Trung Quốc: Tìm giải pháp giảm áp lực thi cử
Hàng triệu HS Trung Quốc đang bắt đầu tận hưởng kỳ nghỉ hè kéo dài 2 tháng sau một năm học vất vả. Tuy nhiên, nhiều HS lại không thể có một kỳ nghỉ đúng nghĩa.
Bởi lẽ, không ít phụ huynh nước này cho biết sẽ gửi con đến các lớp học hè để có thể cải thiện khả năng, nhằm theo kịp chương trình GD cạnh tranh khốc liệt và tập trung vào thi cử.
Phụ huynh chờ ngoài cổng trường trong khi các HS Trung Quốc đang tham dự kỳ thi ĐH
Định hình lại hệ thống giáo dục…
Trước tình trạng này, chính phủ Trung Quốc tuyên bố muốn thay đổi, nhằm mang đến cho HS một kỳ nghỉ hè không có áp lực. Hãng Tân Hoa Xã đưa tin, mới đây, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành một bộ hướng dẫn mới, kêu gọi các bậc phụ huynh nên cân nhắc cho trẻ có những hoạt động tập trung nhiều hơn về GD thể chất, văn hóa và chính trị, thay vì quá chú trọng vào học kiến thức. “Theo hệ thống GD hiện nay, HS Trung Quốc bị quá tải với việc học ở trường và không có những hoạt động thể chất. Chính tình trạng này đã dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe ở trẻ em như béo phì và cận thị”, Tân Hoa Xã cho biết.
Những hướng dẫn này như một lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, với mong muốn định hình lại hệ thống GD đất nước. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập đã nhấn mạnh về sự cần thiết trong việc đào tạo một “thế hệ thanh niên có khả năng làm tròn nhiệm vụ trẻ hóa quốc gia” trong một cuộc gặp với giáo giới.
Tuy nhiên, trong khi nhiều chuyên gia bày tỏ ủng hộ ý định của dự luật này, không ít người nhận định rằng, các bài kiểm tra đã ăn sâu vào hệ thống GD Trung Quốc; đồng thời khẳng định, sự kỳ vọng của phụ huynh và những khuyến khích trước đó của các quan chức nước này sẽ bị hạ thấp. “Toàn bộ hệ thống trong chương trình khuyến khích việc học – từ GV, hiệu trưởng, đến các quan chức địa phương, cũng như người đứng đầu thành phố hoặc tỉnh – tất cả đều có mối liên kết chặt chẽ với kết quả kỳ thi”, bà Lai Man-hong, Giáo sư dự bị về chính sách GD tại ĐH Trung Văn Hương Cảng khẳng định. Ngoài ra, bà Lai cho rằng, đây là một vấn đề mang tính hệ thống.
Thay vì chỉ quan tâm tới kỳ thi đại học
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có tới hơn 150 triệu HS đang theo học hệ thống GD bắt buộc tại khoảng 220.000 trường trên cả nước. Theo Luật GD bắt buộc, HS nước này phải học ít nhất 9 năm đầu tiên, từ bậc tiểu học cho tới hết THCS. Nhiều chuyên gia nhận định, chỉ riêng số lượng HS này cũng đủ để trở thành một quốc gia có dân sống đứng thứ 9 thế giới, nhiều hơn cả Vương quốc Anh, Australia và Canada cộng lại.
Các cựu SV và chuyên gia trong ngành GD Trung Quốc cho biết, hệ thống hiện tại tập trung rất nhiều vào các bài thi, đặc biệt là “gaokao” – kỳ thi ĐH khốc liệt nhất thế giới và “zhongkao” – kỳ thi tuyển sinh vào THCS.
Dai Rouya (23 tuổi) – nữ SV vừa tốt nghiệp một trường ĐH ở Thượng Hải, cho biết, hầu hết HS THCS không quan tâm đến những môn học không ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi của họ. “Cha mẹ hoặc chính phủ đã đặt ra cho HS THCS mục tiêu là kỳ thi tuyển sinh ĐH. Các HS Trung Quốc chỉ có mối quan tâm duy nhất là thi ĐH thật tốt”, cô khẳng định.
