Trung tâm 1 cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tham gia giải đáp thắc mắc về Covid-19
Chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch Covid-19, hiện Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tại địa chỉ https://egov.mic.gov.vn đang tiếp nhận cả thắc mắc, phản ánh của người dân về dịch bệnh để chuyển cơ quan chức năng giải đáp.
Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử được Bộ TT&TT chính thức khai trương, đưa vào hoạt động tại địa chỉ http://egov.mic.gov.vn từ ngày cuối tháng 11 năm ngoái.
Với slogan “Chúng tôi lắng nghe để hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử”, hoạt động của Trung tâm hướng tới mục tiêu góp phần tăng tốc và đẩy nhanh tiến trình phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số.
Xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử là một hoạt động thể hiện cách làm mới của Bộ TT&TT trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.
Trung tâm 1 cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử tham gia giải đáp thắc mắc về Covid-19
Thời gian vừa qua, đây đang là một trung tâm trực tuyến giữ vai trò “một đầu mối”, “một cửa” tương tác với các cơ quan nhà nước để trả lời các câu hỏi, vướng mắc khó khăn. Điều này đã góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian của các cơ quan nhà nước trong việc kết nối, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến phát triển Chính phủ điện tử.
Thông tin từ Cục Tin học hóa, đơn vị được Bộ TT&TT giao trách nhiệm quản lý, vận hành Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử vừa cho biết, trong mùa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, Trung tâm đã nhận được rất nhiều thắc mắc, phản ánh của người dân liên quan đến dịch bệnh và các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh.
Theo thống kê của Cục Tin học hóa, ước tính từ ngày 9/3 đến nay, đã có khoảng 500 câu hỏi của người dân liên quan đến dịch Covid-19 được gửi tới Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai Chính phủ điện tử.
Những thắc mắc, phản ánh của người dân về các ứng dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chẳng hạn như: Cách quét QR Code thông tin sức khỏe kê khai trên ứng dụng NCOVI; Đâu là ứng dụng chính thống để người dân khai báo thông tin sức khỏe phục vụ phòng dịch Covid-19; hay việc bảo mật thông tin người dân khai báo trên ứng dụng khai báo y tế… sẽ được các cán bộ của Cục Tin học hóa giải đáp ngay.
Với những câu hỏi liên quan đến dịch Covid-19, bộ phận chịu trách nhiệm quản lý trang egov.mic.gov.vn sẽ định kỳ tổng hợp các thắc mắc, phản ánh để đưa lên các nhóm làm việc qua mạng phục vụ phòng dịch Covid-19, khi đó các đầu mối thông tin của Bộ Y tế sẽ giải đáp và chuyển lại thông tin để Trung tâm chuyển tải đến người dân.
Trước đó, vào ngày 8/2/2020, để giúp người dân nắm bắt tình hình dịch bệnh và trang bị kiến thức phòng chống dịch bệnh thông qua các hướng dẫn, khuyến cáo từ cơ quan y tế có chuyên môn để bảo vệ bản thân và cộng đồng, Bộ Y tế đã cho ra mắt 2 kênh thông tin chính thống về dịch Covid-19 là ứng dụng “Sức khỏe Việt Nam” và trang thông tin chuyên biệt về dịch Covid-19 trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế có tên miền https://ncov.moh.gov.vn.
Theo thống kê của đơn vị hỗ trợ vận hành trang thông tin ncov.moh.gov.vn, sau gần 2 tháng hoạt động, tổng số user (người dùng) của website này đã là trên 6,5 triệu và tổng số pageviews (lượt truy cập) đã lên tới 21 triệu lượt.
Video đang HOT
Đáng chú ý, tại mục hỗ trợ người dân trên trang ncov.moh.gov.vn, với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp công nghệ, Bộ Y tế cũng đã cung cấp tiện ích “Hỏi đáp, phản ánh”. Đây là nơi người dân có thể hỏi và phản ánh các vấn đề liên quan tới dịch, Bộ Y tế sẽ trả lời và các câu trả lời được lưu lại thành một kho tri thức để dễ dàng tìm kiếm.
Theo chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Công ty DTT, thành viên Tổ công tác giúp việc của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, thời gian qua, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam dưới ngọn cờ của Bộ TT&TT đã hợp lực để triển khai các giải pháp CNTT hỗ trợ chống dịch Covid-19. Đã có hàng chục giải pháp được phát triển và triển khai tính theo thời gian ngày, việc mà bình thường phải tính theo thời gian là tháng, năm.
