Trung Quốc trải qua tuần tồi tệ nhất vì Covid-19 sau đợt dịch ở Vũ Hán
Trung Quốc đã kết thúc tuần cuối cùng của năm 2021 với số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ở mức cao nhất trong gần 2 năm.
Người dân tại khu phong tỏa nhận đồ ăn được phân phát tại Tây An, Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm nay 1/1 thông báo, nước này đã ghi nhận 175 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong ngày 31/12/2021, nâng tổng số ca nhiễm cộng đồng có triệu chứng ở Trung Quốc trong 7 ngày qua lên 1.151 trường hợp.
Đây là mức tăng ca nhiễm cộng đồng trong một tuần cao nhất kể từ khi Trung Quốc khống chế được đợt bùng phát dịch ở thành phố Vũ Hán hồi đầu năm 2020.
Đợt dịch lần này tại Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ thành phố Tây An, trung tâm công nghệ và công nghiệp với 13 triệu dân ở tây bắc Trung Quốc.
Ổ dịch ở Tây An có thể thúc đẩy các nhà chức trách siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch khi số ca nhiễm tăng lên. Tính đến hôm nay, Tây An đã bị phong tỏa 10 ngày, ghi nhận 1.451 ca nhiễm có triệu chứng kể từ ngày 9/12, cao hơn mọi thành phố khác tại Trung Quốc trong năm 2021.
Video đang HOT
Các thành phố lân cận cũng ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến ổ dịch ở Tây An. Diên An, nơi cách Tây An khoảng 300 km, tuần này đã đóng cửa các cơ sở kinh doanh và yêu cầu hàng trăm nghìn người tại một quận phải ở trong nhà.
Đợt phong tỏa ở Tây An là đợt phong tỏa mạnh nhất ở Trung Quốc kể từ sau đợt phong tỏa ở thành phố Vũ Hán, nơi ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên, vào năm 2020.
Thành phố Tây An đã thiết lập hơn 4.400 điểm lấy mẫu và triển khai hơn 100.000 người tham gia hỗ trợ đợt xét nghiệm mới nhất. Truyền hình Trung Quốc chiếu cảnh người dân đeo khẩu trang, xếp hàng chờ xét nghiệm trên các đường phố và trung tâm thể thao. Các sinh viên cũng bị cấm rời khỏi ký túc xá đại học trừ trường hợp cần thiết.
Kể từ khi phong tỏa toàn thành phố vào tuần trước, các nhà chức trách đã tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt và đưa gần 30.000 người cách ly trong khách sạn. Các nhà chức trách Tây An cũng tiến hành phun khử trùng toàn thành phố.
Người dân Tây An bị cấm lái xe và mỗi gia đình chỉ được cử một thành viên ra ngoài để mua hàng hóa 3 ngày một lần. Theo biện pháp phòng dịch mới được chính quyền Tây An công bố, không phương tiện nào được phép lưu thông trên đường, trừ các phương tiện phục vụ công tác kiểm soát dịch.
Ổ dịch ở Tây An đã cho thấy những khó khăn mà Trung Quốc phải đối mặt trong việc đưa số ca nhiễm trong nước về 0, khi virus liên tục đột biến thành các biến chủng có khả năng lây lan nhanh, kháng vaccine và lọt qua hàng rào chống dịch nghiêm ngặt. Trung Quốc đang nỗ lực dập tắt bất kỳ ổ dịch nào bùng phát nhằm chuẩn bị cho Thế vận hội mùa Đông tại Bắc Kinh vào tháng 2 năm nay.
Mức tăng tại Trung Quốc khá thấp so với số ca nhiễm tại châu Âu và Mỹ, tuy nhiên các nhà chức trách Trung Quốc vẫn áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt. Trung Quốc là thành trì cuối cùng còn theo đuổi chiến lược “Không Covid-19″ (Zero Covid), hay còn gọi là đối phó không khoan nhượng, để đưa số ca nhiễm về 0 bằng các biện pháp quyết liệt như xét nghiệm, truy vết, phong tỏa diện rộng.
Nghiên cứu từ Vũ Hán hé lộ di chứng dai dẳng của Covid-19
Một nghiên cứu thực hiện ở tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới, Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, cho thấy nhiều người từng mắc bệnh vẫn đang chịu đựng những di chứng dai dẳng dù chỉ ở thể nhẹ.