Cũng theo nữ SV này, áp lực quá lớn đè nặng lên vai HS sẽ kéo theo những ảnh hưởng tiêu cực. “Hơn 1/2 số HS Trung Quốc cho rằng, việc thi đỗ vào các trường ĐH tốt hơn sẽ chứng tỏ họ là những người tốt hơn. Đó là một vấn đề”, cô nói thêm.
Kế hoạch được đề xuất mới đây của chính phủ Trung Quốc sẽ không loại bỏ “gaokao” hay “zhongkao”, nhưng sẽ khuyến khích các trường ngừng đưa các bài kiểm tra vào chương trình học cũng như đánh giá xếp loại, nhằm giảm áp lực cho HS. Ngoài ra, đề xuất cũng kêu gọi các bậc cha mẹ ngừng gây áp lực nặng nề lên trẻ chỉ vì mong các em đạt điểm cao trong bài kiểm tra. “Phụ huynh cần tránh có sự cạnh tranh một cách mù quáng và nên ngừng ép các con tham gia quá nhiều hoạt động ngoại khóa”, thông báo từ chính phủ cho biết.
Hướng đến giáo dục lao động
Video đang HOT
Andrew Field, Giáo sư Lịch sử Trung Quốc tại Đại học Duke Kun Sơn, khẳng định các hướng dẫn mới này gắn chặt với tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc khuyến khích đổi mới, tiến bộ trong các ngành công nghiệp Trung Quốc. Theo kế hoạch mới, GV phải tập trung vào việc “trau dồi khả năng nhận thức, thúc đẩy sự phát triển tư duy và khuyến khích ý thức đổi mới”.
Các chuyên gia nhận định, quyết định của Mỹ hạn chế bán các công nghệ quan trọng như chip máy tính cho các công ty Trung Quốc đã khiến Trung Quốc trở nên “tự lực” trong lĩnh vực này và cả các ngành khác. Chính điều đó đã dẫn đến sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển, cũng như định hình lại về cách GD trẻ em của nước này.
GS Field nhận định: “Trung Quốc đang ở thời điểm nhận ra cần phải có nhiều đổi mới hơn trong hệ thống GD, vì nước này đang chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế định hướng kỹ thuật”.
Đề xuất mới cũng tuyên bố, các cơ sở GD nước này cần chú trọng vào GD lao động và GD lòng yêu nước ở trẻ. Về GD lao động, các chuyên gia cho rằng, HS sẽ hiểu rõ giá trị hơn không chỉ thông qua những bài học từ chủ nghĩa Mác, mà còn bằng việc thực hành lao động ở đồng lúa hoặc các nhà máy.
Nhiều ý kiến nhận định, việc cải cách nền GD có thể sẽ mất nhiều năm và thậm chí là nhiều thập kỷ để hiện thực hóa. GS Field khẳng định, lĩnh vực GD không phải là điều dễ dàng thực hiện chỉ trong “ngày một ngày hai”.
Theo giáo dục và thời đại
Nuôi mộng vào đại học, sĩ tử Hàn Quốc chỉ dám ngủ 4 tiếng mỗi ngày
Để chuẩn bị cho kỳ thi đại học, các sĩ tử Hàn Quốc phải hy sinh sức khỏe, sở thích và "lao đầu" vào học từ sáng sớm tới tối khuya ở những lò luyện thi.
Như bao học sinh tại xứ kim chi, Lee Hye-yoon bắt đầu kỳ nghỉ hè vào tháng 7. Nhưng đối với cô, đây không hề là quãng thời gian để nghỉ ngơi.
Thực chất, cuộc sống của Lee còn bận rộn hơn nhiều so với thời gian ở trường. Cô gái 18 tuổi phải "vùi mặt" vào chồng bài vở để chuẩn bị cho kỳ thi đại học khốc liệt vào năm học tới.
Mỗi ngày "chạy đua" học thêm của Lee bắt đầu lúc 10h và chỉ kết thúc vào 22h. Nữ sinh đăng ký học tại 3 trung tâm bồi dưỡng khác nhau, chưa kể những giờ học thêm gia sư riêng.
Thời gian rảnh rỗi vào cuối tuần dường như là khái niệm xa vời với nữ sinh cuối cấp này.
