tôi đóng 6,8 triệu đồng học bằng lái ô tô hạng B2 từ tháng 4-2015, trực tiếp học ba buổi lý thuyết và ba buổi thực hành loanh quanh ở các bãi đất trống tại quận 2 chứ chưa chạy đường trường và sa hình ngày nào. Đến tháng 5 trung tâm cho ngưng thực hành và nhắn tin thông báo tháng 8 cho thi thử trên máy, thay vì sắp xếp để học viên thi lấy bằng lái trong tháng 7. Tôi đến hỏi trung tâm thì nhân viên nói do trục trặc nên lùi thời gian thi đến tháng 12".
Còn chị Nguyễn Thị Trúc Mai cho biết chị chưa thấy nơi nào dạy lái xe mà sơ sài đến như vậy. Qua các buổi thực hành chị cảm thấy bất an do giáo viên hướng dẫn thiếu các kỹ năng sư phạm như không nhắc nhở học viên thắt dây an toàn, kéo thắng tay, dù đây là những kiến thức hết sức cơ bản... Theo chị Mai, hợp đồng cam kết là ba tháng nhưng đến nay vẫn chưa thi. Trung tâm không đưa ra giải thích rõ ràng khiến học viên mất nhiều thời gian chờ đợi.
Cơ sở của Trung tâm Dạy lái xe Đồng Tiến tại địa chỉ 77 Ba Tháng Hai, quận 10, TP.HCM. Ảnh: PĐ
Hợp đồng đào tạo và biên lai thu học phí của học viên. Ảnh: P.ĐIỀN
Trung tâm xin lỗi và hứa khắc phục
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 11-11, ông Đỗ Trùng Dương, thành viên Ban quản lý Trung tâm Đào tạo lái xe Đồng Tiến, cho rằng thời gian qua do trung tâm có đợt giảm học phí để thu hút học viên khiến số người đăng ký học bằng lái xe ô tô tăng cao. Do đó việc tổ chức học lý thuyết và thực hành của học viên bị ảnh hưởng, kéo dài hơn dự kiến ít nhất 92 ngày/khóa học hạng B2. Ông Dương cũng giải thích thêm, đối với các trường hợp chậm sắp xếp thời gian học, thời gian sát hạch... trung tâm đều gửi tin nhắn, gửi thư thông báo đến tận nhà để học viên chủ động nắm thời gian học và thi.
"Qua phản ánh của báo, trung tâm gửi lời xin lỗi đến học viên do sự chậm trễ trong việc bố trí thời gian học lý thuyết và thực hành để học viên tự tin thi. Riêng những học viên còn băn khoăn, trung tâm sẽ bố trí giáo viên kèm cặp đến khi tay nghề tự tin mới đưa đi sát hạch. Những học viên không muốn tiếp tục theo học, trung tâm sẽ hoàn lại 50% học phí do đã trừ chi phí học tập, thực hành ban đầu" - ông Dương nói.
Ngày 12-11, ông Vũ Việt Hà, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong thời gian thực hành ngắn như vậy, học viên bình thường khó đáp ứng yêu cầu điều khiển, vận hành xe ô tô an toàn. Với thông tin học viên phản ánh như vậy, cơ sở đào tạo này chắc chắn có sai phạm. Cơ quan thanh tra sẽ kiểm tra, nếu không đảm bảo quy trình đào tạo sẽ có biện pháp chế tài. Theo ông Hà, thời gian tới Thanh tra Sở GTVT sẽ thanh tra một số cơ sở dạy nghề lái xe bị học viên phản ánh có vấn đề.
Ông Lê Công Đức - Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm giới thiệu việc làm (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho rằng người đi học lái xe lần đầu phải mất ít nhất một buổi để làm quen với xe, bao gồm tay lái, vị trí chân ga, côn, thắng, đèn pha-cốt, xi nhan, điều chỉnh vị trí ghế ngồi cho phù hợp... Ngoài ra với 450 câu hỏi lý thuyết, dù học viên tiếp thu tốt cũng khó lòng trong ba buổi có thể tiếp thu hết các câu hỏi. Theo ông Đức, ngoài phần làm quen xe, học viên sẽ mất thêm 10 giờ để học lái nguội, các bài thực hành chạy sa hình (12 bài) kết hợp đường trường có giáo viên kèm cặp với tổng cộng gần 50 giờ nữa. Đồng thời, trước giờ thi học viên có thêm hai giờ để làm thao tác với các xe số tự động. Quy định tại Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ: Thời gian đào tạo bằng lái xe ô tô hạng B2 gồm 588 giờ, trong đó lý thuyết là 168 giờ, thực hành lái xe là 420 giờ. Hạng B2 cấp cho người hành nghề lái xe để điều khiển các loại xe: Ô tô chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn. Các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng B1 gồm: ô tô chín chỗ, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng có trọng tải thiết kế dưới 3,5 tấn...
PHONG ĐIỀN
Theo_PLO
Nâng cao ý thức, kỹ năng thực hành phòng, chống cháy nổ Ngày 26-27/11/2015, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã tổ chức vòng chung kết Hội thao Nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy Petrolimex 2015. Mục đích của hội thao nhằm tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy và sẵn sàng chữa cháy cho cán bộ, công nhân viên chức ngành xăng dầu. Đây cũng là hoạt động chào mừng kỷ...