Trung “sumo” giành suất tham dự Olympic Vật lý quốc tế
Trở về từ cuộc thi Olympic Vật lý châu Á, Phan Văn Trung, lớp 11 L1, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đang nỗ lực chuẩn bị cho mốc chinh phục cao hơn là Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7 tới tại Croatia.
Phan Văn Trung là một trong hai thí sinh của đội tuyển Lý thành phố Hà Nội giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, được tham dự vòng loại chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế và được tham gia kỳ thi Olympic Vật lý châu Á diễn ra tại Đài Loan. Và bạn cũng là thí sinh duy nhất của đội Lý Hà Nội xuất sắc giành vé tham dự Olympic Vật Lý quốc tế (IPHO).
Phan Văn Trung sắp tham dự Olympic Vật lý quốc tế vào tháng 7 tới tại Croatia.
Với Trung, mỗi kỳ thi học sinh giỏi đơn giản chỉ là một cuộc chơi thử sức mình. Do vậy, bạn không bao giờ tự tạo áp lực cho chính mình.
Trung tâm sự: “Đạt giải khuyến khích châu Á, tớ cảm thấy chưa hài lòng lắm về kết quả lần thi này, do vậy, tớ sẽ cố gắng thể hiện tốt hơn trong kỳ thi IPHO sắp tới”.
Một điều thú vị là Trung sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, không có ai làm việc trong ngành Vật lý. Ông ngoại bạn là nhà viết kịch quân đội, bà ngoại là nghệ sĩ múa ưu tú, Ông nội, bà nội và bố Trung đều công tác trong nhà hát Nhạc-Vũ-Kịch. Trung cho biết trong học tập, bạn luôn được bố mẹ tạo điều kiện mọi mặt. “Bất cứ sách vở cần thiết cho việc học cũng như cho niềm đam mê tìm tòi của tớ bố mẹ đều đồng ý cho tớ được phép mua”, Trung tâm sự.
Được biết con đường đến với Vật lý của Trung thật lắm gian nan. Hồi lớp 8, Trung học Vật lý khá “chập chờn” nên bố mẹ quyết định cho bạn đi học thêm lớp Vật lý của thầy Lê Trọng Tuấn, giáo viên Trường Hà Nội – Amsterdam. Những bài giảng của thầy về Vật lý tuy rất đơn giản nhưng đã khiến Trung có được tình cảm với môn Vật lý. Thầy chính là người truyền cho Trung tình yêu với môn Vật lý.
Sau đó, cũng thời gian này, bạn quyết định học thêm một lớp Vật lý nữa, là lớp cô Nguyễn Thị Nam, giảng viên Trường đại học Xây dựng. Cô đã dạy cho Trung tầm quan trọng của tốc độ trong các bài thi Vật Lý, dạy Trung cách làm bài nhanh nhất có thể. Nhờ sự giúp đỡ của cô, bạn đã đạt được những thành tích đầu tiên về trong môn Vật lý.
Video đang HOT
Vào lớp 10, Trung được thầy Nguyễn Xuân Quang, giáo viên chủ nhiệm lớp chuyên Lý dạy về những bài Vật lý có tính chất nâng cao. Dần dần Trung luyện được khả năng giải quyết những bài toán khó với tốc độ rất cao, ngang với tốc độ trung bình giải một bài thi đại học.
Có thể nói rằng nhờ “duyên” được học những thầy cô giỏi mà Trung đã đạt được những thành công như hiện giờ.
Để học tốt Lý, bí quyết số một của Trung là đam mê. Tuy nhiên, Trung cũng thừa nhận: “Tuy gọi là bí quyết nhưng hầu như rất khó để truyền cho người khác, vì mỗi người có một niềm đam mê riêng”.
Bí quyết học tốt Vật lý của Trung là đam mê.
Ngoài Vật lý, Trung đặc biệt say mê Toán học bởi “Vật lý không thể thiếu Toán học. Muốn tiếp tục học lên cao hơn về Vật lý, có thể chúng ta cần phải học Toán nhiều hơn học Lý”.
Sở hữu một gương mặt khá già dặn và thân hình “sumo” so với lứa tuổi, cậu bạn chuyên Lý này vẫn cực kỳ “teen”. Món giải trí khoái khẩu của cậu là nói chuyện với bạn bè, tập đá cầu và chơi Pokemon – thú vui của Trung từ hồi nhỏ.
Tin rằng với niềm đam mê và khả năng học Lý tuyệt vời, Trung sẽ còn tiến xa hơn nữa với môn Vật lý. Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế sắp tới chính là cơ hội để Trung được thể hiện mình.