Đến nay, bên cạnh các ứng dụng hỗ trợ thông tin, với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ Việt, một số ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dành cho người dân và cộng đồng khác đã được Bộ Y tế và Bộ TT&TT giới thiệu chính thức như: bản đồ dịch trên Trang Thông tin chính thức về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 https://ncovi.vn; ứng dụng khai báo y tế NCOVI dành cho người dân Việt Nam; và ứng dụng Vietnam Health Declaration (cùng trang tokhaiyte.vn) dành cho người nước ngoài và người Việt Nam khai báo khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Vân Anh
Làm Chính phủ điện tử là phải dám loại bỏ lợi ích cục bộ
Chính phủ điện tử, tiến đến nền kinh tế số là xu hướng tất yếu của các quốc gia trên thế giới, và Việt Nam cũng không đứng ngoài 'cuộc chơi' đó.
Sự chuyển đổi này sẽ tạo ra sự minh bạch, đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, để xây dựng Chính phủ điện tử với phương châm "lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm phục vụ" thì phải dám loại bỏ lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân.
Tiết kiệm 1.200 tỷ đồng tiền mua giấy, mực mỗi năm
Việt Nam tiến hành triển khai Chính phủ điện tử từ những năm 2000. Đến nay, chúng ta đã làm được nhiều việc với nhiều kết quả tiến bộ. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc đánh giá năm 2018 Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến là chỉ số được đánh giá cao nhất, đạt 0,74/1.
Đến hết quý III/2019, số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các bộ, cơ quan Trung ương là 1.720 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hỗ trợ trực tuyến là 47,7% và tại các địa phương là 46.660 dịch vụ; tỷ lệ phát sinh hồ sơ trực tuyến là 17,3%.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, từ tháng 3/2019, toàn bộ văn bản của các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều gửi - nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Theo thống kê, từ khi khai trương đến tháng 11/2019, Trục liên thông văn bản quốc gia nhận trên 580.000 văn bản và gửi đi trên 260.000 văn bản.
"Như vậy, chúng ta không phải mất tiền mua giấy, mua mực, bưu chính phí, mỗi năm tiết kiệm khoảng 1.200 tỷ đồng", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.
Quan trọng là các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh không cần ngồi ở phòng mà đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý được công việc. Bởi văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký "tươi" có dấu đỏ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chia sẻ, bản thân ông đã dứt khoát không ký tay nên cấp dưới không dám trình văn bản giấy (trừ văn bản mật). "Nếu không làm thế thì ngày nào văn bản cũng xếp đầy trên bàn. Lãnh đạo văn phòng và lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị đang sử dụng thiết bị di động (ipad) để thực hiện ký số, phê duyệt phiếu trình. Chúng tôi quyết tâm thực hiện "Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ", hướng tới Chính phủ phi giấy tờ".
Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) khi đưa vào hoạt động từ tháng 6/2019 đã giúp giảm đáng kể thời gian họp. Không chỉ thế, e-Cabinet còn giúp việc chuẩn bị nội dung công việc tốt hơn cả về chất lượng, thời hạn để các thành viên Chính phủ có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến. Theo đó, Chính phủ sẽ sớm đến mô hình một Chính phủ phi giấy tờ.
Ngồi nhà, bằng 1 cú click là đổi được bằng lái xe
Các địa phương trên cả nước cũng đã triển khai mạnh mẽ các cải cách, đổi mới. Nhiều TP thông minh, chính quyền gọn nhẹ, năng động dần hình thành. Các địa phương còn triển khai hạ tầng, nền tảng chính quyền điện tử, bố trí vốn từ nguồn sự nghiệp công nghệ thông tin để triển khai, mở rộng, nâng cấp các hệ thống thông tin tập trung.
Đáng chú ý, với phương châm "lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ", không để ai ở lại phía sau trong quá trình cải cách, tháng 12/2019, Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức được Thủ tướng Chính phủ bấm nút khai trương.
Chỉ cần truy cập vào địa chỉ duy nhất (dichvucong.gov.vn), bằng một tài khoản duy nhất, người dân, DN có thể đăng nhập được đến tất cả các cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh để: Đổi giấy phép lái xe; cấp giấy phép lái xe quốc tế; thông báo hoạt động khuyến mại; đăng ký khai sinh; cấp mới điện hạ áp; cấp mới điện trung áp; cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.
"Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, DN sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng lãnh đạo các bộ, ngành bấm nút khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ví dụ, người sinh ra ở TP Hồ Chí Minh, được Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cấp giấy phép lái xe, nhưng đang sinh sống ở Hà Nội, sẽ không phải quay lại TP Hồ Chí Minh mà truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia để làm thủ tục, chọn Sở Giao thông Vận tải Hà Nội là nơi cấp đổi giấy phép.