Bệnh nhân Covid-19 trong một bệnh viện dã chiến ở Vũ Hán tháng 2/2020 (Ảnh: SCMP).
SCMP đưa tin, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Frontiers in Medicine hồi đầu tuần cho thấy, gần 1/3 số bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ ở Vũ Hán hiện vẫn còn các triệu chứng dai dẳng như khó thở, mệt mỏi và đau khớp.
Cho dù quy mô của nghiên cứu khá nhỏ, chỉ có khoảng 120 bệnh nhân tham gia, nhưng nó vẫn mang tới cái nhìn sơ lược về sức khỏe của các bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh ở Trung Quốc sau một thời gian dài, đặc biệt là những người không có triệu chứng bệnh nặng.
Trung Quốc hiện chưa công bố bất cứ dữ liệu quy mô lớn nào về bệnh nhân mắc triệu chứng Covid-19 kéo dài. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet hồi tháng 8 thực hiện trên 1.200 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán cho thấy, gần một nửa trong số họ vẫn còn triệu chứng Covid-19 một năm sau khi mắc bệnh.
Nghiên cứu mới công bố hồi tuần này thực hiện trên 120 bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán từ ngày 29/1-1/4 năm ngoái. Các chuyên gia từ bệnh viện Công đoàn, Đại học Y Tongji và Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán thực hiện nghiên cứu ở nơi tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới.
Các bệnh nhân tham gia nghiên cứu được đánh giá tình trạng sức khỏe sau 314,5 ngày. Nghiên cứu cho thấy, triệu chứng khó ngủ, khó thở, mệt mỏi và đau khớp thường được ghi nhận trong quá trình theo dõi. Gần 1/3 số bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ mắc các triệu chứng này.
Hơn 56% bệnh nhân ban đầu có các triệu chứng không nghiêm trọng vẫn cho thấy những phát hiện bất thường trong phim chụp CT của họ gần một năm sau khi bị mắc bệnh, bao gồm đục thủy tinh thể, giãn phế quản, xơ hóa.
Nghiên cứu chỉ ra nhiều bệnh nhân phải chịu ảnh hưởng của việc chất lượng cuộc sống suy giảm, gồm nhiều yếu tố, bao gồm phổi bị tổn thương do nhiễm virus, bị cách ly trong thời gian dài và những nỗi lo lắng gây ra bởi đại dịch.
"Tại thời điểm theo dõi gần một năm sau khi mắc bệnh, những bệnh nhân Covid-19 sống sót vẫn tồn tại các vấn đề về sức khỏe, bao gồm các vấn đề về chức năng hô hấp, chất lượng cuộc sống, lo lắng và trầm cảm... Tiến hành theo dõi và ngăn ngừa sự tái nhiễm của SARS-CoV-2 trong nhóm này là cần thiết", các nhà nghiên cứu nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, đây chỉ là một nghiên cứu quy mô nhỏ và họ không sở hữu dữ liệu của bệnh nhân từ trước và trong khi mắc Covid-19, vậy nên tình trạng sức khỏe bất thường ghi nhận ở những bệnh nhân này có thể không chỉ do nhiễm virus SARS-CoV-2.
Covid-19 kéo dài (Long Covid) đã được Tổ chức Y tế Thế giới WHO ghi nhận là triệu chứng hậu Covid-19. Các di chứng dai dẳng ở các bệnh nhân đã hồi phục đã trở thành mối quan ngại sức khỏe trên tòa cầu.
Hồi tháng 5, Trung Quốc đã công bố hướng dẫn về phục hồi chức năng để giúp đỡ những bệnh nhân đã khỏi Covid-19 nhưng vẫn bị các triệu chứng dai dẳng ở tim và phổi, vận động cơ thể và sức khỏe tinh thần.
Mỹ quyết tìm ra nguồn gốc Covid-19 Nhà Trắng cho biết, truy tìm nguồn gốc đại dịch Covid-19 tiếp tục là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc điều tra nguồn gốc Covid-19 hồi tháng 2 (Ảnh: Reuters). "Tìm đến cùng câu trả lời về nguồn gốc đại dịch có ý nghĩa vô cùng...