Trung Quốc thiết kế siêu vũ khí điện từ có thể vươn tới Guam
Chuyên gia Trung Quốc thiết kế một loại vũ khí siêu vượt âm tầm bắn 3.000 km, có thể bay tới Guam và tạo sóng xung điện từ hủy diệt.
Nhóm chuyên gia tại Học viện Công nghệ Bệ phóng di động Trung Quốc ở Bắc Kinh nêu ý tưởng phát triển một loại vũ khí siêu vượt âm có thể tạo xung điện từ với tầm bắn 3.000 km, tương đương khoảng cách từ bờ biển phía đông Trung Quốc tới đảo Guam của Mỹ.
Mẫu vũ khí siêu vượt âm này có thể đạt tốc độ tối đa Mach 6 (nhanh gấp 6 lần vận tốc âm thanh) và hoàn thành quãng đường 3.000 km trong 25 phút. Khi tới nơi, nó sẽ tạo xung điện từ cường độ cao có khả năng phá hủy toàn bộ hệ thống liên lạc và lưới điện trong vùng ảnh hưởng, song không đe dọa sinh mạng con người.
“Sóng điện từ cực mạnh sẽ đốt cháy các thiết bị điện tử quan trọng thuộc mạng lưới thông tin của đối phương trong bán kính hai km”, chuyên gia Sun Zheng và các đồng nghiệp cho biết trong bài viết được đăng trên tạp chí Công nghệ Tên lửa Chiến thuật xuất bản trong tháng 9.
Khí tài có thể là tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong một cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc ngày 2/1. Ảnh: CCTV .
Không giống tên lửa đạn đạo, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm sẽ bay trong khí quyển để né các hệ thống cánh bảo sớm trong không gian, đồng thời có công nghệ tàng hình chủ động để tránh bị radar phát hiện.
Nhóm nghiên cứu nhận định các loại vũ khí xung điện từ sơ khai dùng đầu đạn hạt nhân để tạo ra sóng xung điện, song điều này hạn chế ứng dụng của chúng. Vũ khí xung điện từ siêu vượt âm sẽ mang đầu đạn nổ thông thường thay vì hạt nhân.
Khi đầu đạn kích nổ, xung lực sẽ nén một nam châm tích điện được gọi là “máy phát điện nén từ thông”, có vai trò chuyển đổi năng lượng từ vụ nổ thành các đợt sóng xung điện ngắn cực mạnh.
Video đang HOT
Một số nước từng phát triển bom xung điện từ dùng đầu đạn thông thường, nhưng chúng thường nặng và cồng kềnh do phải có đủ pin để tích trữ năng lượng cho đợt phát sóng xung điện. Loại bom này thường được thả từ máy bay.
Các nhà nghiên cứu Mỹ cho biết không quân nước này năm 2017 từng cân nhắc sử dụng một tên lửa hành trình lớn mang đầu đạn xung điện từ để làm tê liệt các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này không được triển khai, một phần do Mỹ lo ngại Triều Tiên có thể phát hiện tên lửa đang bay tới và tung đòn trả đũa hạt nhân.
Nhóm của Sun cho hay vũ khí xung điện từ siêu vượt âm có lợi thế là đối phương không thể phát hiện nó trên đường bay. Khi một vật thể di chuyển với vận tốc cao trong khí quyển, các phân tử không khí bị nhiệt độ cao ion hóa và tạo thành lớp plasma mỏng trên bề mặt vật thể. Lớp plasma này có thể hấp thụ được phần nào tín hiệu radar, giúp tên lửa trở nên tàng hình.
Để đạt được khả năng tàng hình toàn diện, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm do nhóm nghiên cứu của Sun thiết kế sẽ chuyển đổi nhiệt độ bên ngoài, thường hơn 1.000C, thành điện năng để cung cấp năng lượng cho các máy phát plasma ở những khu vực khác nhau trong thân tên lửa.
Tên lửa siêu vượt âm DF-17 trong lễ duyệt binh tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, tháng 10/2019. Ảnh: PLA .
Một chuyên gia trong lĩnh vực siêu vượt âm ở Nam Kinh cho biết ý tưởng này có thể khả thi, do công nghệ chuyển đổi nhiệt để tạo plasma được ứng dụng cho việc giảm lực cản hoặc kiểm soát đường bay cho các phương tiện siêu vượt âm.
Nhóm nghiên cứu của Sun cho biết để có trọng lượng nhẹ nhằm đạt khả năng di chuyển với vận tốc siêu vượt âm, vũ khí xung điện từ do họ thiết kế sẽ không mang bất cứ loại pin nào. Thay vào đó, vũ khí sẽ sử dụng siêu tụ điện với khả năng tích tụ năng lượng gấp 20 lần so với pin. Các tụ điện này sẽ được sạc khi vũ khí đang bay bằng máy chuyển đổi nhiệt thành điện.
“Siêu tụ điện có thể giải phóng 95% năng lượng trong 10 giây, phù hợp với việc phóng điện tức thời để gây thiệt hại bằng xung điện từ”, nhóm nghiên cứu cho biết. “Vũ khí xung điện từ tàng hình chủ động chủ yếu vận hành trên cơ sở tái tạo năng lượng và phù hợp với xu thế phát triển hiện tại của chiến tranh chớp nhoáng, đối đầu mạnh và hủy hoại toàn phần hệ thống thông tin đối phương”.