Trong quá trình tiếp xúc với các cơ quan Nhà nước hoặc cán bộ thi hành công vụ, người dân có quyền phản ánh những vướng mắc, khó khăn trực tiếp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hơn nữa, người dân, DN còn có thể tái sử dụng các thông tin đã có và tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là những thủ tục hành chính có liên quan đến nhiều cơ quan.
Với tiện ích "nhàn tênh", sau 4 ngày khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đã có 2,3 triệu người truy cập với 1.358 hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý. Trong đó, có 581 hồ sơ đề nghị cấp mới điện hạ áp và trung áp, 693 hồ sơ đổi giấy phép lái xe và cấp giấy phép lái xe quốc tế, 51 hồ sơ liên quan đến cấp lại giấy bảo hiểm y tế do bị hỏng, mất.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thấy rằng, những kết quả đã đạt được mới chỉ là thành công bước đầu, chúng ta còn nhiều việc phải làm để xây dựng Chính phủ điện tử thành công.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: Ảnh: Nhật Bắc
Còn nhiều việc phải làm
Theo đánh giá, số lượng dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến còn ít. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Người dân, DN vẫn còn phàn nàn, kêu ca về sự quan liêu, nhũng nhiễu, lợi ích nhóm của một số cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.
Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa áp dụng đầy đủ chữ ký số cá nhân trong xử lý văn bản điện tử, làm phát sinh công việc cho đội ngũ văn thư khi phải thực hiện thêm các bước scan văn bản ký trực tiếp, đưa vào hệ thống, sau đó mới thực hiện ký số tổ chức và phát hành.
Đặc biệt, chúng ta còn thiếu khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử như quy định về quản lý và kết nối cơ sở dữ liệu; bảo mật thông tin cá nhân; xác thực và định danh điện tử; lưu trữ điện tử...
Trong khi, thực tế đã chứng minh, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ tạo ra sự minh bạch, công khai, vì tất cả đều lưu vết trong quá trình xử lý. Như vậy, việc chậm trễ, gây khó khăn cho người dân, DN sẽ được giảm bớt.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, yêu cầu của xã hội điện tử, xã hội thông minh, Chính phủ kiến tạo hướng tới xã hội số, nền kinh tế số, chúng ta phải thay đổi hẳn tư tưởng, tư duy, cách nghĩ, cách làm lâu nay.
"Thay vì cứ phải gặp người dân, DN và yêu cầu họ nộp hồ sơ, phải đi lại nhiều lần, thì nay làm trên nền điện tử hết", ông Dũng nói và cho rằng, để làm được việc đó, đòi hỏi những người làm cải cách phải dám loại bỏ lợi ích cục bộ, cá nhân, rào cản.
"Cải cách mà luôn chỉ lo nghĩ co kéo về mình thì không bao giờ làm được. Cải cách phải tiên phong, gương mẫu, mà mình không gương mẫu thì không nói ai được... Đây là yêu cầu rất cao của Thủ tướng với đội ngũ xây dựng Chính phủ điện tử", Bộ trưởng cho hay.
Thủ tướng cũng đã yêu cầu, trong tháng 1/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì trình dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử. Bộ Công an trình đề xuất xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Một yêu cầu nữa là các bộ, ngành, địa phương cần sử dụng cán bộ trẻ có năng lực, không để "chảy máu" chất xám đối với lĩnh vực công nghệ thông tin; nhanh chóng triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành chia sẻ với nhau. Dịch vụ công trên nền tảng số phải được xây dựng thuận tiện, thân thiện, mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng...
Theo kế hoạch, trong quý I năm 2020, các bộ, ngành, địa phương sẽ tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia 15 dịch vụ công thuộc các lĩnh vực thuế cá nhân, hải quan, đăng ký kinh doanh, y tế, lao động, khai sinh, giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp, thu phạt vi phạm giao thông đường bộ...
Theo thanh tra
Ứng dụng khai báo y tế điện tử NCOVI lọt top tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam Ứng dụng khai báo sức khỏe tự nguyện NCOVI đã lọt vào top 10 ứng dụng được tìm kiếm nhiều nhất trên cả 2 kho ứng dụng iOS và Android. Sau 1 tuần triển khai, ứng dụng NCOVI được đông đảo người sử dụng đón nhận. Hiện, NCOVI đang đứng đầu danh sách ứng dụng miễn phí được tải về nhiều nhất trên...