Trung Quốc và Peru cân nhắc xây dựng đường sắt xuyên lục địa
Trung Quốc và Peru đồng ý nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng đường sắt xuyên lục địa dài 5.300 km, nối bờ Thái Bình Dương của Peru với bờ Đại Tây Dương của Brazil.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) bắt tay Tổng thống Peru Ollanta Humala. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận về dự án đường sắt được đưa ra khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Peru, chặng dừng chân thứ 3 trong chuyến công du Nam Mỹ. Brazil và Trung Quốc hồi đầu tuần cũng nhất trí nghiên cứu tính khả khi của dự án này.
Theo Xinhua, tuyến đường sắt sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển ngũ cốc và khoáng sản từ Mỹ-Latinh sang châu Á. Tổng thống Peru Ollanta Humala nói rằng sự tham gia của Trung Quốc trong dự án là “không thể thiếu được”.
Ngoài bàn bạc dự án đường sắt, hai nước còn ký kết thỏa thuận hợp tác về công nghiệp, năng lượng, khai thác mỏ, cơ sở hạ tầng, kiểm dịch, chăm sóc y tế và hàng không vũ trụ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng một cam kết khoản đầu tư 250 tỷ USD vào khu vực Mỹ La-tinh trong 10 năm tới, động thái được cho là nhằm nhằm tăng cường sự ảnh hưởng của quốc gia đang khát năng lượng này tại khu vực Mỹ vốn thống trị từ lâu.
Video đang HOT
Phương Vũ
Theo VNE
Hướng tới "quyền lực mềm"
Mang theo những thỏa thuận thương mại lớn cùng hơn 120 doanh nhân tháp tùng, chuyến công du (từ ngày 18 đến 26-5) của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới 4 nước Mỹ Latinh (Brazil, Colombia, Peru và Chile) không ngoài tham vọng gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực giàu tiềm năng này.
Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ Latinh vào năm 2030. Do vậy, chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường tới 4 quốc gia nêu trên không gì khác ngoài làm đậm thêm dấu ấn Trung Hoa tại khu vực sau các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Trung Quốc trong những năm gần đây. Riêng Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Mỹ Latinh hai lần liên tiếp. Chuyến thăm thứ nhất diễn ra vào tháng 6-2013, tới các nước Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico. Chuyến thứ hai diễn ra vào tháng 7-2014 gồm: Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Brazil trong chuyến công du 4 nước Mỹ Latinh
Đầu năm nay, Diễn đàn Trung Quốc - Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Tại diễn đàn, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo trong 10 năm tới, Bắc Kinh sẽ đầu tư 250 tỷ USD vào khu vực này; đồng thời đặt mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD.
Nếu so sánh sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ Latinh trong giai đoạn 2001-2002 với lúc này, rõ ràng có sự gia tăng đáng kể. Thương mại tăng theo cấp số nhân và Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất của một số quốc gia trong khu vực.
Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào Mỹ Latinh cao hơn FDI Trung Quốc ở nhiều nơi khác ngoài Châu Á. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Trung Quốc - Mỹ Latinh tăng nhanh từ 13 tỷ USD năm 2000 lên 261 tỷ USD năm 2013 (vượt cả mốc hơn 200 tỷ USD giá trị thương mại Trung Quốc - Châu Phi năm 2013), đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latinh.
Trung Quốc đã "thâm nhập" sâu rộng vào hàng loạt nước như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico, Cuba, Nicaragua, Colombia... Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên mức "đối tác chiến lược toàn diện". Với một số nước trong đó có Brazil, Bắc Kinh đã vượt Washington để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc thấy ở Mỹ Latinh nhiều thứ cần không chỉ về kinh tế mà còn cả về địa - chiến lược và chính trị.
Trước tiên là các nguồn dầu mỏ và khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đồng... đang rất cần cho "công xưởng" lớn nhất thế giới.
Thứ hai, do dân số đông mà tiềm năng nông nghiệp không quá lớn nên Trung Quốc có nhu cầu cao về nhập nông sản từ Mỹ Latinh, nơi có lợi thế to lớn về sản xuất nông nghiệp.
Quan trọng hơn, Mỹ Latinh không chỉ là nơi cung cấp nguyên, nhiên liệu mà còn là thị trường tiêu thụ quan trọng của hàng hóa "Made in China" vốn đã tràn ngập tại khu vực.
Các hiệp định tự do thương mại song phương được ký kết càng tạo điều kiện cho hàng hóa Trung Quốc tung hoành ở Nam Mỹ. Thực tế này cũng đã giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới ngay trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.
Trong chiến dịch ngoại giao đến Mỹ Latinh của Thủ tướng Lý Khắc Cường, Bắc Kinh còn quảng bá cho "Chiến lược một vành đai, một trục đường" hiện đang được ráo riết xúc tiến, đặc biệt là hướng đến xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI" từ Biển Đông tỏa đi khắp toàn cầu, kể cả Mỹ Latinh.
Về chính trị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế và hỗ trợ tài chính, Trung Quốc muốn thêm cơ may giành thiện cảm cũng như sự ủng hộ của các quốc gia Mỹ Latinh không chỉ ngay tại khu vực này mà còn tại các diễn đàn đa phương.
Trong khi đó, khách hàng Trung Quốc, công nghệ Trung Quốc và các khoản tín dụng cũng của Trung Quốc đã ít nhiều giúp Mỹ Latinh "thay da đổi thịt", bớt lệ thuộc vào Mỹ và Liên minh Châu Âu, hạn chế ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và Cựu lục địa; đồng thời tiếp cận được nhiều hơn với thị trường thế giới. Nhiều nước Mỹ Latinh nhìn nhận Trung Quốc như một cứu cánh có thể giải quyết không ít khó khăn quốc gia cũng như khu vực trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với bước chuyển lịch sử trong quan hệ Mỹ - Cuba thì Mỹ Latinh trong năm nay là điểm đến ưu tiên trong chính sách "quyền lực mềm" của quốc gia đông dân nhất thế giới. Và chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường đang diễn ra không chỉ khẳng định điều đó mà còn phát đi thông điệp về một mô hình mới trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ Latinh.
Theo Thùy Dương
Hà Nội mới
Peru "lai tạo" pháo Nga với xe tăng AMX-13 Pháp Công ty quốc phòng Disenos Casanave của Peru vừa giới thiệu mẫu pháo tự hành 122mm được kết hợp giữa lựu pháo D-30 122mm Nga và xe tăng AXM-13 Pháp. Công ty quốc phòng Disenos Casanave của Peru vừa giới thiệu mẫu pháo tự hành 122mm được kết hợp giữa lựu pháo D-30 122mm Nga và xe tăng AXM-13 Pháp. Tờ Armyrecognition đưa...