"Những người bạn của em gọi đó là cuộc chạy 'marathon' kéo dài 12 tiếng. Buổi sáng đến chiều, chúng em học trước những kiến thức của năm học tới. Khoảng thời gian từ chiếu đến tối là để dành cho học sinh có nhu cầu tham gia các lớp học nâng cao hoặc tìm cách cải thiện các môn yếu kém", Lee nói.
Trong khoảng thời gian nghỉ hè, các lò luyện thi của Hàn Quốc luôn chật cứng sĩ tử. Ảnh: Korea Times.
Theo nữ sinh, các bạn trẻ tìm đến các trung tâm luyện thi chưa hẳn là học sinh yếu kém, đơn giản là chưa đạt đến trình độ đủ để họ có thể tự tin.
"Những học sinh có thành tích nổi trội, đứng đầu lớp đều cần dành ít nhất 2 năm tại các lò luyện. Điều này đôi khi có thể không cần thiết, nhưng ai chỉ lười biếng đi một chút và không tận dụng thời gian học thêm, họ sẽ nhanh chóng bị bỏ xa", Lee đánh giá.
Zing.vn tổng hợp bài viết trên tờ Korea Times và Korea Bizwire phản ánh câu chuyện về gánh nặng thi cử ở Hàn Quốc khiến học sinh nước này không có khái niệm nghỉ ngơi. Chuyện ngủ dưới 5 tiếng một ngày trở thành việc bình thường, thậm chí phổ biến với số đông.
Học không nghỉ dù chỉ một ngày
Trước kia, học sinh Hàn Quốc bắt buộc phải làm bài tập về nhà vào kỳ nghỉ hè, đặc biệt là những em được yêu cầu học phụ đạo thêm ở trường.
Năm 2010, chính phủ nước này bãi bỏ quy định trên để giảm bớt gánh nặng học tập cho thanh thiếu niên.
Lee Hye-yoon cho biết hành động đó không đem lại kết quả tươi sáng hơn. Áp lực thi cử vẫn luôn tồn tại, thậm chí nặng nề thêm.
"Cấm nhà trường ra bài tập hè đồng nghĩa với việc học sinh đổ dồn vào các trung tâm học thêm. Em nghĩ giờ mọi bạn bè đồng trang lứa đều không có thời gian vui chơi vào kỳ nghỉ", Lee cho hay.
Kim Mi-kyung, một người mẹ có con trai đang theo học cấp 3, cho biết con mình thường không ngủ quá 5 tiếng/ngày.
"Việc học càng trở nên căng thẳng hơn khi năm học kết thúc. Ai cũng đều đi học ở trường nhưng không phải đứa trẻ nào cũng chịu hy sinh thời gian để học hè. Con trai tôi thuộc học sinh top đầu lớp nhưng vẫn có nhiều đứa trẻ có điểm số vượt trội hơn. Chúng thậm chí chỉ ngủ vỏn vẹn 3 tiếng mỗi ngày", bà Kim cho biết.
Bất chấp thành tích đáng khen của cậu con trai, bà Kim vẫn tỏ vẻ lo lắng khi nhắc đến những học sinh "không chỉ học thêm ở các lò luyện mà về nhà lại tiếp tục lao đầu vào những giờ học có gia sư kèm riêng".
Cha mẹ và trung tâm luyện thi cùng lách luật
"Học sinh lên giường đi ngủ trước 22 giờ là quá sớm, khó chấp nhận được trong bối cảnh họ sẽ đối diện với kỳ thi đại học cam go trong vòng 1-2 năm tới, kể cả những em học cấp II đang nuôi mộng bước chân vào trường cấp III danh tiếng. Cha mẹ còn thường khuyến khích các hagwon giữ học sinh ở lại lâu hơn", giáo viên dạy toán tên Lee tại một hagwon (thuật ngữ chỉ các trung tâm chuyên dạy thêm ở Hàn) ở Seoul, cho hay.
Năm 2008, giới chức Seoul cấm các cơ sở giáo dục tư nhân không được phép hoạt động sau 22h. Các giáo viên chuyên ôn luyện sĩ tử cũng chịu quy định tương tự.