Vũ khí xung điện từ siêu vượt âm vẫn còn ở giai đoạn khái niệm. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia của Sun tin rằng với các thiết bị và công nghệ thử nghiệm liên tục xuất hiện, vũ khí xung điện từ siêu vượt âm có thể đóng vai trò cơ bản trong các hệ thống vũ khí thế hệ tiếp theo của Trung Quốc.
Tiết lộ mạng lưới căn cứ quân sự "khủng" của Mỹ tại 80 quốc gia
Trang EurAsian Times cho rằng, với việc đặt căn cứ quân sự tại 80 quốc gia, Mỹ hoàn toàn lấn át Trung Quốc trong triển khai sức mạnh ở nước ngoài.
Các máy bay tại căn cứ Andersen của Mỹ trên đảo Guam (Ảnh: Reuters).
Việc Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan vào ngày 31/8 đã chính thức đánh dấu chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập niên của Mỹ tại quốc gia này.
Lầu Năm Góc cho biết, 800.000 lính Mỹ đã phục vụ trong "cuộc chiến chống khủng bố" ở Afghanistan. Lúc cao điểm vào năm 2011, có 100.000 lính Mỹ hoạt động tại 10 căn cứ quân sự, trải dài từ căn cứ không quân Bagram đến Kandahar.
Theo giáo sư David Vine tại Đại học Mỹ ở thủ đô Washington, quân đội Mỹ hiện có hơn 750 căn cứ ở nước ngoài trải rộng tại 80 quốc gia trên khắp thế giới.
Thực tế là sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có ý định đóng cửa một số căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu. Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã đi đầu trong chính sách đóng cửa dần dần các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Ngay cả chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã đóng cửa hàng trăm căn cứ ở nước ngoài. Vào năm 2012, chính quyền của ông Barack Obama đã triệu hồi hai lữ đoàn quân đội từ Đức, nhưng quyết định nhanh chóng bị đảo ngược sau khi bán đảo Crimea sáp nhập với Nga. Vào đầu năm nay, trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump cũng đề xuất rút 12.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ điều này.
Giờ đây, với việc quân đội Mỹ đã rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, giới phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiếp tục nỗ lực hạn chế số lượng các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Nhưng chính quyền ông Biden gần đây đã tuyên bố, các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với kẻ thù bằng cách thực hiện các cuộc không kích thông qua mạng lưới các căn cứ quân sự rộng lớn của Mỹ.
Nhật Bản, quốc gia láng giềng của Trung Quốc, là nơi Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự/cơ sở quốc phòng nhất. Hơn 53.000 lính Mỹ đồn trú tại 120 căn cứ quân sự ở quốc gia châu Á này.
Chỉ riêng đảo Okinawa đã chiếm 62% tổng số căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và bao phủ 25% toàn bộ hòn đảo. Trong số này có các căn cứ quân sự lớn như Futenma, Kadena, Hansen, Torii, Schwab, Foster và Kinser.
Tại Hàn Quốc, Mỹ có một số cơ sở quân sự nổi bật gồm trại Humphreys, nằm ở Pyeongtaek, phía nam Seoul; căn cứ Yongsan ở trung tâm Seoul, trại Walker ở phía đông nam thành phố Daegu, và hai căn cứ không quân ở Osan và Gunsan, phía nam Seoul.
Đức có 119 căn cứ quân sự của Mỹ, có khoảng 33.900 lính Mỹ. Căn cứ Không quân Ramstein mang tính biểu tượng ở Rhineland-Palatinate là một cơ sở quốc phòng đặc biệt chiến lược của Mỹ ở tại quốc gia châu Âu này, là nơi đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ở Pakistan, Yemen, Afghanistan và Somalia.
Các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có tầm quan trọng đặc biệt trong khuôn khổ chiến lược mới của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong số hơn 750 căn cứ, căn cứ tại Vịnh Guantanamo là một trong những cơ sở quân sự gây tranh cãi nhất của Mỹ sau vụ 11/9. Còn được gọi là "Gitmo", cơ sở này trước đây được xem như một trạm liên hợp hải quân và sau đó tiếp tục được sử dụng như một trung tâm hậu cần chính cho các tàu hải quân của Mỹ triển khai ở Caribê. Nó cũng đóng vai trò trung tâm chiến lược cho các hoạt động chống ma túy và các hoạt động ngăn chặn dòng người di cư.
Những thách thức pháp lý của Gitmo nảy sinh từ thực tế là nó do là căn cứ do Mỹ kiểm soát nhưng không nằm trên đất Mỹ. Nó cũng gây tranh cãi quanh việc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các nhân viên tình báo quân đội sử dụng các hình thức tra tấn để thu thập thông tin các tù nhân bị giam giữ ở đây.
Đã có những lời kêu gọi đóng cửa vĩnh viễn Gitmo kể từ những năm 2000, nhưng các chính quyền liên tiếp của Mỹ đã từ chối. Giờ đây, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá quan trọng về căn cứ này và có thể sẽ sớm đưa ra kế hoạch đóng cửa Gitmo.
Trong khi đó, Trung Quốc chỉ vận hành một căn cứ quân sự ở Djibouti. Tuy nhiên, căn cứ này được tin là đủ lớn để hỗ trợ các tàu sân bay, động thái khiến Washington lo ngại.
Mỹ tính xây căn cứ quân sự mới giữa Thái Bình Dương phòng ngừa xung đột với Trung Quốc Bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự mới ở Thái Bình Dương, Mỹ có thể tiếp cận với các địa điểm mới để dễ bề ứng phó trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với Trung Quốc. Một góc căn cứ không quân Andersen của Mỹ tại đảo Guam Ảnh: Stripes. Thách thức đối với kế hoạch xây dựng...