Cùng “ngắm” bảng thành tích của bạn Phan Văn Trung: -Lớp 9: Giải Nhất Vật lý quận Ba Đình, Hà Nội Giải Nhất Vật lý thành phố Hà Nội -Lớp 10: Giải Nhất môn Vật lý chuyên lớp 10 Olympic Hà Nội – Amsterdam Nhận học bổng OdonVallet -Lớp 11: Giải Nhất môn Vật lý chuyên lớp 11 Olympic Hà Nội – Amsterdam Giải Nhất Vật lý thành phố Hà Nội Giải Nhất Quốc gia môn Vật lý Giải Khuyến khích Vật lý châu Á – Thái Bình Dương Thành viên đội tuyển Vật lý Việt Nam tham dự Olympic Vật lý quốc tế 2010
Theo dân trí
Từ trẻ đường phố trở thành thầy dạy tiếng Anh
Một đứa trẻ lang thang đường phố kiếm sống bằng đủ thứ nghề: bán vé số, đánh giày... thậm chí đôi khi để có được miếng ăn phải móc túi, giật đồ. Vượt lên tuổi thơ đầy khắc nghiệt ấy, Nguyễn Chí Thoại trở thành một thầy giáo dạy tiếng Anh cho trẻ đường phố.
Sinh năm 1988 nhưng hiện tại Nguyễn Chí Thoại mới đang học lớp 9 ở Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, TPHCM. Chưa có chứng chỉ ngoại ngữ nào nhưng trình độ tiếng Anh lẫn khả năng sư phạm của Thoại đã chinh phục anh Trần Minh Hải, người điều hành dự án Tương lai (quận 3, TPHCM). Tháng 1 năm nay, Nguyễn Chí Thoại được mời về dạy lớp tiếng Anh cho trẻ đường phố của dự án.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Chí Thoại trong lớp học của dự án Tương lai.
Thời tuổi trẻ giang hồ
Năm 1999, khi Thoại mới 11 tuổi, cái "máu khùng" của tuổi trẻ (chữ của nhân vật) đã cuốn em lang thang ngoài đường phố, dù rằng em có hẳn một gia đình có cha, mẹ và anh chị ở Bạc Liêu. Lần ra đi sau khi bị đòn roi của cha vào lúc nửa đêm đã sớm dứt cậu bé khỏi vòng tay người thân. 4 năm sống ngoài đường phố, Thoại phải giành giật, đi xin, đi lượm mới có miếng cơm, manh áo. 11 năm xa nhà, Thoại làm đủ mọi nghề từ lượm bọc, bán vé số, đánh giày, sơn gỗ, phục vụ nhà hàng, sửa xe máy... phiêu bạt khắp nơi từ công viên, bến xe, nhà ga, các khu chợ, mái ấm...
Những tháng ngày khắc nghiệt đó, như lời tâm sự của Thoại, đã giúp em hiểu được giá trị của đồng tiền, hiểu được cách sử dụng và tiết kiệm đồng tiền. Đến tận bây giờ, khi cuộc sống đã có phần tinh tươm thì Thoại vẫn nhớ như in những ngày đi bụi. Nhớ về lần đầu tiên phải lượm chiếc bánh mì xẹp lép vì bị xe chở than cán qua. Sau mấy ngày đói meo ngoài đường, đó là món ngon nhất trần đời mà cậu biết được... Thoại vẫn nhớ những ngày phải ăn mì gói trọn tháng để dành tiền đi học và gửi về quê cho cha mẹ. Ăn mì tôm nhiều quá đến nỗi khi đó, mọi người nói cái mặt em y chang như... gói mì.
Năm 2003, nhận được sự giúp đỡ của những nhân viên xã hội, Thoại về ở dưới mái ấm Tre Xanh (Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM). Quãng thời gian ngắn ngủi đi lượm banh tennis ở quận Tân Bình, chạy hàng chục km mỗi ngày, từ 6 giờ sáng đến tối mịt đã giúp em sớm nhận ra phải đi học mới vươn lên được. Thoại cũng hiểu rằng một "chiếc chìa khóa" để thay đổi cuộc đời mình là phải giỏi tiếng Anh. Cũng từ đó, Thoại tự đi xin học bổ túc ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa quận Tân Bình.