Mỗi ngày của các học sinh cuối cấp ở Hàn Quốc thường bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào đêm khuya. Ảnh: Koreaboo.
Tuy nhiên, các hagwon đã chuyển giờ mở cửa sang 9h sáng. Nhiều học viện đã "lách luật" bằng cách bí mật ký hợp đồng với các quán cà phê gần đó để có thể học qua đêm.
"Các quán cà phê học tập chi trả tiền thuê mặt bằng nên khó có thể nói mô hình kinh doanh này làm trái quy định. Cảnh sát cũng cần có bằng chứng như hợp đồng ký kết giữa 2 bên để chứng minh giáo viên và học sinh vẫn tiếp tục học sau 22h mới có thể kết luận vi phạm", người đại diện của Văn phòng Giáo dục Seoul nói.
Trên thực tế, tình hình cạnh tranh giữa các trung tâm dạy thêm ở Seoul càng gay gắt, tỷ lệ thuận với mức độ đầu tư cùng sự lo lắng về việc thi cử của phụ huynh và con cái xứ Hàn.
Không chỉ ở thủ đô, hầu hết học sinh ở "đất nước củ sâm" đều chịu tình cảnh gồng gánh trên vai quá nhiều áp lực khi phải học hành nhồi nhét trong nhiều giờ liên tục.
"Các trung tâm dạy thêm lợi dụng tâm lý không thích con cái thua kém người khác của các bà mẹ. Ngay từ đầu kỳ nghỉ hè, họ đã gửi lịch học cho phụ huynh. Chương trình học thường được phóng đại mức độ khó ngay từ đầu, nên học sinh thường lo sợ và không chịu bỏ buổi học thêm nào, ngay cả khi đang trong thời gian nghỉ ngơi", giáo viên Lee đánh giá.
Mệt mỏi bủa vây
Cứ 4 học sinh Hàn Quốc lại có một em không đủ thời gian rảnh để nghỉ ngơi, giải trí, theo báo cáo của tổ chức ChildFund Korea.
Kết quả trên được đưa ra từ cuộc khảo sát hơn 6.400 học sinh, tuổi 10 đến 18, dựa trên 4 yếu tố: thời gian dành cho giấc ngủ, học tập, tập thể dục và sử dụng mạng xã hội.
Kết quả cho ra tỷ lệ: Chỉ có 1/100 số người được hỏi có có khả năng cân bằng cả hai khía cạnh học tập và vui chơi.
Trong đó, 46,4% học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học, 40,4% thường xuyên trong tình trạng thiếu ngủ, 74,2% không tập thể dục đủ, trong khi 62,2% sử dụng mạng xã hội nhiều hơn mức khuyến cáo.
Các quan chức và chuyên gia giáo dục từng nhiều lần chỉ trích thực trạng sức mạnh thể chất đi xuống của thế hệ thanh niên Hàn Quốc và lối giảng dạy rập khuôn, tẻ nhạt vẫn tồn tại lâu năm tại quốc gia này.
Để chuẩn bị thi đại học, việc ngủ 3 tiếng mỗi ngày của học sinh được coi là chuyện bình thường. Ảnh: Koreaboo.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra 32,3 % học sinh trung học Hàn Quốc thường xuyên ngủ gật trong lớp. Nguyên nhân chính đến từ việc học sinh thường kết thúc ngày học vào tối khuya và không đủ tỉnh táo vào sáng hôm sau.
"Học sinh của chúng tôi không thể tỉnh táo trong giờ học", giáo viên tại một trường ngoại ngữ ở Suwon (tỉnh Gyeonggi) cho biết.
Theo Zing
Trọng bằng cấp, người trẻ Hàn mắc kẹt trong 'vòng xoáy' thi cử Kỳ thi đại học khốc liệt không phải là "cuộc chiến" duy nhất mà người trẻ Hàn cần "chiến thắng" để có tương lai rộng mở. Ngược lại, áp lực học hành, thi cử càng gay gắt hơn. "Ngày nào tôi cũng học không ngừng, ngồi vào bàn lúc 9h sáng và chỉ dừng lại vào 1h sáng hôm sau" - Lee Jin-hyeong,...