Trung Quốc xử lý các cán bộ ‘nằm yên’
Sau khi chỉ trích xu hướng “ nằm yên” trong giới trẻ, truyền thông Trung Quốc từ tháng 1/2022 đã hướng đến chỉ trích thái độ tương tự xuất hiện trong bộ phận quan chức của nước này.
Tiểu phẩm chỉ trích cán bộ “nằm yên” được trình chiếu trên Gala cuối năm của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Ảnh: SCMP
Khái niệm về “tang ping” (nằm thẳng, nằm yên) đã phổ biến tại Trung Quốc vào năm 2021. Cụm từ miêu tả thế hệ thanh niên sinh vào cuối những năm 1990 và những năm 2000 cảm thấy thấy thất vọng và quyết định không phấn đấu vì tương lai. Họ không muốn đi theo con đường phải chăm chỉ, sở hữu nhà, kết hôn… và nhiều tiêu chuẩn khác của các thế hệ trước.
Từ cuối tháng 1, truyền thông Trung Quốc đã đăng nhiều nội dung chỉ trích thái độ “nằm yên” tương tự với bộ phận cán bộ nhà nước. Cùng thời điểm, tổ chức Đảng chính quyền địa phương đã đề nghị các cán bộ “tăng sinh khí” cho tinh thần làm việc.
Một tiểu phẩm về quan chức lười biếng miễn cưỡng sửa chiếc hố xuất hiện giữa hai quận đã được trình chiếu trên Gala cuối năm của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào 21/1. Một bài bình luận trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) vào ngày 22/1 có đoạn: “Tác động từ các cán bộ nằm yên đối với xã hội là rất rõ ràng. Hành vi của họ làm đình trệ sự phát triển của Đảng và đất nước, gây hại cho người dân”. CCDI cam kết cương quyết xử lý những cán bộ như vậy.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết trong 2 năm qua, nhiều công chức Trung Quốc đã lên mạng xã hội phàn nàn về việc giảm lương khiến họ gặp khó khăn trong cuộc sống.
Video đang HOT
Ngày 6/12, sau cuộc họp bàn công tác kinh tế năm 2023, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố: “Chúng ta phải đảm bảo rằng các quan chức và doanh nghiệp tự ra quyết định trong khi nhà chức trách địa phương và người dân dám đi tiên phong”.
Nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã tìm đến các chiến dịch để khôi phục lại tinh thần cho các cán bộ. Thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô vào ngày 26/1 cam kết tạo thêm khuyến khích đối với những cán bộ “đạt được đột phá trong các dự án công nghiệp then chốt và dự án đầu tư nước ngoài lớn”.
Trong khi đó thành phố Lệ Thủy, tỉnh Chiết Giang đã điểm danh một loạt các quan chức được coi là đã “nằm yên”. Cấp trên gọi họ lên sân khấu và trao cờ vàng in dòng chữ “Đừng là người trốn việc, hãy là một chiến binh”.
Tổ chức Đảng tại thành phố Thai Châu, Chiết Giang cũng lên kế hoạch nêu tên và đánh giá những đơn vị và cán bộ lười biếng. Những người bị nêu danh có thể chịu hình phạt như cho nghỉ việc hoặc mất cơ hội được thăng tiến trong tương lai.
Quan tham Trung Quốc sa chân vì mê đắm rượu Mao Đài cực phẩm
Dương Vệ Trạch là người có năng lực, khi ông này từng là một trong những cán bộ cốt cán trẻ nhất tỉnh Giang Tô, Trung Quốc lúc mới 36 tuổi.
Tập thứ ba của phim tài liệu "Vĩnh viễn trên con đường" được phát sóng trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã hé lộ quá trình tự sa ngã khi nắm nhiều quyền lực trong tay của cựu Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch.
Theo thông tin được Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) công bố, Dương Vệ Trạch là người có năng lực, khi ông này từng là một trong những cán bộ cốt cán trẻ nhất tỉnh Giang Tô lúc chỉ mới 36 tuổi. Tới năm 44 tuổi, Dương trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy trẻ nhất Trung Quốc, đồng thời nắm giữ một số chức vụ quan trọng như Phó Bí thư Thành ủy Tô Châu kiêm Bí thư Thành ủy Vô Tích. Đến năm 2011, tức lúc 49 tuổi, Dương được đề bạt làm Bí thư Thành ủy Nam Kinh.
Cựu Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch. Ảnh: CCTV
Kể từ khi nắm những chức vụ quan trọng trên, Dương đã trở thành một mục tiêu được nhiều doanh nghiệp ở Giang Tô săn đón, và ông này thường được mời tới những bữa tiệc hào nhoáng.
"Có thể nói rằng đối với những bữa tiệc hào nhoáng và đắt đỏ như vậy, ban đầu tôi cảm thấy rất phản cảm. Tôi không thích ăn những món đắt tiền như vi cá mập hay bào ngư, ngay cả rượu tôi cũng không thích uống. Dịp năm hết Tết đến, tôi ở nhà cũng không đụng tới một giọt rượu. Việc bản thân không uống rượu đã trở thành một thói quen, thậm chí khi tôi mời người khác đi ăn cơm, bản thân lại không uống rượu khiến họ tưởng rằng mình thiếu nhiệt tình", Dương nói.
"Về sau khi được các doanh nhân mời đi dự tiệc, tôi cảm thấy việc mình không uống rượu cũng không hay cho lắm. Thế là bản thân tự hình thành thói quen thích uống rượu, mà lại chỉ uống loại rượu Mao Đài được ủ lâu năm", Dương thú nhận.
Vậy là từ niềm yêu thích uống rượu Mao Đài, vị quan chức này dần sa ngã vào con đường tham nhũng. Dương từ việc đồng ý tới những bữa tiệc xa hoa được các doanh nhân giàu có tổ chức, dần nhận những món quà có giá trị và tiền mặt của họ. Đổi lại, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Giang Tô sẽ sắp xếp cho những doanh nghiệp thân cận với mình những hợp đồng, hạng mục dự án quan trọng ở tỉnh này, trực tiếp dùng quyền lực của bản thân để đổi lấy tiền bạc.
"Ý nghĩ ban đầu của tôi là không thể nhúng chàm, tức không được nhận hối lộ. Về sau, khi tôi nhận những đồ vật đắt tiền và thiết lập quan hệ giữa người với người, bất luận đó là mối quan hệ với nhiều cán bộ khác hay với các doanh nghiệp, thì mình không thể từ chối gặp khi họ đã tới tận cửa nhà được. Cuối cùng, tôi rơi vào tình trạng 'không thể nhận không' những món quà của họ, và mọi việc vượt tầm kiểm soát của bản thân", Dương thừa nhận.
Cựu Bí thư Thành ủy Nam Kinh Dương Vệ Trạch đứng trước vành móng ngựa. Ảnh: Tòa án thành phố Ninh Ba
Theo thông tin được CCDI công bố, Dương vào tháng 7/2015 bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau đó, Dương bị kết án tù vì tội nhận hối lộ.
COVID-19 tới 6 giờ sáng 1/3: Thế giới xấp xỉ 6 triệu ca tử vong; Dự báo mới về đại dịch hậu Omicron Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.104.884 trường hợp mắc COVID-19 và 4.026 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 436 triệu ca, trong đó trên 5,97 triệu người không qua khỏi. Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 11/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN Theo số liệu...