"Cuống quýt" học và làm
Xuất phát từ điểm khởi đầu thấp và dường như không được cuộc đời dành cho nhiều ưu ái, mỗi một dự định của mình, Thoại phải mất nhiều thời gian và ý chí mới đạt được. Việc học văn hóa chỉ mới bắt đầu được 4 tháng thì phải dừng lại vì công việc lượm banh tennis không còn tiếp tục được. Được dự án Tương lai giới thiệu đi học nhà hàng khách sạn ở trường nghiệp vụ dành cho trẻ đường phố (quận Bình Thạnh), Thoại trở thành một trong những học viên xuất sắc nhất khóa học, theo lời chị Phan Thị Hường - nhân viên xã hội của dự án. Nhưng sau khi tốt nghiệp khóa học, Thoại lại đi... sửa xe máy.
Thoại học nghề gì cũng nhanh, làm gì cũng được nhưng cuộc đời dường như không để cậu ở yên một chỗ. Một thời gian sau, khi đã cứng tay nghề sửa xe, Thoại lại làm tiếp tân ở một nhà hàng ở quận 1. Đến lúc này, em mới nối lại con đường học văn hóa của mình ở Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận.
Quãng thời gian làm tiếp tân, với sự tiếp xúc thường xuyên với khách nước ngoài đã trở thành cơ hội để Thoại luyện tiếng Anh. Không ngại ngần, Thoại cứ nói dù đúng hay sai. Tích cóp được ít tiền, Thoại đăng kí học từ những lớp Anh ngữ vỡ lòng. Trong căn phòng trọ của mình, em dán đầy vách tường những tờ giấy A4 ghi chi chít những từ vựng, ngữ pháp tiếng Anh để học ngoại ngữ bất kì lúc nào. Khi đi làm, Thoại cũng viết từ vựng vào lòng bàn tay, tranh thủ học lúc rảnh. Bây giờ, khi đã có điện thoại di động thì Thoại chụp hình lại những tờ giấy dán ở tường để ngồi đâu cũng xem được.
Nguyễn Chí Thoại dạy trẻ đường phố phát âm tiếng Anh.
Một ngày của Thoại bắt đầu từ 6 giờ sáng kéo dài đến tận 2 giờ khuya. Không còn làm ở nhà hàng nữa thì sau giờ học văn hóa Thoại có ít nhất là 3 ca dạy tiếng Anh: dạy kèm cho học sinh và dạy cho lớp học ở dự án Tương lai. Thời gian học bài và ôn bài của em toàn vào lúc đêm khuya.
Trước khi đi ngủ, Thoại cố gắng tìm ra cách để học trò mau thuộc bài. Không để các em thụ động ngồi một chỗ, thầy giáo trẻ yêu cầu học sinh học tiếng Anh bằng cách vận động. Chẳng hạn như Thoại sử dụng tiếng Anh yêu cầu các em tập hợp lại, xếp thành hàng rồi về lại chỗ ngồi. Biết học trò hay ngại ngùng khi sử dụng tiếng Anh nên Thoại nhất quyết yêu cầu từng em phải đối đáp với thầy giáo. Rồi có khi là dùng hành động, cử chỉ để diễn tả ý nghĩa một từ vựng. Như từ cold (lạnh) thì Thoại để 2 tay chéo ngực, rùng người như đang trong cơn giá rét và phát âm từ này ngắt quãng. Với từ hot (nóng) thì Thoại chỉ vào chiếc áo sơ mi trắng đang bết đầy mồ hôi của mình.
Hơn một năm trời sống với lịch làm việc dày đặc như vậy khiến Thoại có lúc tưởng chịu không nổi, tóc bắt đầu rụng nhiều. Nhờ học tiếng Anh "cuống quýt" như vậy, năm lớp 8 (2009), Thoại đạt giải ba trong kỳ thi học sinh giỏi môn tiếng Anh hệ Giáo dục thường xuyên. Năm nay, em cũng sẽ đi thi học sinh giỏi. Thoại dự định qua kỳ thi học sinh giỏi này thì sẽ giảm bớt việc đi dạy để tập trung việc học. Mục đích của Thoại là khi tốt nghiệp lớp 12 xong sẽ kiếm được một suất học bổng để tiếp tục rèn tiếng Anh hoặc tích lũy một bằng cấp về giáo dục để sau này truyền lại kiến thức cho trẻ đường phố, cả kinh nghiệm sống lẫn kỹ năng học ngoại ngữ.
Theo dân trí
Phú "chân ngắn" tiến bước dài trên giảng đường Thành tích ấy dường như tương phản với chiều cao chỉ nhỉch hơn 1 m, nặng chưa đầy 36 kg của Nguyễn Lương An Phú (sinh 1987, học lớp 05T1, khoa Công nghệ thông tin, ĐH Bách khoa Đà Nẵng). Vì vậy, dù chưa đầy 3 tháng nữa sẽ là tân kĩ sư nhưng Phú trông không khác nào một cậu học trò...